Nhà Thơ Nổi Tiếng

Nguyễn Khoa Điềm với tập thơ Đất và khát vọng Phần 1

Tập thơ Đất và khát vọng là một trong những tập thơ nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Trong tập thơ nổi tiếng này được chia thành nhiều phần thơ, với nhiều bài thơ rất được quý độc giả yêu thích. Ở bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ đến quý độc giả yêu thơ Phần thơ Đất ngoại ô 1972 nằm trong tập thơ Đất và Khát vọng nhé.

Nội Dung

Khu phố ngoại ô
Tấm tã rụng bên dòng sông
Những người dân nghèo về đây
Như vỏ hến chiều chiều tấp lên các bến.
Khu phố ngoại ô
Chân đất, đội áo nối vai
Le te chợ Hôm, chợ Mai
Đầu tắt mặt tối.

Khu phố ngoại ô nằm nghe mưa nguồn và chớp bể
Đêm thầm tính những chuyến đò về trong giấc ngủ
Trăn trở trôi đi những năm nào
Vỗ về một ngày lam lũ
Trong tiếng nấc dài cuối ngã ba sâu.

Tôi lớn lên trên khu phố buồn đau
Không còn gặp cụ Trâu và những lâu đài cũng chìm dần trong lá xanh
trùm kín cửa,
Vườn thơ xưa không còn gã áo trắng đi về
Ngơ ngẩn đọc thơ buồn trong tiếng guốc cạo râu
Chỉ còn người phu xe cũ
Nghiêng cốc rượu chiều nhoè những mái tôn
Chỉ có nắng rát mặt những quán nghèo bám bờ đường nhựa
Chỉ còn mẹ tôi ngồi bán hàng suốt mùa mưa
Nước mắt thương chồng lạnh như giọt nước đọng qua cửa thùng gương
Ôi những cuộc đời sụt lở dần theo con nước mỗi năm lùa vô Đập Đá
Chỉ có tiếng xe đoàn lê dương lăn lạo xạo trên những đốt lưng trần
Chỉ có tiếng còi tàu há mồm rúc vào mạch máu
Trước Phu Văn Lâu lá cờ vàng như tàu cải úa
Trước bến Văn Lâu…
Đau biết mấy lần mẹ hát khúc ca dao…

Lũ chúng tôi lớn lên
Con gái đi học về còn biết ra sông gánh nước
Con trai còn biết đọc Lục Vân Tiên và thơ Mụ Đội cho bà
Qua hoàng thành, cha ông gọi tên tôi ù ù trong họng súng thần công
Hịch Cần Vương tưởng còn vang qua chín cửa
Sắc nghìn xưa thấm từng trang sử
Đời bà con nghèo đọng giữa đáy truyền đơn
Nước mặn lên lúa héo ở bên cồn
Mẹ vẫn dặn nói “đổi nước ngọt” chứ đừng “bán nước”
Nắng tháng năm run rẩy những oan hồn
Người còn sống nhớ ngày thất thủ
Ôi mùa phượng của lòng tôi cháy đỏ
Chúng tôi đi từ cửa ngoại ô này…

Mười lăm năm đâu phải một ngày xa
Người bạn cũ đã thành đồng chí
Đêm đêm khơi từng ngọn lửa
Kể tôi nghe chuyện mụ lý, ông cò
Những tấm lòng bền bỉ
Cứng như hòn đất chai
Mong đợi một ngày Giải phóng.

Có bao giờ như buổi sáng Xuân nay
Chúng ta bay, nghìn độ lửa, ta bay
Đất đuổi giặc, đất vươn dài bén gót
Mang Cá tan hoang, Phú Bài vỡ mặt
Ngoại ô mở rồi trăm lối ta băng băng
Trái tim hồng lắp đầu súng chống tăng
Ta đã lớn, ơi em, đồng chí
Dưới mái xưa nhìn theo ta ứa lệ
Sức trăm năm nay chuyển xuống lòng đường
Cả ngoại ô làm chiến luỹ sông Hương
Bắn tàu giặc như lá vàng héo rụng
Em gái cứu thương, em trai cầm súng
Mẹ may cờ, em nhỏ đón văn công
Cửa Uỷ ban rực rỡ cờ hồng…

Cảm ơn mẹ sinh con trên thành phố ngàn ngày
Nắng và mưa, mười lăm năm bỡ ngỡ
Nay con lại chào người dưới một vùng đạn lửa
Người đẹp vô cùng với khẩu súng trong tay

Dưới mái nhà xưa
Người chiến sĩ đánh Tây
Mười lăm năm lại có mặt trên bàn thờ
Bạn con đến thắp nén hương thơm ngát
Mắt cha vui phấp phới bóng trăm cờ…

Ngoại ô bừng bừng tiếng hát
Ngực căng phồng trấn giữ Thuận An.

(4-1968 – 4-1969)

Nơi mẹ sinh con ra nơi Bác từng qua
Năm tháng ấy bây giờ con mới rõ
Tóc mẹ bạc rồi, những năm đói khổ
Kinh đô đau buồn – nơi Bác từng qua.

Lớp học nào Người đã đến ngồi đây
Những mùa thu im lìm lá đổ
Như vùi sâu cả bầu trời xứ sở
Xuống dòng sông nức nở khúc Nam ai?

Góc chợ Xép, nơi nào Người đến ở
Hàng phượng nào từng nở một mùa hoa
Đã rải đỏ tâm hồn người thưở đó
Một sắc cờ vẫy gọi buổi Người xa?

Ôi trái mù u động dưới chân Người
Còn muốn theo Người ra cản giặc
Người culy nào hai càng xe khoá chặt
Sẽ cầm cờ đi trong tương lai?

Kinh đô mất, nhưng lòng Người không tắt
Từ đau thương, chân lý đến nơi này
Tổ quốc lớn lao là Tổ quốc của người chân đất
Hát dân ca và cầm búa, cầm cày.

Từ buổi ấy… Người đi không trở lại,
Nhưng thành phố vẫn đi trên những bước chân Người
Thành phố vẫn khoác hai màu trời thu thương nhớ mãi
Năm Bốn mươi lăm và ngày Bác mất, Bác Hồ ơi!

Thành phố Bác qua đã thành nơi chiến đấu
Đuổi Nhật, Tây và hất đổ ngai vàng
Giặc Mỹ kéo vào. Mỗi tiếng Người vang vọng
“Vì độc lập, tự do…” – Thành phố lại lên đường…
Nơi ấp ủ những dấu chân hy vọng
Người trồng cây đến hái trái cây về
Nên hôm nay trước trận cuối cùng đánh thắng
Bước Người về, cả thành phố lắng nghe…

4-1970

Những cái nền tro xám
Để lại trong làng vắng
Để lại trong hoang vắng
Những cái nhìn rất đau
Bà con ơi, đi đâu
Mà nền xưa để lại
Cái nền sẫm bóng người
Nay lấp vào cỏ dại?
Nơi ta và tổ tiên
Vẫn đi về trước cửa
Nơi mùa màng vất cả
Vẫn thơm lừng mái phên
Nơi em buổi đầu tiên
Khóc trong mùa sen lên
Mười lăm năm với giặc
Súng em giờ chạm hiên
Nơi cha đi nhận đất
Và ta nhớ mùa đầu
Cái nền ta bỗng chật
Lúa vàng và cờ sao
Ôi cái nền làng ta
Dựng lên cùng thớ đất
Ta quen đi chân trần
Thăm nhau mà thấy mát
Nền quan về một hướng
Người đi chung một đường
Đất với người chung thủy
Đất với người kiên cường…
Bà con ơi, đi đâu
Mà nền xưa để lại
Cái nền sẫm bóng người
Nay lấp vào cỏ dại?
Con ơi, con chớ hỏi
Giặc Mỹ cày nát thôn
Nhà đốt, người lùa trại
Còn cái nền căm hờn…

