Nhà Thơ Nổi Tiếng

Bàng Bá Lân (Nguyễn Xuân Lân) – Nhà thơ đồng quê nổi tiếng của văn học Việt Nam

Bàng Bá Lân tên thật là Nguyễn Xuân Lân, ông sinh năm (1912-1988), ông là một nhà thơ, nhà văn, nhà nhiếp ảnh nổi tiếng của nền văn học Việt Nam. Bàng Bá Lân sinh rra ở phố Tân Minh, Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Với ngòi bút tinh tế cùng lòng nhiệt huyết, ông đã cho ra đời nhiều thi phẩm ấn tượng được bạn đọc yêu thích. Hãy cùng chúng tôi theo dõi ngay nhé!

Nội Dung

Nếu các bạn là người yêu thơ ca chắc chắn sẽ không thể bỏ lỡ nhà thơ Bàng Bá Lân đúng không nào! Đây là một thi sĩ sở hữu nhiều bài thơ giá trị và được đông đảo bạn đọc mến mộ. Hãy cùng nhau theo dõi nhé!

Cuộc đời của Bàng Bá Lân trải qua nhiều giai đoạn chuyển chỗ ở theo gia đình:

Năm 1916 – 1918, ông theo cha mẹ lên sống ở Vôi rồi ở Kép thuộc tỉnh Bắc Giang.

Năm 1920 – 1928, ông sống với bà nội ở Đôn Thư, sau đó lại về Kép, học trường tiểu học Pháp-Việt ở Phủ Lý, Phủ Lạng Thương và đỗ bằng tiểu học Pháp-Việt ở Đáp Cầu.

Năm 1929 – 1933, ông vào học trường trung học Bảo hộ (trường Bưởi), đỗ bằng thành chung. Và Xuất bản tập thơ đầu tiên mang tên ” Tiếng Thông Reo”.

Sau đó ông vào Sài Gòn dạy học và cộng tác với nhiều báo, tuần san và xuất bản thêm nhiều tập thơ khác như Để hiểu thơ (1956, Thơ Bàng Bá Lân (1957), Tiếng võng đưa (1957).

Từ 1977 đến 1984 Bàng Bá Lân cũng cho xuất bản nhiều tập thơ nổi tiếng khác như: Kỷ niệm văn, thi sĩ hiện đại quyển 3, hồi ký Trọn đời cho thơ…

Ở lính vực Nhiếp Ảnh Bàng Bá Lân cũng là một người có tài nưng, ông đạt giải thưởng Giải Agfa-Việt báo (Hà Nội, 1937), giải nhì cuộc thi ảnh tạo phủ Thống sứ Bắc Kỳ (1938), huy chương của La Revue Francaise de Photographie et de Cinématographie (tạp chí nhiếp ảnh và điện ảnh Pháp) ở Paris (1939), giải thưởng Ferrania (1953); giải thưởng Triển lãm Tuần lễ Văn nghệ Sài Gòn (1955)…

Các tác phẩm thơ nổi tiếng của Bàng Bá Lân

Ngừng viết, nhìn lên: Mắt rạng ngời
Lắng nghe nhè nhẹ bước chân ai.
Đôi tà áo lụa bay trong nắng
Tha thướt mình tơ lướt cửa ngoài.

Em đẹp làm sao! Vóc dáng thon,
Đôi vai thuôn mịn, cánh tay tròn.
Lưng mềm não nuột đường tơ óng,
Uyển chuyển ngồi, đi, dáng trẻ son.

Ai dệt nên tơ lụa nõn nà,
Nhẹ nhàng, êm dịu, mát như da.
Ai khâu chiếc áo vừa xinh quá
Phô hết đường cong vóc ngọc ngà.

Ta nhớ chiều kia dưới nắng trăng
Cúi dâng tà áo nhẹ tay cầm
Mơ màng ngỡ nắm tơ trăng biếc,
Áo lụa ngời trăng đẹp mỹ nhân.

Áo lụa còn đây, người ở đâu?
Buồn thương vuốt lại nếp tơ nhầu.
Chút thừa hương phấn còn lưu luyến,
Gợi mãi tình xưa để nhớ nhau!

Tìm mãi trong tơ vóc dáng thon
Đôi tay thuôn mịn, cánh tay tròn
Lưng mềm não nuột đường tơ óng…
Ngắn ngủi duyên hờ… vạt áo con!

Ta yêu mưa xuân,
Phơi phới trên vườn mận nở,
Trên cánh hoa đào rực rỡ,
Trên áo quần diêm dúa hội mừng xuân.
Mưa rơi rơi …
Cho cành xuân căng nhựa,
Cho má em tươi hồng.

Ta yêu mưa hè,
Ào ào như thác đổ.
Lá tre rơi đầy ngõ,
Nước đồng giăng trắng xóa mênh mông.
Cây xanh màu mới,
Người vui giải nồng.

Ta yêu mưa thu,
Mưa giăng sầu ly biệt,
Mưa nhắc mãi mối hận tình bất diệt,
Của chàng Ngưu ả Chức bên sông Ngân.

Ta yêu mưa đông,
Mưa phùn câm lặng.
Mưa xóa mờ rặng cây trên đường vắng,
Mưa đem trời nằng nặng xuống gần ta.

Ta yêu mưa bốn mùa,
Nghe nhạc trùng rên rỉ,
Giun khóc chân tường, dế than dưới cỏ,
Nhạc sầu dâng buồn bã suốt năm canh.
Ta thích đêm mưa, nằm sát cửa sau mành.
Nghe gió rít từng hồi qua kẻ hở,
Nghe gió đập tàu tiêu, mưa nức nở …
Nghe hồn mưa than thở với hồn ta!
Ta yêu mưa bốn mùa,
Vì lòng ta gió mưa chẳng ngớt!
Ta muốn đêm dài mưa không ngưng hạt,
Cứ mưa hoài, mưa mãi… Mưa, mưa, mưa.

Thương gởi hai em Hải, Thanh

Ta vốn thiếu niềm tin từ thuở nhỏ,
Không bao giờ tin là có Thiên Đường.
Vì chỉ ham khoa học với văn chưong,
Cũng chẳng biết Niết Bàn là đâu hết.
Từng thấy những sự sống không thanh khiết,
Và gặp nhiều linh mục chẳng chăn dân.
Cũng hám lợi danh, chức vị cõi trần,
Bỏ Bác Ái, Từ Bi, làm chính trị.
Ta chán ngán bọn lạm danh tu sĩ:
Cạo trọc đầu chưa hẳn đã là sư,
Áo chùng thâm không thành được thầy tu.
Ta buồn chán không muốn làm phật tử,
Còn nhiều bạn thương ta thì lại cứ
Muốn ta thành đệ tử Chúa Giê su,
Đức Mẹ Maria, Đức Mẹ hiền từ,
Tặng kinh sách muốn khiến ta nghiền ngẫm.
Nhưng ta thấy đức tin chưa cần lắm,
Miễn làm sao không hại đến gia thanh.
Ngửa trông lên chẳng hổ với cao xanh,
Cúi nhìn xuống không thẹn mình với đất.
Song càng ngày càng thấy đời bạc ác,
Người với người, lang sói cũng còn thua!
Thiếu niềm tin, ta cảm thấy bơ vơ,
Nhưng chỗ tựa tinh thần chưa nhất quyết
Từ gặp hai em, nghe lòng tha thiết
Cảm mến thương hơn ruột thịt người thân
Em đối với ta cũng rất ân cần,
Nhất từ lúc ta gặp hồi vận nạn.
Chăm sóc thầy thật hết lòng, không quản
Sớm chiều vô bệnh viện chẳng hề sai.
Tiếp thức ăn và an ủi đêm ngày,
Thanh còn hát thầy nghe kinh cầu nguyện
Giọng du dương làm ta thêm quyến luyến,
Yêu thương người, yêu cả Chúa cao sang.
Giọng hát đưa ta vào cõi mơ màng,
Đã tưởng thấy cửa Thiên Đàng rộng mở.
Và từ đó nhìn Nhà Thờ ngờ ngợ
Phải chăng đây là chỗ dựa tinh thần?
Vì tình thương dành cho khắp con dân,
Giàu bác ái ấy là con của Chúa.
Bây giờ đây ta thật lòng cảm hoá,
Nhờ hai em, con của Chúa cao sang,
Càng thương em, càng mến Chúa muôn vàn…

(11-9-1984)

Em hãy cho anh chiếc lược hồng
Của thời tóc xoã. Nhớ hay không?
Bao lời sắp sẵn, bao âu yếm,
Hồi gặp em, thôi, lại ngập ngừng.

