Thơ Hay

Nguyễn Lãm Thắng và Phần Mùa hè (Tập 1008 bài thơ thiếu nhi)

Mùa hè trong 1008 bài thơ thiếu nhi chính là những lần được về quê được nghỉ ngơi sau những ngày học tập căng thẳng và mệt mỏi. Đọc các bài thơ này ta sẽ có được cảm giác vô cùng thích thú. Bởi các sự kiện hiện lên vô cùng hồn nhiên và ngây thơ. Đó là những buổi chiều rong chơi, thả diều cùng bè bạn, là những tiếng ve cất lên như dàn hợp xướng… Tất cả những điều này luôn có sức hút diệu kỳ đối với các đứa trẻ. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu các bài thơ thiếu nhi trong phần Mùa hè của tập thơ này nhé!

Nội Dung

Cuối hè mây trắng
Đi tìm ca dao
Mưa giông mưa rào
Đi tìm ruộng hạn

Trái bòng rám nắng
Đi tìm mắt em
Cành phượng im lìm
Đi tìm lá biếc

Dòng sông trong vắt
Tìm cánh buồm xa
Có bác trâu già
Đi tìm bóng mát

Gió buông câu hát
Đi tìm bờ tre
Mùa cạn ngày hè
Em mơ đến lớp.

Hè năm nay được về quê
Mì tung tăng với bốn bề niềm vui
Đến khi về lại phố rồi
Mì buồn, Mì nhớ cứ ngồi buồn xo

Nhớ con mèo ngủ nằm co
Nhớ gà trống gáy ó o ngoài vườn
Nhớ cây xoài trái oằn vương
Nhớ dây trầu quấn lòng vòng thân cau

Nhớ ông nhớ cả chòm râu
Nhớ bà nhớ cả cơi trầu xinh xinh
Nhớ đồi biếc, nhớ sông xanh
Nhớ vầng trăng, nhớ lung linh sao trời

Bâng khuâng ngồi nhớ bao người
Quê hương là cả một trời nhớ thương
Hẹn hè sau lại lên đường
Về quê, Mì lại còn vương vấn nhiều…

Sân khấu ở trên không
Giữa vòm trời lá biếc
Trên cành những nhạc công
Cùng thổi kèn náo nhiệt

Khi nghe anh nhạc trưởng
Kéo kèn lên mở màn
Dàn đồng ca cộng hưởng
Ve ve ve… rộn ràng

Bé đi dưới hàng cây
Chỉ thấy vòm lá biếc
Nhạc công vẫn mê say
Điệu bổng trầm tha thiết

Ve ve ve ve ve…
Kéo dài ra mải miết
Lạ nhỉ, khúc nhạc hè
Ve học đâu không biết?

À ơi! giấc ngủ trưa hè
Ngủ ngoan con nhé! Tiếng ve lịm rồi
Ao trưa đàn vịt nghỉ bơi
Lim dim ngủ dưới gốc sồi già nua

À ơi! giấc ngủ ban trưa
Bình yên nghe gió gọi mùa nồm rong
Cha còn đốt rạ ngoài đồng
Nắng gay gắt, hoá thành dòng mồ hôi

À ơi! giấc ngủ vành nôi
Bềnh bồng câu hát… a ời mẹ ru

Phượng khoe áo mới gọi hè
Chui lên mặt đất… con ve gọi mùa

Sen thơm trong ngọn sóng lùa
Gọi làn gió mát thoảng bờ ao quê

Bướm vàng bay lượn trên đê
Gọi em thả cánh diều về hoàng hôn

Dòng sông gọi nắng bên cồn
Con chim hót gọi nỗi buồn vu vơ…

Vượt hơn trăm cây số
Hết tàu rồi ô tô
Em về quê thăm nội
Cho thoả nỗi mong chờ

Bố dắt em lên đồi
Cùng thắp nhang mộ tổ
Nhìn xuống cánh đồng vui
Diều căng dây trong gió

Mẹ hái nhiều sim chín
Em hái nhiều tiếng chim
Ba hái nhiều kỷ niệm
Tuổi thơ còn như in…

Hè về quê thăm nội
Em tung tăng khắp miền
Mai lại về thành phố
Nhớ quê hoài không quên

Đàn chim se sẻ
Hót trên cánh đồng
Bạn ơi biết không
Hè về rồi đó

Chiều nay bạn gió
Mang nồm về đây
Ôi mới đẹp thay!
Phượng hồng mở mắt

Dòng sông trong vắt
Trườn lên bãi xa
Một chuyến đò qua
Mang theo lũ bướm

Cánh diều bay lượn
Thênh thang lúa đồng
Bạn ơi thích không?
Hè về rồi đó!

