Nhà Thơ Nổi Tiếng

Nhà thơ Nguyễn Duy và tập thơ Cát trắng (1995) hay nổi tiếng phần 2

Tập thơ Cát trắng (1995) của Nguyễn Duy có nhiều bài thơ được trích dẫn lại từ tập thơ cùng tên được in trước đó. Đa phần các bài thơ trong tập này đều được viết về chiến tranh cũng như những kỷ niệm mà nhà thơ đã trải qua. Đó cũng chính là cảm xúc chủ đạo trong thơ của Nguyễn Duy. Ở đó ta thấy được một bức tranh toàn cảnh về những năm tháng của chiến tranh. Hãy cùng đón đọc các bài thơ hay của Nguyễn Duy viết trong tập thơ Cát trắng 1995 mà chúng tôi giới thiệu dưới đây bạn nhé!

Nội Dung

Khi chưa hiểu người con gái ấy
tôi chưa biết tiếng đàn em hay như thế đâu

Đôi bàn tay tài hoa biết làm ra âm thanh quyến rũ
từ một cây vĩ cầm mà với tay tôi chỉ là cái hộp gỗ
từ nốt trắng nốt đen trên khuông kẻ
mà với mắt tôi là luống đỗ nảy mầm

Tôi lớn lên với ruộng với đồng
nghe giao hưởng khác nào nghe xay thóc
em dạy nhạc cho tôi khác nào đi vỡ đất

Em cấy vào tôi luống nhạc đầu tiên
tôi ngỡ ngàng hiểu ra bàn tay em
từng giúp mẹ những đêm đông quét rác
tiếng chổi vô tư dạo trên đường khuya

Ngày lụt to, cả Hà Nội lên đê
tay mềm mại vần từng xe đá hộc
rồi con cá, mớ rau, bếp núc
chăm chút một gia đình vẫn bàn tay tài hoa

Tôi thường gặp em trên đại lộ
lỉnh kỉnh sau xe khi túi gạo, khi thùng dầu
đất nước mình những năm nhiều gian khổ
bàn tay mang nhiều vẻ đẹp khác nhau

Không thể nào quên một buổi chiều nao
tôi chợt biết tay em nhiều vết xước
ấy là lúc trong tay tôi rung lên ấm áp
bản nhạc không lời mười ngón tay em đan

Em vá cho tôi cái áo lính cũ càng
bàn tay láy trên vai tôi đường khâu rất đẹp
như đã láy vào lòng tôi da diết
tiếng đàn xe chỉ luồn kim
tiếng đàn lặn sâu như con cá ăn chìm

Chưa sâu bằng đêm nay tôi nghe em
tiếng đàn êm như tóc
tiếng lận đận mây trôi bèo dạt
tiếng bàn tay mang vết xước thường ngày

Cây đàn đột nhiên biến đi
chỉ còn thấy đôi bàn tay trước ngực
và tất cả tan ra thành âm thanh trong vắt
lắc lư tôi như sóng lắc lư thuyền

Ấy là lúc hai tiếng đàn chập lại
một tiếng đàn bàn tay em đấy
với một tiếng đàn bật dậy trong tôi

Mịn làm sao mát làm sao
bụi sương thôi cũng ngọt ngào trên môi

Sương giăng lụt cả đất trời
giữa bồng bềnh trắng tôi bơi tôi trườn

Con đường chìm nổi trong sương
thực hư như thể con đường trong mơ

Chờ em… lẳng lặng… tôi chờ
lập loè hoa gạo lờ mờ bóng cây

Hố bom sâu hoắm nơi này
sương mong mỏng lấp đã dày từ đêm

Loeo khoeo cột điện cột đèn
lô nhô huyền ảo đẹp lên lạ kỳ

Dịu dàng từng bước em đi
nhẹ nhàng như chả có gì lớn lao…

“Con – Mai Thị Từ
quê ở Bùi Chu
di cư năm 1954
nay ở đâu tin cho cha biết…”

“Cha – Huỳnh Đình Thà
ở Phú Thọ Hoà
năm 1954 tập kết
nay ở đâu cho con được biết…”


anh tìm em

vợ tìm chồng
những dòng tin như vết cứa của lòng
bao nhiêu vết cứa của lòng
đang liền lại cùng đất đai liền lại

