Nhà Thơ Nổi Tiếng

Nhà Thơ Bảo Định Giang Và Sự Nghiệp Thơ Ca Của Ông

Nhà thơ Bảo Định Giang sinh năm 1919, tại Mỹ Thiện, Cái Bè – Tiền Giang, ông là một nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học, Trưởng Ban Tuyên truyền Bộ Tư lệnh Nam Bộ, Phó Giám đốc Phân sở Thông tin miền Ðông Nam Bộ, Trưởng phòng Văn nghệ Ðài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ miền Nam và Phó Vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban Tuyên huấn T.Ư… với việc đảm nhận nhiều chức danh, đủ để chúng ta hiểu tài năng và ý chí của nhà thơ.

Ông còn có các bút danh khác như: Nguyễn Thanh, Thu Thuỷ, Văn Kỹ Thanh, Nguyễn Tịnh Hà. Ngoài sáng tác thơ ông còn tham gia viết truyện ngắn, tiểu thuyết.

Nội Dung

Nhà thơ Bảo Định Giang, đã xuất bản trên 30 tác phẩm gồm ca dao, thơ, kịch bản, nghiên cứu phê bình, gồm:

Ông đạt Giải thưởng uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho tác phẩm Trong mỗi trái tim.

Thắm một sắc cờ hoa phượng nở
Xanh trời cao vút những thân sao
Nắng vàng trải mỏng dài theo phố
Tường ánh màu vôi mới trắng phau.
Thành phố tên Người đẹp tháng năm
Đường ken xe đạp buổi đi làm
Rợp tàn vú sữa sân nhà trẻ
Các cháu vui đùa dưới bóng râm.
Chóng lớn “Cháu ngoan của Bác Hồ!”
Tình thương dồn cả tuổi măng tơ
Một sương, hai nắng lòng cô bác
Chăm chút mầm non hẹn tốt mùa
Hạt giống người gieo nay chín rộ
Hai mùa kháng chiến khép thành thơ
Mồ hôi, máu đổ không chùn bước
Triệu đoá hoa xuân nở dưới cờ!
Được thở tự do dẫu một ngày
Tình người ấm lại chất men say
Trăm năm thoát khỏi đời nô lệ
Lưỡi vẫn còn tê vị đắng cay!
Muôn dặm bồng bềnh thủa Bác đi
Bồi tàu, rửa ảnh chẳng hề chi
Trời Âu quét tuyết đêm băng giá
Tim đỏ Lênin sáng lối về.
Cháo bẹ, rau măng rừng Pắc Bó
Gió lồng hang đá ngọn đèn khuya
Non sông ngàn dặm sao trời tỏ
Thế giới năm Châu đẹp bạn bè.
Chỉ nặng mỗi lòng tham tột bậc:
Người người áo ấm với cơm no
Con em đến tuổi vui đi học
Đất nước muôn đời được tự do

Bốn phương vô sản anh em cả
Muôn dặm quan san vốn một nhà
Mặt đất, thiên đường vui được nữa
“Đường lên hạnh phúc” cuối trời xa.

Tiếng sủa bên đường vẫn sáng trăng
Đường ta bay vỗ cánh chim bằng
Mác – Lênin đời xanh mầm sống
Rơi rụng bao nhiêu sắc úa vàng

Di chúc mỗi dòng rỏ máu tim
Muôn vàn thân ái gửi trăm miền
Mặc cơn đau buốt tình non nước
Hơi thở còn không phút lãng quên.

Thanh thản ra về nơi cõi thọ
Một toà đồ sộ Mác – Lênin
Xanh trong hồ ngọc, thơm lan, huệ
Cao cả cho đời một đức tin.

Bóng tối đã lùi tận góc xa
Tháng năm sao mọc sáng muôn nhà
Bồi hồi bến cũ về thăm lại
Mây trắng Nhà Rồng nhớ Bác xưa.

Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1999

Dù cho sóng vỗ bềnh bồng
Không đi không được dục lòng phải đi
Dù thân trải bước gian nguy
Thương đời dân chúng, xót vì nước non.
Cháy lòng – một trái tim son
Biển đông tát cạn, nỗi buồn chẳng vơi.
Ra đi chẳng đợi ai mời
Ngày về thầm hẹn – phương trời tuyết sương
Nhớ dừa dáng đứng quê hương
Một vườn cau nhỏ để thương vạn ngày.
Sáng lòng, vận nước cơ may
Mở trang sử mới từ giây phút nầy.
Núi cao, biển rộng – ơn Người
Một ngày xa bến ngàn đời ở hoa.

Đường giải phóng (1977)

I. Du kích sông Long Tàu
(Tặng Bảng, đặc công đánh Nhà Bè, người gốc Quảng Bình)

Lạnh tái tê người vẫn bám sông
Thương hàng vẹt rũ mấy mùa đông
Đánh tan tàu giặc ngăn đôi ngả
Cho Bắc – Nam đi lại thuận dòng!

II. Du kích U Minh

Sống chể giữ nghề đi bứt choại
Buồn vui gắn bó với quê mình
Đói lòng đọt choại ăn qua bữa
Trói giặc sẵn nhiều dây choại xanh.

III. Nữ du kích sông Mao

Đẹp mặt rừng xanh một đoá hồng
Nhìn trong ánh mắt có non sông
Tay mềm bóp nát rào gai sắt
Đồn bốt quân thù có hoá không.