(20-8-1970)

(Gửi theo T.V.Th.X)

Tiễn bạn về vùng sâu
Mùa Xuân vừa kịp đến
Rừng sâu hoa đẹp hiếm
Xin vui trong tiếng chào
Cầm tay nhau bịn rịn
Gió Xuân lùa trước sau…
Hẳn người còn thương nhớ
Một chóp núi biên thùy
Nhiều mưa và ít nắng
Bom rung tàn lửa khuya
Những trang đời, trang viết
Nặng nghĩa đời sau, xưa
Hẳn người đang nhìn thấy
Qua ngàn núi ngàn mây
Quê hương mình lớn dậy
Mùa Xuân nở thêm ngày
Ôi quê hương ta đấy
Gọi ta về sáng nay
Ôi thành phố yêu thương
Ta xa Người thế nớ
Những đêm dài trăn trở
Ai gọi ta lên đường?
Vết bùn tràn dặm cỏ
Ai đang ra chiến trường?
Không được đi một lần
Tôi xin cùng non nước
Những suối nào theo chân
Qua A nhâm, A Đợt
Cho lòng tôi đến trước
Làm bông hoa trắng ngần
Là mùa xuân ở đó
Là tình yêu văn chương
Là lộ tiêu chiến đấu
Là dấu về quê hương…
Tiễn bạn ngày cuối đông
Tôi về trong nắng chói
Trên vai ngàn đồng đội
Mang mùa Xuân đi cùng
Mang ngày về thắng lợi
Hóa trời xanh mênh mông…

(Cuối đông Kỷ Dậu)

Tặng O Thanh

Tôi chưa về con sông quê em
Ngắm em chằm nón buổi đầu tiên
Bàn tay xây lá, tay xuyên chỉ
Mười sáu vành, mười sáu trăng lên

Ôi cả đôi tay rất đẹp lành
Làm nên êm mát những trưa hanh
Bài thơ nho nhỏ in màu nắng
Dọi xuống hồn ai những khoảng xanh…

Nhưng giặc về kia, đạp gẫy vành
Nón in màu máu những dân lành
Em đi… Cùng với bao bè bạn,
Bảo vệ quê nhà với chú, anh

Có những đêm dài em vót chông
Nhớ ngày từng chuốt những vành cong
Trên quê hương đó, giờ tan nát
Mà mạnh đường dao, cháy bỏng lòng!

Có những tháng ròng dưới đất sâu
Thèm từng giọt nắng chuyển trên đầu
Chập chờn bóng giặc qua ô nhỏ
Súng nổ?
– Trang ơi, mi chết sao?

Trang gọi em lên, thù quyết trả!
Nửa đêm xác giặc đổ chất chồng.
Lót lòng chuối chát ăn vài quả
Lại nối đường giây, lại vượt đồng.
Cứ thế giặc chà xát mấy mươi
Hàng cây xém lửa vẫn xanh tươi
Cũng như em vậy, thêm từng trải
Đất bụi bò lên: miệng lại cười…

Chống giặc dồn dân, đuổi giặc càn
Từng đêm Đảng uỷ họp vừa tan
Một mình một súng đi từng ngõ
Mời chú, dì ra tính chuyện làng

O phó bí thư mười bảy tuổi
“Ăn chưa no, lo chưa tới” mẹ ơi
Mà nay hạt gạo trên sàng đó
Tay xếp, tay đan những chuyện đời

Chiếc nón ngày nào che nắng mưa
Quê hương xanh mát… Đến bây giờ
Vẫn đi đón cả ngày giông bão
Dựng dậy phong trào, soi ước mơ

Nhớ buổi mai nào, mẹ đến thăm –
(Từ trong rào ấp giặc giam cầm)
Mẹ thương con gái đầu sương ướt:
“Biết đến bao lâu nón lại chằm?”

Em vẫn cười vui: “Mạ cứ lo
Con đi đánh giặc, rồi con vô
Bao giờ hết giặc, trên khuôn mới
Vành vạnh trăng tròn, xây nón xưa…”

Đầu xuân 1970

Em lại về A Đời
Mùa xuân theo em đó
Những cánh rừng hoa lau mênh mông…
Ơi A Đời thôn nhỏ
Chưa từng qua mà sao nhớ mong
Bạn anh vẫn bảo
ở đó có sao Hôm
Gần ta hơn bất cứ nơi nào mặt đất
Gần ta như ngọn lửa cơm nhiều của mẹ
Ngày ta đi xa về…
Bạn anh vẫn bảo
ở đó có dòng sông
Nuôi những con thằn lằn trong hốc đá
Và những mái nhà
đẹp như ngày xưa…
Nhưng đồng bào còn đói
Người già còn đau
Rựa chưa lên rẫy
Trẻ chưa học bài
Em còn về đó
Gùi gạo trên lưng
Xắc thuốc bên vai
Anh thấy dáng em mảnh khảnh
Qua dốc Ngàn Tám, chiều nay
Giữa hai lần đi
Em để lại cho anh
Ngày kết nạp Đảng
và nụ cười cô nữ sinh thành phố thương yêu…
Có bao giờ như chiều nay
Đàn ve rừng gọi rối cả lòng anh
Mong em ở lại
Kể cho anh nghe
Một vì sao Hôm
Đẹp như mắt nhỏ
Chảy một dòng sông
Đá ghềnh ấp ủ
Và những bản làng
xôn xao tiếng trẻ
xanh rờn mái rẫy
Đẹp như ngày xưa
Đẹp hơn ngày xưa
Đạp ngày em xa…

(3-1970)

I
Côộc
Côộc
Côộc
Con gõ kiến đại ngàn
Gõ nhịp thời gian
Từng bước
Từng bước chân
Dẫm lên lối mòn đồng đội
Ôi bàn chân bé tí
Chân nao
Gạo nặng vai
Hơi em ngắn dập dồn chiến dịch
Nhịp con tim
Nhịp lời chim
Thánh thót mồ hôi
Giữa ngàn núi xưa cúi đầu lặng lẽ
Bóng nhỏ gần bên mặt trời
Côộc
Côộc
Côộc
Những người Tà Ôi da màu than rẫy cũ
Truốt vào lòng tay sần sùi da gỗ bứa
Từng hạt vàng ẩm ướt mồ hôi
Từng hạt vàng in sắc máu bàn tay
Từng hạt vàng chiến thắng
Tiếng con chim
Đếm cho ta hạt thóc
Đếm lòng ta hạt ngọc
Và trái tim không biết rụng rơi
Ta chắt chiu nuôi cách mạng nên người
Côộc. Tiếng chim vang vọng
Thành phố sau màu mây
Ôi thương nhớ vẫn hôn lên cùng nắng hồng mỗi sáng
Một thành phố cuối con suối này
Uống nước đục ngầu mỗi chiều đầy bom đạn
Đây, thành phố ta là những sa bàn
Những mái đầu hoa râm đăm đăm nếp trán
Lần bày tay rẽ lối những binh đoàn
Đường phố thân yêu
Ta lại học tên em theo hướng những binh đoàn xuất trận
Ta vuốt ve ngàn mái ngói mênh mang
Tay ta đau với trường thành vỡ rạn
Và con cầu như tiếng nấc nằm ngang
Cho ta làm một trái mù u
Lăn theo chân các anh các chị
Những trận xuống đường, những đêm không ngủ
Cùng nhạc ngựa cha ông, cho ta đi nữa
Về giữa phá Tam Giang.
III
Cánh rừng này mấy trận B.52?
Cây cụt ngọn dựng bia vào trời xanh căm giận
Nương sắn xương gầy mục nấm lân tinh
Những con suối quay nguồn về huyện bom ngàn tấn
Chim vỗ cánh về đây
Khắc lên cây cháy bỉng
Bằng một nốt rê trầm
Ta bỗng nghe
Tiếng nhặt khoan nhịp sênh tiền mẹ hát
Tiếng âm ấm giọt tranh vừa nặng hạt
Tiếng phồng căng con gà đất đầu xuân
Tiếng chìm sâu buổi phóng cọc Bạch Đằng
Tiếng đục vào đất đêm
Tiếng khoan tường xuyên phố
Tiếng đất rang lật dưới chân cha vỡ
Tiếng bào thai mẹ đạp ngốt hầm sâu
Và tiếng em rơi rơi…
Như những mảnh lá đêm, mùa chia tay Hà Nội
Ôi Tổ quốc ta yêu Người vời vợi
Khi Người khổ đau không làm ta sợ hãi
Trong căm hờn ta biết đường ta lên
Như hôm nay trầm tĩnh tiếng chim
Gõ không mỏi vào cửa ngày gian khổ nhất
Vững tin.
Vững tin
Vững tin.
IV
Côộc… Côộc… Côộc…
Mũi tên bay thần tốc
Những trận đánh chuyển giông trời lập hạ
Những trận đánh làm lịch sử vặn mình trong nếp đá
Biển tung xao sóng cuộn đằng đông
Lũ phăng phăng thốc xuống đồng bằng
Xáp thành cột, nhận chìm loài giặc nước
Côộc. Côộc. Côộc…
Những trống đồng Ngọc Lũ
Những cồng trận Đam San
Tiếng hô vang anh Trỗi
Cùng ba mươi mốt triệu người nổi lên bão tố
Côộc. Côộc. Côộc…
Nhịp thời gian cấp tập nụ xòe
Đã bén lửa, hỡi mùa hè sáu chín!

