Thơ Hay

” Áo đỏ em đi giữa phố đông ” – Câu thơ nổi bật của thi sĩ Vũ Quần Phương

Áo đỏ em đi giữa phố đông là một câu thơ đặc sắc trong bài thơ Áo đỏ của nhà thơ Vũ Quần Phương. Ông là một nhà thơ lớn của nước ta với một kho tàng thơ giá trị được người đời ca tụng. Phong cách thơ ông đậm chất trữ tình ngọt ngào sâu lắm cùng những nỗi tâm sự về cuộc đời trở nên gần gũi với bạn đọc

Mời bạn đọc đón xem bài thơ hấp dẫn Áo Đỏ ngay bây giờ!

Áo đỏ em đi giữa phố đông
Cây xanh như cũng ánh theo hồng.
Em đi lửa cháy trong bao mắt
Anh đứng thành tro em biết không?

Kể từ khi ra đời đến nay, đã hơn bốn mươi năm trôi qua, bài thơ Áo đỏ (1973) của nhà thơ Vũ Quần Phương vẫn chiếm được niềm yêu của nhiều thế hệ thanh niên, nhất là các bạn thanh niên, sinh viên các trường đại học. Thể theo nguyện vọng sinh viên của khoa, tôi đã mời tác giả của bài thơ này về Khoa Ngữ văn Trường Đại học Hải Phòng giao lưu Thơ. Cùng đi hôm ấy có nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Vẫn biết bài thơ Áo đỏ đã được nhiều người thuộc lòng, ghi chép vào sổ tay và cũng đã có rất nhiều trang bình luận, phân tích bài thơ đăng in trên sách báo. Nhưng có lẽ cái “duyên” của bài thơ này dường như vẫn còn dài và nó còn có sức lôi kéo người đọc, người nghe thêm mãi nữa…Đây là niềm hạnh phúc và là phần thưởng cao quý đối với lao động nghệ thuật của một nhà thơ! Với Áo đỏ, nhà thơ Vũ Quần Phương đã có được điều đó.

Vẫn chất giọng trầm nặng của người dân xứ biển Hải Hậu – Nam Định quê hương của ông, (dù ông đã xa quê, sống ở Hà Nội khá lâu rồi!), ông đọc chầm chậm, nhỏ nhẹ bài thơ này. Có lẽ, trở lại với chiều sâu từ trong cảm xúc khi rung cảm để sáng tạo bài thơ và cả từ sự đồng cảm nhận của người nghe nữa, nên ai nấy đều vỡ òa niềm vui sau khi nghe ông đọc hết câu cuối của bài thơ:

” Áo đỏ em đi giữa phố đông,

Cây xanh như cũng ánh theo hồng.

Em đi lửa cháy trong bao mắt,

Anh đứng thành tro em biết không? ”

Bài thơ này được tác giả viết theo thể thơ bốn câu (tứ tuyệt), mỗi câu bảy tiếng, mô phỏng luật trắc, vần bằng, ít nhiều có sắc thái cổ thi, trang trọng, nhưng cũng rất…hiện đại. Tứ tuyệt là thể thơ khó làm. Thơ tứ tuyệt chứa đựng “năng lượng trí tuệ” cao, cấu tứ chặt chẽ và nhất là phải giàu chất hình tượng thơ. Do có tính chặt chẽ trong kết cấu, tính hàm xúc của ngôn từ, tính hàm ngôn trong ý tứ của tổng thể toàn bài thơ, “ý tại, ngôn ngoại” như vậy… nên tự nó đã đặt ra yêu cầu nghiêm nhặt đối với người sáng tác. Bài thơ này đã thể hiện sự hài hòa giữa vẻ đẹp của hình thức thơ mang dáng dấp của thơ cổ điển với nội dung thơ mang hơi thở của cuộc sống hiện đại.