Vàm Cỏ Đông, 12-1969

(Tặng các bạn học sinh ở thành phố tòng quân)

Anh trước là anh trai của học đường
Là người chỉ biết có văn chương
Ba năm chinh chiến giờ anh hẳn
Là bạn thân yêu của chiến trường!

Tất cả ngày xưa đã đổi thay
Tâm hồn phơi phới gió ban mai
Sách đời anh giở sang trương mới
Đường khó anh qua mấy dặm dài

Nắng mưa sớm chiều vẫn thản nhiên
Đói cơm rách áo chẳng ưu phiền
Chiến trường đã dạy anh bền chí
Gian khổ coi thương vững bước lên!

Đêm lạnh chung nhau một mảnh chăn
Lưng cơm cam đói sớt hai phần
Chiến trường đã dạy anh thân ái
Yêu bạn khác nào yêu bản thân!

Thịt nát xương tan máu thắm rơi
Giữa làn mưa đạn chẳng hề lui
Chiến trường đã dạy anh gan góc,
Quyết một liều thân cứu giống nòi!

Muôn một sa vào lưới địch quân
Khảo tra chết ngất mấy mươi lần
Chiến trường đã dạy anh trung liệt
Chôn kín tâm tình chẳng hé răng!

Giặc giấu mưu sâu giả hậu tình
Đem tiền đem chức đến mua anh
Chiến trường đã dạy anh liêm sỉ
Thà đói nghèo hơn hậu thế khinh!

Những lúc nghịch thường thế trận xoay
Địch nhiều ta ít giữa trùng vây
Chiến trường đã dạy anh trầm tĩnh
Không chút cuống cuồng lúc biết nguy!

Xáp trận bao lần thắng liệt oanh
Muôn người ca ngợi chiến công anh
Chiến trường đã dạy anh khiêm tốn
Vì nước, không vì mớ hão danh!

Quân địch hạ cờ xuống nước thua
Đưa tay xin sống chuỗi ngày thừa
Chiến trường đã dạy anh tha thứ
Mở rộng lòng thương kẻ thất cơ!

Đồng Tháp Mười, 1948

Cha mẹ nghèo như quê ta nghèo lắm
Nhưng để cho ta một tấm lòng.
(Nguyễn Thái Bình)

Như thuở ấu thơ mẹ hát ru anh
Anh trở về quê cũ – nơi sinh
Sông Cần Giuộc trưa hè gió mát
Hôm nay anh lại ngủ yên lành.

“Cha mẹ nghèo như quê ta nghèo lắm”
Nhưng đâu liệt oanh như mảnh đất này
Trăm năm trước cha ông đuổi giặc
Gậy tầm vông “một trận nghĩa đánh Tây”

“Cha mẹ nghèo như quê ta nghèo lắm”
Nhưng đâu sạch thơm như mảnh đất này
Lòng nhân nghĩa cháu con vẹn giữ
Hồn bâng khuâng “ngọn cỏ, tán cây”.

Máy bay cất cánh bay về đâu ?
Tàu chiến nhổ neo đến bến nào?
Bom đạn… quê nhà đang chảy máu
Trái tim nhức nhối những đêm sâu.

Từ Niu-Oóc đến Oa-sinh-ton
Bình minh đâu, đây chỉ hoàng hôn
Tầng cao Nhà Trắng, Lầu Năm góc
Khắp mọi nơi quỷ khóc, ma hờn.

“Dậy mà đi” hỡi thanh niên Mỹ
Xuống đường ta hỏi tội chúng vì sao ?
– Ních-xơn! Mày đã chọn nhầm thế kỷ
Chính nơi đây đã sẵn chiến hào.

Ních-xơn mày là tên ghê tởm nhất
Máu đầy tay, không thể bắt tay mày
Gái đẹp, nhà sang, danh vọng, tiền tài
Đừng tưởng chìa ra mày sẽ mua được tất
Không! Có những Lương tâm
Chẳng bao giờ chịu nhục

Như thuở ấu thơ mẹ hát ru anh
Anh trở về quê cũ – nơi sinh
Hàng dừa nước thì thầm kẽ lá
Anh nằm bên những nghĩa sĩ vô danh.

(27-7-1972)

Khi nghe tin quân ta dọn sạch chi khu
Ngã Sáu và nhiều đồn bốt khác ở trung
(Tâm Đồng Tháp Mười)

Mỹ Nguỵ tan rồi là sự sống
Cá tôm đầy lọp lúa xanh đồng
Đời vui cảnh vật nhân đôi cả
Mây đẹp trời xa – hoa mặt sóng.

Hà Nội, 4-1975

(Tưởng nhớ chị Nguyễn Thị Minh Khai, người nữ đảng viên cộng sản quang vinh, đã hy sinh năm 1941, trước máy chém của đế quốc Pháp, sau khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại)

Đêm về trong gió lạnh
Nghe hát khúc (mùa đông)
Sực nhớ ra năm trước
Đây mùa tang tóc chung

Mẹ hiền là Tổ quốc
Mẹ khổ, con long đong
Thân con là giọt nước
Ơn mẹ bể mênh mông.