Biết hỏi gì đây? Biết nói chi?
Mai kia nhà lạ, bước chân đi
Em còn tưởng đến tơ duyên cũ
Vương vấn lòng nhau cả một thì?

Anh chắc rằng em chả nhớ nhung!
Vì tình kín đáo nhẹ lâng lâng
Nhưng ai rõ được lòng anh héo!
Em hãy cho anh chiếc lược hồng.

Để giữ làm ghi. Để nhớ em
Thì nâng lược quý mải mê tìm.
Những làn sóng tóc anh từng vuốt
Một chút hương tàn anh đã quen.

Em hãy cho anh chiếc lược hồng
Của thời tóc xoã, nhớ hay không?

(1942)

Mặt trời đỏ thẫm sau tre,
Tiếng trâu nghé ọ trên đê gọi đàn.
Buồn thiu trong mảnh ao làng,
Bè rau rút ngủ lá vàng héo hon.

Núi thẫm màu lơ, mây trắng phau,
Mây trùm đỉnh núi, nước sông sâu.
Nước trong xanh nhạt in đôi bóng
Một cặp thuyền nan lặng thả câu.

Ðời ta bao lần dại,
Chỉ vì nhiều tự ái.
Ðòi hỏi nơi người tình
Một lòng yêu băng trinh.

Em yêu ta đã rõ,
Còn thử thách hoài hoài.
Năm với năm là mười,
Vẫn chưa cho là đủ!

Hơn một chút là giận,
Chưa chi đã vội hờn.
Ðể làm em đau buồn,
Không tiếc lời cay đắng…

Em cắn răng chịu đựng
Phản ứng thiệt dịu dàng.
Ðược thể, ta lại càng
Làm em thêm đau khổ!

Em được gì kia chứ?
Mà phải chịu đau buồn.
Ta được gì kia chứ?
Mà làm em đau thương.

Ðêm nay em chợt ghé,
Em mở lòng cho xem:
Ôi thương em, thương em!
Chưa bao giờ thương thế!

Em là con gái Đồng Nai
Hàm răng em trắng, khổ người em duyên
Em cười, em nói hồn nhiên
Tình em như trái sầu riêng đậm đà
Ta về ta nhớ đêm qua…
Nhớ ai nhớ cả món quà Đồng Nai
Món quà ai gởi cho ai
Kèm theo thăm hỏi đôi lời thương thương
Yêu em, yêu cả con đường
Đưa ta về chốn ruộng vườn phì nhiêu
Cần Thơ, Rạch Giá, Bạc Liêu
Rằng thương rằng nhớ rằng yêu lạ lùng
Cô em má đỏ hồng hồng
Buôn xuôi bán ngược, có chồng hay chưa?
Xe đò ai đón ai đưa?
Mà em đi sớm về trưa một mình
Em cười, ô, xỉnh xình xinh
Hỏi em, em chỉ lặng thinh… mỉm cười.

Chiều hôm đón mát cổng làng,
Gió hiu hiu đẩy mây vàng êm trôi
Đồng quê vờn lượn chân trời,
Đường quê quanh quất bao người về thôn.

Sáng hồng lơ lửng mây son,
Mặt trời thức giấc véo von chim chào.
Cổng làng rộng mở. Ồn ào,
Nông phu lững thững đi vào nắng mai.

Trưa hè bóng lặng nắng oi,
Mái gà cục cục tìm mồi dắt con.
Cổng làng vài chị gái non
Dừng chân uể oải chờ cơn gió nồm.

Những khi gió lạnh mưa buồn,
Cổng làng im ỉm bên đường lội trơn.
Nhưng khi trăng sáng chập chờn,
Kìa bao nhiêu bóng trên đường thướt tha.

Ngày mùa lúa chín thơm đưa…,
Rồi Đông gầy chết, Xuân chưa vội vàng.
Mừng xuân ngày hội cổng làng,
Là nơi chen chúc bao nàng ngây thơ.

*

Ngày nay dù ở nơi xa,
Nhưng khi về đến cây đa đầu làng;
Thì bao nhiêu cảnh mơ màng,
Hiện ra khi thoáng cổng làng trong tre.

Bao giờ cho đến tháng năm.
Cho tằm ăn rỗi, cho tằm nhả tơ,
Để anh có tứ làm thơ,
Để em dệt lụa may vừa áo anh.
Tằm vừa chín, dâu vừa xanh,
Ngày đêm dưới mái nhà tranh rộn ràng:
Đầy nong óng ruột tơ vàng,
Em ngồi đánh suốt cho chàng quay tơ.
Cuộc đời đẹp tựa lời thơ,
Hỡi ơi! Chàng vẫn còn mơ những gì?
Chàng mơ Ngọc Nữ, Tây Thi!
Chàng ơi! Nhớ mãi làm chi thị thành!
Em se muôn sợi tơ tình
Dệt làm chiếc áo dâng mình, mình ơi!
Yêu anh, em chỉ vái trời,
Vụng về chẳng biết nói lời gió trăng!

Nếu không sống đến bây giờ
Làm sao xui khiến tình cờ gặp em?
Làm sao có mối kỳ duyên
Tạo nên nhật ký một thiên để đời?
Phải chăng tạo hoá an bài,
Xích thăng buộc chặt chân người, chân ta?
Trời xe… dù gỡ chẳng ra,
Dù tan cũng hợp, dù xa cũng gần,
Duyên nào cứ phải trăm năm
Duyên nào cứ phải sắt cầm mới duyên.
Duyên là nhớ mãi không quên,
Duyên là xa cách vẫn liền tâm tư.
Duyên là khó mấy cũng ừ,
Trăm sông, ngàn núi chẳng từ gian nan.
“Vẻ chi một tấm hồng nhan”
Phải duyên, coi cả kho vàng bằng không.
Em rằng: “Em không lấy chồng,
Lấy chồng là phụ bạc lòng người yêu!
Ta không đòi hỏi chi nhiều,
Lấy chồng cứ lấy, tình yêu vẫn tròn.
Miễn là lòng dạ sắt son
Trước sau như một là còn tình chung.
Dù không duyên nợ vợ chồng
Thì duyên tao ngộ, tao phùng… cũng duyên.

