Nhà Thơ Nổi Tiếng

Bộ ” Dịch Cảo Thơ” Đặc sắc Của Chế Lan Viên Phần 2

Nhà thơ Chế Lan Viên được nhiều độc giả yêu mến bởi những bài thơ vô cùng đặc sắc và tinh tế. Ông có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng sống mãi theo thời gian. Tuần trước uct.edu.vn đã giới thiệu đến các bạn Bộ ” Dịch Cảo Thơ” Đặc sắc Của Chế Lan Viên Phần 1, hôm nay để tiếp nối mời các bạn đón xem phần 2 các bài mới ở dạng phác thảo ngay bây giờ nhé!

Nội Dung

Sông Tương Tư còn có tên bến Lú
Cả một đời anh qua sông một bữa
Sông Tương Tư, suốt đời anh sẽ nhớ
Bến Lú mà, em sẽ chóng quên thôi

Anh cho em được những gì?
Cho em vầng trăng non sau cành tre ấy
Cho mùi hương lúa đêm khuya
Cho dòng sông nước chảy…
Những cái ấy anh không cho thì em không thấy
Em yêu nhiều hơn dòng sông nước chảy khi mà anh cho

Không phải cô Tấm nào cũng có xương gà hóa thành hài hoa
Đánh rơi ngày hội
Không phải cô Tấm nào cũng ấn chân lọt khớp vào hài hoa
Và được vua yêu
Cô Tấm của anh có cuộc đời nhọc nhằn xoàng xĩnh
Trấu lộn cùng thóc
Mà chả chim trời nào đến nhặt
Tôi chôn hàng trăm hài hoa vào trang thơ
Bới lên chỉ nhặt được xương gà!

Mỗi ngày anh đạo diễn vở kịch đời anh không thứ lớp
Đoạn đằng sau có khi diễn trước
Đoạn đầu tiên lại để sau cùng
Trăm vai phản diện, chính diên ư, cho đến màn phông…
Đều anh cả
Không màn phông, chỉ có trái tim nhức buốt
Lại phải đóng vai hề cười cợt
Đóng quan tòa ư? Để xử tội phạm lại là mình!
Diễn sao cho mình không phải lừa ai
Chả phải lừa mình
Nếu thiên hạ không xem đến chót
Thì mình cũng xem đến chót
Kể cả vĩ thanh

Đất nước gì mà tuổi trong nôi đã phải nhảy lên mình ngựa thép đi đánh giặc
Đang cưỡi trâu, chơi cờ lau cũng phải bỏ chơi mà đánh giặc
Chiếc gối lông nga cũng có âm mưu của giặc trộn vào
Yêu mà bị chém rơi đầu vì Mỵ Châu hóa giặc!
Cho đến cùng phải hóa Sơn Tinh, Thủy Tinh
Đánh giặc cùng nhau huy động núi non, lũ lụt vào vòng chiến tình yêu
Mà cướp một cô Nàng

Đến ngày anh ở trong vô hình – bóng tối
Bên kia, bên kia anh quay đầu nhìn lại
Ngũ sắc cuộc đời chói lọi
Mà anh trở về thì đã vô phương
Giờ anh đã là bọ dòi, là sọ dừa, là cả bộ xương
Nhưng đừng tiếc nuối
Ta đã nghĩ ra cái đẻ không đau
Nhưng cái chết không đau thì chưa nghĩ tới
Mà nghĩ lắm ư? Thì nó thành văn chương, triết học, lễ nghi, tôn giáo nhức đầu
Hãy biết ơn Trỗi, biết ơn Thái Bình đã vì ta cởi trói
Các anh ngẩng đầu
Cái siêu hình rên xiết biến đi đâu
Chỉ còn nụ cười để lại
Về phía bên kia nhẹ nhàng, không bối rối
Để lại phía bên này hạnh phúc phía đằng sau

