Nhà Thơ Nổi Tiếng

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và tập Ngư tiều y thuật vấn đáp phần 9

Nguyễn Đình Chiểu có nhiều tác phẩm vô cùng đặc sắc và được đông đảo bạn đọc yêu thích. Trong đó phải kể tới Ngư tiều y thuật vấn đáp. Đây được xem là tác phẩm cuối cùng của ông được ra đời vào khoảng thời gian sau khi Nam Bộ đã bị thực dân Pháp xâm chiếm. Chính vì vậy thông qua câu chuyện Nguyễn Đình Chiểu đề cập tới các kiến thức y học nhưng cũng chứa đựng tình yêu nước nồng nàn.

Tiều rằng: Ba bộ mạch thường,
Thốn, Quan, Xích đủ âm dương ra vào.
Chia nam, bắc chính cớ sao?

Thiên hoà bất ứng, năm nào bộ chi?
Môn rằng: Vận khí xây đi,
Nam chính, bắc chính, định vì chúa, tôi,
Sáu hơi quân hoả cao ngòi,
Chẳng dùng làm việc, một ngồi rảnh rang.

Năm vận thấp thổ quyền sang,
Dùng nên số ở giữa bàn trung ương,
Cho hay vận thổ làm vương,
Mặt nam ra lệnh bốn phương đến chầu.
Mộc, kim, thuỷ, hoả ứng hầu,

Đều tôi mặt bắc, cúi đầu xưng phan (phiên).
Chia ngôi nam, bắc rõ ràng,
Lấy trong mười chữ thiên can hoá vời.
Nam chinh ấy nói đạo trời,
Bắc chính đạo đất thật lời sách biên.

Thử xem Giáp, Kỷ hai niên,
Hoá ra phận thổ, thật quyền nam quân.
Tám năm bắc chính đều thần,
Đinh, Nhâm, Canh, Ất, Bính, Tân, Quí, Mồ (Mậu).
Lấy hai ngôi chính phân đồ,

Theo niên bàn mạch nói phô mới rành.
Thiên hoà mạch ấy vốn binh,
Mạch trầm chỉn luận tình hình tam âm.
Thái âm, Thiếu âm, Quyết âm.
Giữ trời, giữ đất, xét tầm theo niên.

Nam chinh Thái âm tư thiên,
Bộ thốn tay hữu mạch chuyên đi chìm,
Nam chinh Thái âm tại tuyền,
Bộ Xích tay hữu mạch chuyên đi chìm,
Nam chinh Quyết âm tư thiên,

Bộ Thốn tay tả mạch chuyên đi chìm.
Nam chinh Quyết âm tại tuyền,
Bộ Xích tay tả mạch chuyên đi chìm.
Nam chinh Thiếu âm tư thiên,
Bộ Thốn, tả, hữu đều chuyên đi chìm.

Nam chinh Thiếu âm tại tuyền,
Bộ Xích tả, hữu đều chuyên đi chìm.
Bắc chính Thái âm tư thiên,
Tay hữu, bộ Xích, mạch riêng đi chìm.
Bắc chinh Thái âm tại tuyền,

Tay hữu, bộ Xích, mạch riêng đi chìm.
Bắc chinh Quyết âm tư thiên,
Tay tả bộ Xích mạch riêng đi chìm.
Bắc chinh Quyết âm tại tuyền,
Tay tả bộ Thốn mạch riêng đi chìm.

Bắc chinh Thiếu âm tư thiên,
Tả, hữu bộ Xích đều riêng đi chìm.
Bắc chinh Thiếu âm tại tuyền,
Tả, hữu bộ Thốn đều riêng đi trầm.
Ấy là mạch lý tam âm,

Gọi rằng bất ứng đều trầm trong tay.
Cam châu sách lại tỏ bày,
Coi ngôi quân hoả năm nay bộ nào.
Ở nơi Xích Thốn bộ nào.
Mạch rằng chẳng ứng chìm vào lột xương.

