Nhà Thơ Nổi Tiếng

Nhà Thơ Hồ Dzếnh Và Những Bài Thơ Đậm Chất Trữ Tình Đặc Sắc

Nhà thơ Hồ Dzếnh là một người được nhiều người biết đến qua những tập thơ nổi tiếng vang danh một thời. Ông là một khuôn mặt văn học đặc biệt, viết hay ở nhiều thể loại, dù cuộc đời có lận đận nhưng ông vẫn gắn bó với văn chương nước nhà và không xa rời cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc

Với bản chất trầm lặng, ông luôn luôn khiêm tốn tự cho mình là người mới bắt đầu bước vào nghề viết. Ông có một hồn thơ đẹp cùng những bài thơ đậm chất trữ tình tha thiết đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc và được đón nhận nồng nhiệt. Thơ ông luôn gắn bó sâu sắc với cuộc sống dù trước hay sau cách mạng thì tiếng thơ ông vẫn trong sáng và yêu đời

Hãy theo dõi và cảm nhận tâm hồn lãng mạn của ông qua bài viết này nhé!

Nội Dung

– Hồ Dzếnh tên thật là Hà Triệu Anh hay Hà Anh (ghi theo giọng Quảng Đông là Hồ Dzếnh), sinh năm 1916 tại làng Đông Bích huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hoá.

– Cha ông là Hà Kiến Huân, người gốc Quảng Đông, mẹ Đặng Thị Văn là người Việt. Ông học trung học, dạy tư, làm thơ, viết báo từ năm 1931 tại Hà Nội. Năm 1953 ông vào Sài Gòn làm báo, năm 1954 trở về Hà Nội tiếp tục viết báo, làm thơ. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ngay từ buổi đầu thành lập (1957). Ông mất ngày 13 tháng 8 năm 1991 tại Hà Nội.

– Hồ Dzếnh được truy tặng Giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

+ Tác phẩm:
– Quê ngoại (thơ, 1943)
– Hoa xuân đất Việt (thơ, 1946)
– Chân trời cũ (tập Hồi ký, xuất bản năm 1942 và do nhà Hoa Tiên, Sài Gòn tái bản năm 1968)
– Một truyện tình 15 năm về trước (tiểu thuyết, ký bút hiệu Lưu Thị Hạnh, do nhà Hoa Tiên, Sài Gòn tái bản năm 1968)
– Hai mối tình hay tiếng kêu trong máu (truyện dài, ký bút hiệu Lưu Thị Hạnh, do nhà Hợp Lực, Sài Gòn tái bản năm 1968)
– Dĩ vãng (đoản thiên tiểu thuyết)
– Những vành khăn trắng (tiểu thuyết, ký bút hiệu Lưu Thị Hạnh)
– Đường kẽ mãnh (truyện ngắn, Trung Bắc chủ nhật, số 187, 12-12-1943)
– Nhà nhiều con (truyện ngắn, Trung Bắc chủ nhật, số 206, 11-6-1944)
– và nhiều truyện ngắn đăng rải rác trong các giai phẩm xuất bản vào thời tiền chiến.

Vào thời tiền chiến, có một tập thơ ra đời: tập Quê ngoại của Hồ Dzếnh. Chừng ấy cái tên người cũng đủ làm người ta lưu tâm. Và nhà Á Châu ấn cục đã ưng ý tác phẩm khi giới thiệu cùng độc giả những lời sau đây: “Lần đầu tiên thi ca Việt nam được tô điểm một cách trau chuốt bằng ngọn bút linh diệu của nhà thơ ngoại quốc”.

Sự giới thiệu của nhà Á Châu ấn cục ta ngỡ là lối quảng cáo một ấn phẩm vừa xuất bản, nhưng thực chất của tập Quê ngoại không làm cho độc giả thất vọng khi báo Tri Tân viết như sau: “Tên tuổi người Minh-hương ấy, văn học quốc ngữ không nề hà gì mà chẳng đón tiếp như đã đón tiếp bao nhiêu nhà văn hữu tài”.