Dân tộc muốn sống giữa lửa chiến tranh và lũ lụt của người
Vỡ đê biển với vỡ đời
Dân tộc không thể biến đi mà chỉ hóa
Không để Tháp, Mộ Lăng, Mồ Mả…
Để Hề Gậy, tiếu lâm và một chuỗi cười
Dân tộc bốn nghìn năm bị cái dạ dày làm khổ
Buôn đầu chợ bán cuối chợ
Khổ trên sông và khổ bên sông
Lụt sông Mã, sông Thương, sông Cái, sông Hồng…
Bo bo hạt gạo bằng trời của mình
Tấm mẳn của mình
Vơ bèo vạt tép mà tồn tại
Do đó phải nhờ Bụt, nhờ Trời, nhờ Chúa, nhờ Nàng Tiên cứu rỗi
Khi sống ăn cơm
Chết nhờ húp cháo lá đa mà tồn tại
Dân tộc có quá nhiều kẻ thù
Nên phải làm lành
Dân tộc Thiền tông
Hết giặc rồi, đổ căm thù xuống bể xuống sông
Gieo nắm thóc trên đất đen cho nó nảy mầm
Gieo nắm thóc trên đất đen như máu đỏ bầm
Gieo cái hôn trên môi như thóc cháy nảy mầm
Ấy thế mà hay lật ngược mình ra phơi tiềm lực
Hôm nay (…) chỉ vì hôm qua có
Hôm nay lợn ỷ, gà chuồng
Mà ngày mai gà lợn âm dương
Đám cưới chuột huy hoàng
Ngũ sắc
Hóa, hóa chứ sao?
Không thể chỉ có một bề, một mặt
Hôm qua là chú bé Gióng
Hôm nay roi, ngựa sắt
Hóa xoan đào, hóa vàng anh, hóa Nàng Tiên…
Nhiều tai ương
Nên phải nhờ thần Kim Qui, nhờ Đạm Tiên, nhờ Bụt…
Dân tộc trầm luân trong sóng Tiền Đường
Thế nhưng đánh giặc xong rồi
Thì vất đi roi sắt
Vất cả khóm tre ngà nhổ lên đánh giặc
Hóa làm đứa trẻ thơ
Lạy mẹ
Rồi bay về trời, mắt thơ ngây đầy lệ
Bay về trời hút bóng giữa tre xanh
Dân tộc làm gián cách
Hề về những nỗi đau khiến mình xé rách
Lấy tiếng cười tạo ra nỗi đau, quãng cách
Trước khi đau
Thành Hề Gậy, Hề Mồi, tiếu lâm, chú Tễu…
Cuộc đời rất đểu
Phải vui mà đương đầu

Ừ dù sao cũng không thể biến đi mà cần tồn tại
Và phải hóa thì mới đương đầu nổi
Trở thành Ta cật vọt hơn mình
Bác đã làm như vậy
Đất nước nghèo, từ người thư sinh áo vải
Hóa thân thành lãnh tụ
Xong giặc rồi, hóa tinh thần
Về lại giữa ca dao

Quá nhiều bất công
Tội ác trùng trùng
Chả hiệp sĩ nào buồn xách gươm lên ngựa
Gươm muốn làm lành cùng cối xay
Bảo là nó không xay người
Mà chỉ là xay gió!
Đuynxinê khuyên chàng thúc thủ
Đừng ăn cơm nhà, đi làm các chuyện vô công!
Xăngsô tìm nơi ngủ
Tin rằng không cần nhiều sự
Tự nhiên trời đất sẽ hồng
Con ngựa gầy, thả ra cho nó đi ăn cỏ…
Đông Kisốt tản bộ
Cùng cô nàng đi dạo bên sông…

Cấm tái bản Đông Kisốt
Hoặc in toàn bộ
Tóm nó lại thành bài ca
Thiên hạ đại đồng

Khi anh gần chạng vạng
Thì có người bình minh
Đừng lấy hoàng hôn anh ngăn cản
Ban mai của họ sinh thành

Hạnh phúc đến thình lình và ở thể đơn côi
Còn tai ương thì dồn dập đánh vu hồi
Thuyền anh đi giữa bể, hai trời May, Rủi đó
Không sấp bên này thì ngửa phía kia thôi
Cho đến lúc vào bóng đêm, anh mới nhận ra chân lý
Cuộc đời là trò chơi
Cuộc sống là trò chơi
Mà không chơi khổ đau thì không ù được nụ cười

Đừng như người đàn bà góa trong căn nhà mối mọt, đêm nghe nó gặm
Mà bất lực chả làm gì được với tiếng kêu trong gỗ như thời gian liên tục nghiền
Có lẽ tốt hơn là chỗi dậy, chong đèn xay cối lúa
Tiếng cối xay ù ù kia dẹp tan tiếng mọt găm chân giường

Mẹ già chạy gạo nuôi anh từng ngày từng buổi
Một tháng bao lần ngô ghế theo khoai
Thế mà anh đi tìm nắm cỏ tiên để hái
Mẹ cần ăn, anh cho nắm cỏ hái trên trời!