(Nhân nghĩ về người thổi kèn trong “Mũi thép” kịch của Nguyễn Vũ)

I.
Con gà đất bảy màu
Sống bằng hơi con trẻ
Hùng dũng gọi mùa xuân
Mặt trời vàng long lanh trên chợ Gia lạc
Ngày vui bay trong tiếng gà giòn giã
Buổi sáng, buổi trưa, buỗi chiều, hối hả
Ôi tiếng gà đầu năm
Hạnh phúc tròn trong hơi sữa
Nồng nàn mùi đất sang xuân
Những con gà đất không ăn được
Nó vỡ trên tay, trong giấc ngủ trẻ thơ
Nó vở trên tay, một sự thật, không ngờ
Mẹ ít tiền không đủ mua con khác
Hẹn con mùa xuân sau.
Mùa xuân sau, tuổi thơ đi qua
Con gà đất của anh không còn gáy nữa
Hạnh phúc chuyền môi một thằng bé bên nhà
Cũng tiếng gà, cũng ngày xuân, hối hả…
Lời mẹ hẹn thành xót xa.
II
Thành phố mọc như nấm độc những xnách-ba
Mỹ và đĩ
Lưỡi dao găm và đồng đô la
Xe nhà binh trút vào đây hối hả
Một mùa xuân quay cuồng và tan rã
Một mùa xuân cố trốn một mùa đông
Những con gà ướt trụi trốn mưa giông
Anh đến:
Hai tay nâng một cây kèn
Một con gà sắt tây mẹ chưa hề hứa hẹn
Và anh không mong
Nhưng phải có tiền để không phải mua con gà mà mua sự sống
Phải có tiền để được đứng ngả ba đường
Ôi! tiếng kèn giật tròn như một vòng thòng lọng
Riết lất cổ anh
Treo anh lên giữa tiếng cười nghiêng ngửa
Những tiếng kèn
Nấc lên giữa bốn bức tường địa ngục
Ngoài cửa kia những em giơ tay gầy chầu chực
Cuối đường kia rung đất tiếng bom rơi
Đất nước đau thương giận cho anh điệu nhạc
Chẳng chia buồn, như một kẻ xa xôi
Người thổi kèn thấy đời mình xoay trong ống sắt
Muốn ngắt hơi
Anh bỗng mơ một con gà bảy sắc
Nở như hoa trên môi
Đó là con gà bốn mùa không vở nát
Gáy dưới mặt trời
Bằng nhịp thở cuộc đời
Vang trong xóm mạc
Những con gà giục mùa sinh sôi…
III
Một mùa xuân tiếng đại bác rầm rầm
Bản hành khúc những binh đoàn giải phóng
Vút từng không tiếng gió phất cờ sao
Ôi ngày hội của những người đứng lên đòi được sống
Những âm thanh ngàn sóng đại dương trào…
Người thổi kèn nhận phần mình khẩu súng
Như nhận một chỗ ngồi dưới tay nhạc trưởng
Chợt hiểu rằng, đây khao khát thẳn sâu
Mẹ đã hẹn một lần và anh đợi từ lâu
Anh đã đi từ
Con gà đất cây kèn và khẩu súng
Để nhận lấy tình yêu của thuở ban đầu.

Bếp lửa quây quần mấy anh em
Không ai nhìn ai, chúng tôi nhìn lửa
Ở đó cháy cùng ý nghĩ
Và toả hồng trên mỗi trán say mê

Đêm Trường Sơn. Lá với nước rầm rì
Hơi đá lạnh, nép mái nhà nghe ngóng
Chúng tôi ngồi, xoè tay trên lửa nóng
Máu bàn tay mang hơi lửa vào tim

Bếp đầu hôm toả sáng hồn nhiên
Như trẻ nhỏ – lửa reo cười nhảy múa
Nổ lách tách. Bọt sôi trong lõi nhựa
Chuyện đầu tiên, vẫn chuyện một ngày.

Bếp vào đêm, còn lại dăm cây
Thân lớn nhất chụm đầu im lặng
Lửa không ngọn mà màu hồng rất đọng
Chuyện bây giờ mở suốt đời nhau.

Đất nước. Tình yêu. Mơ ước mai sau.
Tên mấy đứa đêm này không sưởi lửa
Tên dãy phố ta mơ về gõ cửa
Sâu chập chùng giữa than củi lung linh

Bỗng thấy thương nhau hơn khi vai bạn sát vai mình
Bẻ củ sắn, chia đôi điều giản dị
Bếp lửa soi một dư vang bền bỉ
Ôi Trường sơn đốt lửa mấy năm trời…

Ta vẫn nghe tim bạn đập bồi hồi
Trong ánh cuối của một ngày kháng chiến
Ta yêu phút này đây: khói, cây, những tiếng,
Cùng bạn mình, như ánh lửa kề bên

Vẫn như xưa mà như buổi đầu tiên
Ta thấy bạn và mình đều vụt lớn
Bạn đã đến những ngày ta sẽ sống
Ta cũng về thăm bạn nẻo ưu tư

Và chúng ta với sức trẻ tràn bờ
Chân bay tới những nẻo đường có giặc
Chia điếu thuốc, ngắm chấm loè quen thuộc
Lòng bập bùng những bếp lửa xa xôi

Mai ta đi. Súng vác, đạn gùi
Ta về giáp ranh. Ta tràn xuống biển
Trăm bếp lửa rải đường ra trận tuyến
Có bếp nào không bóng bạn và tôi…

– Con là đứa hay quên
Con lớn qua bao nhiêu lần áo
Con nằm biết mấy ngày đau
Con quên…
– Con chỉ nhó dài thầy dạy
Con nhớ lối đi học về
Tiếng con hát dòn ngõ vắng
Đọng vào tháng năm…
– Con là đứa hay quên
Mà mẹ thì hay nhớ
Cái áo là từ con gà mái quạ
Đẻ trứng liền hai năm
Mùa con đau là mùa chạy giặc
Em gái con mờ hai mắt
Chữa hai con là thuốc dấu, thuốc thầm…
– Mẹ ơi, mẹ thì hay nhớ
Chuyện này nối qua chuyện kia
Nỗi nhớ nhân thành nỗi nhớ
Buồn đau bạn với buồn đau
Nên mẹ nhớ nguồn nhớ cội
Riêng nỗi nhớ ba con
Có bao giờ mẹ nói
Mà tay con sâu vợi
Chạm vào trên sợi tóc hoa…
Con là đứa hay quân
Mười lăm năm xa mẹ
Sáu năm nằm chiến trường
Chỉ vì con hiểu mẹ
Chỉ vì con nhớ mẹ
Nên bây giờ ít quên ?