Quê ngoại của Hồ Dzếnh đã thử thách qua sự chấp nhận xuất bản của Á Châu ấn cục và lời phê bình của tuần báo Tri Tân, một tạp chí chuyên bình luận văn học lúc bấy giờ; và ta còn tìm gặp điển hình một độc giả trẻ tuổi ưa thích Hồ Dzếnh tức nhà văn Mai Thảo ngày nay, khi Mai Thảo ghi lại cảm nghĩ mình thuở vừa tiếp xúc tiếng thơ của họ Hồ, những dòng sau đây: “Trong cái thế giới ngột ngạt bít bưng tức thở ra của những tháp ngà tiền chiến như những phần mộ lạnh buốt, thơ Hồ Dzếnh hơn cả Xuân Diệu, và theo tôi, hơn cả Nguyễn Bính đầu mùa, là những xâu chuỗi lanh lảnh nhạc vàng gõ vui từng nhịp nắng trên mênh mông đài trán thanh niên. Tôi nhớ mãi cái cảm giác của tôi, 20 tuổi, tiếp nhận một tập thơ cốm mới đậm đà, một tập thơ mười tám cái xuân đầy, đọc mỗi câu tưởng như có mật có đường ngọt trong cổ. Thơ Hồ Dzếnh tiền chiến là cái trạng thái ngu ngơ trong suốt nhất của một tiếng thơ mà chủ đề là tình yêu và ánh sáng. Ngó thật kỹ, Quê ngoại không hằn một nếp nhăn. Với tôi, một tập thơ đầu tay phải như thế. Phải có cái khí thế vạm vỡ của sống như một lao vào, cái vóc dáng của yêu như một kín trùm dào dạt…”

Hồ Dzếnh là một nhà thơ kiệt xuất của nước ta. Ông là một nhà thơ có phong cách, một giọng điệu riêng độc đáo. Hồn thơ trầm tình điềm đạm của ông để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả. Những bài thơ của ông đã đóng góp không ít cho nền thơ ca dân tộc. Sau đây, mời các bạn cùng cảm nhận chất riêng trong thơ của ông ngay bây giờ!

Mình vừa là chị là em
Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời
Mai này tới phút chia đôi
Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau?
Xót mình đã lắm thương đau
Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình
Cuộc đời đâu phải phù sinh
Nước non chan chứa nghĩa tình, mình ơi!

Ngày xưa còn nhỏ ngày xưa
Tôi đeo khánh bạc lên chùa dâng nhang
Lòng vui quần áo xênh xang
Tay cầm hương nến đình vàng mới mua
Chị tôi vào lễ trong chùa
Hai chàng trai trẻ khấn đùa hai bên
“Lòng thành lễ vật đầu niên
Cầu cho tiểu được ngoài Giêng đắt chồng”
Chị tôi hai má đỏ hồng
Vùng vằng suýt nữa quên bồng cả tôi
Tam quan mái ngói chị ngồi
Chị nghe đoán quẻ chị cười luôn luôn
Quẻ Thần mắt thánh mà khôn
Số này chồng đắt mà con cũng nhiều
Chị tôi nay đã xế chiều
Chắc còn nhớ mãi những điều chị mơ
Hằng năm tôi đi lễ chùa
Chuông vàng khánh ngọc ngày xưa vẫn còn
Chị ơi thấy vắng trong hồn
Ít nhiều hương phấn khi còn thơ ngây
Chân đi đếm tiếng chuông chùa
Tôi ngờ năm tháng ngày xưa trở về.

Nhiều lần tôi nghĩ bao la:
Ðời là quán khách, tôi là giấc mơ
Trao duyên rất đỗi tình cờ
Không mong ước hẹn, không ngờ gặp nhau.

