Nhà Thơ Nổi Tiếng

Nhà thơ Hoàng Cầm cùng tập thơ Kiều Loan hay nhất mọi thời đại phần 1

Kiều Loan là một tập thơ hay và vang danh của nhà thơ Hoàng Cầm. Ông là một nhà thơ lớn và nổi tiếng của nền thơ ca Việt Nam. Với một hồn thơ nhạy cảm cùng cách dùng từ đầy táo bạo, những thi phẩm trong tập thơ này của ông luôn thu hút ngòi bút của dư luận và sự quan tâm mạnh mẽ từ bạn đọc. Nếu các bạn tò mò về phong cách thơ của Hoàng Cầm, thì ngay bây giờ mình cùng nhau đi khám phá nhé!

Nội Dung

Thời loạn ly ai đẹp mãi bao giờ…
Một buổi chiều mùa thu năm 1802. Một ngã ba đường ngoại châu thành Phú Xuân. Trời đã xế chiều. Xa xa nếp hoàng thành đang chìm trong sương. Bên đường một vài túp lều ủ rũ, vài thân cây khẳng khiu giơ lên nền trời úa đỏ những ngón tay tuyệt vọng. Trống thu không, chuông chùa rền rĩ.
Mở màn: Một tốp hai ba tên lính dẫn một xâu người bị trói đi từ trái sang phải. Đoàn người bị bắt đầu cúi gục, quần áo rách tả tơi, mặt xám ngoét. Những người qua đường lấm lét nhìn đoàn tù rồi cúi mặt, đi nhanh. Bọn trẻ đang chơi đùa nép vào nhau sợ hãi. Tiếng roi bọn lính vụt người nghe vun vút. Hết đoàn tù ấy đến đoàn tù khác dằng dặc… dằng dặc… Trầm trầm lơ lớ tiếng hát của bọn lính bắt người.

(Tiếng hát bọn lính):
Bắt người trói cả một dây
Ngày mai vùi lấp mười thây một mồ
Vợ con đói rách hãy chờ
Lĩnh tiền vua thưởng đong bồ gạo ngon.
Những đoàn tù đi hết, một lát có tiếng xôn xao:
“A ! Điên !.. điên !” Kiều Loan từ mé trái chạy ra,
xiêm áo xốc xếch, dính nhiều sợi cỏ,
nhiều cánh hoa, nhiều bùn đất. Theo sau nàng,
một đứa trẻ chạy đùa với dải áo bay lất phất.
Kiều Loan quay lại đuổi bắt đứa trẻ.
Nàng túm được nó, cười khanh khách.
Hôm nay mới gặp Tần Thủy Hoàng
Bạo chúa như ông sướng hay khổ?
Trời sang thu lá đã vàng
Ông khóc hay cười trong nấm mộ?
Đứa trẻ (sợ hãi cố gỡ ra):
Em không quen biết những người điên
Chị buông ra, em còn về cuối phố.
Kiều Loan:
Tôi đứng chờ thu xanh biếc ngõ
Trăng khuya cúi mặt nhớ phương trời
Còn ông ôm mặt nhớ Tần phi
Ông vỗ gươm vàng đè lên gió
Hát rằng: “Trường thành ta đạp đổ
Rượu ngập Hàm Dương, mắt dị kỳ
Cười rụng đầu người, thuyền xuôi máu đỏ
Bỗng nghiêng mình trắng nõn áo cung phi.
(Nàng bắt chước người chở đò)
Thuyền ơi! Ta chở giăng đi
Mênh mông biển gió thấy gì nữa đâu
Thuyền ơi! Ta ghé bến sầu
Khóc không nước mắt hoen mầu thời gian
Thuyền ôi! Tóc chảy đêm vàng
Giai nhân sóng soải hai hàng chiêm bao
(Rồi khóc nức nở)
Chồng tôi phóng ngựa phương nào
Mà đây vó sắt dẫm vào tuổi thơ
Từ lúc này, bọn trẻ con thập thò sau quán
sau cây nhìn Kiều Loan không dám lại gần,
đôi lúc lại gọi léo nhéo “Cô điên ơi! Áo cô điên đẹp quá!
Hoặc “Lính nhà vua sắp bắt cô điên”.
Người qua đường:
Cô đi đâu mà điên dại ngẩn ngơ. Cô nhớ ai? Kìa sao cô lại khóc?
Kiều loan:
Tôi nhớ chàng, đôi mắt trong như ngọc
Đã chìm sâu bùn lạnh đất kinh đô
Độ ấy mùa xuân ghen mái tóc
Chồng tôi say đổ nắng trai tơ
Mái gianh nghiêng rót tình phong nhụy
Hoa khép hương vàng, gọi chẳng thưa
Luyện kiếm vườn mai, chim khúc khích
Cười đôi lứa trẻ quá làm thơ
Vội vàng dăng áo che nhan sắc
Nét bướm vàng tươi nắng tỏa mờ.
Người qua đường (thở dài):
Thời buổi này, những người tươi trẻ nhất
lại thành điên…
Kiều Loan:
Tôi điên tự ngày xưa
Nhưng má phấn đã dám so xoan héo
Thời loạn ly, ai đẹp mãi bao giờ
Vó câu vẳng động trong mơ
Tỉnh ra đã nát mình tơ nõn nà
Đố ai rỡ được mái nhà
Cho đàn chim sẻ bớt tha buồn về.
Một đứa trẻ (vỗ tay):
Thật là hay! Cô hát lại cháu nghe
Rồi cháu đưa vào kia mà ngủ trọ
Kẻo nữa tối, vua cấm đèn cấm lửa
Cấm dân gian đi lại ở kinh thành.
Kiều loan (cười):
Vua cấm đèn thì chị thức thâu canh
Đôi mắt sáng soi tìm trong sáu viện
Linh hồn chị sẽ bay vào bệ kiến
Nở thành hoa trắng muốt giữa sân rồng
Thương bà công chúa nằm không
Đợi một tấm chồng đập nát lầu son
Dựng hai gò má cô đơn
Thành hai trái núi mưa hờn năm canh
Người qua đường:
Vua có lệnh bắt những người hát nhảm
Đầu sẽ bêu sương gió nếp hoàng thành.
Kiều Loan (ngơ ngác):
Vua ở đâu? – Tôi chỉ ngủ một mình
Nằm mê thấy vua nhà ai bỏ vợ
Cưới ngay được một bông hoa bé nhỏ
Một đêm trăng hoa đẹp nở người tiên
Vội vàng hoàng đế phát điên
Xé tan người ngọc, cười nghiêng bệ rồng.
Người qua đường:
Bao nhiêu người đã vào nằm ngục tối
Cô im đi, lính phòng thành sắp tới.
Kiều loan (lườm, bĩu môi):
“Cô im đi”! Này khúc hát quê hương
Tôi hát lên đâu phải để buồn thương
Nhưng chính thực để chồng tôi đỡ khổ.
(Tôi hát rằng)
Những đêm trời đất quay cuồng gió
Ta trút y thường, cởi giấc mê
Trèo tít ngọn cau van với gió
Xin đưa thân gái đến Hà Khê
Nơi ấy chia tay chồng bỏ vợ
Hàng cau ngóng mãi bóng ai về
Có con mèo trắng ôm thân mốc
Thảm thiết gào giăng xé gió khuya.
Người qua đường:
Cuối phương tây, hoàng hôn càng tê tái
Tôi càng nghe càng ghê lạnh tình thương
Đất vua chúa, buồn vui không được nói
Cô về đi, đừng cười khóc bên đường.
Kiều Loan:
Hỡi con dế đêm trường năn nỉ
Người yêu ta ngủ kỹ nơi đâu
Về đây lượm mãi tiếng sầu
Sao ngươi nín lặng bên lầu rêu phong?
(Đổi giọng)
Mất chồng đố lại lấy chồng
Ông vua chưa vợ áo rồng rộng thênh.
Một đứa trẻ (đến gần Kiều Loan, níu áo):
Cô điên ơi, cho cháu một bông hoa
Và cho cháu cả cái vòng gỗ quý.
Kiều Loan (vui vẻ tháo vòng tay trao đứa trẻ):
Chị không tiếc – Nhưng này em trông chị
có đẹp không?
Đứa trẻ:
Chị đẹp như bà tiên
Đẹp thế này, ai xui chị thành điên?
Kiều Loan (cười):
À, chị điên! Từ khi trời bỏ đất
Đây, cho em chiếc vòng này quý nhất
Gỗ hạnh hương hồng nhạt nổi mây đen
Vòng này là vật đính duyên
Mười năm thắt chặt ưu phiền trên tay.
(Chiều ngả dần. Những người qua đường bỏ về)
Đứa trẻ:
Trời đã chiều mà chị vẫn đứng đây
Chị về đâu?
Kiều Loan:
Chị sẽ nằm trên cỏ
Ngủ một giấc đến ngày mai sáng tỏ
Thì chị đi lên núi lại lên rừng
Chị buồn chị hát vang lừng
Cỏ cây sa lệ núi rừng ngẩn ngơ …
(Bọn trẻ bỏ đi nốt)