Vũ vũ thuỳ gia tử,
Y phá, lạp bất hoàn,
Thúc tòng nam phương lai
Hướng ngã tiền đầu than…
(Đạo phùng ngã phu – Cao Bá Quát)

Năm Ất Dậu, tháng ba, còn nhớ mãi
Giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương!
Những thây ma thất thểu đầy đường,
Rồi ngã gục không đứng lên vì… đói!
Đói từ Bắc Giang đói về Hà Nội,
Đói ở Thái Bình đói tới Gia Lâm.
Khắp đường xa những xác đói rên nằm
Trong nắng lửa, trong bụi lầm co quắp.
Giữa đống giẻ chỉ còn đôi hố mắt
Đọng chút hồn sắp tắt của thây ma;
Những cánh tay gầy quờ quạng khua khoa
Như muốn bắt những gì vô ảnh,
Dưới mớ tóc rối bù và kết bánh,
Một làn da đen xạm bọc xương đầu.
Răng nhe ra như những chiếc đầu lâu,
Má hóp lại, răng hằn sâu gớm ghiếc.
Già trẻ gái trai không còn phân biệt,
Họ giống nhau như là những thây ma,
Như những bộ xương còn dính chút da
Chưa chết đã bốc xa mùi tử khí!
Mùi nhạt nhẽo nặng nề kỳ dị,
Một mùi tanh lộn mửa thoảng mà kinh.
(Mùi tanh hôi ám ảnh mãi bên mình
Khiến cả tháng ăn không còn ngon bữa).
Những thây đó cứ xỉu dần tắt thở,
Nằm cong queo mắt vẫn mở trừng trừng.
Trông con ngươi còn đọng lệ rưng rưng,
Miệng méo xệch như khóc còn dang dở.
Có thây chết ba hôm còn nằm đó,
Ruồi tám phương bâu lại khóc vo vo…
Rồi ven đường đôi nhát cuốc hững hờ
Đắp điếm vội những nấm mồ nông dối!
Đói từ Bắc Giang đói về Hà Nội,
Đói ở Thái Bình đói tới Gia Lâm.
Rải ven đường những nấm mộ âm thầm
Được đánh dấu bằng ruồi xanh cỏ tốt.
Có nấm mộ quá nông trơ hài cốt,
Mùi hôi tanh nồng nặc khắp không gian.
Sau vài trận mưa, nước xối chan chan,
Ôi, thịt rữa xương tàn phơi rải rác!
Tại Hà Nội cũng như bao tỉnh khác,
Những thây ma ngày lết đến càng đông;
Đem ruồi theo cùng hơi hớm tanh nồng,
Rồi ngã gục khắp đầu đường cuối ngõ.
Thường sớm sớm cửa mỗi nhà hé ngỏ,
Rụt rè xem có xác chết nào chăng!
Từng chiếc xe bò bánh rít khô khan
Mỗi sáng dạo khắp nẻo đường nhặt xác.
Xác chồng chất lù lù như đống rác,
Đó đây thò khô đét một bàn chân
Hay cánh tay gầy khô đét teo răn
Giơ chới với như níu làn không khí,
Như cầu cứu, như vẫy người chú ý…
Có hơi thở tàn thoi thóp chưa thôi,
Có tiếng cụa mình, tiếng nấc… Những tròng ngươi
Nhìn đẫm lệ người chôn người chửa chết!
Bốn ngoại ô mở ra từng dẫy huyệt
Được lắp đầy bằng xác chết… thường xuyên.
Ruồi như mây bay rợp cả một miền…
Chết! Chết! Chết! Hai triệu người đã chết!
Họ là những người quê non nước Việt,
Sống cần lao bên ruộng lúc đồng khoai.
Lúa xanh rờn nhờ họ đổ mồ hôi,
Nước Việt sống nhờ mồ hôi họ đổ.
Năm ấy, thuở Nhật, Tây cùng đô hộ,
Chúng thi nhau cướp lúa của dân ta.
Hết lúa rồi, hết sạch cả khoai ngô;
Hết củ chuối, hết nhẵ khô cả sắn!
Ngày giáp hạt không còn chi để nhấm,
Đói cháy lòng, đành nhá cả mo cau;
Nhá cả bèo và nuốt cả khô dầu!
Đói! đói! đói! Người nhao lên vì đói!
Đói từ Bắc Giang đói về Hà Nội,
Đói ở Thái Bình đói tới Gia Lâm.
Tạm biệt quê hương, lê gót âm thầm
Trên rải rác mọi nẻo đường đất nước.
Từng gia đình dắt díu nhau lê bước
Đi lang thang mong sống tạm qua ngày.
Đợi lúa lên hương, bông trĩu đầu cây.
Hơn tháng nữa sẽ hồi cư sẽ sống!
Nhưng đau đớn hỡi ơi là ảo mộng!
Họ ra đi hy vọng có ngày về!
Nhưng chẳng bao giờ về nữa, hỡi người quê.
Dần lả gục khắp đầu đường xó chợ!
Cùng lúc ấy cũng trên đường rộn rã,
Từng đoàn xe chuyên chở thóc vàng tươi.
Thóc của dân đen, thóc của những người
Đang chết đói vì thực dân cướp thóc.
Thóc chúng cướp phần vung xài huy hoắc,
Phần chúng đem để mục nát trong kho!
Ôi, đau thương, chưa từng thấy bao giờ…
Trong lịch sử chưa bao giờ từng có!
Hai triệu người, vì thực dân, lìa bỏ
Nước thân yêu, oan uổng chết đau thương,
Trong lúc đầy đồng bát ngát, ở quê hương,
Lúa mơn mởn đang ra đòng trổ trái,
Lúa trĩu hạt vàng tươi sai gấp bội,
Ngạt ngào thơm báo hiệu ấm no vui.
Nhưng người đi không về nữa, than ôi!
Lúa chín gục, chẳng còn ai gặt hái!…
Ta nhớ mãi cái thời kỳ đen tối!
Quên làm sao tội lỗi kẻ xâm lăng!
Quên làm sao mối thù hận khôn cùng!
Quên sao được hai triệu người chết đói!
Năm Ất Dậu tháng ba, còn nhớ mãi,
Giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương!
Những thây ma thất thểu đầy đường.
Rồi ngã gục không đứng lên vì… đói!
Đói từ Bắc Giang đói về Hà Nội,
Đói ở Thái Bình đói tới Gia Lâm!…
(Tháng Năm 1957)

Thương nhớ em hoài, em ở đâu?
Vắng em, đời nặng trĩu u sầu.
Khi còn gần gũi sao hờ hững?
Chừ đã xa vời mới khổ đau!
Chẳng khác đất khô mong được nước,
Mà hơn tằm đói, đợi cho dâu.
Mang mang trường hận hai hàng lệ,
Thương nhớ em hoài, em ở đâu?

Nhớ em da trắng tóc dài
Khăn vuông mỏ quạ, dáng người thon thon
Lăn mình trong áo nâu non,
Môi hồng cắn chỉ trầu thơm miệng cười,
Răng đen nhánh, má đào tươi,
Mắt bâng khuâng nói những lời yêu đương.
Giọng êm đầm ấm dễ thương.
Lời ca tình tứ, vấn vương ngọt ngào.
Tiếng cười trong trẻo làm sao.
Ban mai trời đổ mưa rào giòn tan
Em là con gái Bắc Giang
Đôi dòng trong đục sông Thương… ỡm ờ.
Nói cười ra giọng lẳng lơ,
Niềm ăn nết ở xem thừa đoan trang.
Sớm chiều dưới ruộng trên nương,
Gặp em nghe dậy niềm thương dạt dào.
Nhớ cô em gái vùng Lim,
(Ô kìa nghe đập con tim thuở nào!)
Mưa bay, gió lạnh, hoa đào…
Giọng ca quan họ ngọt ngào ái ân.
Nhớ nàng con gái mười lăm,
Cười tươi như ánh trăng rằm đêm nao.
Nhớ em cô gái làng Bo,
Ven sông Bố Hạ quanh co đầy thuyền.
Gần em quên hết ưu phiền,
Tình em như trái cam hiền ngọt thơm…

(Vào thu – gái quê Kinh Bắc)

Bài thơ này rút ra trong một bài viết về nhà thơ Bàng Bá Lân nên không rõ có trọn vẹn hay không.

