Nhà Thơ Nổi Tiếng

“Gửi Các Anh” (1954) Chế Lan Viên Đi Vào Lòng Người (P1)

Với tập thơ “Gửi Các Anh” (1954), Chế Lan Viên đã đưa thơ ông thoát khỏi dĩ vãng buồn thương để trở về với cuộc đời hiện tại trong niềm tin yêu. Cuộc sống cách mạng và kháng chiến đã tạo điều kiện thuận lợi, chắp cánh cho tâm hồn thơ Chế Lan Viên vươn tới những đỉnh cao nghệ thuật và Bay theo đường dân tộc đang bay. Bài viết dưới đây, chúng tôi xin trích một phần tuyển tập thơ để quý độc giả có những cảm nhận riêng về vần thơ cũng như tâm hồn trong thời chiến của ông nhé!

Nội Dung

Chim ri mách lúa vàng chín rộ
Tu hú kêu vải đỏ trùm cây
Tháng năm mười chín rồi đây
Ngày sinh nhật Bác nắng đầy tiếng chim…

Quê em nhỏ bốn bên khe suối
Người vắng qua, chim tới chim lui
Khi vui ngắm núi làm vui
Khi buồn nhặt trái sim rơi đỡ buồn
Trái mơ non quả tròn quả méo
Đời em như cỏ héo tứ mùa
Con vua thì họ làm vua
Mình con nhà khó làm mưa ngoài ngàn
Đầu mùa bới củ thay cơm
Cuối mùa nấu đọt măng nguồn thay khoai…

Từ có Bác cuộc đời chợt sáng
Bát cơm no tháng tám ngày ba
Cơm thơm ăn với cá kho
Công đức Bác Hồ, bản nhớ nghìn năm
Bác thương dân chăm ăn chăm mặc
Em đi chợ đồng bằng bán hạt sa nhân
Tháng giêng thêu áo may quần
Tháng hai trẩy hội mùa xuân hãy còn
Lớp bình dân cuối thôn em học
Người thêm khôn, đất mọc thêm hoa
Chim khôn chim múa chim ca
Bản em có Bác như nhà có trăng
Muối lên rừng tay bưng tay đặt
Bộ đội Bác lên rừng công tác, em thương
Khi xưa lên núi không đường
Giờ anh lên núi bản mường đợi anh
Ra vườn xanh hái nhành vải đỏ
Xuống ruộng vàng gặt bó luá hương
Ngày vui nấu bữa cơm thường
Thết anh cán bộ lên mường giúp dân

