Nhà Thơ Nổi Tiếng

Cao Thoại Châu: Những Bài Thơ Vang Danh Một Thời

Cao Thoại Châu là người con của vùng quê Nam định. Ông từng là sĩ quan trong lực lượng Việt Nam cộng hòa nên chắc vì thế mà thơ ông thường viết về tâm sự khi ở trong chiến trường và về xứ Huế. Ông là nhà thơ của thời kỳ hiện đại nên ông thường phóng khoáng viết với thể thơ tự do.Những tác phẩm thơ của ông được rất nhiều người biết đến và mến mộ. Nào! Ngay bây giờ chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về nhà thơ này nhé!

Nội Dung

Cao Thoại Châu tên thật là Cao Đình Vưu, sinh năm 1939 tại Giao Thuỷ, Nam Định, di cư vào Nam năm 1954. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn năm 1962. Nhiệm sở đầu tiên của ông là Trường Trung học Thủ khoa Nghĩa ở tỉnh Châu Đốc. Bút hiệu của ông được ghép từ chữ Thoại là chữ lót trong tên của người bạn gái gốc Hoa và chữ Châu trong tên tỉnh Châu Đốc mà thành. Ông còn có các bút danh khác là Tiểu Nhã, Hư Trúc.

Sau trận chiến Mậu Thân 1968, ông bị động viên vào quân ngũ và trở thành sĩ quan của quân lực Việt Nam Cộng hoà. Năm 1970 ông được biệt phái về Bộ Quốc gia Giáo dục và thuyên chuyển về Trường Nữ Trung học Pleime của tỉnh Pleiku. Cao Thoại Châu dạy học tại đây cho đến khi có cuộc di tản các tỉnh cao nguyên về duyên hải trên tỉnh lộ 7/3/1975. Sau 1975, ông vào trại cải tạo 3 năm và cũng như nhiều nhà giáo khác, Cao Thoại Châu phải nghỉ dạy trong một thời gian khá lâu. Trong thời gian này ông làm thợ hồ sau đấy mới được gọi đi dạy lại tại trường Trung học Phổ thông Long An.

Trước năm 1975 Thơ Cao Thoại Châu xuất hiện thường xuyên trên các tạp chí văn học: Văn, Văn Học, Khởi Hành, Thời Tập… Sau 1975 ông nghỉ viết trong 15 năm. Từ 1990 thơ ông mới xuất hiện trở lại trên các báo Thanh Niên, Kiến Thức Ngày Nay, Long An Cuối Tuần… Hiện nay nhà thơ đã nghỉ hưu, ông tiếp tục sống và sáng tác tại Long An.

Tác phẩm đã xuất bản:
– Bản thảo một đời (thơ, 1993)
– Rạng đông một ngày vô định (thơ, 2006)
– Ngựa hồng (thơ, 2009)
– Vớt lá trên sông (tạp bút, 2010)
– Vách đá cheo leo (tạp bút, 2012)

Chúng ta hãy cùng uct.edu.vn tìm hiểu về những tác phẩm đặc sắc đã làm nên tên tuổi của nhà thơ Cao Thoại Châu này nhé!

Cây cũ bờ sông phơi rách áo
Hai chung trà song ẩm một mình tôi
Thương cái bến bị thuyền neo cứng nhắc
Đêm vô hồn nghe gió hú bâng quơ

Thương con nước đời xô ra biển
Con nước bao giờ mà chẳng thanh xuân
Mây vô cớ ngàn năm lận đận
Phủ xuống đời chiếc bóng phân vân

Và giai nhân người bao nhiêu nhan sắc
Mà đời đau như bị phân thân
Hương trên trời hương rơi xuống đất
Hoa trong vườn hoa bị chôn chân

Ta uất khí vung gươm làm kiếm khách
Chém dòng sông bên lở bên bồi
Nghe gió hú trên thanh kiếm cụt
Không thấy đầu chỉ thấy lệ mình rơi

Trang thục nữ bỗng đâu thành hiệp nữ
Ly rượu này làm bảo kiếm dâng em
Thân hàn sĩ lấy chi nuôi ngựa
Lục lạc trong chiều gõ tiếng leng keng.