À ơi! con mẹ ngủ ngoan
Con chim sâu nhỏ hót vang sau vườn
Đung đưa cành bưởi toả hương
Con ong chăm chỉ lên đường tìm hoa

À ơi cái ngủ thật thà
Nắng mùa đậu xuống hiên nhà vàng ươm
Tròn căng quả chuối đã hườm
Mo cau rụng xuống bên chum nước đầy

À ơi con mẹ ngủ say
Bồng bềnh cái gió còn bay tìm nồm
Hoa vàng biết gửi mùi thơm
Cho con bướm trắng đi đơm nắng hồng

À ơi cái ngủ rất nồng
Cha đi cắt cỏ trên đồng chang chang
Vai cha quảy gánh gian nan
Hình như ngoài ngõ cha đang bước về

À ơi! cái ngủ trưa hè
Cái ngoan đừng có khóc nhè nghe con
À ơi cái ngủ no tròn
Tao nôi kẽo kẹt mẹ còn à ơi!…

Trời hay là biển đây?
Đều chung màu xanh biếc
Nhờ chùm mây trắng bay
Thì em mới phân biệt

Sóng ở đây tội lắm
Cứ reo vui quá chừng
Đôi chân chưa muốn tắm
Sóng đã ôm sóng mừng

Bãi cát dài như lụa
Ngỡ nắng vàng ngủ quên
Hàng dừa nghiêng tay múa
Gọi gió lành thổi lên

Chợ làng chài tấp nập
Cua cá với rau rừng
Bến vui tàu vừa cập
Gió cù lao hót mừng

Trưa hóng cơn gió mát
Chiều choàng vai biển xanh
Tối cùng trăng đi dạo
Nhìn hải đăng lung linh

Cù lao nằm giữa biển
Buồn ư? chắc là không
Bởi hôm nay em đến
Thấy rừng xanh vô cùng.

Ngày đầu tiên tháng sáu
Xinh như là giọt mưa
Xinh như là giọt nắng
Chim ca vang gọi mùa

Ngày đầu tiên tháng sáu
Đẹp như là bông hoa
Đẹp như vầng nắng ấm
Dòng sông xanh hiền hoà

Ngày đầu tiên tháng sáu
Niềm vui xoay địa cầu
Cùng nối vòng tay lớn
Ơi bạn bè năm châu

Ngày đầu tiên tháng sáu
Rộn ràng gót chân son
Bé say trong hạnh phúc
Nở nụ cười tươi non.

Ngày mồng một tháng sáu
Là ngày của chúng mình
Ngày thiếu nhi quốc tế
Niềm vui tràn mông mênh

Tiếng cười nối vòng tay
Cùng bạn bè múa hát
Những trò chơi thật hay
Cho tình thêm dào dạt

Bong bóng vút lên cao
Giữa vòm trời xanh ngắt
Cho chúng mình ước ao
Hoà bình xanh trái đất

Hái tặng nhau nụ cười
Tình yêu tràn bốn bể
Năm châu hoà niềm vui
Mừng thiếu nhi quốc tế.

Chiều dần tắt nắng
Gió bồng lên cao
Cánh đồng lúa chín
Hương thơm ngọt ngào

Bé vui hớn hở
Tung cánh diều lên
Diều bay trong gió
Giữa trời mông mênh

Diều bay cao vút
Gặp bạn mây xanh
Thoả bao mơ ước
Diều bay vòng quanh

Bé thầm mong ước
Được như cánh diều
Bay vào vũ trụ
Khám phá bao điều.

Mưa đầu mùa báo hè về
Cây xoan biêng biếc tiếng ve trĩu cành
Từ trong thăm thẳm lá xanh
Phượng hồng đã nhú môi xinh thẹn thùng

Cánh diều chở gió qua sông
Ngọt ngào hương lúa mênh mông đồng chiều
Hình như trời rộng hơn nhiều
Lòng em rạo rực… thêm yêu đất trời.

Nghỉ hè bé lại thăm quê
Được đi lên rẫy, được về tắm sông

Thăm bà, rồi lại thăm ông
Thả diều, câu cá… sướng không chi bằng

Đêm về ngồi ngắm ông trăng
Nghe ông kể chuyện chị Hằng ngày xưa

Bà rang đậu lạc thơm chưa
Mời ông bà, bé say sưa chuyện trò.

Mùa hè trong các bài thơ thiếu nhi của Nguyễn Lãm Thắng chính là những ngày vui chơi. Đó là những lần về quê tránh xa cái bộn bề của thành phố này. Là những lần được rong ruổi khắp đó đây với những con diều. Là những âm thanh của dàn đồng ca mùa hạ… Đó mãi là những khoảnh khắc ngọt ngào đã lưu giữ trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Đừng quên đón đọc những bài thơ thiếu nhi tiếp theo để giữ mạch cảm xúc này bạn nhé!

Related posts

Bài thơ Chẳng thể nào quên – Nhà thơ Nguyễn Đình Huân

admin

Thơ “Chở Bao Nhiêu Đạo Thuyền Không Khảm” (Than Đạo) Hay

admin

Bài thơ Xin Làm Ngọn Cỏ – Nhà thơ Dương Hoàng

admin

Leave a Comment