Chị ơi em nhớ chị
Sắt son giữ một lòng
Đem chết đền ơn nước
Cách mạng sẽ thành công!

Nhà giam bao khổn nhục
Kìm kẹp nhẹ như không
Chị cười trong lạnh nhạt
Điềm nhiên chẳng hãi hùng.

Chịu khổ một thân chị
Cho đời vui sướng chung
Chị khơi nguồn tin tưởng
Thất bại mẹ thành công!

Qua ngày dài u ám
Qua đêm tối mịt mùng
Chị ơi về đây chị
Non sông đã rạng hồng!

Mỹ Tho, 10-1945

(Gửi anh em nghệ sĩ miền Nam thân yêu)

Tiễn bạn đường xa tặng gậy mây
Ta về mang nặng mối tình ai…
Tay nâng chiếc gậy từ tay bạn
Lòng những nhớ lòng, tay nhớ tay!

Bạn với ta rày đã cách xa
Đêm nằm vắng bạn gậy bên ta
Ta đi có gậy theo từng bước
Đèo núi dù cao mấy cũng qua!

Chiếc gậy bên ta những tháng năm
Sinh từ lòng đất mẹ ta nằm…
Hướng về quê cũ không nguôi nhớ
Gió núi trăng rừng nghe thấy chăng?

Mảnh đất sinh ta tự những ngày…
Nặc mùi chất độc lẫn hơi cay
Rừng xưa vẫn giữ màu hoa lá
Che mát đầu ta những bóng cây!

Chiếc gậy bên ta mỗi chữ lên
In sâu tình bạn, thuở nào quên
Vắt cơm xẻ nửa, chăn chung đắp
Ta nhớ thương ai lấy gậy nhìn!

Lưu luyến đưa nhau, dặn mấy lần
Cố đi lên nhé! Khẻo đôi chân!
Ta đi… như cánh chim đầu núi
Chiếc gậy bạn cho: chiếc gậy thần!

Quảng Bình, 22-12-1970

Không tiếng chó sủa, không bóng người qua
Đoàn người đi lặng lẽ, ánh trăng tà
Bước nối bước nhìn những nhà bị đốt;
Hơn trăm nhà nay chỉ còn máy cột
Đứng lẻ loi đen xạm giữa trời xanh
Những tường cao vôi gạch đổ tan tành
Trong vôi gạch lửa còn âm ỉ cháy!

Anh liên lạc giọng ngậm ngùi kể lại:
(Đây anh! Chợ Cái Mít mới hôm nào
Người ta vào tấp nập cảnh vui sao
Giờ đã hoá bãi tha ma thiên cổ!
Anh biết không, Tây nó vào ngay chợ
Bắn giết người và tàn phá sạch trơn
Các mẹ già gối mỏi khuỵu hai chân
Bị Tây bắn quăng thây vào lửa cháy!
Mấy em bé lạc loài không kịp chạy
Chúng chặt đầu những tám đứa anh ơi!
Anh thấy không trên một tháng nay rồi
Lửa chưa tắt (như lòng chưa nguôi giận)
Vạn giạ lúa phút giây thành tro xám
Bao mồ hôi nước mắt của dân ta…)

Bay nghe chăng lũ quỹ thực dân kia!
Bay quen uống quen ăn trên thịt máu
Vô nhân đạo!Loài bay vô nhân đạo!
Đồng bào ta đau đớn đã nhiều rồi
Biết bao người dù kiệt sức cùng hơi
Vẫn bước tới, lao nhìn trong máu lửa
Đừng hòng nữa, còn chi mong muốn nữa
Quyết phen này đánh đuổi giặc xâm lăng
Không cho bay thực hiện mộng tham tàn!

Chợ Cái Mít qua những ngày cay đắng
Sẽ vui tươi và đầm ấm ngày mai!

Chờ đón nhau

(Kính tặng các bạn chí nguyện quan đi tác chiến một chiến trường xa nước)

Làm trai cho đáng danh trai
Xông pha muôn dặm ra ngoài chốn xa.
Trăng liềm đêm tối mồng ba
Như con mắt liếc nẻo xa muôn trùng!
Người đi hăm hở ruổi dong
Càng xa càng nặng nỗi lòng cố hương
Người về muôn nhớ nghìn thương
Tình này xin hãy tỏ tường mai sau…

Lòng kính dòng nước đục ngầu
Khuất rồi tôi vẫn trên cầu vẫy đưa
Yêu nhau nói mấy cho vừa
Vinh quang ngày ấy xin chờ đón nhau!

Sa Đéc, đêm mồng 3 âm lịch, tháng 4, 1949

Kính chào Lát-vi-a
Ba nghìn năm trường thọ
Từng đắng cay đau khổ
Địa đồ bị xé ba
Trời trong mấy xám phủ
Biển lặng dạy phong ba
Lòng đất còn nghe giận
Nhớ xưa, thương ông bà!

Kính chào Ri-ga
Thủ đo bảy trăm tuổi
Dáng trẻ mãi không già
Hùm heo giày nét mặt
Đã đổi thịt thay da
Xuân về tươi nắng ấm
Mơn mởn lá li-pa
Bên mồ người yêu nước
Tháng bảy, nở ngàn hoa
Muôn năm hồn Tổ quốc!
Ngào ngạt hương bay xa.