Hẹn nhau bên bờ giếng
Chờ nhau lúc rạng trăng
Nàng vân vê dải yếm
Chàng nắn sửa vành khăn.

Dưới trăng nàng bối rối
Dưới trăng chàng băn khoăn
Nhìn nhau mà chẳng nói
Bốn mắt đọng trăng rằm…

Hẹn nhau bên bờ giếng
Chờ nhau lúc rạng trăng
Trăng đến, nàng không đến
Chàng lo buồn đăm đăm.

Nàng đã đi làng khác
Theo một người khăn đen
Không còn nghe giọng hát
Bên đình lúc nguyệt lên.

Ai cúi mình trên giếng?
Ai thả gầu múc trăng?
Ai cười yêu nửa miệng?
Tan rồi mộng gối chăn!

Không hẹn bên bờ giếng
Không chờ lúc rạng trăng
Đêm đêm chàng vẫn đến
Bên giếng khóc âm thầm.

Đêm nay chàng lại đến
Bên giếng khóc âm thầm
Bỗng gặp bên bờ giếng
Đôi bóng người dưới trăng.

Nàng cũng vê dải yếm
Chàng cũng nắn vành khăn
Cũng nhìn nhau âu yếm
Bốn mắt đọng trăng rằm.

Giếng trăng, nơi hò hẹn
Giếng trăng, nơi hẹn hò
Từ xa xưa đến bây giờ
Giếng làng ghi dấu bao trò hợp tan.

Bẽn lẽn gần ta, em chỉ cười:
Nụ cười tươi sáng nở trên môi,
Sáng hơn trăng đẹp đêm rằm tỏ
Thời khắc êm đềm trôi… nhẹ trôi.

Ta nói gì đâu, ta chẳng nhớ:
Nụ cười vụt tắt… héo môi tươi.
Gian phòng chợt tối như trời tối,
Trăng đã vào mây, khuất hẳn rồi!

Nhìn em ủ dột, ta buồn quá!
Gặng hỏi… Làm thinh, chẳng trả lời.
Mắt đẹp, ô hay, sao đẫm lệ?
Hai hàng châu ngọc bỗng tuôn rơi.

Ta vội tìm khăn lau nước mắt…
– Khăn tay, em gấp hộ hôm nào,
Mắt vừa ráo lệ, em cười mỉm:
Sóng gió qua rồi, vui xiết bao!

(Đêm 13.4.82)

(Tặng Phạm Kim Thuần, người bạn đời của tôi)

Còn nhớ mãi mùa đông năm Tuất
Về Bắc Giang xem mặt hỏi mình.
Yêu mình vì nụ cười xinh,
Yêu mình dáng dấp hiền lành dễ thương.
Tuổi mình mới tròn gương có lẻ,
Về cùng ta, ôi bé bỏng sao!
Khi ăn ở, lúc ra vào,
Nết na, thuỳ mị, ai nào không ưa.
Mình cũng có ít mơ nho nhỏ,
Những mong ta sẽ cố thực hành…
Thương ôi! Ta để tan tành,
Vì ta vốn kiếp trời sinh hững hờ:
Suốt ngày trắng ngẩn ngơ ngơ ngẩn,
Chỉ mơ màng thơ thẩn không đâu!
Không nghèo song cũng không giầu,
Nên chi chẳng có nhà lầu, xe hơi.
Nhưng mình chẳng nửa lời mong muốn,
Yên vui cùng đồng ruộng nông thôn;
Thả vài lứa lợn con con,
Đầy sân gà vịt sớm hôm vui vầy.
Mình rất thích trồng cây gây trái,
Thích nuôi tằm, chăm hái dâu xanh.
Đôi bàn tay trắng mịn xinh
Giờ đây hằn nổi gân xanh mấy đường.
Nghĩ lắm lúc mà thương mà xót,
Cũng toan ra gánh vác với đời,
Để cho mình được thảnh thơi,
Môi hồng nở mãi nụ cười vô tư.
Nhưng cái bệnh làm thơ đeo đẳng,
Ngày càng thêm trầm trọng. Ôi buồn!
Mải mê vui thú ruộng vườn,
Ngược xuôi chán ngắt con đường lợi danh.
Đã thế lại đa tình lắm mối,
Khiến việc nhà càng rối bòng bong,
Nhiều cô má phấn môi hồng
Thường xen vào những chuyện lòng đôi ta!
Cũng có lúc chén xô bát vỡ,
Lời gắt gay chồng vợ eo sèo;
Vì ta điêu đứng đã nhiều,
Nhưng mình vẫn một lòng yêu mặn nồng.
Hỏi: “Có ghét lấy chồng thi sĩ?”
Không nói năng, mình chỉ lắc đầu,
Thế ra trăm khổ ngàn đau
Mình không than thở gì đâu, hở mình?
Kiếp sau ví gặp lại mình,
Thì ta lại kết mối tình cùng… thơ!

(13-5-1957)

Im lặng. Cánh đồng quê yên ngủ
Giấc say sưa dưới ánh mặt trời chì.
Trên vòm xanh mây uể oải không đi,
Nắng lửa trút nặng nề như bạc chảy.
Bỗng trong khóm lá xanh gần đấy,
Tiếng ve kêu ran rỉ đưa ra.
Khi khoan thai, khi rộn rã như mưa
Làm rung động khí trời lặng lẽ.
Biển lúa xanh gợn làn sóng nhẹ,
Nắng rung rinh theo giọng ve kêu.
Gió thở dài trong cành sấu đầy rêu,
Cành thức giấc dưới bầu trời yên lặng.
Ve hút gió, ăn sương, uống nắng,
Rồi thảnh thơi ngâm khúc trường ca.
Đem sóng lòng ve tưới cho cỏ hoa,
Cho lá bụi, úa vàng, đất khô, nắng lửa…
Rồi thu sang. Giọng nỉ non không còn nữa
Ve im hơi. Nhưng nào có ai hay!
Gió vẫn thở dài đuổi lá vàng bay…
Mà trên cành, thân ve, chỉ còn là cái xác!
Đời thi sĩ, than ôi, nào khác!
Kiếp ve kia rút ruột hiến ai ai
Khúc đàn tâm lựa gảy để đời vui,
Mà riêng chịu thất vọng, đau thương, cùng chế bác…
Rồi mực cạn, bút cùn, tơ lòng tan nát,
Với thời gian đời sẽ dần quên!
Lòng khách thơ lại đau đớn ôm thêm
Mối hận cuối cùng! Ôi, nghề đen bạc

Đêm nay mưa rả rích hoài,
Gội mưa, tắm gió, thăm người em thương.
Tóc dài bụi nước còn vương
Tay trần lạnh giá, má hường nhạt phai.

Đêm nay mưa rả rích hoài,
Em kêu lạnh quá, em ngồi kề ta.
Ủ em trong áo choàng da,
Trông em bé bỏng như là trẻ con.
Thương em, muốn ấp, muốn ôm,
Sưởi cho em ấm hết cơn lạnh lùng.
Ngoài sân, điệp khúc côn trùng…
Rét như rét tự trong lòng rét ra.