Tôi chưa được một lần
In chân vào mặt cát
Để hiểu hết Phú Vang
Trong cát này nặng gót
Tôi chưa từng theo mẹ
Lăn dưới bánh xe cày
Để hiểu ngày đánh Mỹ
Chiến lũy là cát xây
Tôi chưa từng theo cha
Ngã trước bò rú cát
Hàng cây giặc muốn phát
Ngậm máu người đơm hoa
Tôi chưa từng theo em
Tìm vết chân cán bộ
Để nhớ ngày gian khổ
Cát mang hình niềm tin
Tôi chưa từng theo bạn
Vùi mình trong cát sâu
Để nghe vùng cát nóng
Rang ta trong căm thù
Tôi chưa từng theo anh
Về diệt bầy “bình định”
Những xóm nghèo mỏng dính
Cát xô lên chiến hào…
Ôi hạt cát quê ta
Tự lòng ta tỏa sáng…
Ôm vành biển hiền hòa
Mang ngàn năm ánh sáng
Lăn qua nhiều truông, động
Cát là niềm tư do
Ôi dân ta Phú Vang
Mấy mươi năm giữ cát
Cát không là ngà ngọc
Mà đúc nên Thành đồng…
Có phải chăng hỡi mẹ
Từ ấy đến bây giờ
Thấm mồ hôi, máu đỏ
Cát thơm hồn ông cha?
Nên chiều nay ra trận
Lòng con là bình nhang
Mẹ đong đầy cát trắng
Quyện tâm hồn Phú Vang.

(10-1970)

Khi nhà em ở phía đông
Mỗi ban mai, mặt trời hồng chỗ em
Tưởng như em đó, bên thềm
Hồng hào chải mái tóc mềm xuống vai

Lòng anh bát ngát ngày dài
Mênh mông hoa lá mang hoài nắng em
Hỡi người con gái dịu hiền
Hoá thân làm mặt trời bên cuộc đời

Yêu em yêu cả khoảng trời
Sương giăng buổi sớm, nắng dời chiều hôm
Tháng tư giông chuyển bồn chồn
Hạt mưa vây ấm nỗi buồn cách xa

Phía em, phía của quê nhà
Trắng là tóc mẹ, xanh là áo em
Anh đi kháng chiến trăm miền
Hướng dương thương nhớ vẫn nghiêng phía này…

6-1970

Buổi sáng ấy ra tù
Tôi xin vào bộ đội
Tôi không thấy ai chú ý đến tôi nhiều
Tất cả nhìn về hướng đánh
Và tôi, độc cái quần lót ngắn
Tôi cũng không chú ý đến tôi…
Anh em đưa tôi một khẩu A.K
Báng gỗ xước vì mảnh đạn
Cũng mảnh ấy làm đồng chí mình ngã xuống
Khi đưa súng tì vai
Tôi thấy má mình tì má người đã khuất…
Sau một trận đánh phản kích
Trước chùa Bảo Quốc
Tôi nhận về một đôi dép lốp cao su
Quai xém thuốc bom, gót đọng máu thù
Anh ấy ngã trên lòng đường xuất kích.
Đôi dép ngắn hơn chân tôi một ít
Tôi bỗng thấy mình đi bằng chân anh…
Buổi chiều sau về hậu cứ tiểu đoàn
Tôi được nhận bộ tô châu
Có mùi hôi đồng chí nào không trở lại
Đêm ấy tôi nằm trăn trở vải
Nhớ anh tận làn da…
Cứ như thế
Hai mươi năm ngày làm chủ
Người lính mới trong tôi
Đã là người lính cũ
Mang hình đội ngũ
Từ những gì các anh trao
Cả những dân thành phố gặp tôi chào
– Đồng chí quân giải phóng!

I.
Giữa mùa chiến đấu
Chúng con lên đường
Con gái con trai đều đội mũ tai bèo
Con gái con trai đầu đi dép lốp
Quân phục xanh là tổ quốc may
Tiếng cười là đồng đội dạy
Chúng con gọi phía sau là kỷ niệm
Quyển nhật ký trắng ngần
– Nhật kỳ hành quân
Chúng con dành cho phía trước
– Thưa mẹ, con đi…
Nghẹn ngào muốn mẹ nói:
– Ừ thì con đi đi…
Cuối nẻo đường muôn ngàn tay mẹ vẫy
Chúng con đi trong gió những bàn tay…

II.
Đất nước thân yêu thành cao điểm diệt thù
Chúng con lớn nới từng quai súng mới
Bỗng chiều nào bâng khuâng con hỏi:
– Mẹ ơi sao mẹ nói
“Ừ, thì con đi đi…”?
– Có phải là, thưa mẹ
Cho con buổi lên đường
Giao con làm chiến sĩ
Mẹ chỉ giữ chữ “thì”
Nối căn phòng mẹ ở
Với chân trời con đi?
Con đi xa thương mãi
Một chữ “thì” chia ly…

III.
… Mười bảy năm
Con nhớ mùa hè ấy
Hoàng hôn vào thành phố
Theo con tàu đón con
Mắt mẹ hay sao hôm
Mà long lanh ngấn lệ
Con cúi đầu nói khẽ:
– Thưa mẹ, con lên đường
Mẹ thầm thì: con đi đi
Như cha con ngày đó…
Và nước mắt lặng lẽ
Mẹ đón vào áo dài
Không một hạt bùi ngùi
Thấm chân con bước tới…

IV.
Những năm xa…
Con đi bên đồng chí
Quen khẩu lệnh của ngày diệt Mỹ
Giục giã tâm hồn con
– “Tất cả xung phong!”
Con nhảy lên, với anh em, xông về phía giặc
Mặt đất quê hương làm tấm gương sáng rực
Soi bóng chúng con trong sông núi tự hào
Con biết phía sau, mẹ nhìn thấy từ lâu
Mẹ lại tiễn con bằng cái nhìn ao ước.
– Ừ, thì con đi đi
Mẽ sẽ chờ con từ phía trước!
– Con nhớ thằng lính ngụy
Quát: “Hầm đâu khai ra!”
Con nhìn hai mắt nó
Với họng súng là ba
Rồi con nhìn rất rõ
dáng của mẹ hôm nào
Vuốt tóc con mẹ bảo:
“- Rằng cho kịp anh em”
Vâng, con sẽ lặng im
Để nhìn vào tiếng nổ
Ở cuối đường con đi

V.
Nhưng con không chết đâu
Không thể nào chết được
Trong tiếng mẹ thầm thì
Giục con đi tới trước
Khi đường về hẹn ước
Mẹ lát dưới chân con
Khi ngàn đêm cămhờn
Mẹ tiễn con ra trận
Khi tình yêu bất tận
Mẹ nối một chữ “thì”
Ngày đất nước gian nguy
Lại sẵn sàng tất cả!
Mẹ ơi lòng con đó
Bao năm vẫn trở về
Để “Thưa mẹ, con đi”
Trước chặng đường mới mẻ
Bởi vì con hiểu mẹ
Lại sẵn sàng tiễn con
Bởi vì con hiểu hơn
Con là con hiếu thảo
Không quay đầu phản bội
Con đường mẹ tiễn đi…
Theo kháng chiến thần kỳ
Con bay lên bằng cánh
Của bàn tay thô nặng
Mẹ vẫy vẫy chào con
Trao con với nước non
Đưa con vào đội ngũ ?