Theo nhà thơ Vũ Quần Phương kể, bài thơ Áo đỏ vụt đến trong một lần nhà thơ đang ngồi đợi cắt tóc ở phố Khâm Thiên, Hà Nội. Bấy giờ, sau trận bom rải thảm của B.52 Mỹ ném xuống con phố này vào tháng 12 năm 1972, cả phố bị tan hoang đổ nát. Đầu năm 1973, dân phố về sửa lại nhà để ở, mái nhà toàn lợp tạm bằng vật liệu “giấy dầu”, trông ảm đạm lắm! Bỗng từ xa, có một cô gái mặc áo đỏ đạp xe đi qua. Sự xuất hiện “bất ngờ” của cô gái áo đỏ ấy làm nhiều người rất vui và dõi ánh mắt nhìn theo. Cả con phố lúc ấy như “bừng sáng”! Có người đang đạp xe qua còn ngoái lại nhìn cô gái cùng với màu áo đỏ tươi rực rỡ ấy…

Câu mở đầu bài thơ (đối với “tứ tuyệt” thường được gọi là câu khai), dường như chỉ là “tả” sự xuất hiện của cô gái đạp xe trên con phố. Nếu bình thường, không biết hoàn cảnh ra đời của bài thơ như trên thì có lẽ…cũng chẳng mấy ai để ý gì. Nhưng mới ở vào thời kỳ sau chiến tranh tàn phá, đất nước còn nhiều khó khăn về vật chất, các cô gái “diện” lắm cũng chỉ mặc đến chiếc áo màu lòng tôm hay áo màu xanh thôi. Sự xuất hiện của cô gái mặc áo đỏ trong cái không gian trưa ấy quả là đã đem đến một sự khác lạ!

” Áo đỏ em đi giữa phố đông ”

Thế nên, câu thơ này cho thấy dù đi giữa phố đông nhưng cái màu áo đỏ của em vẫn nổi lên như một tâm điểm, có sức thu hút ánh mắt bao người. Đằng sau câu thơ mở đầu này không dừng ở sự “tả” nữa, mà dường như ẩn trong câu thơ còn có thêm một chút ngạc nhiên đến… ngỡ ngàng của người trong phố. Màu áo đỏ không phải ngẫu nhiên xuất hiện ngay ở vị trí mở đầu dòng thơ, mà có lẽ nó đã thể hiện rõ cái hình ảnh đầu tiên tạo nên ấn tượng mạnh nhất đến với cảm nhận của nhà thơ chính là cái màu áo đỏ tươi rực rỡ ấy. Đúng rồi! chiến tranh giờ đây đã đi qua, không khí của hòa bình đã đến. Cuộc sống đã đổi thay. Tín hiệu yên bình đã hiện lên trong sắc màu áo đỏ. Sự xuất hiện bất ngờ của cô gái đã đem đến cho con phố này một niềm vui. Mà không chỉ là niềm vui đến với mỗi con người. Thiên nhiên nơi đây cũng bừng lên sắc hồng theo bóng áo đỏ của người con gái ấy! Câu thơ tiếp theo (câu thừa) ý thơ mở rộng ra đến không gian. Cây xanh cũng ánh lên cái sắc hồng từ màu áo đỏ tươi của cô gái, tạo nên một khung cảnh đẹp rực rỡ, sống động:

” Cây xanh như cũng ánh theo hồng ”