Rừng thông gió sớm thổi
Đâu đấy giọng ngân nga
Ray-ni-xơ vĩ đại
Hồn thơ rộng bao la
Cây cao rợp bóng mát
Đồ sộ một ngôi nhà.

Ri-ga ôi Ri–ga!
Tình người sao thiết tha
Bồ câu đến lượm thóc
Trên tay ai nõn nà.

Từng đôi vào rạp hát
Áo đẹp dạo vườn hoa
Chiều nay khắp đường phố
Có nghe lòng ta ca!

Nhìn Đau-ga-va chảy
Nhớ Hiền Lương quê ta
Có cầu sao dừng lại
Gai góc lấp đường qua.

Đánh đuổi lang sói cút
Xoá sạch bóng yêu ma
Cho cây không chết héo
Cho người thôi xót xa
Cho chồng được hôn vợ
Cho con được gần cha
Cho ngày bừng ánh nắng
Cho đêm đẹp trăng ngà.

Ri-ga ôi Ri–ga!
Tình người sao thiết tha
Bồ câu đến lượm thóc
Trên tay ai nõn nà.

Từng đôi vào rạp hát
Áo đẹp dạo vườn hoa
Chiều nay khắp đường phố
Có nghe lòng ta ca!

Ri-ga, 30-5-1962

Sa Đéc, đêm mồng 3 âm lịch, tháng 4, 1949

Còn nhớ ngày xưa tôi đón xuân
Với lòng thơ bé tuổi lên năm
Chỉ ưa áo mới thèm quà bánh
Xác pháo thích nhìn rải đỏ sân.

Chiều ba mươi tết cha tôi viết
Liễn đỏ nghênh xuân dán khắp nhà
Sựo hết ngày vui tôi hỏi mẹ
Buồn nghe người đáp: (Đến mồng ba!).

Còn nhớ ngày xưa tôi đón xuân
Với lòng phơi phới tuổi mười lăm
Yêu mai có bướm bay về đậu
Tiếc nắng chiều xuân sẽ tắt dần.

Xuân đến ngày nay tôi đón xuân
Với lòng rạo rực tuổi công dân
Một ngày nghĩa nước chưa quên nợ
Chén rượu kề môi vẫn ngại ngần.

Tiếng pháo mừng xuân giữa ngày Tết nay
Sẽ là những loại súng vang tai
Đánh tan hồn phách quân xâm lược
Để được vui xuân giữa vạn người.

Hăng hái xông lên vệ quốc quân!
Ngày mai ta tặng quà Xuân:
Xóm thôn giải phóng vui ngày hội
Đất nước đẹp tươi, xoá vết hằn.

Ờ nhỉ ngày mai có thích không?
Khắp nơi ta dựng ngọn cờ hồng!
Cây nên ta đó trong ngày Tết
Thờ phụng chung nhau một tấm lòng!

Đồng Tháp Mười, Tết 1946

Hỡi con sông nhỏ lượn quanh cung điện Va-ven
Sao mà dễ thương quá vậy!
Nếu ai đem trồng cho tôi dăm bụi chuối và một hàng dừa ở ven bờ
Tôi có thể ở đó đỡ nhớ quê nhà hơn bất cứ một nơi nào khác trên đất nước Ba Lan.

Cra-cốp – cố đô hơn nghìn tuổi
Xin nghiêng mình chào Người!
Như chào những bậc cao niên mà tôi hằng kính trọng;
Nhìn mái tóc bạc phơ của những người từng trải ấy
Nhìn vầng trán nhăn của họ, ở đấy chứa đựng biết bao kinh nghiệm ở đời.
Tai và mắt họ đã từng nghe bao lần Tổ quốc buồn vui.

Cra-cốp!
Không ai dám bảo Người già nua
Không tin tội ư ? Hãy nhìn:
Cặp mắt long lanh của người co ngái đang ngồi chơi ở vườn hoa kia
Và hãy xem dáng đi của từng tốp công nhân đầy vẻ tự háo, khi mỗi buổi sáng họ bước vào khu gang thép.

Rời lò thiêu người Ốt-sơ ven-sim trên đường về thành phố
Tôi bị ám ảnh nặng nề bởi hàng tấn tóc dệt thảm còn sót lại…
Lò Nu-va Hu-ta nhả khói làm cho hồn tôi – có cảm giác như đang trong địa ngục – được bay bổng;
Xin cảm ơn ai đó có mái tóc vàng rủ xuống đôi vành tai – như hai đoá hoa cài nửa kín nửa hở – đang dạo chơi trên vỉa hè chiều nay,
Chính những sợ tóc óng ánh như tơ ấy đã làm cho tôi vợi bớt nỗi đau xót khi phải chứng kiến lịch sử thê thảm của tóc dưới thời Hít-le.
Lửa trong lò Nu-va Hu-ta ban đêm loé lên đỏ rực
Hãy làm tăng hơn nữa nhiệt độ của lò cao!
Người công nhân không có gì vui hơn khi nhìn thấy mẻ gang chảy,
Trước công trình của họ làm, bây giờ -và cả mai sau -người ta khâm phục, không một ai bùi ngùi.
Này người bạn gái – đừng lo mất thì giờ của mái tóc,
Nhiều mái tóc đẹp càng làm đẹp cuộc đời
Đối với bọn xem tóc như lông thú hãy nguyền rủa chúng không tiếc lời.
Cra-cốp!
Xin tạm biệt Người!
Hỡi con sông nhỏ lượn quanh cung điện Va-ven
Sao mà trông dễ thương quá vậy!
Nếu ai đem trồng cho tôi dăm bụi chuối và một hàng dừa ở ven bờ
Tôi có thể ở đó đỡ nhớ quê nhà hơn bất cứ một nơi nào khác trên đất nước Ba Lan.