Em nghiêng mình, sát vào ta,
Vai kề vai, tóc mây loà xoà buông.
Em nghe ta đọc thơ buồn,
Ru em vào mộng… canh trường lại canh,
Tỉnh mơ, em lại giật mình:
“Khuya rồi người nhỉ? Sao đành về đây?
Ước gì mãi như đêm nay,
Nằm đây mà ngủ luôn đây, khỏi về!
Đêm nào em cũng thức khuya,
Năm canh trằn trọc càng tê tái buồn.
Nghe ai nói chuyện mà thương
Nghe đọc thơ buồn, em lại càng mê.

Một mái nhà tranh, hai trái tim!
Giữa thời nguyên tử dễ đâu tìm?
Ôi, em lãng mạn, chung tình quá!
Nghe nói mà thương, em hỡi em!

“Xa thiệt là xa”, em quyết đi,
Phồn hoa lánh bỏ, chẳng màng chi
Khi yêu, nào quản điều hơn thiệt,
Cho hết, riêng em có được gì!

Ta tặng em yêu một mái tranh
Để em xây ấm mộng chung tình.
Nhẹ nhàng em nhé, nâng niu nhé!
Ong bướm qua hoài, hoa vẫn trinh.

Từng nghe nói Mẹ ban nhiều phép lạ
Chữa lành cho bao nhiêu kẻ tật nguyền
Cứu khổ cho bao nhiêu người khốn khó
Con đến đây cầu xin được Ơn Trên.
Đất nước con trải bao năm chinh chiến
Người chết, nhà tan, vườn ruộng điêu tàn
Mấy chục năm trường bao nhiêu tai biến
Sống đọa đày và chết ngậm hờn oan!
Xin Đức Mẹ ban phép thần mầu nhiệm
Quê hương con sớm được hưởng thanh bình
Dân tộc được hiên ngang không hổ thẹn
Là con người, con Thượng Đế uy linh.
Con chỉ có bấy nhiêu điều mong muốn
Xin Mẹ ban ơn ước nguyện mau thành
Con được thấy ngày toàn dân vui sướng
Sẽ lập bàn thờ Đức Mẹ anh linh.
Sẽ cầu nguyện sớm chiều không xao lãng
Và dâng lên Đức Mẹ trọn niềm tin
Con thành khẩn đợi hồng ân của Mẹ
Để hết tâm hồn kính cẩn cầu xin.

(Bình Triệu, 18-9-1978)

Trời xám thấp, rặng tre già trút lá
Đầy ngõ thôn hun hút gió chiều đông
Sương mù bay phơi phới toả đầy đồng
Hơi lạnh cắn vào làn da cóng buốt.
Trong thửa ruộng chân đê tràn ngập nước
Đôi bóng người đang chậm bước đi đi…
Người đàn ông cúi rạp bước lầm lì
Người vợ cố đẩy bừa theo sát gót.
Họ là những nông phu nghèo bậc chót
Không có trâu nên người phải làm… trâu.
Hô bừa ngầm một thửa ruộng chiêm sâu
Nước đến bụng, ôi rét càng thêm rét!
Áo rách tướp hở ra từng miếng thịt
Tím bầm đen trong gió lạnh căm căm.
Hì hục làm thỉnh thoảng lại dừng chân
Véo là ném lên mặt đường từng vốc…
– Nhác trông ngỡ nắm bùn hay nắm đất –
Nhìn lại xem: ô đống đỉa đen sì…

Ta rùng mình quay mặt bước chân đi
Lòng tê tái, một mối sầu u ám
Trời càng thấp. Tầng mây chì càng xám
Mưa phùn gieo ảm đặm khắp đồng quê
Gió chiều nay sao lạnh buốt, lê thê.

Nhà dột

Bốn bề gió lạnh vào thăm
Ba gian mưa ướt biết nằm nơi nao?
Dế ngâm thơ ở khe nào?
Báo cho ta biết ta vào trú mưa.

(1943)

Em có khuôn mặt nhìn nghiêng tuyệt mỹ:
Trán, mũi, cằm đường nét thiệt thanh tao
Má nhung tơ phơn phớt sắc anh đào,
Môi tươi thắm cười phô hàng răng ngọc…

Óng ả mềm tuôn đây làn suối tóc
Chảy lan tràn trên đôi ngực, bờ vai.
Bàn tay xinh nhỏ nhắn, ngón tay cài…
Tay em nói còn nhiều hơn lời nói.

Em e lệ nhìn qua rèm tóc rối,
Ta mơ màng ngỡ gặp Thuỷ Băng Tâm.
Tình xa xa mà say đắm hơn gần,
Càng ngăn cách lại càng thêm quyến rũ.

Tình chẳng ngỏ, em ầm thầm ấp ủ…
Chừ lên men nồng thắm biết bao nhiêu!
Kề bên em, hồn ta bỗng xiêu xiêu,
Em không đỡ, hẳn là ta gục ngã.

Ôi, Nhan Sắc! Ôi, phép mầu kỳ lạ!
Đắm hồn người không cần bả phong lưu.
Một miệng cười, một mắt liếc, một môi yêu…
Em thu cả hồn ta vào khoé mắt.

Ta thua rồi… Ta đầu hàng Nhan Sắc!
Cầm tay em… bằn bặt ngất ngây say.

Thu xưa có tơ trời êm,
Có ngày mưa bạc, có đêm trăng vàng.
Có đôi tay đẹp nhẹ nhàng,
Khép đôi cánh cửa, ngăn chàng gió si.

Thu về lạnh cả đường đi,
Gió vàng lại thổi, mây chì lại bay.
Cho lòng lại nhớ đôi tay,
Nhẹ nhàng khép cánh song này, đêm nao!

Quê tôi có lúa, có dâu,
Có đàn cò trắng, có câu huê tình.
Có cây đa, có mái đình,
Có bầy thôn nữ xinh xinh dịu dàng.
Mùa thu có những hội làng,
Có cây đu buổi xuân sang dập dìu.
Gío vi vu tiếng sáo dìều,
Ru hồn mục tử chiều chiều trên đê.
Chợ làng có lắm quà quê;
Bánh đa, bánh đúc, bánh kê, bánh dầy…
Đầu thôn có túp quán gầy:
Tình quê như bát nước đầy chè tươi.
Ngõ tre khúc khích gió cười.
Vườn quê thơm mát hương nhài hương cau.
Tháng tư chanh cốm gội đầu,
Hương sen ngát cả vườn rau ao bèo.
Tháng hai hoa bưởi rơi nhiều,
Ong ong, bướm bướm dập dìu tìm hoa.
Khum khum giàn mướp ao nhà,
Cầu tre lũ trẻ vui đùa tập bơi.
Tiếng gà trưa lắng chơi vơi,
Tiếng chim cu gáy: Buồn ôi là buồn!
Ngày ngâu gió kép mưa đơn
Mái tranh rỏ những lệ buồn vu vơ.
Đêm dài, nhịp tiếng võng đưa
Lời ru ời ợi ngàn xưa vọng về…

Nhớ nhung, sầu mắc lê thê,
Xa xôi, nghe dậy hồn quê não nùng!