Sắc áo đỏ của cô gái ánh lên đã nhuộm hồng cho cây xanh bên đường. Màu đỏ của áo và màu hồng của cây xanhtuy cùng nằm chung một gam màu, nhưng mức độ đậm nhạt thì có khác nhau. Cây xanh chỉ phơn phớt sắc hồng từ màu áo đỏ. Tác giả cảm nhận thật chính xác và tinh tế! Thiên nhiên, không gian nơi đây như đang được thay màu áo mới: màu đỏ, màu hồng rực rỡ, ấm áp xua đi cái màu đen ảm đạm, xám lạnh của những mái nhà lợp “giấy dầu” trên con phố tan hoang. Hai dòng thơ với ba tính từ chỉ màu sắc: đỏ, xanh, hồng trải đều từ đầu dòng thơ thứ nhất đến đầu dòng thơ thứ hai rồi đến cuối dòng thơ thứ hai, tạo nên một sự hài hòa đến tuyệt vời của sắc màu trong không gian. Không rõ nhà thơ có chủ ý “sắp đặt” các sắc màu hài hòa đến như thế không, hay chỉ là một sự ngẫu nhiên của ngôn từ “ùa” vào thơ? Thực ra, trong sáng tạo thơ, khi nhà thơ đã đạt đến độ chín giữa hiện thực và cảm xúc thì tự nó đã làm cho tác giả “quên chữ…quên câu” (tên một tập thơ của tác giả Vũ Quần Phương). Người ta đã từng nói đến sự dụng công đến diệu kỳ của thi sĩ Tản Đà trong bốn dòng thơ đầu của bài thơ Thề non nước, khi ông đặt các từ non và nước ở các vị trí đầu dòng thơ, rồi giữa dòng thơ và ở cuối dòng thơ!.

Cái màu áo đỏ như lửa của cô gái ấy có sức lan tỏa đến mãnh liệt làm sao! Từ một ngọn lửa đỏ áo em, giờ đây đã nhân lên thành những ngọn lửa trong ánh mắt của bao người:

” Em đi lửa cháy trong bao mắt ”

Dòng thơ thứ ba, trong cấu trúc của thơ tứ tuyệt là câu chuyển. Ở câu thơ này, ý thơ cũng đã chuyển sang hướng mới, mức độ cao hơn. Màu áo đỏ rực rỡ kia đã tạo nên thành màu lửa, cháy trong ánh mắt nhìn theo của bao người trong phố. Cái màu áo đỏ ấy đã mang đến nơi đây bao nhiêu niềm vui, niềm hy vọng của cuộc sống mới đang dần hồi sinh…

Nhà thơ Vũ Quần Phương bộc lộ, ban đầu ông chỉ muốn mượn màu áo đỏ và hình ảnh cô gái kia để nói về cuộc sống đã đổi thay sau chiến tranh, không có ý định làm một bài thơ tình. Và nếu quả như vậy thì đến đây, có thể nói ý thơ của toàn bài đã làm tròn “nhiệm vụ” của nó. Nhưng, vẫn theo nhà thơ, chẳng biết chữ nghĩa nó dẫn dắt thế nào mà sang câu cuối, nhà thơ đã “thi tình hóa” cái ý ban đầu:

” Anh đứng thành tro, em biết không?”

Câu kết (câu hợp) trong thơ tứ tuyệt có chức năng “đóng” lại tứ thơ, khép lại nội dung toàn bài. Tuy nhiên, với những thi nhân “cao tay”, câu kết thường tạo dư ba, “đóng” mà vẫn “mở”. Đọc dòng kết bài thơ Áo đỏ của Vũ Quần Phương nhiều người cũng có cảm giác đến… ngỡ ngàng, như khi tác giả nhìn thấy màu áo đỏ của cô gái trên đường phố Khâm Thiên! “Ngỡ ngàng” bởi cái hình ảnh đứng thành tro của nhà thơ trước cái màu áo đỏ rực rỡ như lửa đã nhuộm hồng cây xanh, nhuộm đỏ ánh mắt bao người và ánh mắt anh!