(4-4-1971)

Tôi lại đi đường này
Để đi cho đến cuối
Khi cái điều mong đợi
Đang vang ở chân trời…
Tôi lại đi đường này
Dù lần đầu mới gặp
Đường cha tôi đánh giặc
Đường bạn tôi giao liên
Đường em tôi chạy giặc
Bà tôi ra bưng biền
Đường đỏ cờ độc lập
Mẹ tôi mơ ngày đêm.
Con đường rừng mới cắt
Sên, muỗi nhiều như gai
Con đường qua đồn địch
Mũi súng đi trước người
Con đường sông Hai Nhánh
Vừa chạy gằn vừa bơi
Con đường qua núi Chuối
Chân cọp trộn chân người
Con đường qua A Lưới
Dép tám quai còn hai
Và con đường hậu địch
Bụng làm chân, không lùi!
Nhà của tôi trên đường
Cái ba lô tôi đó
Có khe là có ở
Treo võng rồi che tăng
Nắng chiều thường hối hả
Nhật kỳ ghi vài dòng
Nờu cơm vừa hong áo
Hỏi đường mai hành quân
Thư quê nhà thường vắng
Được thư qua miệng người
Địa chỉ chồng địa chỉ
Đến tay thường bì rơi
Không hề gì bạn ơi
Ta vào ngày đánh Mỹ
Chung cái buồn miền vui
Đọc thư mà nhớ hết
Cả con đường thư đi
Tôi lại đi đường này
Con đường đi cứu nước
Hôm qua men một lối
Hôm nay nhiều ngã tư
Hôm qua phải xóa dấu
Hôm nay gỗ nát nền
Hôm qua súng trường Mát
Hôm nay dàn đại liên
Hôm qua là mũ vải
Hôm nay sáng mũ đồng
Binh chủng chào binh chủng
Cười reo ran mặt đường
Tôi lại đi đường này
Không bao giờ sợ lạc
Bạn bè cho nhành cây
Là con đường sáng rực
Tâm hồn theo chân tay
Tôi yêu người đi trước
Tôi yêu người đi sau
Làm hướng ta rộng mở
Làm đường ta phẳng phiu
Trường Sơn đường trăm cửa
Tự do tung cánh chào…
Nếu tôi phải ngã xuống
Xin đặt tôi bên đường
Cho tôi vành sao nhỏ
Gác đường Hồ Chí Minh
Người qua đây sẽ nhớ
Hãy dồn nhanh bước chân
Nối mạch đường tôi ở
Với tinh cầu hành quân…

(18-3-1971)

Đinh không phải là để đóng cầu
Để đóng ghế, treo tranh, để gắn liền sự vật
Đinh để đóng vào thịt, vào xương, vào mạch đập
Để cắt rời cỏ cây khỏi sông núi xanh tươi
Để nhựa chảy thành dòng, máu rơi xuống đất
Để tượng Giê su một lần đinh nhọn hoắt
Cối đinh… rốc két đinh… đinh, đinh… những mũi nhọn giết người
Những cái đinh của thế kỷ hai mươi
Đóng xuống Việt Nam
Làm tại Mỹ
Bi không phải để lăn tròn trên mặt đất
Trong tay trẻ con hay thí nghiệm Galilê
Bi không quay bánh xe, không chuyền cỗ máy
Để mồ hôi con người bớt chảy
Để chạm nhau cho tiếng trẻ con cười
Bo để khoét tế bào, đốt hồng cầu khét cháy
Giết trẻ con hàng loạt giữa sân chơi.
Bom bi, pháo bi, lựu đạn bi tung ra hình miệng
Rót máu người vào tòa Nhà trắng tanh hôi
Làm tại Mỹ
Màu da cam không phải của mùa cam
Làm nên sắc xanh trời thu, dịu dàng giọng nói
Màu da cam thành màu phản bội
Thiêu cháy trăm tầng là biếc quê hương
Cướp vỏ quế mẹ già, chùm mơ em gái
Thui chột những mầm thai chín tháng mười ngày mong đợi.
Đốt những lâu đài trong triệu thớ gỗ mát Trường Sơn
Hóa học Mỹ, màu da cam chúng đấy
Mười năm trời rải ở Việt Nam
Làm tại Mỹ
Làm tại Mỹ
Những côca – côla những Plây Bôi
Những “quốc gia” và những giống lai
Những nguyên thủ làm hề, những nông dân mất đất
Tên chửi Truyện kiều và thằng ăn gan uống mật
Làm tại Mỹ
Những quốc kỳ vằn vện, những chiến phục rằn ri
Những AR.15, những Thần tượng, những Uyt-xky
Những yêng hùng của Công Bơ Ring, Mỹ Lai, Thụy Dân, Quỳnh Lập
Làm tại Mỹ
Những khu dồn dân, những rào chiến lược
Cả công thức thay màu da xác chết
Và những siêu hình, Thực dụng, Cơ cấu… cũng từ nước Mỹ ra đi
Làm tại Mỹ
Những siêu âm và phản lực
Những chữ “khổng lồ” những chữ “tối tân”
Chúng bay có thể nặn thêm trái đất
Để quay tròn trong quỹ đạo kiêu căng của Lỗu Ngũ Giáo
Nhưng không bao giờ
Không thể có bao giờ
Bay có thể khuất phục một Việt Nam
Làm ra một Việt Nam
Rồi đóng lên một nhãn hiệu trơ mòn:
Làm tại Mỹ
Một đất nước
Từ buổi đầu tiên
Mang dấu hiệu cặp cánh tự do của bầy chim Lạc
Qua suốt bốn ngàn năm
Đến đôi dép Bác Hồ
Đạp lên đầu ba tên đế quốc
Là đất nước không bao giờ chịu nhục
Chịu gói mình thành món hàng của chủ nghĩa tư bản cuồng điên
Là đất nước dám cầm vũ khí, dụng cụ, tài năng sức lực
Xây dựng trên mặt đất này những giá trị to lớn, quanh vinh.