Tiếng võng đưa (Miền Nam, tháng tám 1957)

Có những linh hồn trên trái đất.
Tìm hoài hạnh phúc mà không gặp;
Nhưng tôi thì khác hẳn mọi người,
Niềm vui ở ngay trong tim tôi.
Đó là đóa hoa không phù du
Mà tôi sẵn có tự bao giờ;
Như một bông hồng mùa xuân
Mỉm cười với tôi ngày mỗi lần.
Thiệt tình tôi vô cùng sung sướng,
Luôn luôn tôi làm theo ý muốn.
Có thể nào tôi không mừng vui
Mà không biểu lộ lòng vui tươi?
Niềm vui của tôi là yêu đau khổ,
Tôi mỉm cười mà nước mắt rỏ.
Tôi chấp nhận với lòng biết ơn
Giữa khóm hoa gai sắc chẳng hề sờn.
Khi trời xanh bỗng nhiên u ám
Dường như quên bẵng tôi đi,
Niềm vui của tôi là, trong tối tăm ảm đạm,
Hạ thấp mình, tôi tự giấu tôi đi.
Sự bình yên của tôi là ý thánh
Của Giê-su, tình duy nhất mà say.
Cũng vì thế tôi sốngkhông canh cánh,
Tôi yêu đêm như chính giữa ban ngày.
Sự bình yên của tôi là giữ mình nhỏ bé,
Nên dù khi tôi có ngã giữa đường,
Tôi vùng dậy rất dễ dàng mau lẹ,
Và Giê-su liền nắm dắt tay tôi,
Tôi yêu Người bằng tất cả tình thương,
Tôi bảo Người là của tôi tất cả…
Và tôi càng mến yêu, càng vồn vã,
Khi Người lơi tới cả đức tin tôi.
Sự bình yên của tôi, nếu tôi rỏ lệ,
Là giấu sao không để chị em hay.
Ôi! Đau khổ có biết bao quyến rũ
Nếu biết đem che lấp dưới hoa này.
Tôi muốn được đau khổ mà chẳng lộ
Để Giê-su được an ủi êm nguôi.
Niềm vui của tôi là thấy Người cười
Khi lòngtôi tràn đầy thống khổ.

Sự bình yên của tôi là luôn luôn chiến đấu
Để tạo nên những kẻ được Ơn Trên;
Là được luôn luôn nhắc lại êm đềm
Cùng người yêu là Giê-su hiền hậu
Rằng vì Người, hỡi người anh thánh thiện,
Em vô cùngsung sướng được khổ đau!
Niềm vui của tôi trong cõi đời sầu
Là làm sao để cho người vui mến.
Tôi muốn sống, sống lâu mãi mãi
Nếu đó là ý muốn của Người.
Tôi muốn được theo Người lên trời,
Nếu điều đó khiến Người vui thích.
Tình Yêu, lửa quê hương bất diệt,
Không ngừng thiêu cháy trong tôi;
Nhưng sống chết, với tôi, có gì đâu đáng kể?
Hạnh phúc của tôi là mãi mãi yêu Người!…

(Cảm xúc sau khi đọc “Truyện một linh hồn” của nữ thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su, thánh bổn mạng của Thanh Thanh)

Mới ba tuổi nguyện hiến mình cho Chúa,
Năm mười lăm quyết chí trọn đường tu.
Vận động đó đây, chẳng được đền bù,
Qua La mã cầu Giáo hoàng chấp thuận…
Bao thử thách gian nan vui vẻ nhận,
Miễn làm sao vô Đan viện Cát minh.
Chín năm trời thương khó sống thu hình
Thật bé nhỏ như không là gì cả!
Niềm vui lớn là được nhiều đau khổ,
Càng khổ đau càng gần Chúa thương yêu.
Dù khổ đau đến mấy vẫn chưa nhiều,
Lấy bác ái vị tha làm lẽ sống.
Tình yêu Chúa bao la như biển rộng,
Lòng thương người dằng dặc tựa trường giang.
Mọi việc làm đều lấy Chúa làm gương,
Hăm bốn tuổi, cửa Thiên Đường đón mở…
Và sau đó hiển linh nhiều phép lạ,
Mưa hoa hồng thơm tưới xuống trần gian.
Rõ ràng đây Người đã nhập Thiên Đàng,
Ngồi bên Chúa, thật xứng là nữ thánh,
Một tâm hồn sống tối tăm không cầu cạnh,
Thật nhỏ nhoi mà thánh thiện không hai.
Hăm tám năm thắm thoát có bao dài
Mà Giáo Hội đã tôn phong Thánh nữ
Hàng triệu sinh linh dâng mình làm đệ tử
Tôn vinh Người sau Đức Mẹ Maria…
Đọc truyện Người, lại ngẫm đến người ta
Nơi trần thế tranh giành nhau danh lợi.
Chém giết nhau, gây nên bao tội lỗi,
Để làm chi và có được gì đâu?
Mấy chục năm như nước chảy qua cầu,
Và cát bụi lại trở về cát bụi.
Bao tham vọng phút biến thành mây khói,
Có rồi không như mây chó mà thôi!
Tê-rê-xa, tôi rất cám ơn Người
Đã cho tôi một nhân sinh triết lý:
Không tham vọng, sống thu mình nhỏ bé,
Chịu khổ đau lấy thương khó làm vui.
Quên mình đi, thương tất cả mọi người,
Sẽ được hết, dù không mong ước được.

(4-10-1984)

Tết về, nhớ bánh chưng xanh,
Nhớ tràng pháo chuột, nhớ tranh lợn gà.
Nhớ cành đào thắm đầy hoa,
Nhớ giây phút đợi giao thừa nghiêm trang.
Nhớ ngũ vị, nhớ chè lam,
Nhớ cây nêu, nhớ khánh vang tiếng sành.
Nhớ tam cúc đẹt: Nhớ… mình!
Nhớ cân mứt lạc, nhớ khoanh giò bì…

Bắc, Nam từ buổi chia lìa.
Xuân sang mỗi độ nhớ về xa xưa.
Đã tàn hơn một giấc mơ,
Ngược dòng kỷ niệm ấu thơ ngại ngùng!

(Miền Nam, xuân Đinh Dậu)

Em trao thơ cho ta,
Lại yêu cầu đừng đọc.
Có điều chi bí mật?
Ta đoán hoài không ra!

Muốn tìm hiểu em nhiều,
Đặng kiếm lời an ủi.
Ta gặng hỏi đã nhiều,
Em lắc đầu không nói.

Mấy tran giấy khép lại,
Như cánh cửa lòng em.
Ta muốn hé ra xem,
Nhưng lòng sao ái ngại…

Tâm sự là thiêng liêng,
Em đã không muốn ngỏ
Thì lẽ nào ta nỡ
Bốc “bánh lòng” ra xem!

Nhưng tò mò thúc đẩy,
Đành lại gặng hỏi em.
Em trả lời: “Anh đấy,
Lời đề tặng viết kèm
Người coi chắc đã thấy!”
Nhưng thấy gì kia, em?

Anh ấy với thơ này,
Có gì đâu liên hệ!
Ta nghĩ hoài không thể
Hiểu thêm gì mảy may!