Cra-cốp, 4-1962

Thức mãi đêm dài không chợp mắt
Năm canh tâm sự những mơ mòng
Dư đồ Tổ quốc ôi! Tha thiết
Đã mấy nghìn năm một núi sông.

Đây Hồ Hoàn Kiếm một thời xưa
Thành cũ Thăng Long ngọn Tháp Rùa
Dĩ vãng vẫn còn in dấu vết
Gươm thiêng một chiếc vững triều vua.

Sông nhị ai khơi dòng nước chảy
Núi Nùng ai đã nhọc công xây?
Cháu con dù có chia năm ngả
Cắt rốn chôn rau nhớ chốn này.

Một dải Hoành Sơn vững vạn đời
Đèo ngang bóng xế ánh vàng phai
“Dừng chân ngoảng lại trời non nước”
Tiếng cuốc nghìn xưa xé ruột ai…

Réo rắt dòng Hương giọng hữu tình
Đêm đêm còn nhớ điệu Nam Bình?
Tiếng chuông Thiên Mụ ngôi chùa cổ
Lay tỉnh hồn ai trống trở canh

Đỉnh ngự chiều hôm mây phủ trắng
Bâng khuâng thương tiếc một thời xuâ
Bảy mươi tư tuổi nghìn tâm sự:
“Thiên hạ hà nhân bất thức quân?”

Dòng nước Đồng Nai chảy lượn quanh
Ôm tròn làng xóm biết bao tình
Trăm năm “hào khí” thường quy tụ
Dưới dặng dừa xanh bóng mát xanh.

Nước quyện phù sa sông Cửu Long
Đôi bờ xanh mượt: lúa mênh mông
Vườn xoài rợp bóng quê ta đó
Một phút đời chân phút chạnh lòng.

Đây mũi cà mau mỏn đất xa
Khai hoang lập nghiệp nhớ người xưa
Quản bao nước mắt, mồ hôi đổ
(Mười cảnh hà Tiên) khéo điểm tô!

Nghìn dặm giang sơn vốn nước nhà
Bốn nghìn năm lẻ một ông cha
Bốn nghìn năm lẻ chung hồn nước
Biết mấy thương yêu, mấy đậm đà.

Nhìn mãi dư đồ mà thổn thứuc
MÀ thêm căm giận lúc tam tàn
Phen này dù chết ta cam chết
Thề vững vuông tròn đất Việt Nam!

(Mến tặng thế hệ rất trẻ và rất anh dũng ở quê hương)

Trận gió nào đưa em tới đây?
Đôi vai hơi nhỏ, má hơi gầy
Hỡi em mười bảy – trai Đồng Tháp
Đã gặp em rồi! Đợi bấy nay…

Em lọt lòng ra giữa lửa bom
Cuộc đời kháng chiến dạy em khôn
Cua đồng, bông súng nuôi em lớn
Tiếng hát lòng em tiếng nước non.

Thương mẹ mỏi mòn trong ngục Pháp
Nhớ cha Mỹ bắn giữa đường cày
Tóc tang chồng chất, lòng thù hận
Nâng bổng em lên giữa cuộc đời.

Dòng kinh em tắm hồi thơ bé
Nền Tháp ngày ngày em đến chơi
Mấy liếp mãng cầu cha đắp gốc
Mồ hôi, máu đỏ thấm nơi nơi.

Nhớ em thường bữa anh thường nhắc:
Hồi ấy… em anh mới chín, mười
Nghịch súng thích làm “anh bộ đội”
Giờ đây em đã súng lên vai.

Tuổi xanh mát rợi hồn trong trắng
Lịch sử ngày nay chính của em
Chân dẫu còn non da rướm máu
Đạp bằng gai góc quyết đi lên.

Em là sen nở trên Đồng Tháp
Vạn đoá hồng tươi dậy sắc hè
Đời có em rồi, em đẹp lắm!
Quý em như quý mối tình quê.

Giữa lòng Hà Nội đêm không ngủ
Tháng Bảy nghe như nóng xé trời
Giấc mộng đêm qua còn giữ mãi
Trong lòng hình ảnh của em tôi!

Quảng Bá, Hà Nội, 7-1964

Thủ đô ta muôn thuở tự hào thay
Xưa Đống Đa voi gầm, nay Ba Đình pháo nổ
Một trận ra oai quân thù cuốn vó
Đất nước vào xuân, trống giục cờ bay!

Chào Kôn Tum, Quảng Trị! Chào An Lộc, Bình Dương!
Chào từng góc phố! Chào mỗi con đường
Im triệu dấu chân những anh hùng cứu nước
Đưa ngọn cờ Hồ Chí Minh tiến ra phía trước!

“Nam – Bắc hai miền đều đánh giỏi”
Đêm hành quân thơm ngát mùi hoa
Từ Ngọc Hà toả ra trăm lối
Quyện bên ngườ năm tháng xông pha.