Về những gì tôi muối nói cùng anh
Là buổi cách xa mà mùa xuân đẹp quá
Hoa riềng trắng bên hiên nhà yên ả
Và lũ ve rừng kêu khi trăng lên
Bom vẫn rền xé nát cả trời đêm
Truyền đơn giặc bên đường như xác lá
Nhưng tất cả không thể nào đe dọa
Một giọt nắng lành chầm chậm chuyển trên vai
Cùng những điều tôi muốn nói chiều nay
… Trong chiến tranh này ai nói dùm ta
Những kỳ diệu như một mùa nước lớn
Mà trí tuệ riêng quá chừng bé bỏng
Trong cuộc đấu tranh xoáy sóng bốn bề
Ôi những điều cần phải hát say mê
Là bài hát vô cùng Tổ quốc
Những năm tháng trường chinh đánh giặc
Không phút nghỉ ngơi, không thoáng chần chừ
Lối đường làng ta chọc chú ve xưa
Nay là lối em ta đào hầm đặt bẫy
Những trận giả trẻ con ta từng chơi, buổi ấy
Em ta nay là máu, lửa căm thù
Không kịp nghe Thạch Sanh và tròn tiếng mẹ ru
Đứa xuống hầm nôi đưa lòng đất
Giấc ngủ nào cũng mơ mặt trời lên
Trang sử nhà trường chỗ ta nhớ ta quên
Bỗng sáng rực trong đầu giừ xuất trận
Và trong sáng như bầu trời chiến thắng
Bốn ngàn năm dựng nước chúng ta thề
Theo tiếng Bác Hồ trên Đất tổ của trăm quê…
Thành phố tuổi thơ tôi chưa từng đi hết
Anh biết chăng tôi lại học tên Người
Trên những hướng các binh đoàn xuất trận
Trên những hướng đi về phía mặt trời
Và Ưu Điềm nơi mẹ đẻ ra tôi
Chao thương nhớ là tiếng bìm bịp nước
Ngày ba bữa nghẹn khoai và rau luộc
Hai mươi năm vẫn thắc thỏm một ngày về
Sống lại những gì làm nên thịt da se
Tôi lại gặp đồng chí bí thư chỉ còn bàn tay mặt
(Anh vấn thuốc như ta cầm búp ngọc lan thơm mát)
Chỉ một bàn tay nắm chặt mấy vùng thôn
Tự đậy hầm và bắn lũ ác ôn
Ngày đen tối giữ tròn tình đồng chí
Ôi có cách nào tôi trao cho anh bàn tay tôi nhỏ bé
Anh dễ dàng giữ mãi đất lòng tôi…
Và thế đó những gì ta nhận được
Trên giác quan mở rộng đến nghìn ngày
Từ một buông làng khuất dưới bóng Chư Lây
Hay một sóc Bom Bo bỗng ngân thành tiếng hát
Đều cho nhớ cho thương, cho nước mắt
Tưởng như ta từ nơi ấy sinh ra
Đã ngắt ngọn rau rừng và vung nhịp chày ba…
Ôi Hà Nội có bao giò thương nhớ thế
Một đóa hoa rừng đủ nhó một công viên
Một quãng dốc nhớ thang lầu đại học
Đêm Hà Nội bắn rớt máy bay thù, bỗng vang giọng Bích Liên
Tưởng như chính “Ta đi trên đường Hà Nội…”
Tưởng kiêu hãnh như sắc hồng lửa chói
Tưởng ngoại ô nhường chỗ chuyến tàu chen
Đêm cuối tuần ai cũng thấy thân quen
Nhưng không phải nhớ nhung chính nơi này tôi lại thấy
Tất cả ai cũng đi từ Hà Nội
Từ một nụ cười sắc áo dáng đi
Từ một chiến công hay nét chữ phong bì
Trong kỷ niệm và trong nhiều mơ mộng
Hà Nội đó bắt đầu sự sống
Mỗi đời riêng và đất nước hôm nay…
Chúng ta đi, ngày tháng đường dài
Lòng ấm áo muôn vàn tình cảm lớn
Biết xếp gọn những gì còn lướng vướng
Biết nhìn ra nước mắt bạn bè
Biết quý trọng quãng đường ta đã từng đi
Ta đi tiếp để trở về cùng có mặt
Tận buổi cờ hoa tung vẫy chúng ta về…
Anh nhớ đêm nào nghe nhạc Bét Tô Ven
Mưa thấm qua hầm dĩ nhờn trên mặt
Bom tọa độ vung xòe năm ngón sắc
Muốn bới tung chỗ kiêu hãnh chúng ta nằm
Trong chương cuối cùng bản giáo hưởng thứ năm
Đó là lúc trái đất vừa tỏa nắng
Ta reo lên cho nhạc sĩ nghe cùng:
– Thiên tài ơi, trận đánh. Anh cũng tấn công!
Anh nghĩ gì hỡi bạn mến thương ơi
Khi tiếng gà rừng vui như đường phố sớm mai
Khi sao hôm xanh như ngọn đèn trước ngõ
Lạc đêm rừng nhớ trăm bạn bè một thuở
Chở võng giữa mùa đông võng bạn cũng lay cùng
Lội trăm suối rừng xuôi nhớ một dòng sông
Có phải ta bỗng yêu đời ta kỳ lạ
Yêu mặt trời thêm một ngày hối hả
Yêu Việt Nam ta yêu Huế của lòng ta
Yêu Bác Hồ mặc chiếc áo vải đà
Để tất cả choàng trăm hoa chiến thắng
Yêu hạt muối đã giàu thêm vị mặn
Của mồ hôi xương máu đường dài
Yêu nụ cười và từng cái bắt tay
Ngày bè bạn đi vào vùng hậu địch…
Anh Tường ơi sao những gì muốn nói
Là buổi chiều rạo rực những hàng cây
Đứng giăng hàng cành với là chen xây.
Mà nỗi nhớ như trời xanh bất chợt
Bỗng sáng hiện trong cành sâu kín nhất
Là nỗi lòng người bạn đã đi xa
Sau cuộc hành quân, ngồi lại hát thầm thì…

(4-1970)

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi,
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ.
Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội,
Nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng.
Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi,
Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối,
Lưng đưa nôi và tim hát thành lời:

– Ngủ ngoan a kay ơi, ngủ ngoan a kay hỡi,
Mẹ thương a kay, mẹ thương bộ đội
Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần,
Mai sau con lớn vung chày lún sân…

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi,
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ.
Mẹ đang trỉa bắp trên núi Ka–lưi
Lưng núi thì to, mà lưng mẹ nhỏ,
Em ngủ ngoan em, đừng làm mẹ mỏi.
Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi,
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng.

– Ngủ ngoan a kay ơi, ngủ ngoan a kay hỡi,
Mẹ thương a kay, mẹ thương làng đói.
Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều
Mai sau con lớn phát mười Ka–lưi…

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi,
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ.
Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng.
Thằng Mỹ đuổi ta phải rời con suối
Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông,
Mẹ địu em đi để dành trận cuối.
Từ trên lưng mẹ em đến chiến trường,
Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn.

– Ngủ ngoan a kay ơi, ngủ ngoan a kay hỡi,
Mẹ thương a kay, mẹ thương đất nước.
Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ,
Mai sau con lớn làm người Tự Do…

25-3-1971

Bài thơ được sáng tác khi tác giả đang công tác ở chiến khu miền tây Thừa Thiên.

Xe đi trong rừng lau
Lau làm mây, lau làm bàn tay
Vuốt nhẹ vào buồng lái
Buồng lái ta có giàn tre làm mái
Thêm lau che đường, buồng lái hóa nhà ta
Kỷ niệm tuổi thơ phơ phất bóng lau qua
Lớp trẻ đi những triền đồi bãi sóng
Trên vai bạn cờ lau tập trận
Lịch sử ngàn xưa là ước mơ nay
Xe đi trong rừng lau gió lay..
Những hòm đạn ba-mươi-cân nén chặt thùng xe
Những tải gạo năm-mươi-cân căng tròn nóng hực
Truyền thuyết xưa và thần thoại nay
Lấp lánh khung trời cánh hoa lau bay
Thung lũng A Xo một bầu cộng hưởng
Bê-năm-hai và pháo địch rú gào
Nhưng năm năm trời xe ta đi là thế
Dìu dắt cửa ngoàn vẫn tiếng lau xao
Yêu những đồi lau ra trận đêm nao
Lau thắp sáng hai bờ vực thẳm
Qua trọng điểm gạt mồ hôi thấp nhám
Những bông lau vướng vít tự bao giờ
Một màu hoa sáng loáng cả mùa khô
Màu tốc độ trên tuến đường vận chuyển.

(15-3-1971)

Tôi hình dung Chê đi trong rừng
Với khẩu AK.
Những viên đạn cài trong băng
Như hàm răng nghiến chặt.

Tôi hình dung Chê đi trong đêm
Đầu hơi cúi để nhận hướng từ mặt đất.
Những đống lửa rừng và ngôi sao không tên
Đều cháy lên từ tình yêu Tổ quốc.

Tôi hình dung Chê cuộn mình trong cơn sốt rừng
Thèm một bàn tay vuốt lên vầng trán.
Ôi, khi bàn tay người yêu ta bị mười cái đinh nhọn cắm
Kẻ thù! Nhăn buốt trán, Chê vùng đi!

Tôi hình dung mắt Chê lấp lánh điều chi,
Chê rũ đất sau trận bom rải thảm.
Ôi đôi mắt có tận cùng ánh sáng
Của tình yêu và trang sách Mác xanh tươi!