(Có hai thư sinh đi ngang qua rồi dừng lại)
Thư sinh A:
Cô ả này chiều qua tôi đã gặp
Cũng điên rồ ngồi hát bến sông Linh
Thư sinh B:
Bóng chiều nghiêng trên mấy lớp hoàng thành
Người thiếu phụ như in tranh loạn lạc.
Kiều Loan:
Hai thầy đồ chắc học hành uyên bác
Sắp đến kỳ kinh nghĩa, gió bay xa
Xếp bút nghiên mà vác giáo theo ta
Sức lực ấy, lũ gà chưa phải trói.
Thư sinh A:
Giai thời loạn thẹn mình mang chẳng nổi
dãy Trường Sơn đi lấp biển sóng cồn
Nhưng cô nương sao giận phấn hờn son
Cửa phòng khuê không chờ giăng tâm sự ?
Chốn kinh kỳ chưa nguôi cơn cuồng vũ
Quỷ không đầu còn gõ cửa đêm mưa
Biết bao cơn gió độc của nhà vua
nồng xương máu, thổi bên đường xào xạc
Thì… cây sung nào… quả rơi lác đác…
Kiều Loan:
Sung cứ rụng, còn tôi, tôi cứ hát
Tôi hát chơi đã mấy lúc rụng đầu
Tôi hát rằng:
“Tình ơi, nước chảy qua cầu
Thì tha hồ cây dương liễu nhớ mầu tà huy”.
Thư sinh A:
Thời bây giờ thiên hạ hết thương nhau
Ai hoài công nghe kể chuyện u sầu
Cô về đi, vì chòm cây yên lặng
Thấu lòng cô, chờ đêm khuya thanh vắng
Sẽ bò vào nội điện nói vu vơ.
Thư sinh B:
Thì sớm mai phơi máu chợ kinh đô
Đầu thiếu phụ lắc lư sầu vạn kiếp.
(Hai thư sinh bỏ đi)
Kiều Loan (níu lại):
Hãy dừng lại ! Hỡi chàng tôm chú tép
Ta hát chơi, đầu rụng cũng không lo
Ta hát rằng:
“Thương ơi cái lũ học trò
Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”.
Thư sinh B (vui vẻ):
Cô là ai ?
Kiều Loan (lẳng lơ):
Tôi là em ruột chị Hằng
Đêm qua tôi bỏ cung giăng xuống trần
Đứng đây trông hết xa gần
Tài trai chí lớn có ngần ấy thôi.
Thư sinh A:
Chồng cô đâu ?
Kiều Loan:
Chồng tôi đi chinh chiến bốn phương trời
Oanh liệt lắm, nhưng năm xưa đã chết
Còn một mình, sự đời tôi chẳng thiết
Tôi lang thang, tôi hát để quên sầu
Tôi hát rằng:
“Tình tang, xe ngựa công hầu
Cam lòng tan nát riêng màu cỏ hoa…”
Thư sinh B:
Tiếng hát hay như từng giọt châu sa.
Thư sinh A:
Chồng nàng mất bao lâu rồi đấy nhỉ ?
Kiều Loan:
Đã mấy năm tôi không còn nhớ kỹ
Đếm biệt ly bằng lá rụng bên đường
Chồng tôi xưa lừng lẫy khắp nghìn phương
Đi dẹp giặc rồi về làm…
Thư sinh A:
… làm Tư mã ?
Kiều Loan:
Rồi về làm cái cầu vồng đẹp quá
Tan cơn mưa cầu đã tắt từ lâu
Tôi buồn, tôi hát đôi câu
Mây buông vải trắng trên đầu hoa râm…
(Nàng úp mặt vào tay khóc. Hai thư sinh lắc đầu ái ngại
rồi kéo nhau đi. Xa xa, tiếng chuông chùa…)