Con người ngẩng lên trời làm triết học:
Ta là ai? Về đâu? Hạt móc
Là ta chăng? Dòng sông là ta chăng? Tiếng khóc
Là ta chăng? Vì sao lạc phương trời
Là ta chăng? Ta chưa kịp trả lời
Thì sông đã cuốn ta vào bóng tối
Cậu bé chơi tùng dinh vụt già trăm tuổi
Câu hỏi thuở bé thơ, miệng huyệt trả lời
Ừ, anh là sông trôi, là hạt móc
Là tiếng khóc thất thanh… Nhưng anh lại
Là người. Việc gì phải tủi
Việc gì phải đau! Hãy chấp nhận và cười!
Bây giờ ta yêu sông vì đó là người
Yêu hạt móc, đấy là ta sáng chói
Yêu vì sao, nó cùng ta như nói
Vũ trụ hãy nhìn nó cách này và ngược lại
Nhìn nó phía kia
Không tồn tại sẽ bỗng nhiên tồn tại
Đang héo tàn, vũ trụ sẽ sinh sôi

Anh có cho tôi làm hoa sen không, tôi trong lý lịch có bùn?
Thân phận người mà, ai chả có bùn đen?
Giết chết một mùi hương, dễ thôi, cứ quậy bùn lên để giết
Nhưng vượt lên bùn, sen cứ ngát hương sen

Lên gác nhìn quanh kiếm dáng xuân
Mai vừa trụi lá, nhánh khô cằn
Hồng không. Cúc cũng không. Duy chỉ
Gương mặt nhà ai thoáng nét trăng

Từ Trung tâm Hỏa táng
Hằng ngày khói thịt người, xương người bay trên trời quận Tân Bình
Sáng đưa xác vào, trưa lấy xương ra
Đều đặn như bánh vào lò
Mỗi ngày hai suất
Người gia đình buổi sáng xe, vòng hoa, kèn… đầy nghi lễ
Giấu che cái chết
Đưa người vào lò
Chiều đến nhặt xương như ta nhặt thóc
Tai ương, hạnh phúc, ước mơ, bao nhiêu xương thịt tâm tư một đời
Khét lẹt bay lên trời mây đục

Ta trên đường đi đến lò thiêu
Cuộc hành trình nhẩn nha mà rất gấp
Vội gì than “cuộc đời như gió bay vèo”
Em hỏi anh: Nên sống lối sống nào?
Hiện sinh hay tôn giáo?
Anh cười: Hiện sinh gì khi răng đà rệu rạo, hiện sinh
để nhìn gì khi mắt ta kèm nhèm?
Mà tôn giáo triệu đời chỉ mân mê cái đầu lâu cũ ấy
Khôn thay là chủ nghĩa Mác
Không dại húc đầu vào cái siêu hình rất hóc
Chị Minh Khai thêu áo cho con
Anh Trần Phú giảng bài chờ máy chém
Ta đạp lên siêu hình và bớt nghĩ về Ta
Thế là yên chuyện
Anh viết cho đời và anh yêu em
Trong khi chờ nhát cuốc – à, không, chờ ngọn lửa của lò để đến Vùng Quên

Người nông dân ấy đã bốc mộ cho hàng ba trăm thương binh
Xác anh em và xác con mình
Anh xếp trên giường nhà anh như họ còn nằm ngủ
Vợ, dâu anh thì sợ
Nhưng anh vẫn làm nhiệm vụ
Việc ấy không để lại hào quang trên tay
Ánh sáng gì trong mắt
Hay huân chương trên tường
Có khi bản thân anh cũng muốn quên giữa cuộc đời chật vật
Còn ta à! Thì bận vì dạ hội, liên hoan
Tình ca, hội thảo…
Bao nhiêu điều láo nháo chúng ta quên
Quên rằng giờ chiến thắng mười năm
Anh ta vẫn khổ
Con vào trường không có chỗ
Đến bệnh viện không tiền
Ra đường không ai nhớ
Về làng người ta quên

Nhìn con nai trên trống đồng, trong hang xưa tiền sử
Bỗng thương nghìn con nai khác tầm thường xấu số
Không thành hoa văn di chỉ để ai tìm
Thế chúng chả là nai ư? Dấu vết bặt chìm!
Nai, chúng vẫn là nai lắm chứ!
Vấn đề là ta phải yêu những người lừng danh trong lịch sử
Và lại yêu vạn người lịch sử chả ghi tên