Tin vui báo đến, tin vui chuyền đi
Như gió vi vu đầu máy vô tuyến giữa rừng
Như lửa cháy lan qua các liên khu, qua các xóm làng
rậm rịt con người, sự sống
Như sấm nổ vang hờn căm uất ức trong những đô thành
chiếm đóng bởi quân thù
Như bão táp phong ba bốc cả 25 triệu con người lên một loạt
Nhưng cũng là êm dịu mưa xuân
“Tin lành êm dịu mưa xuân”
Trên những cánh đồng
Trên những cánh lòng êm dịu mưa xuân
Người bỗng dưng bắt được tình người
Và lúa mùa đến nằm với đất
Tin vui đã đến báo rằng:
Việt Nam khổ đau
Việt Nam anh dũng
Việt Nam chôn nhau cắt rốn giữa rừng
Việt Nam những ngày nguyên tử vẫn xông lên hàng đầu với gậy tầm vông
Việt Nam ngày nay đã ra đứng trước thế giới, đứng trước mọi người
Mình chưa đeo hết vàng chiền thắng
Nhưng cũng đã mặc đỏ áo vinh quang
Tay chưa xách ngược cái sọ trắng của kẻ thù
Nhưng chân cũng đã dẫm đạp lên sự gục ngã tối tăm của nó
Bảo rằng:
Việt Nam đứng trước bao lơn của thế kỷ thứ 20
Liên Xô đứng một bên và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đứng một bên khác
Hoan hô Liên Xô! Xứ của Pouchkine, Gogol, nhưng vẻ vang thay
còn là xứ của Gorki, Ehrenbourg
Ca ngợi Liên Xô! Xứ của Lénine, Staline – nhưng sung
sướng vô vàn – đó là quê hương của những
tấm lòng yêu hòa bình và chiến đấu cho nó
Ở đây, những đồng cỏ dài mang trên mình những ngày
đông tuyết trắng lạnh dài
Những sự sống đã thở những nhịp dài hơn tuyết trời và cỏ nội
Những thành phố lớn cưu mang trong lòng những nhà máy lớn
Nhưng lớn lao thay là những người đã thắng được máy
móc và để tên lại cho phố phường
Lénine, Staline
Léningrad. Stalingrad
Thắng được cái buồn, phát động lực của mười chín thế
kỷ triết học văn thơ
Thắng được cái chết, bộ máy gớm ghiếc đã cưa hết những
mộng tưởng vàng của nhân loại
Thắng, đánh, thắng, tiêu diệt bốn triệu quân phát xít Đức
– những cái máy chém nói tiếng người, đeo mặt người
Thắng, đánh, thắng, tiêu diệt bất cứ bọn đế quốc, tư bản
nào dám bén mảng đến Liên Xô, ở đó
Hạnh Phúc và Bánh Mì
Hành Động và Tư Tưởng
Song song lên như những ống khói ngất trời của một nhà máy lớn
Tiếng cười và giọng hát
Dân chủ và hòa bình
Thao thao quay, ro ro quay như những guồng xe mà sức
điện là thể động của 200 triệu con người
Hoan hô Cộng hòa nhân dân Trung Hoa!
Người bạn trong khổ đau và người anh trong chiến thắng
Những Động Đình nước mắt và những Dương Tử mồ hôi
Những Trường Sa xương người và những Hoàng Hà máu đỏ
Ôi biết mấy gục ngã tan rơi trên muôn dặm trường chinh
Chúng tôi mặc niệm
Tư tưởng vòng quanh tang trắng ngang đầu
Chúng tôi nghiêng mình
Thương xót, căm thù thắt những sợi giây dài nước mắt
Những ai bỏ mình bên kia biên giới
Cũng đồng một chí dựng xây cho cuộc đời no cơm ấm áo bên này
Và ở đó hay ở đây
Ở bên này hay ở bên kia
Vẫn chỉ là một kẻ thù
Và một thứ máu đổ ra vì chúng nó
Nhưng hoan hô! hoan hô! những ngày than vãn xõa tóc
đã đi qua, bầy chim quạ cú đã đi qua, cái chết đã đi qua
Và sự sống đã đến rồi, nắng đã hồng rồi, trời đã xanh rồi,
sự sống hồng vàng và hy vọng tươi xanh đã trở lại
Năm trăm triệu con người vừa ra khỏi xích xiềng
Sáng quắc như năm trăm triệu con dao tuốt trần ra khỏi vỏ
Năm trăm triệu con người sắp lao vào xây dựng
Phăng phăng như năm trăm triệu lưỡi cày vào rạch mình của đất mùa xuân
Ngàn triệu con mắt như chim bỗng thấy lại trời
Ngàn triệu cánh tay như rắn vươn lên quẫy lấy cây xanh của sự sống
Hoan hô Trung Hoa
Hoan hô người anh và người bạn
Nếu Liên Xô là bài ca xây dựng hòa bình