Một Bản Tuyên ngôn, một tờ Di Chúc:
“Đồng bào nghe rõ không?” sáng tỏ nghìn sau
“Quét sạch nó đi!” sấm sét dội đầu thù
Chiến công đầu là chiến công của Bác!

Trung ương ta, ta thường gọi rất yêu thân:
– Anh Cả, anh Ba, anh Năm, anh Sáu…
Bên Bác, các anh trọn đời chiến đấu,
Đảng ta ơi! Người đẹp tuyệt trần!

Từng đắng cay mới hay vị ngọt
Mùa đông tàn ấm giọt mưa xuân:
Đường dưới chân ta trải ra mát mẻ
Dọn sạch trông gai há dễ một lần!

Chưa dừng bước khi chưa toàn thắng
Đường còn dài không nài mưa nắng
Trận hôm nay nào phải sau cùng
Ma quỷ còn kia, trước mặt, sau lưng…

Trời hôm nay lất phất mưa bay
Nhớ thương ai da diết đêm dài
Miền Nam ơi! dù bom cây nát mặt
Trên thế gian Người xinh nhất ai tày!

Đẹp mùa trăng

Đêm rằm làm đẹp Thủ đô
Hôm nay mười sáu trăng vô Sài Gòn.
Non sông một dải xanh rờn
Mai kia ta gặp trăng non nơi nào?
Đêm Cao Lạng, đêm Cà Mau
Thênh thang đất nước, ngọt ngào tình trăng.

Bờ sông Sài Gòn, đêm 16 âm lịch, tháng 6-1976

Tôi chết rồi
Tôi muốn nói với đồng bào
Đừng khóc nữa vì tôi đã chết!
Làng nước, bà con biết bao luyến tiếc
Tôi đi… trĩu nặng căm hờn!
Tổ quốc ta phải được vuông tròn
Hãy chặn lại những bàn tay chia cắt!
Chúng đâu phải là gang hay sắt
Dù gang sắt, ta dẫm nát mà lên
Miền Nam ơi! Trong khói lửa thiêng liêng
Hãy cắm chặn vào lòng ngọn cờ của Đảng!
Tôi chết rồi
Hồn bay về đậu trên sao sáng
Miền Bắc thân yêu, ngày tháng tự do
Sóng bể rì rào tâm sự nhỏ to
Nhịp búa, đường cày, rộn ràng câu hát
Tôi chết rồi
Xương thịt tôi đập vào lòng đất
Miền Nam, cho ruộng lúa lên xanh;
Cho sầu riêng măng cụt trĩu đầu cành
Cho đất nước nhìn đời tươi thắm mãi;
Cho xứ Thủ lắm chum nhiều vại
Lò chưa nung màu đất đã thành son
Ôi miền Nam mảnh đất của quê hương
Vĩnh biệt!Mến thương tha thiết!
Đừng khóc nữa đồng bào ơi!
Tôi đã chết
Cứu lấy mẹ tôi
Hơi mòn, sức kiệt
Cứu lấy con tôi
mắt liếc môi hồng
Nũng nịu, ngây thơ, đòi bế, đòi bồng
Đang tù, đang tội!
Cứu lấy chị tôi
Trong giờ hấp hối
Mấy năm trời hầm tối trại giam,
Cứu lấy miền Nam,
Một nhà tù khổng lồ
Một vùng trời đen tối
Loạn dấu chân quỷ đói hôi tanh;
Đang ngày đêm, giơ vuốt, giơ nanh
Tèm thịt sống còn hơn loài hổ báo
Đang nốc cạn say sưa từng ngụm máu.

Cứu lấy miền Nam,
Tôi, hàng nghìn người ở Phú Lợi
– những hồn oan-

Đã chết trong bàn tay man rợ.
Tôi chết rồi đồng bào ơi!
Đừng khóc nữa!
Hãy đập đầu chúng nó!
Hãy đập đầu chúng nó!

Hà Nội, 27-1-1959

Gửi người em sông Mã,
chiến đấu ở miền Nam.

Đài báo: gió mùa đông bắc đến
Nhớ về miền Bắc bụng nao nao
Miền Nam nóng bức mùa mưa dứt
Gió mát ngoài kia đã thổi vào.

Đỉnh núi mây trời lớp lớp bay
Đầy sương mà vẫn ấm hơi người
Quân đi trùng điệp rừng lay chuyển
Kịp xuống đồng bằng giữa tối nay?

Chẳng có chi… ta hút thuốc lào
Say tình đồng chí phút bên nhau
Còn nghe khe suối thơm làn khói
Xuôi ngược, người ra tiễn kẻ vào!

Mỗi chặng đường dài mỗi cách xa
Mà gần thêm lại đậm thêm ra
Cần chi phải hỏi tên hay tuổi
Tóc bạc, đầu xanh ta vẫn ta!

Giải phóng… đường em đích tới rồi
Rừng xanh lá nõn đón xuân tươi
Mai vàng cũng đẹp như đào thắm
Rực rỡ đời em giữa đất trời!

Náo nức lòng anh những ý xuân
Đêm ngày theo đuổi tuổi hành quân
Em ơi, sáng lắm đường em đó
Giải phóng…
Đuờng em đẹp tuyệt trần!