Tôi sinh cách mấy ngàn sau,
Vẫn bền thiên luật: lên tàu xuống ga
Ðường đời bóng núi sông qua
Nay đang nắng mới, mai là cảnh xưa
Có tôi, tàu vẫn đông thừa
Không tôi, tàu vẫn chẳng thưa vẫn người
Mất còn có nghĩa gì đâu
Tôi là chút ít của đời chút không
Dặm trần bụi cuốn, may dong
Tôi đem số phận gửi trong má đào
Từng phen gió lạnh bay vào:
Ngẩn ngơ ta xuống ga nào hở em?

Tôi lại đến cuối mùa nghe gió lạ
Đón chuyến tàu năm ngoái tiễn thu đi,
Trên đầu tôi, lá thu rơi rụng quá,
Nhưng bạn tôi từ đấy mãi không về.

Tôi khẽ hỏi dòng thông bên dải suối
Sao bạn tôi mãi mãi không về?
Suối nín chảy và thông buồn chẳng nói.
Nhưng bên trời, lặng chỉ dấu chia ly.

Và từ đấy thu sang tôi lạnh quá,
Tôi chia thương với kẻ cuối chân trời,
Và tin chắc khi bên đường rụng lá
Bạn cũng buồn chạnh nghĩ đến tình tôi.

Nhưng thu sang, rồi thu lại sang,
Bao phen sắc lá đổi thay vàng,
Tôi không dám hẹn mong gì nữa
Bạn chết lâu rồi, ngậm tiếng than!

Mải đến chiều nay nhác chuyện xưa
Tưởng người theo mải chuyến tàu thu,
Tôi nhìn chân gió run trong lạnh
Chỉ thấy mây buồn toả vất vơ…

Anh đi có nhớ mang theo
Bài thơ tôi tặng một chiều thăm nhau?
Mười năm đọc Nguyễn Minh Châu
Đến nay mới thật buổi đầu cầm tay,
Buổi đầu gặp gỡ ô hay
Trong gang tấc đã bóng mây chập chờn!
Ngoài trời bóng xế hoàng hôn
Lắt lay chiếc lá cuối vườn sắp rơi!
Ta là nhánh “cỏ lau” thôi
Nhưng lau biết cảm chuyện đời vui đau.

Giã từ nhé, Nguyễn Minh Châu
Trang văn tâm huyết, chiều sâu nhân tình
Không còn về nữa quê Vinh
Nghe câu hát dặm nặng tình nước non!
“Cửa sông” lớp lớp sóng dồn
“Dấu chân người lính” vẫn còn mai sau…

Ngày Tết mải chơi tam cúc
Không hay anh tới sau lưng
Ghé lại gần em mách nước
Kết luôn xe pháo mã hồng

Ồ ván bài em đỏ quá
Đỏ như đôi má ngày xuân
Em có ăn trầu đâu nhỉ
Mà sao người thấy bâng khuâng?

Nắng mới rọi vào song cửa
Rung rinh bóng lá cành doi
Năm ấy em mười sáu tuổi
Trăng tròn – anh chẵn đôi mươi

Từ đó mỗi mùa đào nở
Pháo xe lại rộn cây bài
Có độ anh về, có độ
Vắng anh, em nhớ mong hoài

Mấy chục mùa xuân thấm thoát
Nhớ thương hờn giận chen nhau
Một bức tranh thơ bát ngát
Quý thay cái thuở ban đầu!

Nay tóc đời ta điểm bạc
Bể đâu thời thế phôi pha
Em ạ, cỗ bài tam cúc
Vẫn thơm nguyên vẹn tình ta.