Đành trả lại thơ em,
Với rất nhiều thắc mắc.
Chờ một ngày nào khác,
Em mở lòng cho xem…

Em thường trách thơ anh sao trẻ quá
Tuổi vào thu mà thơ vẫn thanh xuân.
Lời yêu đương tha thiết giọng ân cần
Vẫn say đắm vẫn bâng khuâng naó nức

Vẫn mơ ước vẫn nhớ thương thổn thức
Vẫn chờ mong hờn dỗi lẳng lơ sao!
Hãy nghe em đứng đắng lại xem nào
Hay trăm tuổi vẫn chưa thôi tình tứ

Ồ em nói làm sao mà lạ rứa!
Thơ là thơ, muôn tuổi vẫn xuân xanh.
Thơ là thơ, tiếng nói của tâm tình
Tình khô cạn thì thơ đâu còn nữa

Người trăm tuổi như thơ thì vạn thuở
Vẫn trẻ trung hơ hớ tuổi đôi mươi.
Thơ là thơ đâu sống kiếp con người
Thể xác chết nhưng hồn thơ bất diệt

Ai xem thơ mà băn khoăn cần biết
Thi sĩ già hay trẽ tuổi bao nhiêu
Ai trách Nguyễn Du than khóc nàng Kiều
Và họ Chu luyến thương người kỹ nữ

Thơ Lý Bạch lời lả lơi tình tứ
Vẫn ngàn năm truyền tụng đến ngàn sau
Kìa Dương Khuê sương tuyết nhuốm pha đầu
Vẫn “bạch phát hồng nhân chừng ái ngại”

Nguyễn Công Trứ cũng mắt đi mày lại
Với em Hồng em Tuyết có sao đâu
Từ muôn xưa cho đến cả muôn sau
Thơ mãi mãi vẫn lả lơi tim trẻ

Và thi sĩ, ôi, mối tình vạn kỷ
Là con người không tuổi sống say mê
Kìa em nghe!
– vang vọng mỹ nhân hề!!!

Lửa hè đốt bụi tre vàng,
Trưa hè ru ngủ xóm làng say sưa.
Khóm chuối lá bơ phờ nghĩ ngợi
Rặng cau gầy nghển với trời cao
Trong nhà, ngoài ngõ quạnh hiu,
Đầu thềm con Vện thiu thiu giấc nằm.
Trong nhà lá tối tăm lặng lẽ,
Tiếng ngáy đều nhè nhẹ bay ra
Võng dây chậm chạp khẽ đưa
Ru hai bà cháu say sưa mộng dài…
Cháu bỗng cựa, rẫy hoài khóc đói,
Tỉnh giấc mơ, bà vội hát lên:
“Ạ ơi…” mấy tiếng. Rồi im.
Nhện tường ôm trứng nằm yên mơ màng.
Ruồi bay thong thả nhẹ nhàng
Muỗi vo ve khóc bên màn thiết tha
Hơi thở nóng luồn qua khe liếp
Làm rùng mình mấy chiếc diềm sô.
Bụi nằm lâu chán xà nhà
Nhẹ nhàng rơi phủ bàn thờ buồn thiu…

Trời cao, mây bạc, trăng tròn
Đê than hiu quạnh, tre buồn nỉ non.
Diều ai gọi gió véo von.
Cành xoan đùa ánh trăng suông dịu dàng
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?

(1934)
Rút từ tập thơ “Tiếng thông reo”.

Lòng quê gởi tiếng sáo diều,
Ai ơi, hãy đợi những chiều gió lên.

Đêm vắng đìu hiu. Sáo nỉ non,
Giãi niềm thương nhớ với trăng tròn.
Muôn lời tình tứ yêu đương ấy,
Làng gửi vào trong miệng sáo con.

Từng sợi dây duyên kết giữa trời,
Nối liền dây đấy, chị Hằng ơi!
Hồn làng vơ vẩn năm canh vắng,
Mãi mãi muôn đêm nhớ một người.

Vì chỉ xa trông, chẳng được gần,
Mượn diều thủ thỉ với trăng tân.
Nàng trăng cảm ý, buồn man mác,
Lặng lẽ nhìn lâu xuống cõi trần.

Ta giống làng khuya, em giống trăng;
Làng buông diều sáo tới cung Hằng.
Làng kia còn có diều xe mối,
Ta gối tình yêu chẳng nói năng!

Nắng lửa rung rinh
Xóm tre lặng lẽ
Tiếng võng nhà ai ru trẻ
Nặng nề chậm chạp đong đưa…

Nặng nề chậm chạp đong đưa…
Cót ca cót két nhịp thơ muôn đời
Bồng bông bông… Ạ ời ời…
Cót ca cót két muôn đời nhịp thơ.

Ta say sưa
Nghe tiếng võng đưa
Ru hồn mơ
Trong lời thơ
Dân tộc,
Mơ màng lắng nghe tiếng khóc
Của thời măng sữa xa xôi

Ạ ơi ơi…
Ạ ời ời…
Cót ca cót két
Muôn đời
Nhịp thơ…

Tiếng võng đưa
Cót ca cót két
Trưa hè nắng khét
Bà ru cháu say sưa…

Tiếng võng đưa
Cót ca cót két
Mẹ đi biền biệt
Chị ru em ời ời…

Ạ ơi ơi…
Ạ ời ời…
Cót ca cót két
Muôn đời
Nhịp thơ.
Và đây những vần thơ
Nhịp theo tiếng võng đong đưa
Nhịp theo lời ru êm ái.
Tình quê hương vời vợi
Hồn dân tộc mang mang…
Bao giờ nối lại giang san
Mà nghe tiếng võng mơ màng đó đây.

6.1957

Chiều ấy, mưa rào ở xóm Đông,
Cho người ủ dột đứng bên song.
Xa nhìn đắm đuối tìm trong gió…
Chỉ thấy màn mưa trắng ngập đồng.

Ai biết mưa rơi nói những gì?
Lá buồn gieo lệ, khóc lâm ly.
Lòng bâng khuâng quá, xôn xao nhớ
Cả một tình yêu buổi ấu thì.

Buổi một nàng qua dưới mái hiên,
Đường mưa in một gót chân tiên.
Ta nhìn theo bước đi ren rén,
Bỗng cả lòng yêu náo nức liền.

Từ ấy trên đường loang loáng mưa,
Tìm hoài, đâu thấy gót chân xưa.
Đường mưa bao gót chân mưa bước
Gợi mãi tình yêu buổi dại khờ!

(1940)

Tôi yêu tiếng Việt miền Nam,
Yêu con sông rộng, yêu hàng dừa cao.
Yêu xe thổ mộ xôn xao
Trên đường khúc khuỷu đi vào miền quê.
Tôi yêu đồng cỏ nắng se,
Nhà rơm trống trải, chiếc ghe dập dềnh.
Tôi yêu nắng lóa châu thành,
Trận mưa ngắn ngủi, gió lành hiu hiu.
Nơi đây tôi mến thương nhiều,
Miền Nam nước Việt mỹ miều làm sao!
Xa xôi hằng vẫn ước ao
Vào thăm vựa lúa xem sao, hỡi mình!
Chừ đây tình đã gặp tình,
Tưởng như trong đại gia đình đâu xa.
Người xem tôi tựa người nhà,
Người kêu thân mật tôi là: Thầy Hai!
Ðồng bào Nam Việt ta ơi!
Tôi yêu cặp mắt làn môi thiệt thà.
Nước non vẫn nước non nhà,
Bắc Nam xa mấy vẫn là anh em!

1954

Hôm nay về trại gió hiu hiu
Nhìn lớp mây qua nhuộm máu chiều,
Nhớ lại lược xưa màu đỏ thắm
Cài trong tóc lụa xoã liu diu.

Nhớ lại năm xưa còn ở quê,
Chiều bên đường cỏ đợi trâu về;
Em nhìn chim vút lên trời thẳm
Anh lắng diều than trong tiếng tre.

Năm năm vội vã thoáng đi nhanh,
Em nhãng quên quê luyến thị thành
Lược đỏ không cài trên tóc búi,
Cỏ đường chẳng vướng gót chân xinh.

Em biếng về quê, cây nhớ nhung,
Lúa đồng rướn ngọn đứng như mong
Đất đường luyến tiếc bàn chân ngọc,
Cỏ rạc ven bờ mãi ngóng trông.