Hai mươi mốt năm dài
máu chảy
hai mươi mốt năm dài
thương đau
đủ cho qua đi một thời con trai
đủ cho qua đi hai thời con gái
nhưng mà không qua cây cầu chờ đợi

Hai mươi mốt năm dài
không có ai ngồi chờ đợi ai
không có ai ngồi nhớ mong hoài
Nam đi tìm Bắc
Bắc đi tìm Nam

Tìm nhau dưới bể
tìm nhau trên ngàn
tìm nhau trong đạn trong lửa
tìm nhau trong việc mình làm

Tôi không có mẹ đi Nam
tôi không có cha đi tập kết
nhưng tôi có một thời sung sức nhất
góp với mọi người
cùng mọi người
đi tìm thân nhân

Tôi đi tìm thân nhân
không phải trên trang báo
tôi đi tìm thân nhân
suốt những năm giông bão

Tôi đi tìm thân nhân
qua rừng già nguyên thuỷ
tôi đi tìm thân nhân
qua rừng kẽm gai Mỹ

Tìm thân nhân
tôi đi từ Hà Nội
lặn lội mười năm mới tới Sài Gòn
bằng con đường số Một:
Trường Sơn

Ngày đầu tôi ở với Sài Gòn
bà má gọi tôi: Con
tự nhiên tôi gọi Má!
xa cách thế mà không xa lạ
mẹ đây rồi, ơi mẹ của tôi
tôi gặp thân nhân cùng với mọi người

Có người chưa gặp thân nhân
có người không gặp thân nhân
vợ lạc chồng
anh lạc em
và cha lạc con
ai còn?
ai mất?

Ơi ai không gặp thân nhân
xin tới cùng tôi chung mái nhà ấm áp
cùng tôi hát lên lời ca này
cái lớn lao còn lại hôm nay
là nguyên vẹn
nhân dân
Tổ quốc

Ta đi trên đất đai sum họp
nơi nào cũng có thân nhân

Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với biển
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỷ

Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa

Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường

Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn

Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng

Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình

Tắc kè…
tắc kè…
tôi giật mình
nghe
trên cành me góc đường Công Lý cũ
cái âm thanh của rừng lạc về thành phố
con tắc kè
sao mày ở đây?

Sáng ra nhìn soi mói mỗi cành cây
chả thấy con tắc kè đâu cả
khi chùm đèn thuỷ ngân xanh lên trong vòm lá
tắc kè kêu như tiếng vọng về

Chợt hiện về, thăm thẳm núi non kia
dưới lá là hầm, là tăng, là võng
là cơn sốt rét rừng vàng bủng
là muỗi, vắt, bom, mìn, vực sâu, đèo trơn…

Những đoàn quân đi xuyên Trường Sơn
ngủ ôm súng suốt một thời tuổi trẻ
đêm trăn trở đố nhau:
bao giờ về thành phố?
con tắc kè nhanh nhảu nói: sắp về!

Sắp về!…
sắp về!…
người bạn tôi rung võng cười khoái trá
ấy là lúc những cánh rừng trút lá
mùa khô năm một nghìn chín trăm bảy tư

Ăn tết rừng xong
từ giã chú tắc kè
chúng tôi xuôi – ào ào cơn lũ đổ
các binh đoàn tràn vào thành phố
đang mùa thay lá những hàng me

Lá me vàng lăn tăn trải thảm phố hè
chồi xanh lăn tăn nơi đầu cành run rẩy
cơn gió thoảng chút hương rừng đâu đấy
hạt mưa đầu mùa trong suốt giữa lòng tay

Người bạn tôi không về tới nơi này
anh gục ngã bên kia cầu xa lộ
anh nằm lại trước cửa vào thành phố
giây phút cuối cùng chấm dứt cuộc chiến tranh

Đồng đội, bao người không “về tới” như anh
nằm lại Cầu Bông, Đồng Dù, và xa nữa…
tất cả họ, suốt một thời máu lửa
đều ước ao thật giản dị:
sắp về!