Xuân 1971

(Tâm sự của bé Kiều, liên lạc viên của đội Tuyên truyền, chiến khu Khu 8)

Mồ côi má lúc lên năm
Ba em mất tích không tìm đâu ra.
Em không biết nữa quê nhà
Nơi đâu và lại ở xa hay gần.
Đời em cơ cực trăm phần
Ba nuôi em bắt đợ đần người ta.
Em nay tuổi đã mười ba
Bụng ham được học, ai mà cho đi.
Nhỏ như em chẳng thiếu gì
Sớm trưa cắp sách đi về vui sao!
Dắt trâu ăn cạnh bờ ao
Chiều chiều nhớ má buồn sao là buồn!
Cái hôm em trốn vô rừng
Gặp anh bộ đội mừng làm sao!
Nghe anh cắt nghĩa ngọt ngào:
(Làm dân có nước, đồng bào phải thương).
Em đi liên lạc dẫn đường
Rảnh rang lấy sách anh thường dạy cho
(Chương trình cứu quốc) mấy tờ
Say sưa em đọc không giờ nào thôi.
Lòng em nay ấm lại rồi
Như ngày có má, như hồi còn ba!

Tân An, đêm 30-5-1947

Anh nuôi ra suối
Vo gạo thổi cơm
Mỏm đá rêu trơn
Sẩy tay gạo đổ…
Nhìn suối, gạo chìm tất cả
Tay cầm chiếc rá
Anh nghe đau nhói trong lòng
Tiếc hoài hạt gạo trắng trong
Gánh gồng trăm lối
Nắng mưa, nhiều nỗi gian lao
Suối sâu, lớp lớp đèo cao
Biết bao công sức biết bao nghĩa tình.

Hạt gạo quê mình
Biết bao gian khổ
Ngày Quảng Bình nắng gió
Máu đổ
Mồ hôi;
Đêm Hà Nam rét buốt tê người
Đồng chiêm trũng vẫn xanh trời mạ non.
Mẹ già hằng bữa nhớ con
Cơm còn ăn độn, gạo dồn vào đây.
Gặp khi thời tiết không may
Ngoài kia dù thiếu trong này vẫn no.

Anh đứng thẫn thờ
Nhìn dòng nước chảy
Thương gạo thơm dưới suối nằm im
Gạo tình gạo nghĩa khó quên
Công ơn trời bể biết đền sao đây.

(11-1970)

Bắt giam một người con gái không có một tấc sắt trong tay
Chính quyền Ních-xơn tự ngồi trên nước sôi lửa bỏng,
Bốn bề dâng lên từng đợt sóng
Bảo vệ An-Giê-La
Nhân loại trải nhiều “đêm không ngủ”.
Khắp năm châu vang dội những lời ca:
Chào một người Mỹ
Mang tên An-Giê-La!
Giữa những chắn song ngục tù Nhà Trắng
Một người da đen chói ngời như một vì sao sáng,

Bọn diều hâu ở nước Mỹ có thói quen hống hách
Hung hăng phát xít
An-Giê-La vào tù
Không chịu cúi đầu
Được tuyên bố trắng án.
Tiếng nói “cảm ơn” của chị đối với bọn chúa ngục Ních-xơn là:
“Sự xét xử công bằng duy nhất phải là không có vụ xét xử này”
Hơn bất cứ lời biện hộ nào, phong cách cộng sản của chị là lời đanh thép nhất.

Đường hoàng
Dõng dạc,
Nghiêm trang,
Không dối lòng, không dối bạn
(Ở đời đáng sợ nhất là sự đểu giả
Không thể nghe được giọng lưỡi hoà bình của Ních-xơn
và tình yêu trẻ con của hắn!)
Suốt hai mươi hai tháng ngồi tù
Chị là một trong những người tự do nhất nước Mỹ
Bởi cái lẽ giản đơn
Chị là Chân lý.
Thế giới luôn luôn xuất hiện những tấm gương đáng tự hào
Chủ nghĩa cộng sản bao giờ cũng long lanh như một trời sao
Rất đẹp.
Như hôm qua
Và cả mai sau
Loài người
Luôn luôn hướng về chủ nghĩa cộng sản,
Hướng về Các Mác,
Hướng về Lê-Nin,
Hướng về những con người bất khuất, trung thực, kiên trinh
Khắp nơi trên thế giới;
Nhờ họ, loài người thêm nguồn sinh lực mới, niềm tin tưởng mới.

An-Giê-La được tuyên bố trắng án
Nhưng không thoả mãn:
“Ở đây không có sự xét công bằng”
Đúng là tiếng nói của Lương tâm.
Chị là người Mỹ?
Yêu biết mấy một nước Mỹ người người như chị
Chị là người da đen?
Một quả tim hồng hơn tất cả mọi màu da.

Trên trang nhất tờ báo Đảng chúng toi hôm nay đăng nổi bật
Ảnh An-Giê-La
Đang giơ cao nắm tay, nụ cười hồn hậu
Rất đỗi tự tin và rất đáng tự hào
Cái điều người ta nghĩ trước tiên về người cộng sản:
Không sợ hy sinh
Chẳng biết cúi đầu
Một lòng một dạ
Sống chết bên nhau…
An-Giê-La Đa-Vít!
Một lần nữa lại một đêm không ngủ
Mừng cho chị
Và mơ về một thế giới cộng sản mai sau…

6-6-1972

Tặng tác giả “Mẫn và Tôi”
Nhân cuộc chia tay lần thứ hai.