(Nàng ngửng lên ngơ ngác,
bứt một bông hoa trên mái tóc, xé vụn từng mảnh).
Kiều Loan:
Ta đứng trơ đây bêu má phấn
Mà thương thiên hạ sống bơ vơ
Chiến tranh đẫy túi phường buôn máu
Danh nghĩa chồi lên những sọ dừa
Nguyễn Huệ cớ sao thành phản nghịch?
Để loài mãi quốc dựng ngôi vua?
Nước vòng ngọc sáng gương trong vắt
Mây chẳng buồn chơi với bóng cờ.
(Một ông già chống gậy trúc lẳng lặng vào quán uống rượu)
Kiều Loan:
Hỏi thăm phỗng đá từ xưa
Chim nào bay rợp giấc mơ anh hùng
Vó câu khua động non sông
Xanh xanh trời bể thoả lòng trượng phu
Cơn khói lửa mịt mù Nam Bắc
Đường viễn chinh vằng vặc trăng soi
Nghìn năm hồ dễ mấy người
Một tay biến chuyển đất trời mênh mang
Ta hát rằng:
Hỡi ai múa kiếm trên lưng ngựa
Giờ đã nằm yên dưới suối vàng
Chí lớn từ xưa chôn chật đất
Riêng đàn đóm đóm lại thênh thang…

(Hiệu uý, trẻ tuổi, lẫm liệt trong bộ nhung phục, đi qua đường.
Kiều Loan chợt trông thấy, túm áo chàng).
Kiều Loan:
Mời tráng sĩ lại đây tôi kể chuyện:
Miệng tôi cười như trăng soi mặt biển
Mắt tôi đen như vực thẳm luân hồi
(Nàng quay phắt lại chỉ thẳng vào mặt Hiệu uý)
Chàng là người phụ bạc, chàng quên tôi
Tôi tìm chàng cạn sông rồi lở núi
Suốt mười năm, bao giận hờn buồn tủi
Nước mắt này gấp mấy sóng Châu Giang?
Hiệu uý (ngơ ngác và say mê):
Nàng dị kỳ như cô gái rừng hoang
Tôi đâu biết chuyện mười năm tìm kiếm
Nàng là ai? Ôi dung nhan kiều diễm
Từ chiều nay tạc tượng đến muôn đời
Kiều Loan (càng gay gắt):
Chàng cưới bà công chúa xấu hơn tôi
Mới ba năm đã thành con ác phụ
Bị bùa yêu, chàng quên phăng vợ cũ
Mỏi gối quỳ, nô lệ sắc hồ tinh.
Hiệu uý:
Chuyện ngày xưa nàng giấu kín u tình
Chồng nàng xưa chắc là người phụ ước
Gặp chiều nay nhưng hẹn từ kiếp trước
Mắt người điên ngùn ngụt đốt lòng ta
Nàng cợt đùa, càng thêm nỗi xót xa.
Kiều Loan:
Tôi không đùa vì mắt tôi còn mở
Lòng chưa chết, bao giờ nguôi tưởng nhớ
Ngày ra đi, chàng cũng mặc áo này
Cũng thanh gươm buộc dải lụa hồng bay
Cũng đôi mắt thiết tha, và giọng nói
như than van từ lưng chừng ngọn suối
cũng say mê…
Gió hiu hiu lạnh lẽo sóng Hà Khê
Người ấy đi đâu sao không trở về?
Hiệu uý:
Tôi có việc phải vào ngay nội điện
Xin cô nương buông áo, kẻo đêm khuya.
Kiều Loan:
Tôi không buông, chàng phải đến đằng kia
Tìm bằng được một anh chàng họ Vũ
Hiệu uý (bỗng chú ý):
Chồng cô nương là một người họ Vũ ?
Kiều Loan:
Nhắn hộ tôi rằng: ông ơi, người vợ cũ
Đang chết mòn trong cát bụi Phú Xuân
Chim tha rơm về mái tóc hoa râm
Làm tổ ấm để vợ chồng đoàn tụ
Hiệu uý:
Có đích thực chồng cô nương họ Vũ?
Kiều Loan (ôm vai Hiệu uý):
Đúng chàng rồi, chàng phải cưới tôi đi
Từ vấn danh, nạp thái đến vu quy
Cứ đem đến cho tôi con Xích thố
Và một thanh gươm, để tôi chém cổ
kẻ phụ tình đang trốn tít chân mây
Ông già (ở trong quán nói ra):
Mời cô nương và dũng sĩ cùng say
Lão tung gậy thành cầu vồng đỏ tía
Làm lễ cưới phải trăm bình rượu quý
Tế tơ hồng phải khóc lụt trần gian.
Kiều Loan (buông áo Hiệu uý, giọng nghiêm trang):
Tôi nói đùa, xin chàng đừng để ý
Mời chàng đi!
Hiệu uý:
Lòng tôi đã chia tan
Nàng là ai? Tôi muốn biết tên nàng
Để những khi thẩn thơ ngoài nội cỏ
Khi kéo quân ra ải lạnh, trăng mờ
Tôi ngậm ngùi, bâng khuâng niềm tưởng nhớ
Gọi tên nàng trong bóng khói hư vô.
Kiều Loan:
Ngày muộn rồi, tráng sĩ hãy vào thành
Vợ chồng tôi như đôi lá tròn xinh
Kết liền cánh nhịp nhàng âu yếm mãi.
Hiệu uý:
Nàng đẹp quá, tôi tiếc người điên dại
Này áo xiêm đầy bụi đất đường xa
Nắng phương nào trong cánh lụa thướt tha
Thâu góp hết tình yêu trong cát bụi
Ảo não quá, mắt cuồng si vời vợi
Tóc trôi dài nhạc lạnh sóng trường giang
Nàng ở đâu?
Kiều Loan:
Tôi ở giữa rừng hoang
Tôi là gái goá chồng, là tiết phụ
Thở hương khói để phụng thờ người cũ
Và ban thờ là mắt lệ long lanh
Chuông thu không trong gió lạnh rùng mình
Mời tráng sĩ hãy vào trong nội điện.
Hiệu uý:
Lòng trong trắng chôn tình sâu tựa biển
Từ chiều nay vùi tâm sự thiết tha
Cô về đi, quê hương ấy còn xa
Nắng thoi thóp, tiếng chuông chùa văng vẳng
Như giục cánh chim non tìm tổ ấm
Kẻo đêm nay sấm chớp rộn lòng đau
Cô về đi, ta phải cách xa nhau
Duyên kỳ ngộ, hương vương đầy nếp áo
Và tiếng hát líu lo đường gió bão
còn kéo dài trong những buổi chiều xanh
Bao giờ quên bóng lá rụng bên thành…
(Hiệu uý đi hẳn và Kiều Loan cũng đi khuất)