Cho hay phép mạch ấy thường,
Bốn mùa bệnh biến nhiều đường chẳng câu.
Kinh rằng trời đất máy sâu,
Khí làm thắng phục mạch đâu thấy hình.
Xem hơi thắng phục cho tinh,

Chữ thời, chữ bệnh, mặc tình trị theo.
Đạo y lắm chỗ cheo leo,
Chẳng nên chấp nhất làm nghèo người ta.
Dón thay một mạch thiên hoà,
Tổ xưa sẵn đặt bài ca dạy đời:

Ca viết
(Ca rằng)
Dịch nghĩa:
Nói về mạch Thiên hoà chỉ bàn đến ba khí âm,
Nam chính tư thiên thì bắc chính tại tuyền.
Thái âm chuyên chủ bộ Thốn và Xích tay phải,
Quyết âm chuyên chủ bộ Thốn và Xích tay trái,
Thiếu âm thì Xích và Thốn cả hai bên đều không ứng.
Nếu giao hay phản là sắp chết.

Ngư rằng: Gẫm lẽ dưới trời,
Đã sinh dược phẩm cứu đời nhân gian.
Cớ sao lắm kẻ ngỗ ngang,
Đau thời cầu phép dị đoan độ mình.
Hoặc cầu thầy sãi tụng kinh,

Hoặc cầu thầy pháp rập rình chữa chuyên,
Hoặc cầu thần quỷ cho thuyên,
Hoặc cầu đồng bóng chúc nguyền chư linh?
Thấy làm những việc bất kinh,
Bùa đeo, thuốc giải, bệnh tình cũng thuyên.

Chẳng hay đạo thuốc xưa truyền,
Phương nào trị đặng thói xiên nhân tình?
Môn rằng: Trong cuộc u, minh,
Người cùng thần quỷ yêu tinh khác đường,
Bởi người ăn ở không thường,

Hơi tà duồng gió vấn vương tai nàn.
Như nay miễu sập chùa hoang,
Thần nghèo, quỷ đói mượn đàn làm ôn.
Như nay hồ mị hớp hồn,
Vực giao bắn bóng, đều phồn yêu tinh.

Có nơi quỷ mị hiện hình,
Làm cho bệnh nhiễm trong mình người si.
Sách rằng “trúng ác truyền thi”,
Ấy là tật quấy, bệnh kỳ xiết bao.
Tổ xưa làm thuốc ấy cao,

Có phương lại có phép màu nhiều môn
Ông thời lấy thuốc đuổi ôn,
Lấy trâm trừ quỷ, tiếng đồn đã vang,
Ông thời ếm huyệt Cao hoang,
Chích hang Quỷ nhãn, giải nàn cứu tai.

Ông thời mũ áo trắng trai,
Phá hình cày gái trừ loài yêu ma.
Đao ta lắm chước trừ tà,
Yêu tinh, quỷ quái khó qua thánh hiền.
Vậy nên trong sách thuốc biên,

Chữ rằng hoạt pháp rộng truyền nhiệm thay!
Thầy nay chấp nhất chẳng hay,
Gặp cơn tà thắng khoanh tay, lắc đầu.
Khiến bầy thuật sĩ theo sau,
Ra làm phép bậy đua nhau dối đời.

Dân ngu chẳng tỏ lẽ trời,
Đau thời sợ chết, khắp vời chư sư.
Lòng tà gây bởi chư sư,
Dân phong lần nhiễm ngày hư thói đời.
Dù người đau tỏ lẽ trời,

Y còn phép bí, ai vời dị đoan?
Muốn cho dẹp lũ dị đoan
Dò theo phép tổ, rỡ ràng đạo ta.
Người đau có chính có tà,
Nhà y phép trị có khoa biến thuờng.