Thì anh là tiếng thét của kẻ chiến thắng
Nếu Liên Xô là nỗi khiếp sợ của bọn đế quốc đeo bom nguyên tử
Thì bạn là nỗi mừng vui chờ đợi của các nhược tiểu
phương Đông có quả tim và khối óc làm bằng
chất nổ tung trời (sắp tung cả đấy thôi)
(Hoan hô Trung Hoa, một lẽ cuối cùng, có liễu mùa
thu, có thơ Đường và con mắt biếc)
Các anh ơi! các anh, những người đã khuất
Anh Y… tôi gặp bên bờ suối Vạn Mai vùi trong đá
lạnh dưới gốc một cây sung chín đỏ mùa hè
Anh V… ở trận Hòn Rào, nằm với mây của biên giới
Việt Lào – mây trời không biên giới
Anh C. hay anh B. trong đoàn vận tải Cà Roòng
Anh hay là những nắm xương? Xương hay là những đống mũn trùn, giun dế?
Và cái vô danh, hãi hùng, khủng khiếp nào nằm đó
trong màu cát trắng Chợ Cạn uống đi một ngày
máu đỏ của chín trăm người – uống máu xong
rồi lại trắng bình yên trong cái trắng vô danh khủng khiếp
Và hàng chục vạn chiến sĩ, đồng bào bị bắn, bị chém,
bị đốt, bị thiêu, nay chỉ còn là gió đau lạnh lẽo trong
lòng ta, cái trống không xót đau lạnh lẽo trong lòng ta
Các anh ơi!
Các anh có biết không!
Ngôi sao vàng bí mật thời Bắc Sơn
Ngôi sao mai vinh quang ngày khởi nghĩa
Ngôi sao máu những đêm du kích
Ngôi sao dẫn lộ hay là Hồ Chí Minh
Ngôi sao mà các anh còn thấy chói lói lúc ngã ngục dưới súng quân thù
Ngôi sao ấy không lẻ loi rồi
Nó đã đến đậu bên bầy sao băng vạn lý, vượt trường giang
Nó đã đến đậu bên bầy vàng của Trung Quốc chín bên chùm vàng của Trung Quốc
Các anh ơi!
Các anh có biết không!
Búa liềm của Liên bang Xô viết
Búa đã đánh vỡ sọ những bọn tư bản, phong kiến
Liềm đã gặt tiệt mấy triệu đầu phát xít hung tàn
Búa đã dựng xây lên những thành phố đỏ chiến công
Liềm đã hoạt động trên những cánh đồng chín vàng xã hội chủ nghĩa
Búa và liềm vì nó các anh ngày xưa đã bị bắn chết tù đầy
Búa và liềm đó đã đến góp sức với ruộng đồng công xưởng chúng ta
Ríu rít cần lao
Ca vang tranh đấu với chúng ta
Liên bang Xô Viết đã công nhận chúng ta rồi
Và máu đỏ của Việt Nam
Máu đỏ của Trung Quốc
Máu đỏ của Liên Xô
Máu đỏ của trái tim mà ta gọi là cờ
Máu đỏ của các dân tộc anh em tìm nhau trên những ngọn cờ
Những máu đỏ ấy chiều hôm nay đã phất phới bên nhau
Bóng cờ ngả mát xuống mộ các anh bây giờ chắc cũng đã đẹp cỏ
Các anh ơi!
Mùa xuân qua không ngoái cổ lại
Để xem những trái vàng mình treo sáng trên cành
Nhưng mùa hè, khi đến giữa vườn
Biết đó là máu thịt của mùa xuân đã mất
Các anh ơi công ơn xương máu các anh góp đó
Khuất đi rồi, các anh có biết hay không?
Ngày mai mở cuộc tấn công cho mùa chiêm chiến thắng ngoài đồng
Ngày mai phát động tranh đấu giữa máy với người ở trong công xưởng
Ngày mai vỡ nổ ca vang sự sống trên khắp chiến trường
Ngày mai chúng ta xoà cánh lửa bao la của những chiến dịch oai hùng
Ngày mai chúng ta tháo cái đê nghìn trượng của những cuộc phản công trọng đại
Chiều hôm nay trời Đô Lương treo đỏ những tin mừng
Đó trời Việt Nam rực đỏ những tin mừng
Chúng ta đến nhận những ngày đầu năm dưới dấu hiệu
hữu nghị của sao vàng và liềm búa
Lòng khói hương cháy lên với những kẻ không còn
Sóng giục giã của nghìn triệu anh em thúc sau lưng như bể động
Và mai đây
Chúng ta
Anh em chúng ta
Tất cả chúng ta
Lũ lũ trào lên
Lớp lớp tiến lên
Cả một sự chiền thắng mênh mông đè bẹp lấy quân thù
Tiếng hát đẹp nhất của chúng ta
Tiếng hoan hô to nhất của chúng ta
Là tiếng rên la thảm thiết của quân thù
Sao vàng ở trong lý tưởng tâm hồn
Tay búa tay liềm ở trong cuộc sống và tiếng rên la thảm
thiết cuả quân thù ở dưới gót chúng ta