Qua hai mùa thay lá những hàng me
cái tết hoà bình thứ ba đã tới
chao ôi nhớ tết rừng không hương khói
đốt nhang lên
chợt hiện tiếng tắc kè

Tôi giật mình
nghe
có ai nói ở cành me:
sắp về!…

Ngủ đi bạn, ngủ đi anh
cánh tay mình ngả ra thành gối êm
ngủ đi bạn, ngủ đi em
ngủ ngon giấc ngủ gối lên tay mình

Hiếm hoi cái giấc yên lành
hành quân xa lại tiếp hành quân xa
bao anh lính trẻ đã già
chưa sang hết suối chưa qua hết rừng

Ngủ hầm, ngủ võng, ngủ bưng
gối đầu tay ngủ cầm chừng mỗi đêm
có người ngủ thế thành quen
đã nghe sợi tóc bạc trên tay mình

Trong hầm biên giới Tây Ninh
lặng yên mình ngắm lính mình ngủ yên
bụi đường trắng tóc thanh niên
má này thì lại áp lên tay này

Trái tim đập ở cổ tay
tim ta ru giấc ngủ đầy cho ta
cánh tay cặp khẩu AK
ngày là bệ súng đêm là gối êm

Ngủ đi anh, ngủ đi em
ngủ ngon giấc ngủ gối lên tay mình

Kính tặng các vũ nữ Hoàng gia Cam-pu-chia còn sống sót qua thời diệt chủng

Áp-xa-ra – nữ thần hoá thân thành tượng đá
lại trở về người – mềm mại cánh tay trần
sự trầm buồn chuyển động trên thân thể
ngón tay cong, thực – ảo, ngón tay cong
da thịt mà sao gợn sóng gợn gió
vũ điệu linh thiêng chập chờn trong nhạc gõ

Đá Ăng-co bao nhiêu tuổi rồi
cái đẹp dịu mềm bền hơn cả đá
Áp-xa-ra sống qua bao kiếp người
qua đầm đìa mồ hôi, qua máu và nước mắt
bao nhiêu triều đại chết đi rồi
Áp-xa-ra sống mãi

Và, Áp-xa-ra, nàng hiện thân thành vũ nữ Hoàng gia
cô gái ấy vì nàng mà sinh ra
vì nàng mà múa, mà sống
cũng vì nàng mà vinh quang, mà cay đắng
Áp-xa-ra tồn tại với nhân dân
cái đẹp giương cao ngọn cờ bách thắng
bao lớp người vũ nữ chết đi rồi
vũ điệu tuyệt vời đời đời sống mãi

Bà vũ sư già, lưng còng xuống mặt sạm buồn màu đá
đã một thời người là Áp-xa-ra
một thời sắc nước hương trời
lộng lẫy Hoàng cung ngực hoàng kim con gái
vũ điệu khắt khe không chấp nhận sự già
thời vũ nữ đi qua không thể nào cưỡng lại

Bà vũ sư như tạc bằng sa thạch
cái đẹp ngoài da thu lại về lòng
điệu múa cứ bập bùng trong mắt ướt

Lại tiếp nối những thời hoàng kim con gái
múa đi em, và đẹp nữa đi em
người vũ nữ trở về từ cõi chết
điệu múa trở về từ trong thịt da em

Thân thể làm nền cho sắc đẹp em
sắc đẹp em làm nền cho vũ điệu
em như gạo, điệu múa kia là rượu
rượu rót tràn trong âm nhạc linh thiêng

Múa đi em, và đẹp nữa đi em
cái đẹp giương cao ngọn cờ bất diệt

Dẫu cho dòng thời sự cứ trôi đi
dẫu em sẽ già như bà vũ sư kia
dẫu bà vũ sư rồi sẽ không còn nữa
thì còn lại muôn đời là điệu múa

Ải Chi Lăng, ải Chi Lăng
lưỡi gươm đẫm máu Liễu Thăng thuở nào
gập ghềnh lũng thấp đồi cao
vũng lầy thành ruộng đã bao nhiêu mùa

Chập chờn trận mạc xa xưa
quân reo, ngựa hí, gươm khua dậy trời
thịt xương xưa hoá đất rồi
nợ xưa còn để nặng đời sau ư?