(Ánh chiều tắt hẳn, ánh trăng thượng tuần
chiếu xuống xanh nhạt. Ông già ngâm thơ trong quán rượu)
Ông già:
Bảng lảng thân tàn ai có hay
Gươm ta ngủ bụi đã muôn ngày
Chiến bào thơm máu phơi trăng khuyết
Tuấn mã mòn xương ngóng cát bay
Tuổi quá sáu mươi thèm giấc ngủ
Đời trôi nghìn vạn nhớ cơn say
Bóng chiều thương chuyện mười năm trước
Mưa rụng kinh thành buốt cánh tay
(Trong quán có tiếng đổ vỡ.
Ông già bị đẩy lùi ra ngoài. Cửa quán đóng sập)
Ông già:
Ồ, các người vô lý
Cứ giục lão đi về
Nào ta biết về đâu?
Người chết nằm dưới đất
Người sống chỉ nghiêng bầu
Vua chúa rồi cũng mất
Riêng ta còn sống lâu.
Kiều Loan (ở mé đường chạy ra):
Kìa tia chớp – Bắc Bình Vương đã lại
Áo nhà vua tê tái màu son
Mắt đen hai vực sâu tròn
Chiều nay úp xuống linh hồn bơ vơ
(Nàng túm gậy ông già)
Có phải chàng? Sao dám ở kinh đô
Nơi gấm lụa vàng son che khuất bóng
người ly phụ héo hon, lệ trôi phăng gối mộng
Lệ trôi phăng cả mái nhà gianh
Quê hương có núi xanh xanh
Núi đi đi mất buồn tênh xứ người
Tôi nói thế mà chồng tôi cũng khóc
Tôi thương quá tôi bèn vò mái tóc
Suốt ba đêm lau nước mắt cho chồng
Rồi võng đưa, tôi cất tiếng:
(Nàng bắt chước người mẹ bế con và hát ru)
Bồng bống bông
Thiếp ru chàng ngủ biển Đông
Mây chiều sừng sững như lồng đau thương
Chớp nguồn, sấm động mười phương
Bao giờ chuyển đất đường gươm anh hùng
Ông già:
Nghe tiếng hát, tóc không đành nhuộm trắng
Rượu không đành lật đổ khối lo âu.
Kiều Loan:
Chàng khóc mãi, lòng tôi càng cay đắng
Tôi kể chuyện: Mười năm em gánh nặng
Cái biển Đông và dãy núi Đoài
Này chàng xem: bầm tím cả hai vai
Lòng nhức nhối từng cơn tưởng nhớ
Chàng tuyệt mù trời xa cách trở
Em âm thầm dệt lụa trắng phau phau
Sớm lại chiều em quấn trên đầu
Đi thơ thẩn hát vang ngoài ngõ trúc
Đêm nhớ nhung, gió lay hồn tỉnh thức
Níu bóng chàng, em lại nằm mơ :
“Vườn hoang bàng bạc trăng mờ
Nhạc vàng giục ngựa bao giờ hồi hương”.
Ông già:
Từ chiều nay tiếng hát cạn trăm bình
Ta say rồi, vỗ trắng cuộc phù sinh
Nằm thảnh thơi chờ nghe câu tuyệt diệu.
Kiều Loan:
Tiếng võng đưa, chàng chập chờn nhắm mắt
Tôi bỗng nghe gió âm cung hiu hắt
Đến nửa đêm, thức giấc, lắng tai nghe…
Thì chồng tôi đã chết trên cành tre.
(Nàng cười rũ rượi)
Ông già:
Ai đứng kia? Ơi hỡi khách qua đường
Ngồi xuống đây, ta có bình rượu quý
Hãy cùng say, ha ha, cùng tuý luý
Cứ say đi, trời đất nghĩa gì đâu.
Kiều Loan:
Cụ nói gì, cháu tuổi thơ chẳng hiểu
Nhà cụ đâu, sao cụ không đi về?
Ông già:
Nhà ta đâu? Túp lều tranh xiêu vẹo
Nằm tương tư bóng đẹp không quay về
Nhà ta đâu? Con sông dài trắng xóa
Buồn nghe mưa trùng điệp khúc tiêu dao
Gió đã xoay chiều, giang sơn tàn tạ
Giải Trường Sơn nhớ mãi một chòm sao.
Kiều Loan:
Nhà không có vì “giang sơn tàn tạ
Gió xoay chiều” – Cụ hát đến là hay
Cụ già ơi, ai xui cụ thành say?
Ông già:
Ta có muốn say đâu, này ta nâng vạt áo
hứng dòng lệ triền miên chan hoà rượu ngon
Ta có muốn khóc đâu, này cánh tay lảo đảo
như níu bóng anh hùng phai mờ nước non.
Kiều Loan:
Trong thế gian làm chi có anh hùng?
Anh hùng ở đâu? Là ai? – Thưa cụ?
Cụ đi đâu lại ôm cây cổ thụ
ngả về đây cho chật cả lòng tôi?
Cụ nhớ xem nước mắt bấy nhiêu rồi
Cụ có giả hay còn đòi uống nữa?
Tôi chỉ mong rượu chảy về chan chứa
Rượu mông mênh, tôi với cụ bồng bềnh…
Ông già:
Lão chưa say, mới uống có vài bình
Đem vò nữa, lão chưa say – Chủ quán!
Trên cõi đời khi rượu ngon đã cạn
mà chưa say, thì lão giết nhà ngươi!
Kiều Loan:
Một bình men Đông Hải đã vơi rồi
Cụ muốn say hãy vào cung chúa Nguyễn!
Ông già:
Rượu của ngươi quay cuồng như sóng biển
Ta sẽ tâu lên Hoàng đế Quang Trung
bắt nhà ngươi đi tát cạn bể Đông!
Kiều Loan:
Tát bể Đông, phải đan chiếc gầu sòng
bắt chúa Nguyễn chui vào nằm đánh trống
Tung lên gió lại thành anh Chiêu Thống
Chết vì trong tay áo có đàn ong!
Vợ chồng tôi cứ tát mãi bể Đông
Chồng tôi ngã, tôi cười như sóng vỗ
Chiều hôm ấy tôi say sưa quá độ
Nghĩ cũng thương bà công chúa Ngọc Hân
Đi lấy vua, uổng phí cả mùa xuân!
Ông già:
Than ôi, mặt đất chông chênh
Không dung hồn vĩ đại
Mộng nghiêng trời, dân ta chưa kịp hái
Thì ngọn gió hiu hiu làm đổ vỡ tan tành
Từ rừng xanh, từ núi đỏ, từ viễn phố, từ cô thôn
Những tiếng sáo bâng khuâng chiều lại chiều véo von
Từ lều mưa, từ quán gió, từ gác tía, từ lầu son
Có những người điên nào cười thảm, khóc ròn
Phơ phơ râu tóc mà như tuyết
Ngày tháng vu vơ mà trăng mờ héo hon
áo bụi quần sương càng ưu phiền tuế nguyệt
Nửa giấc chiêm bao đành gậy trúc hao mòn
Mời cô nương cùng ta vào bệ kiến
Xin nhà vua đủ trăm vò rượu ngon
Uống thật say rồi lên đỉnh Tây Sơn
khuân đá tảng ném bừa vào đế khuyết.
Kiều Loan:
Thưa lão trượng, cửa thành đều đóng hết
Cụ đứng đây xem cháu lên cung giăng
Nội đêm nay cháu sẽ giết cô Hằng
Lôi chú Cuội xuống trần cho uống rượu.
Ông già:
Phải, có ba thứ không bao giờ chết:
Điên cuồng pha rượu chắt thành thơ
Ngày mai thiên hạ tàn đi cả
Giữa ngã ba đường tôi với cô.
Kiều Loan:
Cụ quá say, nhưng không say vì rượu
Cụ là ai?
Ông già:
Nước mắt hoen trên đế nghiệp Tây Sơn
Mưa tầm tã trên nấm mồ Nguyễn Huệ.
Kiều Loan:
Nguyễn Huệ?
Ông già:
Người chuyển rung bốn bể
Thương nước, dựng lên áo vải cờ đào
Đôi mắt người sáng rực hai vì sao
Cứu dân tộc khỏi nanh hùm vuốt sói
Quả ngọt hoa thơm cho người nghèo đói
Tiếng nhạc lời ca cho khắp dân lành.
Kiều Loan (khoe áo):
Áo cháu dệt đây với mộng tuổi xanh
Khi biên thuỳ tan bóng giặc Mãn Thanh
Tiếng khung cửi nhịp tiếng Người bầu bạn
Giọng của Người, giọng chuông đồng sang sảng
Tiếng hô quân ngoài ba dặm vang lừ