Ngày mai anh về Tổ quốc
Có nhớ những ngày Bắc Kinh
Tường viện trắng, lá cây xanh
Đàn chim cánh trắng hoà bình ở đây

Bệnh có những đêm dài không ngủ
Mắt chong chong nhìn đổ sao trời
Gối xoay mấy chục bận rồi
Trăng mòn đã muộn rụng ngoài đầu cây
Nhớ quê hương giờ đây lửa khói
Máu dân ta chảy tới bao giờ
Việc nhiều Bác đã ngủ chưa
Việc xong chiến dịch Bác già lắm không!
Nhớ vợ con ruộng đồng làng chợ
Ôi quê hương bến cũ con đò!
Cơn mơ đứt giữa tràng ho
Mồ hôi ướt trán như là hơi sương…
Chợt ai đứng bên giường ta đó?
Áo bồ câu trắng xoá lặng lờ…
Là hộ sĩ? là đại phu?
Trong đau ngỡ mẹ quê nhà lại thăm
“Đồng chí mệt?”
Thanh âm lơ lớ
Như vào thu tiếng gió chưa quen
Trăm lo nghìn nhớ dẹp yên
Con sông nguôi sóng ngước nhìn trời trong
Tay áo trắng nâng dần ta dậy
Mắt nhìn ta áy náy thương lo
Lòng đau từng trận ta ho
Trán cau oán ngọn gió lùa qua song
“Uống thuốc nhé”
Ta nâng lấy thuốc
Tình nhân dân Trung Quốc trong này
Uống song ngủ một giấc dài
Trong mơ toàn thấy mặt trời hồng lên…
Tỉnh đôi mắt thấy bên giường bệnh
Vẫn nghiêng nghiêng dáng cánh bồ câu
Nhìn ta chưa hết lo âu
Cái nhìn như thuốc rót vào lòng ta

Ngày mai về Tổ quốc
Chiến tranh hay hoà bình
Ai đâu mà quên được
Những ngày tháng Bắc Kinh
Bác Mao có đội chim lành
Đến đây vỗ cánh hoà bình che ta

Bên ni biên giới là nhà
Bên kia biên giới cũng là quê hương

Xóm rừng mươi mẫu đất khô
Sắn khoai không đủ bốn mùa nuôi dân
Con trai con gái cỗi cằn
Nước da sốt rét đã ăn mất màu
Bóng già bóng chó hắt hiu
Yên yên cuộc sống lạnh nghèo im im
Bao la đất nước vạn miền
Tưởng rằng đời cũng bỏ quên xóm nghèo…

Chém cha loài giặc Pháp
Có nơi nào quên đâu
Xóm tuy là xóm nhỏ
Sống một đời cùng khổ
Vẫn chịu phần thương đau
Một sáng tàu bay lên khủng bố
Lửa na pan ngụt đỏ
Cửa cháy nhà tan bom rơi đạn nổ
Máu đồng bào lại đổ
Như trăm nghìn nơi nào

Căm thay buổi sáng bình yên
Con trẻ đùa chơi vú mẹ
Cụ già sưởi tóc ngoài hiên
Con chim chiếc lá cũng hiền
Ngọn khói cây rơm lặng lẽ
Buổi sáng bình yên
Cuộc đời máu toé
Vợ khóc ma chồng
Con thơ khóc mẹ
Bao giờ ai quên!
Nỗi đau nhọn hoắt mắt nhìn
Căm thù như giếng sâu thêm từng ngày…

Đêm nay xóm nhỏ vui ca nhạc
Anh chị văn công mới trở về
Tin thắng lợi bừng đêm lửa kịch
Xóm nghèo thao thức suốt đêm khuya
Tin trại đồn tan quân giặc chết
Tin mùa lúa được, thuế thu mau
Tin con trai xóm đi ra lính
Thi đua nay cũng lập công đầu

Xóm nghèo đôi mắt rung rinh
Nhìn ra non nước thấy mình nằm trong
Xóm nghèo nằm giữa núi sông
Bao la đất mẹ bọc lòng xóm con
Mẹ đau con cũng chung buồn
Khi vui mẹ hát lòng con cũng cười…