Phút linh cầu mãi không về
Phân vân giấy trắng chưa nề mực đen
Khói trầm bén giấc mơ tiên
Bâng khuâng trăng giãi qua miền quạnh hiu
Tô Châu lớp lớp phù kiều
Trăng đêm Dương Tử mây chiều Giang Nam
Rạc rời vó ngựa quá quan
Cờ treo ý cũ mây giàn mộng xưa
Biển chiều vang tiếng nhân ngư
Non xanh tha thiết trời thu rượi sầu
Nhớ thương bạc nửa mái đầu
Lòng nương quán khách nghe màu tà huân
Buồn Tư Mã nhớ Chiêu Quân
Nét hoa thấp thoáng ý thần đê mê
Phút linh cầu mãi không về
Phân vân giấy trắng chưa nề mực đen.

Mai đây ông trở về nơi chốn
Gửi lại hành tinh đứa cháu đầu
Tâm sự mênh mông, tình trọn vẹn
Tre già măng mọc, có sao đâu.

Vắng bóng nhưng ông sẽ mãi còn
Trong tình ông cháu thắm như son
Cháu ơi, mỗi lúc cây reo nắng
Hãy hát cho ông mát dịu hồn.

Ông sẽ làm mây trăng giữa trời
Làm bông hoa nhỏ để con chơi
Làm hơi gió mát ru con ngủ
Trong cánh thơ bay thoảng giữa đời.

Khi sống, ông nghèo nhất thế gian
Ra đi của cải bỗng vô vàn
Trời-Mây-Trăng-Nước-Chim-Hoa-Gió
Tất cả dành riêng tặng cháu ngoan.

Suốt trời hôm ấy thê lương quá,
Tóc liễu bờm xơm, sóng võ hồ,
Mây rối ren trời, cây rối lá,
Giường cô thôn nữ gối chăn xô…

Đây là tất cả một mùa thơ,
Tất cả lều tranh, cả khói mờ,
Cả gió may đưa, buồn lắng xuống
Cả lòng tôi với cả lòng cô

Có một nghìn cây rũ rượi buồn
Một nghìn sông rét, vạn hoàng hôn,
Dăm thân thiếu nữ gầy như trúc
Đứng chịu tang trời đổ bóng đơn

Thu xa bằng gió bằng mây,
Không gian thở nhẹ buồn vâu chìm chìm…
Lòng không ai cấm mà im,
Không dưng bỗng nhớ, không chìm bỗng mong.

Nơi tôi còn ít lá lòng
Chiều nay rơi nốt vào trong lá rừng.

Mẫu đơn nở cạnh nhà thờ
Đôi ta trinh tiết đợi chờ lấy nhau.

Em ạ, quê ta tháp giáo đường
Sáng chiều vẫn vọng những hồi chuông
Ai đi xem lễ tôi đi với
Gió dạo lời kinh toả vấn vương

Con gái nhà Chung xinh đẹp lạ
Đẹp hơn cpn gái phố phường bên
Ngày ngày hai buổi xưa đi học
Mượn lối vườn hoa để gặp em

Tôi nhớ từng viên đá lát thềm
Từng hàng ngói nhỏ mái nhà êm
Cây doi đứng cạnh hòn non bộ
Toả mát đường đi gạch lát nem

Ôi vật vô tri cũng có hồn
Những ngày nắng mới những hoàng hôn
Tình yêu sau trước đều như vậy
Những thoáng vui xen những nét buồn

Chủ Nhật tự nhiên thành buổi hẹn
Gió bay tà áo trắng như thơ
Mẫu đơn nở giữa hai lời nguyện
Phảng phất còn thơm đến bây giờ

Đêm Giáng Sinh này em ở đâu
Nghe chuông có nhớ thuở ban đầu
Ước chi sống lại thời xưa nhỉ
Để trẻ ra và để hẹn nhau.

Lệ nến đêm qua ứa mấy dòng,
Chín hồi chuông nguyện khóc trên không.
Nàng đi êm lặng như nàng sống,
Tóc vẫn thơm nguyên má vẫn hồng.

Sao khuya chứng giám giờ li biệt,
Bóng lạnh lùng nghe tiếng ngậm ngùi.
Đời ở ngoài kia êm ấm quá,
Từng đoàn, đôi lứa hẹn nhau vui.