Bệnh chính thời dụng thuốc thường,
Bệnh tà thời dụng biến phương phép ngoài
Trời sinh muôn vật đều tài,
Học cho tột lẽ, trừ loài yêu tinh,
Loại như vật uế trừ tinh,

Vật hương trừ quái, quỷ kinh A nguỳ.
Hồ tinh sợ chó săn đi,
Xà yêu sợ tỏi, lại nghi Hùng hoàng,
Lấy vài vật ấy suy bàn,
Biết trong tạo hoá nhiều đàng thuốc tinh,

Vật đều có chỗ hợp sinh,
Khác nhau thời ắt có hình chế nhau.
Cho hay vật có chế nhau,
Khắp xem Bản thảo trước sau chẳng đồng.
Sách nêu tinh dược nhiều ông,

Nếm mùi chẳng một Thần Nông xưa truyền.

Bản thảo dẫn (Lôi công soán tiệp kinh)
(Lời dẫn về bản thảo. Tóm tắt sách Lôi công bào chế)
Dịch nghĩa:
Bản thảo truyền trong nghề thuốc; còn lưu cho tới ngày nay.
Vua thánh tôi hiền lịch đại, ai cũng lưu tâm;
Người nhân, con hiếu từ xưa, thảy đều chú ý.
Sinh làm người trong khoảng hai nghi; Đúc nên xác nhờ công bốn chất,
Phong hàn, thử, thấp, nấu nung; Mừng, giận, nghĩ lo, uất kết,
Héo tươi, khổ, sướng, tất tổn đến tinh thần;
Nhọc, rỗi, đói, no, đều hại cho khí huyết.
Đã có sống khó mà trốn khỏi;
Đã có thân ai cũng thế thôi.
Bẩm thụ người hư thực chẳng đồng, phải giữ mực thường mới được;
Cây cỏ chất độc lành đều khác, chưa rõ tính nó chớ dùng.
Thuốc nào mà chẳng hiệu; Dùng đúng thì hay.
Thử ngậm ô mai, răng ê ngay mà nước dãi chảy;
Vừa thổi Bồ kết, hắt hơi liền mà lỗ mũi thông.
Ăn cải cay mà lệ vòng quanh; Nhai Hoa tiêu mà hơi bế tắc.
Âm giao dò biết nhọt trong ở đâu;
Tiêu mạt chữa chứng đầu đau tưởng chết!
Đái vặt, dái săn, đêm sắc Tỳ giải; Mình lạnh, bụng lớn, nhờ cả Lô từ.
Nước đái rùa chữa được cấm khẩu;
Xương xảu chuột làm cho mọc răng.
Từ thạch bắt được mũi kim;
Hổ phách nhặt được hạt cải.
Mật rái rẽ được nước, Keo loan nối được xương;
Cho ngó sen mà tiết không đông;
Bỏ xác cua mà sơn tan rữa.
Nhựa có thể nấu tan quế ra nước;
Mỡ cóc có thể làm mềm ngọc như bùn.
Tạm kể ít điều để làm chứng nghiệm rõ ràng;
Cho rõ hết thảy đều có công dụng riêng biệt
Thường khi dùng một, khí thuần nhất thì công hiệu càng nhanh.
Hoặc lúc kiêm nhiều, vị phức tạp mà kết quả hơi chậm.
Tá, sứ biết để tâm kén kỹ, giúp đỡ thêm thì chóng thu công;
Uý, ố lầm những vị trái nhau, ganh ghét lộn sẽ thành rắc độc.
Mừng, lo trông cả ở bệnh lui hay tiến;
Chết sống quan hệ bởi phương dở hay hay.
Phải tinh tường theo sách định bài;
Chớ quấy quá gặp chăng hay chớ!
Đối chứng lập phương, phải lọc lấy sở trường trong các sách;
Tuỳ nghi dùng thuốc, hoạ là mong công hiệu được vạn toàn.