Có những đêm trường gợi tiếc thương
Có ta lấy tóc đếm ưu phiền
Có ta nâng trái sầu chín rã
Có lệ ta hoà chung hơi men

Có mắt ta là ly rượu nhỏ
Có đời ta là quán cô hồn
Và có ta đang ngồi trong quán
Uống cho tàn cho mạt kiếp nhân sinh

Cũng có đau thương làm vui bạn nhỏ
Có hoang đàng tìm thấy giữa cơn say
Có tuyệt vọng trên vành ly rực sáng
Và có em buồn ta cõng trên vai

Có nắng chiều đang rơi ngoài bãi
Bãi vắng chiều xa không bóng người
Chứng kiến giờ ta lên cơn hấp hối
Ta đội nón đi mời em uống rượu

Cuộc tình sầu thôi hãy gác qua bên
Ta đâu có giận hờn chi cuộc sống
Dù thật tình buồn lắm phải không em
Ta là ly vậy mà em biết không

Ta là rượu vậy mà em biết không
Uống đi em bởi ly đã kề
Bởi ta buồn như câu chuyện kể
Câu chuyện buồn kể giữa cơn say

Bởi lát nữa đây mặt trời sẽ chết
Mùa đông về không chỗ dung thân
Ta sẽ đứng run trong giá lạnh
Dáng bơ vơ như kẻ thất tình

Và thấy em như bờ dốc đứng
Ta chiếc xe đò nổ bánh bơ vơ
Mặt trời chết ở nơi nào trong ta
Ta đã say làm sao biết được

Em không uống nên có ta lẻ bạn
Vòng tay ôm hồ rượu thấy mênh mông
Rượu đã hết hay mắt ta vừa cạn
Em chối từ ta biết nói sao hơn

Thôi giã tiệc và xin chào bạn nhỏ
Ta tủi hờn bóp nát chiếc ly không
Và ta tưởng chính mình đang vỡ
Mùa đông dài ta lại rất cô đơn

Có ta trong một toa tàu trắng
Tỉnh rượu nằm nô giỡn một mình
Có em còn đứng sau khung kính
Có nỗi buồn gửi một toa riêng.

Tôi nhớ người vào lúc cuối năm
Gây gây một chút lạnh âm thầm
Những vỉa hè thốt nhiên cùng dậy muộn
Sau giấc ngủ dài như rộng thêm hơn

Tôi vẫn đi qua khá nhiều thảng thốt
Như đi qua vết lủng trên đường
Là lúc ấy biết bao dằn xóc
Cả bên ngoài, dằn xóc cả bên trong

Nhớ nhung ơi, cũng cần địa chỉ
Bao lâu tôi vẫn bặt tin người
Giữa sóng gió cánh buồm như bị rách
Biển thế nào tôi vẫn ra khơi

Và sáng nay gió nhiều hơn mọi bữa
Cuối năm rồi tôi lại thấy cô đơn
Thấy lác đác dăm căn nhà đóng cửa
Giữa dòng cuồn cuộn của thời gian

Người ở đâu, hoa đã về rồi
Khắp phố sá bừng lên rực rỡ
Những hương ấy và người ơi sắc ấy
Làm lẻ một người, lẻ một người thôi!

Thêm một Tết, lại thêm tờ lịch
Đêm giao thừa điện thoại vẫn không reo
Hồn tôi hoá vô tri vô giác
Im lìm tan tác biết bao nhiêu

Cuối năm rồi, ở tận nơi đâu
Giọng nói ấy vẫn trong như nước lọc
Tự hỏi cuối năm trời và đất
Sao cứ đành biền biệt cách xa nhau