Lòng rối như là cỏ rối bong,
Tương tư! Trải vắng rộng hơn đồng,
Em ơi, vui thú phồn hoa mãi
Có biết đồng quê đang nhớ mong?

Dưới gốc đa già, trong vũng bóng,
Nằm mát, đàn trâu ngẫm nghĩ nhai.
Ve ve rung cánh, ruồi say nắng;
Gà gáy trong thôn những tiếng dài.

Trời lơ cao vút không buông gió;
Đồng cỏ cào phô cánh lượt hồng,
Êm đềm sóng lụa trôi trên lúa;
Nhạc ngựa đường xa rắc tiếng đồng.

Quán cũ nằm lười trong sóng nắng,
Bà hàng thưa khách ngủ thiu thiu
Nghe mồ hôi chảy đầm như tắm…
Đứng lặng trong mây một cánh diều.

Cành thưa, nắng tưới, chim không đứng;
Quả chín bâng khuâng rụng trước hè.
Vài cô về chợ buông quang thúng
Sửa lại vành khăn dưới bóng tre.

Thời gian dừng bước trên đồng vắng;
Lá ngập ngừng sa nhẹ lướt ao.
Như mơ đường khói lên trời nắng;
Trường học làng kia tiếng trống vào.

Vườn dừa có trái dừa xinh,
Có cô con gái hiền lành dễ thương.
Có nhiều gió dịu vương vương,
Xanh xanh bóng lá, rờn rờn tình quê.
Có ai về miệt Bến Tre
Hỏi thăm nàng ấy vườn kia vài lời.
Vườn em gây tự bao đời
Mà cao bóng rợp che trời trong xanh.
Dừa bao nhiêu gốc, cô mình?
Cây bao nhiêu đốt? Trái lành bao nhiêu?
Hanh về cỏ rạc nắng thiêu,
Vườn dừa xanh mướt, hiu hiu gió cười.
Êm êm luôn ngỡ chiều rơi,
Đường thuôn bóng đổ, rạch ngòi quanh co.
Nước dừa mát rượi thơm tho,
Cùi dừa dịu ngọt… kẻ cho người mời.
Ở đây quên cả nắng lười,
Quên tình tráo trở, quên đời bạc đen.
Ở đây dừa mọc liền chen
Đổ muôn bóng rợp đầu hiên cuối hè.
Chân thành một tấm tình quê
Sớm chiều đon đả đi về đón đưa…

Xa xôi nhớ mãi vườn dừa,
Thương về nàng ấy bây giờ thương ai?

Thơ dịch: Maurice Carême

Maurice Carême (1899-1978), nhà thơ Bỉ viết thơ tiếng Pháp, sinh tại Wavre, tỉnh Brabant Wallonie (thuộc Bỉ) năm 1899.

Chàng không nói gì hết!
Nàng, cũng vậy, cũng không.
Mắt kia đã nói hết
Còn nhiều hơn tiếng lòng.
Chàng chẳng làm gì hết!
Nàng, cũng vậy, cũng không.
Tình yêu đã làm hết
Còn hơn cả mộng lòng.
Chàng chẳng nghĩ gì hết!
Nàng, cũng vậy, cũng không.
Nhưng nghĩ chi cho mệt
Khi lòng đã tin lòng.
Chàng chẳng ước muốn gì.
Nàng, cũng vậy, cũng không.
Ước muốn mà làm chi?
Khi lòng đã trao lòng.

Chàng thương người không thương
Nàng yêu người không yêu
Tình cờ xui gặp gỡ
Hai kẻ thiếu thương yêu

Họ yêu nhau tha thiết
Chưa ai từng yêu nhau
Tin tưởng và mãnh liệt
Ngay buổi gặp ban đầu

Với người không thương trước,
Với kẻ chẳng yêu xưa,
Họ quên, quên, quên hết
Mối thất tình năm xưa.

Thơ dịch: Paul Verlaine

Paul Verlaine tên đầy đủ là Paul Marie Verlaine, nhà thơ Pháp, sinh ngày 30-3-1844 tại Metz, mất ngày 8-1-1896 tại Paris.

“Il pleure dans mon coeur”
II pleut doucement sur la ville…
(Arthur Rimbaud)

Il pleure dans mon coeur
Comme il pleut sur la ville ;
Quelle est cette langueur
Qui pénètre mon coeur ?

Ô bruit doux de la pluie
Par terre et sur les toits !
Pour un coeur qui s’ennuie
Ô le chant de la pluie !

Il pleure sans raison
Dans ce coeur qui s’écoeure.
Quoi! nulle trahison ?…
Ce deuil est sans raison.

C’est bien la pire peine
De ne savoir pourquoi
Sans amour et sans haine
Mon coeur a tant de peine !

Mưa nhẹ nhàng rơi trên thành phố…
(Arthur Rimbaud)

Mưa rơi trên thành phố
Như khóc trong lòng ta
Nỗi buồn chi thiết tha
Sâu thấm vào lòng ta?

Ôi, tiếng mưa êm êm
Trên mái nhà, mặt đất!
Xui lòng ta buồn thêm,
Mưa gieo buồn êm êm!

Khóc không manh không mối
Trong lòng buồn tái tê.
Đâu! Có ai phản bội?
Buồn này thật không mối.

Không hận nào hơn hận
Khi chẳng hiểu vì đâu
Không yêu đương, buồn giận
Lòng ta buồn vô tận!

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.

Birds in the night II
Et vous voyez bien que j’avais raison
Quand je vous disais, dans mes moments noirs,
Que vos yeux, foyers de mes vieux espoirs,
Ne couvaient plus rien que la trahison.

Vous juriez alors que c’était mensonge
Et votre regard qui mentait lui-même
Flambait comme un feu mourant qu’on prolonge,
Et de votre voix vous disiez : « Je t’aime ! »

Hélas ! on se prend toujours au désir
Qu’on a d’être heureux malgré la saison…
Mais ce fut un jour plein d’amer plaisir
Quand je m’aperçus que j’avais raison !

Em biết rõ ràng ta không sai quấy,
Khi buồn phiền ta nói thẳng em hay
Rằng mắt em-ôi nguồn hy vọng ấy-
Chỉ chứa toàn phản bội bấy lâu nay!

Em thề thốt chê ta lầm, nói trật!
Nhưng cái nhìn kia thiếu hẳn chân thành,
Nó leo lét như lửa tàn sắp tắt,
Giọng ngọt lừ em vẫn nói: “Yêu anh”.

Này nghe giọng hát êm đềm
Nấc lên cho đẹp lòng em, hỡi mình!
Lâng lâng hé cửa tâm tình
Như làn nước khẽ rùng mình trên rêu!

Hôm qua… về rất say sưa
Ta không hy vọng vẩn vơ chứ mình?
Xin em hãy nói thiệt tình
Rằng không, không phải mối tình vẩn vơ!

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.

Với kho tàng thơ ca đồ sộ, nhà thơ Bàng Bá Lân đã có nhiều đóng góp lớn cho nền văn học Việt Nam. hi sĩ Bàng Bá Lân là một nhà thơ đồng quê nổi tiếng, thường ghi lại những nếp sinh hoạt của người dân miền thôn dã.

Related posts

Nhà thơ Vũ Hoàng Chương và tập Bút nở hoa đàm phần thứ hai

admin

Du Tử Lê cùng tập thơ Trường Khúc Mẹ Biển Đông hay nhất phần 1

admin

Nhà thơ Lý Thanh Chiếu cùng bài thơ Túy Hoa Âm nổi tiếng

admin

Leave a Comment