Xao xác ngàn lau, ngàn kỷ niệm bạc đầu, bạt ngàn xao trong gió
Miền hoa lau ấy là miền xưa, miền quả vàng, đến làm chi?
Tất cả những nơi cư trú khi người không về đấy nữa
Thì biến thành rừng hoang kỷ niệm, hóa lau le

Với những ngày trống không nhờ nhờ trắng mây
Cái nhạt nhẽo mù mờ vô vị
Anh làm nên cơ khí
Làm nên thỏi vàng nhấp nhánh trên tay
Phải rồi, mỗi tháng, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây
Đều có những hạt vàng chảy qua kẽ bàn tay
Lẫn với trống không mà anh chẳng biết
Những lúc thời gian ồ ồ nước xiết
Lại càng gay
Chỉ cần yêu, cầm lấy cái trống không vô vị tháng ngày
Yêu nó đi, cho nó thành báu vật
Chắt bóp nó trước khi ngày tan, tháng mất
Thì vẫn còn lại một chút gì anh không thể trắng tay
Một vết thương thành sẹo lâu ngày
Một chút nhớ đầu mày cuối mắt
Một chút nắng như con sóc đầu cây rồi khuất
Một điệu hát mơ hồ nghe thoáng đâu đây
Hãy cầm lên, bắt lấy
Có vàng lẫn trong dòng thác ấy

Cái không đáng khóc bây giờ, ta sẽ khóc mai sau
Mai sau, mai sau khi chẳng còn ta nữa
Một chút nắng xao ở đầu ngọn gió
Là ta đấy mà, ai có biết đâu?
Họ ngờ chỉ là mùa xuân trong vườn của họ
Có biết đâu đấy là người xưa về trong gió còn đau
Họ có khóc, ngờ đấy là lệ họ
Không hay nhân loại nằm ở dưới bề sâu

Chúng ta ở trên đời không phải để ra lộc ra hoa mà còn để mang thương tích
Cũng không phải chỉ nỗi đau cao sang mà là hủi cùi ghẻ lở đục hình hài
Nhưng đã là người thì phải cày cuốc, đan thêu, thả lưới, trồng cây, gieo hạt…
Dẫu là vì vua què thì cứ phải lên ngôi
Vẫn phải đúc niên hiệu anh vào tiền, ghi năm anh trị vì vào lịch
Chớ vì què mà khập khiễng lên ngai
Ở đời nếu không hài thì cũng phải chơi bi kịch
Màn mở, trống rung rồi, anh phải đội mũ, mang hia lên
Mang số phận vào người

Sẽ quên thôi, sẽ quên thôi
Dù hứa nhớ
Hạnh phúc sẽ quên, đau khổ sẽ quên
Mà chả cần uống nước sông Mê, bến Lú
Chả cần động đất, băng hà hay chấn thương đỉnh sọ
Chả cần ăn cháo bà Tiên hay Quỉ dữ
Chỉ cần uống nước thời gian
Hàng ngày hàng bữa
Rồi chúng ta quên
Quên là thạch nhũ
Cứ nhỏ từng giọt từng ngày thế đó
Mà rồi nước thành ra đá
Lòng ta lãng quên
Quên là một cánh đồng hoang
Mọc cỏ
Khó có cây gì mọc lên
Đừng khổ trước cái điều ngày mai không ai khổ cả
Vết nhức buốt sẽ thành sẹo nhỏ
Cái dằm hạnh phúc rút ra
Cũng không thành dòi bọ
Chỉ thành vết sẹo lãng quên dúm dó
Không ai thèm ngó vì rồi ta quên
Cái hôn yêu lửa nồng sẽ là đất thó
Con sông lũ lụt yêu đương sẽ cạn dòng trơ sỏi đá
Người ta quên

Không quên, cho nên nàng Tô thị mới không làm người
Mà hóa đá
Không quên nên bà mẹ bạc đầu tóc phơ trắng xóa
Không quên nên rừng đánh mất mùi hương, thổi hoài ngọn gió
Không quên nên mùa thu hóa thành con dế nhỏ
Rì rầm trong cỏ
Đêm đêm…