Ta lấy gì đây để khóc nhau?
Hoa buồn mấy đoá, nhớ đôi câu?
Hay ta se cả đời ta lại,
Để chép đưa ai khúc nhạc sầu?

Không, không, tất cả đều nhân thế
Tất cả thơ,hoa,mĩ phẩm đời,
Mà áng trinh xưa không muốn để
Linh hồn vô giá bợn màu tươi.

Ta biết tuy nàng chỉ muốn ôm
Bốn mùa tươi sáng, chỉ mê hôn
Đôi bàn chân Chúa và mong uống
Tất cả đau thương của suối hồn.

Ta nỡ lòng nào để tủi nhau,
Những hồn băng tuyết vẫn hay đau.
Bằng muôn thức quý đời ta mọn
So với trời hoa vĩnh viễn màu.

Chuông nguyện thương ai khóc dưới đời?
Trước hàng nến trắng khóm hoa tươi.
Ta nghe tiếng gọi từng mây vắng:
“Em đợi anh lên hát Lễ Trời!”

Khi con còn ngủ trong thai
Cuống rau mẹ chắt đêm ngày thức ăn
Nôi êm nâng giấc con nằm
Sữa thơm mẹ lại vắt phần nuôi con
Bùn màu thắm nước nâu non
Biết bao nghĩa cả tình son với đời
Kiếp sau xin lại làm người
Để nghe non nước vọng lời mẹ ru.

Sắc biếc chen lừng dáng huyết tươi,
Lênh lang tuôn ánh thái dương cười,
Dưới cờ, hồn nhỏ tràn như biển,
Trí rộng muôn sông, chấp vạn người.

Sức mạnh nào ngăn ý chí ta,
Gươm thần khi ngứa máu xông pha?
Một đi – cái chết nghìn thu nhẹ,
Hát trước câu: “Không trở lại nhà.”

Giang sơn một thuở lầm tro bụi,
Kiếp sống vinh gì nợ hắc nô?
Kiếp sống vinh gì, khi thế hội
Đã xoay nghiêng ngửa móng cơ đồ?

Ngựa không thèm nhớ đồng xanh cũ,
Ta há mơ gì chút gió quê?
Cờ tuôn ra bao máu đỏ
Ghi câu non biển: Chết không về!

Nghe nói ngày xưa biển ở đây
Biển đi để lại núi non này
Mưa nguồn chớp bể chia hai ngả
Hòn vọng phu thương vọng hải đài.

Thuở nhỏ tôi thường hay hỏi mẹ
Vì sao đỉnh núi mọc hình người.
– Đợi chồng lâu quá nên thành đá
Hòn vọng phu kia đứng với đời.

Tôi lớn dần lên đá vẫn chờ
Khi xa heo hút giữa sương mờ.
Khi gần sừng sững chiều biên giới
Như bức phù diêu nét chửa khô.

Không chỉ quê tôi núi đợi chồng
Còn nhiều nơi khác cảnh chờ mong
Bắc Nam đâu cũng niềm son sắt
Tạc giữa trời cao dáng thuỷ chung.

Ôi nhớ rêu phong hồn cẩm thạch
Mối tình vời vợi giữa không gian
Bốn nghìn năm ấy bao sương gió
Mà vẫn đinh ninh thiếp đợi chàng.

Rủ em đi chợ Đồng Xuân
Tưởng như đi giữa bâng khuâng, thuở nào…
Nắng hanh rám má bưởi đào
Chợt nghe hương vị thấm vào tâm tư

Đồng Xuân này lối năm xưa
Anh chưa lấy vợ, em chưa lấy chồng
Nhưng thôi, chuyện cũ – chuyện lòng
Nhắc chi húng Láng, cốm Vòng hỡi em

Hồ Tây dẫu muộn mùa sen
Vẫn còn một đoá y nguyên buổi đầu
Như ngày ta mới quen nhau
Thư đưa hồi hộp, tay trao ngượng ngùng

Nhớ em nhớ đến khôn cùng
Hương sen càng mát, nỗi lòng càng đau.