Tiều rằng: Hỏi phụ nhân khoa,
Xin nghe các chứng đàn bà có thai.
Coi trong kinh lạc mười hai,
Chia theo mười tháng nuôi thai xưa bàn

Dưỡng thai một tháng kinh can,
Hai tháng kinh đảm, ba sang tâm bào,
Bốn tháng kinh tiểu trường trao,
Năm tháng tỳ dưỡng, sáu vào vị hương,
Bẩy tháng kinh phế nuôi thường

Bước qua tám tháng đại trường thay phiên
Chín tháng kinh thận nối liền,
Trọn phần mười tháng về miền bàng quang.
Mười kinh, mười tháng chia đàng,
Âm dương thủ túc nuôi bàng Xung Nhâm

Cớ sao kinh Thiếu Tâm,
Cùng Tam Tiêu phủ chẳng cầm nuôi thai?
Môn rằng: Một việc dưỡng thai,
Có lời Sào thị để bài sách biên.
Tâm làm mẫu tạng chủ chuyên.

Tam tiêu phủ ấy làm truyền tống quan,
Gốc thai lấy máu làm sang,
Máu nhờ tâm chủ tóm đàng mạch kinh.
Cho hay mạch máu các kinh,
Nhóm nuôi chửa nghén nên hình bởi tâm.

Phải nhường kinh Thủ Thiếu âm,
Chẳng chia phiên thứ mối cầm chủ trương,
Gẫm trong kinh lạc âm dương,
Năm hành đắp đổi lẽ thường sinh nhau,
Có ông Phùng thị nối sau,

Gốc theo Kinh chỉ, lời mầu luận cao,
Kinh rằng “tâm với tâm bào”,
Tuy chia hai mạch thực vào một nơi.
Mười hai kinh lạc máu hơi,
Ngày nào chẳng khắp vần nơi trong mình,

Có thai rồi lại bế kinh
Vầy hơi nhóm máu, đồng tình nuôi thai.
Lấy lời Sào thị luận thai,
So lời Phùng thị vắn dài khác nhau,
Học thời sáng lẽ làm đầu,

Lời nào xác lý phải cầu xét coi.
Tiều rằng: Thai đã đặng nuôi,
Có thai thời đẻ xong xuôi vuông tròn.
Cớ sao lắm kẻ chửa non,
Hoặc năm ba tháng, rồi con chẳng thành.

Môn rằng: Một việc thai sinh,
Nên hư trách ở trong mình phụ nhân.
Thuần Khôn là người phụ nhân,
Máu hơi đầy đủ trong thân tốt lành.
Có thai đủ tháng thời sinh,

Ấy là trời đất thường tình xưa nay.
Bởi người khí huyết chẳng đầy
Mạch Xung Nhâm yếu giống gầy sao nên,
Thai nguyên gốc đã chẳng bền
Lại thêm bệnh hoạn dưới trên nhộn nhàng,

Trách chi chửa nghén chẳng an,
Tiểu sản, bán sản, liền mang nơi mình.
Ví như trái trổ trên nhành,
Gốc cây chẳng vững, trái đành rụng non,

Máu hơi mỏng yếu đẻ con ra gì.
Thêm lòng dâm dục lỗi nghi,
Ăn chơi chẳng kể vật chi dữ lành.
Thêm thầy hốt thuốc bất kinh,
Lầm đem vị độc hại tinh huyết người.

Muốn cho xen giúp thợ trời,
Trị thai phải dụng coi lời cấm xưa.

Nhâm thần cấm phục ca
(Bài ca về các vị thuốc cấm dùng cho đàn bà có thai)
Dịch nghĩa:
Nguyên trùng, ban miêu, đỉa và manh trùng
Ô đầu, Phụ tử và Thiên hùng
Dã cát, Thuỷ ngân cùng Ba đậu,
Ngưu tất, ý dĩ và Ngô công (con rết),
Tam lăng, Nguyên hoa, Đại giả thạch, Xạ hương,
Đại kích, Xà thuế (Xác rắn), Thư hoàng, Hùng hoàng,
Nha tiêu, Mang tiêu, Mẫu đơn, Quế,
Hoè hoa, Khiên ngưu, Tạo giác (bồ kết),
Bán hạ, Nam tinh, Thông thảo,
Cồ mạch, Can khương cùng Đào nhân,
Chu sa, Can tất, Giải trảo giáp (mai cua),
Địa đảm, Mao căn (gốc cỏ tranh) đều không được dùng.