Còn đã làm người thì anh sẽ quên
Biết rằng quên nên họ làm thơ, chép sử
Cho nên họ giữ tro tàn. Bỏ quên ngọn lửa
Họ khắc tuổi tên gửi cho vỏ cây thân gỗ
Để rồi nguôi quên

Một ông sao sáng. Hai ông sáng sao…
Tuổi bé thơ thích đếm sao và tát bể
Thế mà nay bay qua nghìn vạn sao trời, qua lắm bể
Cái ta đánh mất phải đi tìm chính là tuổi bé thơ kia

Tôi thu dọn đời mình như người sắp về quê cũ
Chả cần gì thêm
Chừng này đã đủ
Chừng này thương, chừng này giận dữ
Chừng này hoa, chừng này bão tố
Đi bình yên
Mừng rằng từ đêm đặc đêm đen
Có một ngày, một kiếp chói lòa trong vũ trụ
Phung phí, tiêu xài đủ thứ
Giờ về đêm đen
Lại hoàn nguyên số
Không bị gì làm hoan ố
Cùng với dải Ngân Hà sáng rỡ
Các chùm sao quen
Mặc đời quên
Về đấy mình cũng không còn nhớ
Ở trong nhà, chớ phải đâu ngoài chợ
Nam mô A-di-đà Thượng đế A-men

Có thể là trái đất mất anh hơn là anh mất nó
Nó mất anh như mất một hạt bụi có nghĩa gì?
Còn anh ngày mai khi đã là linh hồn, anh vẫn nhìn thấy nó
Cha vẫn nhìn thấy con, thấy mẹ, thấy khu vườn
Có điều ở thế giới ấy trong sáng, người ta không đau, không dùng nước mắt
Người ta trong như thủy tinh, chỉ còn có tình thương
Con vẫn nằm trong tầm mắt cha khi con đau khổ hay là khi hạnh phúc
Còn như mồ cha, cái bình tro xương cha
Có phải cha đâu?
Ờ, ở thêm cùng các con, cùng mặt đất này dăm năm, dăm tháng, dăm ngày
Có khi cũng là hay đấy
Nhưng biết đâu chất thủy tinh sau đấy sẽ đục hơn
Cuộc sống của vũ trụ là một Bi Kịch Vui
Hay đó là một nỗi Buồn vĩ đại làm phấn chấn
Và khi nhìn trời xanh, con yêu, ấy chính cha rồi!

1
Anh không ở lại yêu hoa mãi được
Thiêu xong, anh về các trời khác cũng đầy hoa
Chỉ tiếc không có tình yêu ở đó

2
Anh thành một nhúm xương gio trong bình
Em đừng khóc
Ngoài vườn hoa cỏ mọc

3
Cho dù trái đất không còn anh
Anh vẫn còn nguyên trái đất
Tặng cho mình

4
Những kẻ nguyền rủa anh sẽ buồn
Chả còn anh cho họ giết
Dao sẵn rồi, họ không dễ để yên

5
Những bạn bè yêu anh sẽ gặp anh trong cỏ
Trong hạt sương, trong đá…
Trong những gì không phải anh

Anh tồn tại mãi
Không bằng tuổi tên, mà như tro bụi
Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên

Nào chúng ta có được thông báo tận tường về ngôi sao chiếu mệnh đời ta
Có khi nó đã lạnh rồi mà ta cố tình nhấp nháy
Dễ gì anh và tôi cùng một thiên hà
Huống nữa tôi một ngôi sao khác, anh một ngôi sao khác
Gặp giữa quãng trời rồi phút chốc muôn trùng xa

Trên đây, uct.edu.vn đã cập nhật cho quý vị độc giả những bài thơ đặc sắc trong bộ ” Dịch Cảo Thơ” phần 2. Hy vọng với những bài thơ trên sẽ làm cho các bạn yêu thích và cảm nhận sâu sắc hơn về ý nghĩa bài thơ. Mời các bạn đón xem Bộ ” Dịch Cảo Thơ” Đặc sắc Của Chế Lan Viên Phần 3 vào một ngày nào đó gần nhất. Cảm ơn các bạn đã đồng hành cùng chúng tôi trong suốt thời gian qua! 

Related posts

Sự nghiệp sáng tác thơ ca của nhà thơ Bằng Việt (Nguyễn Việt Bằng)

admin

Nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm và Bản Nôm Nguyễn Văn Bân (Sấm ký)

admin

Nhà thơ Hồng Thanh Quang và trọn bộ những trang thơ ấn tượng phần 5

admin

Leave a Comment