– Em là giải phóng quân
Khoẻ sao tên gọi ấy!
– Tất cả vì nhân dân
Đời em sao đẹp vậy!

Mũ tai bèo mềm mại
Thoạt nhìn đã mến thân
Như chim non bay nhảy
Rộn rã cuộc hành quân.

Lội suối hái hoa rừng
Cớ sao tay ngập ngừng?
Nghĩ về người sắp đến
Chia đều mỗi sắc hương.

Trải bao ngày mưa nắng
Em lại đẹp nghìn lần
Tình yêu và Tổ quốc
Náo nức một mùa xuân!

Ta cùng đến vành đai
Có anh bên em đó
Con chim ca đầu ngõ
Man mác gió ban mai.

Nghĩ về một chiếc cầu
Có lần ta qua đấy
Ôi, giấc mộng rừng sâu
Đêm đêm ta lại thấy.

Em hiện trên trang sách
Em sống giữa cuộc đời
Rất khác nhau phong cách
Mà sao đẹp cả đôi.

Nghìn xưa không dễ thấy
Nghìn sau chẳng tàn phai
Vườn ta hoa đẹp mãi
Hương sắc của thời nay.

Bây giờ đến bao giờ
Tìm chưa cạn nguồn thơ
Ta đi trong hiện thực
Lòng tràn những ước mơ.

Hà Nội, 1974

Yêu một mùa hoa đẹp tuyệt vời
Bãi vàng khắp ngõ nắng xuân phơi
Ngọc Hà qua những đêm sương muối
Đào vẫn xoè hoa kịp đón mai.

Thầm hẹn thi nhau nở đúng mùa
Đẹp này đất Mẹ điểm trang cho?
Mai càng óng ánh, đào càng thắm
Đất nước thêm giàu bao ý thơ.

Hương toả gần bay đến tự xa
Một mùa ôi! chỉ một lần hoa
Đầu hè nóng bỏng đồng băng giá
Hoa bốn mùa là Hoa Đảng ta.

Cội Bốn-nghìn-năm: Hoa 46
Hương bay ngào ngạt khắp trăm miền!
Biết ơn năm cũ, yêu ngày mới
Chén rượu đầu xuân ấm dưới đèn.

Hàng ớt chín đỏ bờ kinh
Đám cà tím ngát, líp hành mướt ô
Dây lang xanh mịt phủ bờ
Dưa leo, mướp khía đu đưa nặng giàn
Anh em trong bụng vui thầm:
Mới trồng độ nọ có ăn dạo này!
Vô phân tưới nước liền tay
Nhânviên, cán bộ hàng ngày quyết tâm.
Đi ngang xuống thảy ngưng dầm
Nhìn đứt con mắt, khuất vàm mới thôi.
Mười người chắc lưỡi cả mười:
“Cơ quan tiến bộ quá trời, các cha!”
Từ ngày quyết chí tăng gia
khẩu phần tính trội bằng ba lúc thường
Cơ quan đoàn kết vô phương
Gia lao cùng chịu tình thương càng buồn.

Mỹ Tho, 1950

Cử tạ bao nhiêu thành lực sĩ?
Dù nghìn cân nặng để làm chi!
Có hay cô gái Tây Nguyên đó
Gùi gạo trăm cân, nặng vẫn đi.

Có gạo lên lưng mừng lắm lắm
Miễn sao bộ đội được ăn no
Riêng mình chẳng quản chi mưa gió
Dốc đứng, đường trơn, một nắm ngô.

Người em nhẹ bỗng: bốn mươi cân
Trĩu nặng hai vai gấp mấy lần
Thù giặc, đi hoài không biết mỏi
Tinh thần nâng đỡ sức đôi chân.

“Lực sĩ” của ta là thế đấy!
Không ham danh hão, chẳng khoe tài
Đấu trường thầm lặng không ai thấy
Vô địch phải đâu chỉ một người.

Khi qua dốc núi Trường Sơn, 11-1970

Nửa đêm trời cứ đổ mưa
Lần trong lau sậy tìm đò đưa sông
Đến bờ nói đến tiền nong
Ai ngờ mẹ giận, giọng không tán thành:
(Đem thân gách vác việc mình
Lấy tiền bộ đội sao đành hở con!)
Ngập ngừng… mẹ lại thở than:
(Trời mưa mà cũng đi làm… tội không!)
Bạn nghe cảm động khôn cùng
Tôi nghe thấy ấm trong lòng ấm ra
Trời mưa không dứt, đường xa…
Vừa đi vừa nhớ mẹ già bên sông!

Trà Vinh, 6-1947

Xem tiếp:  Tập thơ : Đường giải phóng (1977) – Bảo Định Giang

Related posts

Nhà thơ Hồ Chí Minh và Tập thơ chữ Hán nổi tiếng Phần cuối

admin

Nhà thơ Huy Cận và tập thơ Lửa thiêng (1940) nổi tiếng phần 2

admin

Phùng Quán Cùng Những Bài Thơ Thắm Đượm Tình Cảm Phần 1

admin

Leave a Comment