thế là biết được cầu Tràng Tiền
và biết được sông Hương
bởi hằng ngày vẫn phải đi trên đó
phải tới con đường nhiều bóng cây
những bóng cây run run sợ hãi
phải qua một bến xe một cái chợ
thấy rất buồn vào lúc sớm mai
muốn thăm em phải qua cầu vừa nói
phải chạm mặt những người không quen
muốn trốn ra ngoài tối tăm hiện tại
phải qua ngả nào em chọn cho anh
bởi thương em nên tập cho quen
cùng giọng nói thường nghe không rõ
cùng nghi lễ phong tục tối tân
vẫn ngang dọc như xe giăng ngoài phố
bởi thương em nên hỏi thăm cho biết
những địa danh mới nghe lần đầu
những tiếng lạ đôi khi cần thông dịch
nhưng vốn lười nên quên rất mau
bởi thương em nên phải về xứ nóng
xứ mưa dầm và cung cách trang nghiêm
anh vẫn yêu như là thể hiện
bản chất liều tàng trữ bên trong
và tương tự, yêu là chôn sống
một điều gì (như dĩ vãng riêng?)
anh càng yêu càng thấy mình buồn
và càng thấy trở nên người khác
bởi thương em nên phải vào thành nội
ngồi trên chỗ vua ngồi ngày xưa
đó là phút giây thành ngài ngự
và ngài ngự thân cô thế cô
trong một cõi cô đơn rất rộng
và ngài ngự đang giấu nỗi buồn
trong một chốn tù riêng của Huế
ngài ngự muốn tập quen đứng đắn
tập sống bình thường cho bớt đau thương
(bởi yêu em anh hoà cùng đời sống
lỡ hận thù từ bao nhiêu năm)
ngồi trên ngai vàng anh bắt đầu tập nói
những tiếng ni tiếng nớ lạ đời
như trẻ thơ đang ngồi trong nôi
tập nghe ngóng và gọi tên sự vật
chỗ em ở hình như Gia Hội
nơi dốc cầu lươn lẹo bò qua
anh chợt hỏi mình từ đâu tới
mà bị ngắm nhìn chẳng mấy vô tư
anh đang đi trên đất nước mình
mà cứ ngỡ đang trên đất khách
anh đang sống mà vì vô tâm
nên cứ ngỡ kẻ nào tạm trú
không biết em chắc khi mô biết huế
sợ mình không chịu nổi tôn nghiêm
sợ bị nhận ra người xứ lạ
sợ mắt-đa-tình-rất-Huế, dĩ nhiên
huế vẫn được nhiều người ca tụng
nên thử liều về đó theo em
như ngày xưa đã liều trưởng thành
khi tuổi tác còn ngây thơ hết sức
trong khai sinh anh người Hà Nội
nhưng bây giờ đánh rớt quê hương
như ham vui đánh rớt người tình
thuở đầu đời, nguôi quên không nổi
giờ mọi sự dẫu sao đã có
đã có em và đã có anh
đã có anh bắt đầu tập sống
sau nhiều năm tìm kiếm loanh quanh
giờ mọi sự dẫu sao đã có
đã có chúng ta nơi chùa Thiên Mụ
có dòng sông mườn mượt trôi qua
ôi dòng sông lãng mạn vô bờ
trách chi em không liều (hẳn thế)
khi đưa anh về Huế, bởi vì
anh là kẻ mang đầy thương tích
nên dáng đi như kẻ lưng gù
thương tích của mẹ thương tích của cha
bao nhiêu kẻ gây cho một kẻ
và sắp phải lấy anh làm chồng
có gì buồn nữa không, thưa em
anh là thế như em đã biết
kẻ lông bông lãng đãng hư vô
kẻ chới với chân không chạm đất
và em cũng vừa mang về Huế
một món quà dễ vỡ khi không

Chúng tôi đã cập nhật cho bạn những bài thơ đặc sắc và đầy ý nghĩa của nhà thơ Cao Thoại Châu. Hãy ủng hộ và theo dõi uct.edu.vn để có thể theo dõi những bài viết hay nhất nhé! Cảm ơn các bạn đã đồng hành cùng với chúng tôi trong suốt thời gian vừa qua! 

Related posts

Du Tử Lê cùng tập thơ Trường Khúc Mẹ Biển Đông hay nhất phần 1

admin

Nhà thơ Nguyễn Duy và tuyển tập những bài thơ hay để đời

admin

Tập Thơ Gửi Lời Cho Gió Mang Đi (1997) Của Bùi Nguyễn Trường Kiên

admin

Leave a Comment