Tiều rằng: Phép trị trước thai,
Bao nhiêu chứng nhiệt, dùng bài thuốc lương.
Đến như chứng lạnh không thường,

Cấm dùng thuốc nóng, còn phương pháp gì?
Môn rằng: Muốn rộng chước y,
Bệnh thường, bệnh biến, phải suy cho tường.
Thai tiền hợp dụng thuốc lương,
Ấy là chỗ luận bệnh thường phép y.

Đến như bệnh biến chứng kỳ,
Quen theo thường trị, lấy gì làm công?
Như đau lạnh thấu tử cung,
Can khương, Quế, Phụ chẳng dùng sao an?
Như đau máu chứa bàng quang,

Phương nào khỏi hốt Đại hoàng, Đào nhân?
Bệnh thời bệnh chịu đã ưng,
Chỗ đau có cớ, nào từng phạm thai?
Xưa rằng y biến thật tài,
Ứng theo máy trị, nhiều loài, nhiều phương.

Coi thiên “thai dựng biến thường”
Việc người chữa nghén lắm đường bất kinh.
Có người gọi chứng “ám kinh”,
Tháng không nhơ uế mà mình nên thai.
Có người gọi chứng “cấu thai”,

Nghén rồi, kinh nguyệt xầy xầy máu ra.
Máu ra mà nghén chẳng sa,
Gọi rằng “thai lậu”, thật là huyết dư.
Có người nghén một năm dư,
Hoặc mười bảy tám tháng chừ mới sinh.

Gọi “thai bất trưởng” là danh,
Bởi người khí huyết trong mình chẳng sung.
Gặp thai mấy chứng lạ lùng,
Khuyên người chẩn mạch cho ròng, khỏi sai.
Lại còn chứng gọi “quỷ thai”,

“Trưng hà”, “bĩ khối”, cũng loài bụng to,
Nhớt nhau hơi hết, giả đò giống thai.
Máu hư chứa đọng ngày dài,
Gọi rằng “súc huyết”, giống thai một dường.

Hỡi ôi bệnh biến khôn lường,
Dị thường trong lại dị thường biết bao,
Kinh rằng bảy bảy tuổi cao,
Dứt đường thiên quý, lẽ nào có thai.
Vợ người Tịnh Phổ là ai,

Mình đà sáu chục tuổi ngoài, còn mang.
Kinh rằng hai bảy tuổi nàng,
Thông thường thiên quý mới toan gả chồng.
Tô Khanh có gái má hồng,
Mới mười hai tuổi lấy chồng liền thai.

Coi hai dấu sử biên ngoài,
Nghiệm vào sách thuốc, khá nài sao ôi!
Học thời thông biến mà thôi,
Biến không chừng hiện, nào rồi liệu lương.
Luận người gặp biến cứ thường,

Bệnh người gặp biến cứ thường sao xong.
Muốn cho lớn mật, nhỏ lòng,
Gặp cơn y biến nên công mới tài.
Tiều rằng: Chẩn mạch trước thai,
Chia tay hữu gái, tả trai đã đành.

Tả di hoạt tật trai sinh,
Hữu di hoạt tật gái sinh phải rồi.
Còn e người nghén thai đôi,
Hai tay sáu bộ, chủ coi mạch gì?
Môn rằng: Ba bộ mạch đi,

Âm dương hai chữ, thịnh suy khác hình.
Gốc trong tạng phủ, năm hành,
Sánh duyên chồng vợ, tỏ tình mẹ con.
An ngôi chồng vợ, mẹ con,
“Tung, hoành, thuận, nghịch” xây còn trong tay.