Cái “tôi” nghệ sĩ của nhà thơ Vũ Quần Phương thật táo bạo và mãnh liệt và… đa tình! Nhà thơ sững sờ đứng nhìn theo bóng áo đỏ với bao luyến tiếc, để rồi cảm thấy như toàn thân mình tan biến, bùng cháy… đến thành tro. Nhưng ngẫm cho kỹ, câu thơ thể hiện cảm xúc mãnh liệt là vậy mà vẫn có một mức độ tỉnh táo nhất định của người viết. Câu hỏi: em biết không? kết thúc bài thơ chính đã cho thấy điều này. Điều thú vị là ở dòng thơ 3 và 4 có một tiểu đối giữa hai dòng: Em đi lửa cháy…/ Anh đứng thành tro… Em đi đến đâu, ánh mắt của “thiên hạ” cháy theo đến đấy. Còn anh, ánh mắt chạm vào em, anh thành bất động, cứ đứng nguyên mà cháy, cháy không thấy lửa mà thành trotoàn thân! Trong một lần trò chuyện với người viết bài này, nhà thơ bộc lộ ý nghĩ của mình như sau: “Cái mẽ ngoài nguyên vẹn thế mà đụng vào thành bụi cả rồi. Ý thơ hài hước, ca ngợi cô gái, nhưng lại kèm cái “nháy mắt” với xung quanh. Sắc thái hóm hỉnh ấy nghĩ cũng cần cho tư thế của anh con trai. Anh dùng những lời có cánh nhưng cũng biết cái sự “xa xỉ” của mình. Cô gái có thể nhận ra điều đó mà không giận. Vì ý thơ lại dựa trên một chân lý cao cả là ý thức dám trả giá cho hạnh phúc. Cái sự “tán tỉnh” xưa nay cần có nghiêm, có nghỉ là vậy. Toàn nghiêm coi là thật cả thì thành ra nói xạo. Mà toàn nghỉ thì thành tán dông dài…”.

Nhìn lại tổng thể toàn bài thơ, đến đây ta nhận thấy, bài thơ có cấu trúc lôgic bên trong và lôgic bên ngoài rất chặt chẽ. Về logic bên trong, màu đỏ dễ gợi liên tưởng đến màu lửa cháy. Hình tượng trong bài thơ Áo đỏ vận động theo cấu trúc lôgic bên trong này. Còn các động từ diễn tả tác động mãnh liệt của màu áo đỏ của cô gái lại phát triển theo một lôgic bên ngoài hợp lý, từ thấp lên cao: màu áo đỏ ấy ban đầu ánh vào cây xanh, rồi tiếp đến cháy trong bao mắt người nhìn theo và cuối cùng là đã làm toàn thân anh biến thành tro bụi! Tương tự, chủ từ tương ứng cũng tác động theo một lôgic diễn tiến từ xa đến gần. Bắt đầu từ xa là thiên nhiên (cây xanh), rồi đến người ta (bao mắt) và chủ thể gần nhất là anh. Với một bố cục hợp lý và lôgic như thế, bài thơ Áo đỏ có một ý vị riêng.

Không chỉ Áo đỏ mà nhiều bài thơ ngắn của Vũ Quần Phương tiếp nối gần đây cũng vẫn phong cách ấy: thấm đậm chất trí tuệ, có cấu tứ chặt chẽ và tư tưởng nghệ thuật của tác giả đều chủ yếu bộc lộ qua hình tượng thơ

Có một chủ đề “kép” trong bài thơ Áo đỏ này của Vũ Quần Phương. Niềm vui về một sự đổi thay của cuộc sống sau chiến tranh và một tình yêu cháy bỏng! Và tất cả đều cháy lên mãnh liệt trong bài thơ này của tác giả!

Trên đây, uct.edu.vn đã dành tặng các bạn bài thơ Áo Đỏ hấp dẫn của nhà thơ nổi tiếng Vũ Quần Phương. Hy vọng bài viết này sẽ làm các bạn hài lòng. Cảm ơn đã theo dõi bài viết này của chúng tôi!

Related posts

Bài thơ Nhân Quả (Ngạo Nhiên) : Giác ngộ lẽ sống đời thường

admin

Chính khí ca – Bài thơ lẫm liệt vang danh của nhà thơ Văn Thiên Tường

admin

Bài thơ tâm sự một loài hoa – Nhà thơ Nguyễn Đình Huân

admin

Leave a Comment