… Cũng muốn theo gương người hoá đá
Nhưng chồng tôi có cũng bằng không!
Sáng hôm sau, trong Hình bộ đường của triều đình Gia Long – Hình Thị lang ngồi trên sập sơn son đang xem tập hồ sơ. Hình Tham tri ngồi trên chiếc đôn gấm bên cạnh. Thư lại chắp tay đứng trước mặt Thị lang đợi lệnh.
Thị lang (bảo Thư lại):
Thầy thảo lại bản hồ sơ đêm trước
Rồi sẽ dâng lên chúa thượng ngự phê
(Thư lại cầm giấy đến ngồi ở một án thư trong góc,
hí hoáy biên chép. Thị lang quay sang Tham tri).
Có hai người không biết ở đâu về
Một ông già và một cô gái đẹp.
Tham tri (mỉm cười):
Một cô gái?
Thị lang (nghiêm trang):
Mắt lạnh ngời như thép
Dáng não nùng ghê rợn như hồ tinh
Cùng ông già về do thám kinh thành.
Tham tri (chau mày):
Có lẽ nào?…
Thị lang:
Lính phòng thành bắt được
Đã ba hôm. Ồ, lão già ngỗ ngược
Thốt những câu sàm báng đến nhà vua
Ả hồng nhan thì giả cách điên rồ
Nhớ chồng xưa mà tiếc phường Tây ngụy!
Tham tri:
Bọn người điên, chắc đâu là hữu ý
Thưa đại nhân, ngài đã xét tỏ tường?
Thị Lang:
Bị cực hình tra khảo mấy đêm trường
Họ chỉ cười và lúc mê lúc tỉnh
Việc hệ trọng, ngài cùng tôi quyết định
Nội hôm nay cần biết rõ căn nguyên.
Tham tri:
Thưa đại nhân, còn quê quán, họ tên?
Thị lang:
Họ không nói, chỉ xin chờ cái chết !
Tham tri:
Theo thiển ý, họ là người khí tiết
Buổi giao thời khép chặt tấm lòng son
Đi khắp nơi thương gỗ đá hao mòn
Trong tiếng hát cười rơi hàng lệ thảm.
Thị lang (lắc đầu):
Đó là giặc về kinh thành do thám
Xem tình hình quân sự của bên ta
Tôi nghe đồn nghìn gái đẹp như hoa
Đi rải rác khắp nơi cầu dũng sĩ
Họ chờ dịp bên ta không phòng bị
Sẽ kéo về cướp lại đất Quy Nhơn
Tham Tri:
Các vị đại nhân thường yếu đuối dễ hoang mang
Nên nhìn đâu cũng thấy toàn kẻ địch
Đã do thám ai dễ dàng lộ ra tung tích?
Đến chỗ nào, dân chúng chẳng ai hay
Qua kinh thành êm ái như tơ bay
Nơi đông người mà bóng hình lẩn khuất
Ngài không xem những lão già hành khất
áo xác xơ, mặt mũi nhọ như niêu
Có thể là người còn giúp việc Tây triều
Chứ ông già và cô nàng xinh đẹp
Nhởn nhơ chơi trên đường về cõi chết
Chỉ làm vui cho bọn trẻ kinh thành.
Thị lang:
Nhưng dù sao, ta cũng phải giữ mình
Vì bọn ấy làm say lòng dân chúng
Bằng những thi ca ngọt ngào tán tụng
Cái vinh quang mù mịt của người xưa
Lúc quốc dân rời rã sống bơ vơ
Lòng hoang mang bâng khuâng vì loạn lạc
Còn thấp thỏm sợ gia đình tan tác
Với Quang Trung còn nhớ mãi ân sâu
Còn bồi hồi lo hạnh phúc ngày sau
Thì bọn ấy có muôn vàn sức mạnh
Họ như những thiên thần gieo số mệnh
Lừa phỉnh dân, hứa hẹn cuộc thanh bình
Một tiếng cười bằng mấy vạn hùng binh
Một giọt lệ xoáy thành cơn gió lốc
Họ biến hoá trần gian bằng lưỡi độc
Để dân hèn ngu dại rủ rê nhau
Đặt lòng tin khờ khạo đến mai sau
Cũng hò hét, cùng mài gươm luyện võ
Ai cũng tưởng sắp thành ra Thang, Vũ
Lòng kiêu căng, nhắm mắt kéo nhau đi
Thì bao giờ? bao giờ cho hết loạn ly?
Tham tri:
Thưa đại nhân, ngài lo xa thái quá?
Giặc nào còn?
Thị lang (trợn mắt):
Ồ, quan lớn ngủ mê
Đến bao giờ bên cổ thấy gươm kề
Ngài mới biết giặc còn hay đã hết!
Tham tri:
Thế nghĩa là… hai người kia… phải chết?
Thị lang:
Phải giết đi cho tiệt giống sài lang
Máu chảy nhiều mới giữ vững giang san
Đức chúa thượng từ lên ngôi cửu ngũ
Đã hạ chỉ cho các nơi phòng giữ
Dù tình nghi, dù vô tội cũng phanh thây
Nền an vui của xã tắc từ đây
chỉ có thể dựng nên bằng thủ cấp!
(Thư lại thảo xong hồ sơ, đệ lên)
Tham tri (bảo Thư lại):
Thầy cầm trát dẫn lính vào ngục thất
Đưa tội nhân lên xét hỏi tỏ tường
Dù ông già và cô gái điên cuồng
Có nói nhảm, cũng chớ nên hành hạ.
(Thư lại cầm trát dẫn lính đi)