Mẹ về trong xóm
Con đi công đồn
Theo chân ra tới đầu thôn
Rót thêm bát nước chân còn muốn theo
Xác xơ đất đỏ xóm nghèo
Khoai sắn chẳng thương con mấy hôm liền con ở
Nhà dột, phên thưa, đời mẹ khổ
Tắt nắng, lun ngày, còn mong chi nữa
Các con về mấy bữa
Đời mẹ già rạng rỡ thương yêu
Mẹ mẹ, con con chưa được mấy lăm chiều
Chiều nay con ra trận
Lòng mẹ thương
Nhưng thôi tình chẳng bận
Đi đi, mẹ lắng tin chờ
Chao ôi! thù mấy năm thù
Tiếc đất chưa hoá lửa để thiêu tro trại đồn
Trời chưa đổ núi nhào non
Biển chưa dâng sóng mà chôn quân giặc cướp
Súng ống ở mô các con về nườm nượp
Ngàn ngàn lớp lớp
Nghĩ xung gan mấy năm cay đắng căm hờn
Thôi, vui chừ đời mẹ đang còn
Con đêm ni để nghe quân giặc chết
Giết hết, phá tan, bắn đi cho hết
Kìa con xem làng ni khòng còn một gốc mít, một cây chè
Xóm ni không còn một đứa trẻ khóc o oe
Không một tiếng gà kêu, chó sủa
Thì bọn giặc, cũng không còn một đứa…
Con cần chi nữa
Uống thêm bát nước
Cầm thêm củ gừng
Giữ lấy tấm khăn
Ra trận đêm sương mà buộc cổ
Trời đêm ni sao mà nhiều gió rứa?
Sao đêm ni răng mà lại tỏ?
Thôi con đi
Mẹ về
Đốt lửa
Chờ con
Nửa đêm súng nổ cho dòn
Mai tin con mạnh đồn tan mẹ mừng

Mẹ ở dưới thành phố đó
Lô cốt ngời vôi mái đồn máu đỏ
Con đi đây trên chót vót đỉnh rừng
Nghĩ đến mẹ nhiều, nước mắt rưng rưng

Mẹ con ta trong thành Bình Định cũ
Cái giếng, vườn rau, căn nhà nho nhỏ
Chị em con như trái ngọt cây vườn
Mà mẹ là gió dịu đưa hương
Mẹ thương con như sữa nồng như nước mắt
Càng nhỏ xuống lòng con càng thắt chặt
Ôi buổi xưa kia, biết mấy ngọt ngào
Nhớ cho nhiều kỉ niệm cắt như dao…

Nay mẹ bị cầm chân nơi đất giặc
Bốn phía là gươm bốn bề là sắt
Họ kể con nghe: Bà nhắc đến anh nhiều
“Không biết đời cán bộ khổ ra sao
Mỗi buổi Tây đem người ra chợ bắn
Thì vợ chồng tôi nhớ hắn”…
Rồi buổi chiều trong tiếng niệm Nam mô
Bà cầu cho anh, cho sức khỏe cụ Hồ
Cho súng ống nhiều, nước mau thắng lợi
“Hắn cứ an tâm, anh gặp, nhờ nói với…”

Mẹ mến thương ơi!
Con mẹ nhớ nhiều
Những buổi cầu kinh hương lạnh, nến nghèo
Án Phật đỏ ngời bài vị
Mẹ nhắc thầy ghi từng tên anh đồng chí
Những buổi tiễn đưa cán bộ lên đường
Mẹ theo chân cho bát nước củ gừng
Con nói: “Mẹ thương mình, nên thương họ”
Cho đến buổi giặc về, súng nổ
– Mi cứ đi đi, việc nhà kệ đó
Đừng nghĩ lo chi, tau đã già rồi…
Rồi mẹ hôn con, con vùng hiểu mẹ
Con sẽ nói: “À mẹ mình là thế!…”
Mẹ mến thương ơi, con mẹ đây rồi
Nhưng mắt con không khóc nữa
Chừ có khóc cũng khóc thành ra lửa
Có ngã đau cũng dậy cho mẹ cười
Con sống hiên ngang và nếu chết sẽ nên đời
Cho đến lúc bắn nát đầu bọn giặc
Độc lập hẳn hòi mẹ coi tận mắt
Mẹ ôm con: “Chao! Tau khổ mấy năm trường”
Con sẽ khóc ròng, mẹ sẽ thương hơn

Ở tập thơ Gửi các anh, bỏ đi phần gò ép, chập chững buổi đầu trên con đường thơ cách mạng, chúng ta cũng dễ nhận ra sự xúc động của Chế Lan Viên khi viết về người mẹ trong vùng giặc chiếm với tình cảm chân thành. Mời bạn theo dõi tiếp phần 2 của tập thơ để khám phá những điều mới mẻ, những hình ảnh giàu sức gợi nhé! Thân ái!

Related posts

Đời vắng em rồi say với ai (Thơ Vũ Hoàng Chương) phần Từ đấy về sau (2)

admin

Nhà thơ Tú Mỡ cùng những trang thơ ấn tượng phần 3

admin

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và truyện thơ Dương Từ – Hà Mậu hồi 2

admin

Leave a Comment