Bộ âm mà mạch dương vầy,
Chồng thừa ngôi vợ, lẽ này rằng “tung”
Lại như vợ đến ngôi chồng,
Bộ dương mà mạch âm thông, rằng “hoành”.
Con thừa ngôi mẹ nghịch danh,

Mẹ thừa con ấy thuận tình ở nhau.
Lặng lòng theo mạch xét cầu,
Máy âm dương nhóm, biết đầu gái trai.
Ba dương mạch thịnh, con trai,
Ba âm mạch thịnh, gái thai hẳn hòi.

Tả đới tung, ấy trai đôi,
Hữu đới hoành ấy gái đôi hơi hoà.
Tả dương mạch nghịch, trai ba,
Hữu âm mạch thuận, gái ba nên hình.
Muốn coi tạo hoá máy linh,

Đọc lời bí quyết Mạch kinh truyền lòng.

Chẩn nhâm thần mạch quyết
(Bí quyết xem mạch người có thai)
Dịch nghĩa:
Can chủ huyết chừ, phế chủ khí.
Huyết là vinh chừ, khí là vệ,
Âm dương đôi lứa chẳng so le,
Hai tạng thông hoà cùng một lệ,
Huyết suy, khí vượng quyết không thai.
Huyết vượng, khí suy chắc có thai,
Thốn Vi, Quan Hoạt, Xích hơi Sác,
Đi lại trơn tru, hoặc tước trác:
Ấy mạch con trẻ hiện hình rồi,
Mới vài tháng nên chưa biết thôi!
Tả mau là trai, hữu là gái,
Trơn tru thông nhau, mau đi, lại
Quan bộ hai tay Hoạt cùng Đại,
Có thai nhưng có cũng là mới.
Thấy hình con trẻ, hai là phải…
Tay tả thấy tung hai đứa trai:
Tay hữu thấy hoành gái một đôi;
Tay trái mạch thuận, ba gái rồi…
Thốn, Quan, Xích, hai bên đều nhau:
Một trai, một gái, có sai đâu.
Tay trái Trầm Thực, trai chắc hẳn…
Tay phải Phù Thực, gái rõ màu.
Dương mạch là trai, âm mạch gái,
Rõ ràng dưới ngón nhớ kỹ lấy,
Ba bộ Trầm đều chẳng còn ngờ,
Xích bộ không dứt, có thai đấy!
Mạch thê thừa phu gọi là hoành,
Mạch phu thừa thê tung đã rành,
Mạch tử thừa mẫu thực nghịch khí,
Mạch mẫu thừa tử mới thuận tình.
Huyền, Khẩn, Lao, Hoạt, Cường yên ổn,
Trầm, Tế và Vi, chết đã rành.

Trên đây là một số hồi tiếp theo mà Nguyễn Đình Chiểu đã viết trong tập Ngư tiều y thuật vấn đáp. Qua truyện thơ ông đã thể hiện nhiều thông điệp cao cả. Đó chính là sự qua tâm của ông đối với tính mạng và sức khỏe của người dân. Đồng thời cũng chính là sự căm thù giặc sâu sắc. Sâu hơn chính là tinh thần yêu nước và nêu cao vấn đề yêu nước cổ động tinh thần của nhân dân.

Xem thêm: Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và tập Ngư tiều y thuật vấn đáp phần 10

Related posts

Chia Sẻ 2 Bài Thơ Kiệt Tác Của Bùi Thế Mỹ Sống Mãi Với Thời Gian

admin

Tổng Hợp 25 Bài Thơ Sâu Sắc Của Bùi Thụy Đào Nguyên

admin

Nhà thơ Vương Duy cùng trọn bộ những thi phẩm đặc sắc nhất phần 6

admin

Leave a Comment