(Một hồi trống báo. Vũ tướng quân
có Hiệu uý cầm gươm theo hầu, bước vào)
Tham tri:
Kìa Vũ tướng quân! Xin mời ngài an toạ!
Vũ tướng quân:
Tôi được thiếp mời của cụ lớn Thị lang
Tuy việc quân đang gấp rút lên đường
cũng phải đến. – Ngài có chi khuyên bảo?
Tôi học ít, tài non, cầm quân chưa thạo
Mong được nghe lời chỉ giáo của đại nhân
Thị lang:
Việc đầu tiên, tôi muốn hỏi tướng quân
Về bọn giặc đang ngấm ngầm phá hoại
ở kinh đô. – Tôi ngày đêm lo ngại
Vũ tướng quân:
Vâng, đạo binh Trần Quang Diệu chưa tan
Giặc vẫn còn chế ngự khắp châu Hoan
Tôi cũng lo ba quân còn vất vả
Nhưng chúa thượng sẽ trị vì thiên hạ
thay Tây Sơn. Đó chính thực ý trời!
Thị lang:
Vũ tướng quân khẩu khí quả là người
rất trung dũng…
Tham tri:
…Mà thật là khiêm nhượng
Vũ tướng quân
Quân Tây Sơn tuy thế cùng lực tận
Nhưng lòng dân còn nhớ tiếc Quang Trung
Ngay giữa kinh thành mối loạn vẫn chưa xong
Việc quân sự phải có hai ngài giúp sức.
Thị lang:
Việc bên trong chúng tôi dù bất lực
Làm hình quan, phận sự quyết xong xuôi
Yên tâm ngài đi chiến trận xa xôi.
Vũ tướng quân:
Đức chúa thượng mới lên ngôi cửu ngũ
Nên lòng người đế đô còn bỡ ngỡ
Từ miếng cơm manh áo của dân lành
Còn chứa chan ơn Nguyễn Huệ lừng danh
Còn thấm thía lời Quang Trung hoàng đế
Đã có chí muốn rời non lấp bể.
Tham tri:
Vâng, tướng quân xét đoán quả không nhầm
Mắt Quang Trung chưa khép ở lòng dân
Vũ tướng quân:
Vì lẽ đó, còn lắm người cựa quậy
Bốn chân ngai chúa công ta còn run rẩy
Người Tây Sơn còn nhan nhản quanh đây
Tôi xuất quân vào giờ Tý đêm nay
Thành bỏ trống, giặc nổi lên dễ lắm
Thị lang:
Chết! Còn vệ binh mấy nghìn trong cung cấm
Ngài đem đi ra trận hết hay sao?
Vũ tướng quân (cười):
Không, đại nhân đừng sợ… Nhưng dù sao
cũng phải đề phòng. Mắt luôn luôn mở
Tay luôn luôn cầm đốc kiếm, chuôi dao
Nhìn kẻ sang hèn, nhìn lá cây, ngọn cỏ
Nhìn già trẻ gái trai, đầu sông bãi chợ
Đều phải tìm ra mầm mống của binh đao.
Tham tri:
Nhìn kỹ quá… chúa công thường hoảng hốt
Chém giết bừa đi… chỉ là mua chuốc
thêm oán thù!
Vũ tướng quân:
Ngài không rõ quân cơ
Chỉ cần ngồi đây, xem lại hồ sơ là đủ rõ.
Tham tri:
Hồ sơ thường bịa đặt
Khắp kinh thành, các nhà giam đã chật
Vạn tù nhân chưa thấy một tội nhân.
Vũ tướng quân:
Thà giết oan trăm mạng lương dân
Hơn để thoát một tên phản nghịch
Phải bắt hết những bọn người áo rách
Giả bán buôn, bói toán chợ xa gần
Giả điên cuồng say hát khúc thanh xuân
Gần đồn trại làm mê lòng tướng sĩ
Những gái đẹp thướt tha và uỷ mị
Chính thật là bả độc của Tây Sơn
Những người say tuý luý ở bên đường
Là do thám rất tài tình cho Quang Diệu
Những đứa bé đánh khăng và chơi kiệu
Lại đưa đường cho giặc lén vào thành
Tôi ra đi còn lo ngại quẩn quanh
Lòng bối rối mong hai ngài gia sức.
Thị lang:
ý tướng quân quả thực là… đúng lúc
Tối hôm kia lính túc vệ của tôi
mới bắt thêm hai tên giặc…
Tham tri:
Hai người!
Vũ tướng quân:
Đã bắt thêm? Thật quả là công trạng…
Thi lang:
Lại đúng như lời tướng quân xét đoán
Một gái điên, sắc đẹp… đá cũng mềm!
Một ông già tuý luý…
Vũ tướng quân:
Xin cho xem
Tôi vui lòng ngồi đây nghe xử án
Để thêm sức ra đi lấy đầu Quang Toản.
Thị lang:
Truyền đội trưởng cấm binh vào ngục Nam môn
Điệu ông già cả cô gái điên cuồng
lên hỏi tội
(Lính rầm rập ngoài công đường.
Thị lang quay lại với Vũ tướng quân)
Chính là việc thứ hai muốn hỏi tướng quân
Có gái điên kia, nhan sắc tuyệt trần
Người quân Hà Khê, trấn Hà Đông ngoài Bắc…
(Vũ tướng quân giật mình. Tham tri sửng sốt)
Tham tri:
À, thế ra… người đồng hương…
Thị lang:
Vâng, đúng thật
Người cùng quê với tướng quân đây