Trời không nắng cũng không mưa,
Chỉ hiu hiu gió cho vừa nhớ nhung.
Em còn nhớ đến quê không,
Bãi dâu vẫn đợi, con sông vẫn chờ.
Bâng khuâng câu chuyện tình cờ,
Không mong nên hẹn, không ngờ thành thân.
Rất xa bỗng hoá rất gần,
Dù chưa gặp mặt một lần, lạ chưa!
Sáng nay Hà Nội giao mùa,
Hồ Thu. Tóc liễu. Tháp Rùa lung linh.
Nước non đây nghĩa đây tình,
Đọc thơ em sẽ thấy mình trong thơ.

Hiu hiu gió gửi mây về
Nửa thu sang đó, nửa hè còn đây…
Bóng mờ xuống lặng chân cây,
Non cao vắng vẻ, sông đầy nhớ mong.
Cô hồn rủ dáng trên không
Giờ nghiêng cánh nhớ trong đồng tịch liêu.
Xe đi, tiếng rộn qua chiều,
Lửa thôn thấp thoáng mái lều ngẩn ngơ.
Mênh mông xanh thắm phai tờ
Chân đi vương vấn, lời thơ ngậm ngùi…

Gửi một lòng em gái phương xa
Ðược biết em vừa thí phát
Thời trang đổi lấy cà sa
Một sớm đi vào cõi Phật
Bụi trần một sớm lìa xa…

Ôi nếu đúng vì Chân lý
Xin mừng em bước sang sông
Phơi phới cánh buồm thoát tục
Xuôi dòng thuận gió lâng lâng.

Nhưng nếu tâm cơ định khác
Dây oan muốn dứt duyên tình
Chim tự lao vào gai sắc
Tiếng ca mình đẫm máu mình!

Em ạ, đời thơ cũng vậy
Ðau thương – sự nghiệp vinh quanh
Gạn chất bùn đen tự đáy
Trăm năm luyện được chút vàng!

Chỉ tiếc đầu xanh một mái
Từng thơm trang sách năm xưa
Nay bỗng vắng niềm ưu ái
Hồn thơ chợt thấy hoang vu!

Tỉnh dậy – mặt trời chưa thức giấc
Năm canh còn lại một canh năm
Trà sen trừ tịch hương còn ngát
Thoảng Pháp-hoa-kinh giọng rất trầm

Có phải lời em tự chốn xa
Vọng về trong bóng khói, sương hoa
Cùng nhau tuy chẳng bào thai mẹ
Nhưng khác gì chung một mái nhà?

“Hoa lưu động khẩu ưng trường tại
Thuỷ đáo nhân gian định bất hồi”
Hoa thơm cửa động còn thơm mãi
Nước chảy vòng trần luống chảy xuôi…

Trên đây chúng tôi đã dành tặng cho quý độc giả những bài thơ đặc sắc và đậm ý nghĩa của nhà thơ Hồ Dzếnh. Những bài thơ thắm đượm chất trữ tình ngọt ngào thể hiện sự say mê sáng tác của ông. Hy vọng các bạn sẽ yêu thích bài viết này của chúng tôi. Hãy đồng hành cùng chúng tôi để theo dõi những bài viết hấp dẫn hơn nhé! Thân Ái ! 

Related posts

Nhà thơ Thái Bá Tân và tuyển tập thơ dịch Kabir và Zakharovich Surikov

admin

Nhà thơ Du Tử Lê và tuyển tập thơ hay đặc sắc nhất phần 4

admin

Tế Hanh cùng trọn bộ tập thơ Lòng Miền Nam hấp dẫn đi cùng năm tháng

admin

Leave a Comment