Gió trên vách đá ù ù
nghe
tù và dội xuống từ cao xanh…

Tặng Hoàng Tú

Sẽ rất nhớ dáng người vừa thoáng gặp
chiều Lạng Sơn súng nổ rụng hoa đào
những giọt máu của vườn cây vung vãi

Trường sơ tán rồi, cô giáo còn chốt lại
khẩu súng thép chéo lưng con gái
ôi tấm lưng kia ngỡ sinh ra để mà mềm mại

Dáng điệu ấy chốt lại lòng ta mãi
như dạ hương thoáng gặp một đêm nào

Tuổi thơ tôi bát ngát cánh đồng
cỏ và lúa, và hoa hoang quả dại
vỏ ốc trắng những luống cày phơi ải
bờ ruộng bùn lấm tấm dấu chân cua

Tuổi thơ tôi trắng muốt cánh cò
con sáo mỏ vàng, con chào mào đỏ đít
con chim trả bắn mũi tên xanh biếc
con chích choè đánh thức buổi ban mai

Tuổi thơ tôi cứ ngỡ mất đi rổi
năm tháng trôi qua không bao giờ chảy lại
cái năm tháng mong manh mà vững chãi
con dấu đất đai tươi rói mãi đây này

Người ở rừng mang vết suối vết cây
người mạn bể có chút sóng chút gió
người thành thị mang nét đường nét phố
như tôi mang dấu ruộng dấu vườn

Con dấu chìm chạm trổ ở trong xương
thời thơ ấu không thể nào đánh đổi
trọn kiếp người ta chập chờn nguồn cội
có một miền quê trong đi đứng nói cười

Tuổi thơ nào cũng sẽ hiện ra thôi
dầu chúng ta cứ việc già nua tất
xin thương mến đến tận cùng chân thật
những miền quê gương mặt bạn bè

Ai qua Thanh Hoá về Quảng Xá
men rượu là hương vị của làng tôi
nhắc cầu Bố chắc nhiều người còn nhớ
đình nhà Lê rêu phủ đã bao đời

Nhà tôi đó, không cổng và không cửa
ai ghé qua cứ việc hút thuốc lào
cha tôi trổ rất nhiều cửa sổ
gió nồm nam thoải mái ra vào

Đường làng tôi tiếng xe thồ lọc xọc
chiếc xe thồ từng đẩy tới Điện Biên
ngược dòng sông Mạ lên Tây Bắc
ai xuôi về cũng sốt kinh niên

Những năm bom đạn như gieo mạ
lại chiếc xe thồ đi về Nam
cha tôi qua cầu Bùng cầu Ghép
tôi nhìn theo chớp lửa nhập nhoàng

Cỏ đã lấp ai còn thấy nữa
vết xe thồ vẹt đỉnh Trường Sơn
ai thấy nữa ông già đầu bạc xoá
đẩy xe thồ ngang dọc lũng Tà Cơn

Cha tôi đó, dân làng tôi vậy đó
xả hết mình khi nước gặp tai ương
rồi thanh thản trở về với ruộng
sống lặng yên như cây cỏ trong vườn

Cha tôi đó, suốt đời thồ nặng
trĩu cả hai vai việc nước – việc nhà
bom rồi bão, mấy lần nhà sập
lụi cụi tuổi già, con cháu đã đi xa

Ngày họp mặt, cha già như trẻ lại
bếp rượu đặt giữa nhà, bè bạn vây quanh
con đường chiến tranh còn ngoằn ngoèo trong ruột
càng thêm say hương rượu nếp thanh bình

Trên đây là những bài thơ Nguyễn Duy viết trong tập thơ Cát trắng 1995 hay mà chúng tôi muốn chia sẻ và giới thiệu với bạn. Thông qua tập thơ này chúng ta có thể cảm nhận một cách chân thành và sâu sắc hơn những năm tháng của chiến tranh. Cũng như những cuộc chiến, những địa danh lịch sử và tất nhiên không thể thiếu được dấu ấn của những con người ở trong đó. Và đó cũng chính là cái hay của nhà thơ Nguyễn Duy. Hãy cùng đón đọc phần tiếp theo để cảm nhận một cách trọn vẹn nhất về tập thơ này bạn nhé!

Xem thêm: Nhà thơ Nguyễn Duy và tập thơ Cát trắng (1995) hay nổi tiếng phần cuối

Related posts

Vũ Đình Liên cùng những bài thơ dịch nổi tiếng được yêu thích nhất phần 2

admin

Tập Thơ Đặc Sắc Nhất, Ấn Tượng Nhất Của Bửu Kế-Nguyễn Phúc Bửu Kế

admin

Nhà thơ Thái Bá Tân và tuyển tập thơ dịch William Shakespeare phần cuối

admin

Leave a Comment