Ả cung khai bằng nét bút như hoa bay
Như dao sắc như gươm dài múa lượn
(Giơ lên một tập giấy)
Dòng mực chưa khô, ba tờ giấy lớn
Đây, tướng quân xem
(Trao tập giấy cho Vũ tướng quân)
Tham tri:
Ngài đọc to lên
(Vũ tướng quân đọc thầm, nét mặt biến đổi nhanh)
Thị lang:
Không thể đọc to cái nỗi lòng riêng
người ly phụ! – ả viết ra bằng mực
hoà với máu suốt đêm qua đỏ rực
Ả cắn ngón tay viết trước mắt tôi!
Tham tri:
Có việc chi bí ẩn chẳng nên lời?
Vũ tướng quân (cố lấy giọng bình tĩnh)
Văn hay lắm. Lời khai đanh thép lắm!
(Ngửng lên nhìn Thị lang)
Thưa đại nhân, lời máu pha mực đậm
Có ai tin mồm lũ giặc hay không?
Tham tri:
Xin cho biết ngay ngụ ý lời cung.
Thị lang:
Chồng cô ả là tướng quân họ Vũ
Người tin cẩn của triều đình, người ngồi đó
Ngay trước mắt ta. Nàng tên gọi Kiều Loan
Người đẹp nghiêng trời, núi đổ, thành tan
Một nữ tướng anh tài của nhà Tây ngụy
(Cười nhạt, nhìn Vũ tướng quân)
Người vợ yêu mà tướng quân giấu kỹ
Chẳng cho bạn đồng liêu biết chuyện riêng tư!
Vũ tướng quân (đã trấn tĩnh):
Làm hình quan cần phân biệt thực hư
Lưỡi bọn giặc khéo lắm điều lắt léo
Đây có lẽ mưu thâm Trần Quang Diệu
Gieo nghi ngờ, làm ly tán Nguyễn triều
Đất Hà Khê, tôi có người thương yêu
Cũng như đại nhân có năm thê bảy thiếp
Mười năm nay theo chúa công tôi đâu biết
chuyện quê nhà!
Thị lang (ôn tồn):
Tôi hiểu bụng tướng quân
Lời cung khai, tuy vậy, còn phân vân
Nếu quả thực ả chính là vợ quý
của tướng quân, bạn đồng triều, tri kỷ
Tôi xin bảo toàn tính mệnh phu nhân.
Tham tri:
Người vô tội thì chớ giết nhầm
Kẻ có tội cứ chiểu theo hình luật
Duyên cớ gì phải dùng lời đường mật
Uốn lưỡi cứng mềm ngay giữa bạn đồng liêu?
Thị lang (cười khẩy):
Quan Tham tri thật quả là nóng nẩy
Vợ yêu quý của người ta tin cậy
Có thể nào làm trái nghĩa bạn bè?
Vũ tướng quân (bối rối):
Không! Không phải vợ tôi! Xin đừng nghe
lời bịa đặt!
Thị lang (càng ôn tồn):
Tôi đã tâu chúa thượng
Đấng chí tôn đã từ lâu chỉ muốn
Dùng lòng nhân mà thu phục giang sơn
Có phán rằng nếu đích thị người điên
Là vợ tướng quân, sẽ không cần xét hỏi
Tình cũ, duyên xưa, hôm nay nối lại
Sắc phong ngay đệ tứ phẩm phu nhân.
Vũ tướng quân (đứng dậy):
Vợ tôi xưa cách biệt đã mười năm
Tôi chẳng rõ… Tôi một lòng theo chúa
Mong đại nhân cứ công minh xét xử
Nói đã nhiều, xin cáo biệt…
(Định đi)
Thị lang (cầm tay Vũ, níu lại):
Tướng quân
Cứ ngồi đây, xem rõ mặt phu nhân.
Tham tri:
Ta không nên tin lời cung điên dại
Làm nhục bạn đồng liêu
Vũ tướng quân (với Thị lang):
Ngài giữ lại
Cũng bằng thừa. Tôi, danh tướng Nguyễn triều
Lòng trung này, sống để bụng, chết mang theo
Lời xằng bậy tôi coi như cỏ rác!
Thị lang (gạt hồ sơ sang một bên):
Vâng, tôi xin đốt những lời cỏ rác
Vậy mời tướng quân nán lại mà trông
Bọn giặc già sắp giả dại, giả ngông.
Tham tri:
Theo thiển ý, sức bên ta rất mạnh
Kể từ lúc ta đánh vào Gia Định
Đi đến đâu thì trúc chẻ, ngói tan
Nhiều tướng tài Tây ngụy đã ra hàng
Ta lại có chiến thuyền từ Pháp quốc
Muôn dặm ruổi rong, giúp ta thắng cuộc
Lòng muôn dân đang:
“Lạy giời cho cả gió nồm
Cho thuyền chúa Nguyễn rong buồm thẳng ra”
Nếu quả thật sức bên ta mạnh mẽ
Há sợ gì những trò chơi con trẻ
Há sợ gì tiếng hát của người điên?
Nhà vua nào muốn giữ nghiệp lâu bền
Dùng nhân đức mà trị vì thiên hạ
Còn như kẻ đa nghi, dùng mưu cơ xảo trá
chỉ càng tỏ ra phi nghĩa, bất tài.
Thị lang:
Lời khuyên răn quý báu, cảm ơn ngài
Ta không sợ, nhưng xin đừng mê ngủ!
Tội nhân sắp đến rồi. Xin nhớ rõ
Là chúng ta ăn bổng lộc Nguyễn triều
Các tộc phả đều ghi danh khanh tướng
Dù ngọn gió dám trêu vào thánh thượng.