Tôi hình dung Chê đứng trước cuộc đời
Mười họng súng kẻ thù giương tận ngực,
Tỳ tay lên cái chết làm diễn đàn:
“Hãy nhớ lấy lời tôi!” – Chê kêu gọi,
“Nhân loại cần nhiều Việt Nam cho nhân loại!”

Tôi đi hoài với những hình dung
Về Chê Ghêvara – người nghĩa quân
Như mang một chiếc Tây ban cầm trước ngực…

Từ mặt đất và trong lòng đất
Nơi in sâu những dấu chân du kích
Quê hương tôi, Việt Nam
Tôi bỗng nhận ra trong những dấu chân
Trọn vẹn trang nhật ký đời Chê
Đã được viết lên
Trên mỗi thước đất của loài người đi tới…

11-12-1972

Đừng yêu ai, em nhé
Chỉ yêu mình anh thôi
Dẫu tất cả con trai
Bên em đều tốt đẹp

Đừng thương ai, em nhé
Chỉ thương về anh thôi
Dẫu anh không còn trẻ
Không có chi hơn người

Đừng nhớ ai, em nghe
Ngoài anh – người bạn cũ
Dẫu ngàn ngày quyến rũ
Là ngàn ngày chưa qua

Chỉ một lần thiết tha
Chỉ một điều mơ mộng
Như chỉ một bài ca
Hãy vì anh đồng vọng

Yêu anh từ nước mắt
Rơi trong ngày biết yêu
Yêu anh từ tiếng hát
Khi sao xanh những chiều

Yêu anh không lỗi hẹn
Một bông hoa đợi chờ
Nở trong lòng thầm kín
Mặc tháng ngày vụt qua

Yêu anh từ rất xa
Chiến trường, anh gối ngủ
Tóc em, cùng suối đổ
Trong giấc mơ nhớ thương
Yêu hơn mọi yêu thương
Mà cuộc đời đã có
Nhớ trước mọi nẻo đường
Đã thổi từng trận gió

Từ tháng ngày chiến đấu
Ta chọn tình yêu ta
Em ơi em – đồng chí
Ngọn cờ và tình ca

Những gì ta đã có
Là em hay cánh đồng
Là mây trên thành phố
Hay trăng treo cuối rừng
Đều cũng từ lửa máu
Của đồng đội, đồng bào
Những gì ta phải đổi
Đến tận cùng gian lao

Nên vì sao em ơi
Môi anh đau tiếng nói
Lòng anh vò tiếng gọi
Anh muốn nói một lời:
Yêu anh luôn em ơi
Vì không ai có được
Như anh, một tấm lòng
Càng đi vào mặt trận
Càng sáng bừng thuỷ chung
Càng lao lên lửa bỏng
Càng yêu em tận lòng
Trên ngọn nguồn sông núi
Biết yêu thành mênh mông…

1973

Vỗ nói làng xưa bên sông A Mong
Ngày vỗ xa, còn lũ bò rừng
Giương sừng đi trong rừng lau sắc
Những hố bom in đầy dấu chân

Lên rẫy cao vỗ gieo hạt bắp
Lên núi cao, nghe Đảng mà đi
Vỗ nói nhiều đêm mắt không nhắm được
Nghe A Mong dưới ấy rầm rì

Rồi con cái đi, người già ở lại
Chông phải vót thêm, lúa phải trỉa ngày
Quen với lửa bàn tay thành sắt
Quen nắng mưa bàn chân thành cây

Vỗ sống những năm trọn ngày gió nắng
Vỗ sống những mùa trọn mình đất đai
Vỗ trỉa vào hố bom nồng thuốc súng
Mồ hôi mình, với lúa và khoai…

Thương lắm đàn con những chiều ghé bản
Vỗ cười cười, cái tẩu đất rung rung
Cái mẩu đất A Mong trên miệng vỗ
Nở khói xanh như màu dòng sông

Vỗ nói mong ngày địch thua ta thắng
Vỗ lại về A Mong quê ta
Rồi nhả khói, vỗ ngồi im lặng
Tự bao giờ như một trường ca…

1973

Vỗ: tiếng Tà-ôi nghĩa là bác.

Anh hái cho em một đóa hoa trên cánh rừng này
Rồi anh gửi lại hoa vào một cánh rừng khác
Anh nhặt cho em một vỏ hàu giữa truông cát vùng sâu
Rồi anh đặt hàu trên bờ sông thượng nguồn xanh thẳm
Anh không lơ đãng đâu em, ngày anh đi kháng chiến
Anh gửi trên núi sông cả mối tình anh thầm kín
Có bao nhiêu mặt đất với độ cao khác nhau anh đã từng nằm
Có bây nhiêu nỗi nhớ của anh trải xuống rất đằm
Chắc những đứa con của Âu Cơ từng lên rừng và xuống bể
Cũng không nhớ thương nhau nhiều như ta nhỉ?
Anh nhớ em làm mỗi ngọn lửa cũng nhớ em
Lửa cháy trong Trường Sơn bao đêm
Nhưng anh biết chúng ra rồi ra hạnh phúc
Bởi chúng ra yêu nhau trong mỗi ngày đất nước
Ôi mỗi sợi tóc mai trên mai trên má em cũng thương anh hoài như rứa sao
Những năm anh lấy tuổi trẻ mình dâng cho xứ sở dài lâu
Cám ơn em và cám ơn cuộc đời
Cho anh một trái tim nhạy cảm đường chân trời..

(23-6-1973)

Trong trẻo suốt một đời
Những hàng mưa dưới lá
Rừng gọi tên tôi thế đó
Những hạt mưa rừng trong trẻo rơi..
Những hạt mưa rừng ơi
Rung vang trên mặt lá
Những hạt mưa rừng ơi
Treo sáng quanh vành mũ
Mưa không trôi màu xanh mặt lá
Mưa không trôi màu xanh bầu trời
Tôi đi qua mùa mưa
Thấy áo xanh màu khói lá
Thấy ngón tay bồi hồi như mỗi chồi non
Chào cả mùa xuân đến sớm
Sáng nay tôi lên đường
Đi cùng ta lá nhé
Những ngọn măng rừng thân thiết nuôi nhau
Những bông tàu bay sáng bừng ngọn gió
Che cho nhau rừng lim, rừng dẻ
Sưởi ấm nhau rừng gội, rừng chè
Ai nhớ không U Rằng, A Rí
Phong lan thơm suốt một triền cao
Đi cùng ta lá nhé
Những năm lớp lớp chiến hào
Lá che ngàn ngày đánh giặc
Dộu khi héo vì chất độc
Lá lại xanh vào đời ta..
Ta đi bao năm gian khổ
Vỗ tay hát dưới cội rừng
Ngước lên nước mắt rưng rưng
Nghe thấy từ trên ngọn biếc
Tâm hồn trong sáng yêu thương..
Lá ơi
Cùng ta đi nhé
Màu xanh cuộc đời ta mang hai vai
Tội ác quân thù ta ghi trên lá
ở đây còn máu đổ
ở đây còn đường dài
Ta còn đi mãi
Ta đi giải phóng quê hương
Ta đi từ bài hát cũ
“Lá còn xanh như anh đang còn trẻ”
Ta đi với súng với người
Đây những ngày đi đông đủ
Lao xao tiếng chân bạn bè
Bỗng nhớ khoảng rừng em ngủ
Mùa về thiêng liêng đất nâu
Thương em lòng ta thắm đỏ
Ôi màu áo người bạn cũ
Xuân này thấp thoáng triền cao..
Giờ ta đi lên đỉnh núi
Bẻ nhành lá sáng quê hương
Vẫy chào một ngày chiến đấu
Mùa xuân-xanh trời tiền phương..