(Thư lại và lính dẫn ông già đến công đường.
Lão đứng nhìn bốn phía)
Thị lang:
Lão già kia còn nghĩ ngợi điều chi?
Vào tới đây sao ngươi chẳng chịu quỳ?
Ông già (cười lớn):
Tuổi thơ, quỳ dưới gối gia nghiêm
Đi học, quỳ nghe chữ thánh hiền
Lúc gặp đấng anh hùng áo vải
Ta quỳ nghe tiếng sét kinh thiên
Ngày nay, tóc bạc, thân trơ trọi
Cha mẹ nằm yên dưới dạ đài
Thầy học qua đời, vua đã mất
Hỏi ta còn quỳ trước mặt ai?
Thị lang (ra bộ ân cần):
Ta thương tuổi già, cởi trói cho ngươi
Vào tới đây, đừng hung hăng ngỗ ngược
Hãy tường khai quê quán họ tên người.
Ông già:
Lão sinh ra chẳng biết họ tên gì
Đời vẫn gọi ta rằng: “Ông lão rượu”
Còn quê hương? Chao ôi! Con linh điểu
Rừng núi nào dung nổi cánh bao la?
Đoá hoàng vân không có đất xây nhà
Theo sự nghiệp anh hùng đi bốn hướng
Đến ngày nay thành rượu ngon rót xuống
Dâng mưa to bão lớn quét trần gian
Thành Phú Xuân chao đảo sắp rơi tàn
Dưới mũi kiếm Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ!
Thị lang:
Đó là giặc, cấm nhà ngươi ca tụng.
Ông già:
Đó là giặc nhưng nghiêng trời trí dũng
Cũng làm vua mà lại biết thương dân
Hàng trăm năm ta mới gặp một lần
Đó là giặc. Biết ai không là giặc?
Một nước nhỏ mà phân chia Nam Bắc
Xâu xé nhau vì hai chữ lợi danh
Tam vương, ngũ đế, cướp đất phá thành
Mấy trăm năm nghe dân tình xao xác
Thay cái đạo làm người bằng giáo mác
Yến ẩm lầu cao… xương máu chan hòa Đấng cao xanh tủi thẹn chót sinh ra
Giống quái vật lấy tên là vua chúa Nên phải có người hát ngao đây đó
Trốn ra ngoài rơm rác của cuộc đời
Ta thấy ai vừa thắng trận lên ngôi Ai là giặc? – Mà ai không là giặc?
(Cười khà khà)
Thị lang:
Quân sĩ đâu? hãy nọc tên lão tặc Đánh trăm roi cho biết phép triều đình.
Vũ tướng quân (giơ tay ngăn Thị lang):
Xin đại nhân hãy dẹp nỗi bất bình
Người tuổi tác đã sắp về cõi thọ.
Ông già (quay lại nhìn Vũ tướng quân):
Ai đấy nhỉ, mà uy nghi áo mũ
Dám can ngăn nộ khí của hình quan?
Thôi lão nhớ rồi! (cười lớn)
A! Chức trọng quan sang
Thay nét mặt nhanh bằng tay vẽ phóng!
Ông làm tướng đấy ư? – Vầng trán rộng
Sao ngày nay thấp ngắn bé tèo teo?
Hai mắt ông xưa nhân hậu trong veo
Giờ nẩy lửa! – Cả cái mồm tươi trẻ
Chỉ còn nét vạch ngang trông đúng vẻ
Bậc lược thao dũng liệt của đương triều áo mũ này,
Ông đã tốn bao nhiêu lời nịnh hót? – Thưa ông… ông họ Vũ?
Thị lang (chú ý hơn):
Lão nói gì? – Người lão quen biết cũ?
Ông già (càng đủng đỉnh):
Xưa, tướng quân đi học đạo thánh hiền
Tôi giảng dạy thế nào, ông đã vội quên?
Mà thấm thoát đã nghênh ngang quyền chức?
Hừ, tốt đỏ qua sông, bán sa chi lực!
Lọt vào cung, sĩ tượng cũng lao đao!
Buồn cười thay! Thế sự lật nhào
Tôi tiếc quá ngày ông còn để chỏm!
Thị lang (nham hiểm, quát mắng):
Làm nhục Vũ tướng quân là tội lớn
Không thể dung tha! Ngươi nói lại đi!
Người làm thầy Tây Sơn giảng dạy những gì
cho bọn đầu xanh?
Vũ tướng quân:
Cụ già nhầm đấy
Tôi biết cụ là ai đâu!
Ông già (cười sằng sặc):
Đúng vậy!
Làm tướng Nguyễn Triều, sao biết được ta!
Ngồi lầu cao, mắt bé bỗng đâm loà
Biết sao được ta là ai!
(Giơ tay chỉ thẳng vào mặt Vũ tướng quân, gọi to)
Vũ Văn Giỏi!
Đúng tên tiểu sinh ngày mười sáu tuổi
Cắp sách học ta, học đạo thương dân
Đạo làm người! – Ai đã học chữ “nhân”
Đều từ chối không làm quan triều Nguyễn
Chỉ có ông, học mấy pho kinh điển
Rút được ra hai chữ “lợi” và “danh”
Hai chữ vàng biến hoá rất nhanh
Đã thành chữ bất nhân! Vô sỉ!
(Vũ tướng quân định cử động, bỗng lại ngồi im, đau đớn, cắn môi. Công đường lặng đi một phút nặng nề)
Thị lang:
Hãy khai thực những ai cùng theo Ngụy
Ta tâu vua sẽ giảm tội cho ngươi.
Ông già:
Làm giặc ư? Sao lại hỏi mình tôi?
Người làm loạn là những người phẫn uất
Vì chính sự bạo tàn. Ôi! Nước mắt
bao nhiêu lần rỏ xuống những hồn oan?
Chính sự gì đi cầu viện ngoại bang
về tàn sát những người dân vô tội?
Ông Nguyễn Huệ ngày xưa đi bốn cõi
Chia kho tàng Trịnh Nguyễn cho muôn dân
Đến ngày nay ai là lũ bất nhân
đã cướp hết quả ngon vườn tươi tốt?
Chính sự gì? Lũ dã man, ngu dốt
Giết hiền tài, ưa xiểm nịnh, nạt dân lành?
Thị lang:
Cắt lưỡi đi!
Tham tri:
Đại nhân đừng phẫn nộ
Dùng cực hình là hành vi man rợ!
Ông già (lại giọng say):
Nơi kinh kỳ có chủ quán bao dong
Mời ta uống mỗi ngày ba nậm rượu
Đời đẹp quá, trong mùi hương mỹ tửu
Riêng chiều qua, lão cạn bốn vò đầy
Đến bây giờ, có lẽ vẫn còn say
Mắc bệnh rượu nên ta buồn ta khóc
Nghĩ tủi nhục cho non sông gấm vóc!
Thị lang (tuốt gươm trên án):
Lão già này xấc láo, chẳng mềm gan
Chém phăng đi cho hết giống nói càn!
Tham tri (gạt đi):
Quân sĩ đâu? – Giam ông già vào ngục
Chờ tỉnh rượu sẽ hỏi ra sự thực.
Ông già:
Đừng chờ ta tỉnh rượu ở đời này
Ta còn say đến khi về đất lạnh
Đầu ta rụng nhưng hồn ta lanh lảnh
Cười các ngươi toàn một lũ vô lương.
(Lính lôi tuột ông già đi)

Trên đây, chúng tôi đã cập nhật và dành tặng quý độc giả những thi phẩm nổi tiếng của nhà thơ Hoàng Cầm trong tập thơ Kiều Loan đặc sắc. Đây là một tập thơ kịch đã được rất nhiều bạn đọc yêu mến và vẫn giữ nguyên giá trị đến bây giờ. Mời các bạn đón xem phần 2 vào một ngày không xa nhé! Cảm ơn đã theo dõi bài viết này của chúng tôi!

Related posts

Nhà thơ Bạch Cư Dị cùng kho tàng thơ đặc sắc phần 1

admin

Tuyển tập thơ chữ Hán Nguyễn Khuyến hay đặc sắc phần 9

admin

Nguyễn Trọng Tạo Cùng Những Bài Thơ Nổi Tiếng Phần 5

admin

Leave a Comment