(12-1978)

Tiếng chân bước rất êm
Bàn chân không để dấu
Mà bền mà nung nấu
Chân của người đi đêm
Chân của người bán đất..
Một ngọn đèn sáng lên
Cháy trong từng ánh mắt
Dây théo gai bốn mặt
Một ngọn đèn đêm đêm
Thức cho ta tìm giặc
Canh cho ta đi lên
Một ngọn đèn niềm tin
Hơn mọi nguồn ánh sáng
Mà nỗi mong của mẹ
Là ánh nhìn của em
Im lặng mà đi lên
Với tầm đèn trước mặt
Dây thép gai thì cắt
Mìn ta lần dây vương
Chân ta quen đẫm đất
Lờy chân mà nắm đường
Vấp thì ta rẽ quặt
Đau thì cố nghiến răng
Nếu chúng muốn hung hăng
Chặn đường hòng phục kích
Lấy súng mà rẽ giặc
Lấy súng mà đi lên
Vì bước chân-ngọn đèn
Không phải là khoảng cách
Của con đường chúng ta!
Xin chào mẹ, chào cha!
Xin chào em, chào út!
Cha mẹ chào các con!
Thương con muốn đứt ruột!
Ngồi lại dưới ngọn đèn
Gỡ cho con hạt đất
Vá cho anh miếng rách
Đây việc mẹ đã làm
Đây việc em đảm trách
Cả một ngày xáp giặc
Nói qua từng mũi kim.
Ngày mai mẹ xuống đường
Giành cho con mặt đất
Ngày mai dẫu còn đêm
Ngọn đèn càng sáng rực
Con lại đến trước đèn
Trong-ngoài khơi chấm lửa
Một bình minh phá kềm.

(1973)

Chúng nó đã đi rồi
Những tên đã đến 100 năm
Những tên vừa đến 20 năm
Chúng nó đã lội ra biển Đông
Chúng nó đã bay về trời Tây
Lũ cá sấu và ó diều
Những tên xâm lược!
Vào một ngày mai
Xin mời bạn đến đây
(Cả những kẻ hôm nay mới cúi đầu rời bước)
Các bạn sẽ được bình an trên mặt đất
Không biết dưới chân mình là một hố bom
Nhưng ngày ấy chúng tôi không cần nói ra điều đó nữa.
Không nói đến những cái hố
Mà đáy của nó
Lại nằm trong đáy mắt mẹ tôi
Những hố đen xa vời
Mẹ từng nhìn trong trăm năm đời mẹ.
Và có thể con cái chúng tôi
Sẽ rủ bạn đến một hố bom đã thành ao cá
Cháu sẽ ném vào đấy một sợi chỉ câu
Một sợi chỉ không gây nên sóng nước
Và cháu sẽ giật ra từ màu xanh yên tĩnh
Những con cá bạc
Những con cá mà lũ cá sấu và ó diều không thể tha dị.

(1973)

Rồi ngày em hiểu anh hơn
Những câu thơ với nỗi buồn của anh
Yêu em, chưa được ngọn ngành
Nói em hết nỗi yêu mình đã yêu
Mai sau công việc bận nhiều
Chắc anh chẳng nói những điều hôm nay
Những ngày đi, nối những ngày
Thủy chung với nước, vơi đầy với em
Chỉ còn sâu thẳm êm đềm
Rừng xưa vây kín nỗi niềm đôi ta
Những chiều em ngước mắt xa
Xanh xanh bóng núi, đó là lòng anh..

(1974)

Tôi qua dòng sông yên tĩnh
Con cầu như tiếng ngân vui
Tiếng ve ấm bừng trí nhớ
Sen lên thơm bốn mặt thành
Ngày vui của đời ta đó
Gió thổi đường dài bâng khuâng…

Đất nước ba mươi năm
Trên vai sắt thép
Đi suốt cuộc trường chinh
Đi qua tuổi trẻ
Đi qua những cuộc tiễn đưa lặng lẽ, không hoa
Và bây giờ đất nước nở hoa
Gầm trong hai mươi mốt phát đại bác rung trời
Chào Chiến Thắng!

Đất nước của tôi
Tôi muốn quì trước chân Người
Đặt môi mình trên nguồn thẳm
In trán mình vào cát mặn
Tung tăng hoài mỗi gốc lúa làng quê
Hát khúc đồng dao về Độc Lập, Tự Do…

Mẹ ơi, con trở lại nhà
Sau lưng con cánh cửa chiều khép nhẹ
Mẹ lại ngồi trước bếp chiều lặng lẽ
Nấu cơm cho chúng con ăn
Ôi những hạt gạo nổi chìm ba mươi năm
Đời mẹ tảo tần cay đắng
Từng nuôi chúng con làm nên chiến thắng
Bây giờ chưa đủ chúng con no
Nhưng căn nhà mình lộng gió tự do
Reo tiếng trẻ những mùa làm lụng mới…

Mẹ thân yêu, với tấm lòng trọn vẹn
Mẹ vẫn khơi bếp lửa hồng như cổ tích, ca dao
Về những gì mong đợi ở mai sau…

1975

Những viên đá đứng theo chiều nhân loại
Và tuyết bay như năm tháng bay qua
Tháng chạp, ở Hồng Trường, tôi trở lại
Nghe ngân chuông trên tháp Xpat-xkai-a..
Chào ngọn tháp mới lần đầu gặp mặt
Mà tiếng chuống đã vang biết bao lần
Trong tâm tư, những ngày trăn trở nhất
Ở miền Nam bùn máu dưới bàn chân
“Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian”
Lời chuông nhắc-lời Lênin kêu gọi
Ôi có phải khi miền Nam thắng lợi
Chinh chúng ta đang đi suốt bài ca
Ba phần tư thế kỷ sắp đi qua
Những bão táp và ngọn trào cách mạng
Chiếc đồng hồ vàng như vành hào quang tỏa sáng
Cho những ai biết sống ngẩng cao đầu
Mắt rưng rưng tôi nhớ hết từng câu
Tôi đã hát trong buổi mình kết nạp
Tôi nhớ bạn bè phút giây sống chết
Nhớ quê hương cuộc sống mới bắt đầu
Nghe chuông ngân trên tháp Xpat-xkai-a
Tháng chạp, ở Hồng Trường, tôi trở lại
Những viên đá đứng theo chiều nhân loại
Và tuyết bay như năm tháng bay qua..

(Maxcơca, 12-1975)

Sau chiều nay, còn buổi chiều khác nữa,
Có thể mây cao, có thể nắng vàng,
Cơn gió thổi những buổi chiều chưa tới
Tóc bao người bay rợi cả không gian…

Nhưng chiều nay, con bò gặm cỏ,
Bên dòng sông, như chưa biết chiều tan.
Tôi với nó lặng im, bè bạn
Mắt nó nhìn dìu dịu nước Hương Giang.

Những buổi chiều, những buổi chiều quê hương,
Tôi đã sống và tôi chưa được sống,
Nhưng chiều nay, vô tình trong nắng muộn,
Mắt tôi nhìn trong suốt nước Hương Giang…

1981

Trên đây là 30 bài thơ nằm trong phần thơ Đất ngoại ô của Tập thơ Đất và Khát Vọng của tác giả Nguyễn Khoa Điềm. Hi vọng với những chia sẻ trên đây, sẽ giúp quý độc giả yêu thích thơ ông có thể dễ dàng theo dõi.

Xem tiếp: Nguyễn Khoa Điềm với tập thơ Đất và khát vọng Phần 2

Related posts

Nhà thơ Nguyễn Phan Hách và trọn bộ những thi phẩm đặc sắc nhất phần 1

admin

Phùng Quán Cùng Những Bài Thơ Thắm Đượm Tình Cảm Phần 2

admin

Tuyển tập thơ Y Phương hay đặc sắc nhất nên đọc ít nhất một lần

admin

Leave a Comment