Nhà Thơ Nổi Tiếng

Nhà Thơ Nguyễn Trọng Tạo Cùng Tập Thơ Nương Thân Phần Cuối

Nguyễn Trọng Tạo không chỉ là một nhạc sĩ gắn liền với những bài hát ngọt ngào thắm đượm tình quê hương , một nhà báo đầy nhiệt huyết với công việc mà còn là một nhà thơ có nhiều đóng góp cho quá trình đổi mới nền thơ ca đương đại Việt Nam. Thơ của ông có sự cách tân mới mẻ, phong phú trên nhiều phương diện

Đặc biệt với những bài thơ tình, ông viết bằng sự chiêm nghiệm với những triết lý sâu xa trở thành một sợi dây vô hình buộc mãi vào lòng người. Tiếp nối bài viết trước Nhà Thơ Nguyễn Trọng Tạo Cùng Tập Thơ Nương Thân Phần Đầu mời các bạn đón xem phần cuối ngay bây giờ !

Nội Dung

tôi thấy tôi là cỏ trên sân bóng
đẩy đầu anh lên cao, cao hơn mọi cái đầu
khi anh ngã sóng soài tôi thấy tôi là cỏ
xoa dịu vế thương anh như có phép nhiệm màu

quả bóng bay đi quả bóng lại bay về
được dày xéo tôi thấy mình hạnh phúc
được ôm hôn tôi muốn trào nước mắt
cỏ hồi hộp mừng vui, cỏ thầm lặng tái tê

trong chiến thắng anh có nghe tôi hát
tôi phất cao muôn vạn lá cờ xanh
khi chiến bại anh có nghe tôi khóc
trận mưa đau dâng ngập cả khung thành

theo anh mãi cho đến ngày chung cuộc
nếm đủ vị đắng cay nếm đủ vị ngọt ngào
rồi mùa bóng qua đi anh giã từ sân cỏ
chỉ còn tôi hoang lạnh dưới trăng sao…

là Ngôi Sao anh luôn bị bao vây
bị kéo áo huých tay bị đốn sau cản trước
mang hàng chục vết thương anh vẫn làm bão lốc
là Ngôi Sao sân cỏ hóa bầu trời

anh đi qua đàm tiếu của người đời
anh bỏ lại những vinh quang huyền thoại
những đỏng đảnh đón đưa những ra giá chào mời
không rực sáng không thể nào tồn tại

là Ngôi Sao cô đơn từ vạn đại
lắm người yêu rốt cuộc chỉ đau buồn
khi cú sút penalty thất bại
là Ngôi Sao – anh đào sẵn mồ chôn

chỉ đến lúc lặng im toàn thế giới
trong đêm đen thèm đục thủng bầu trời
ta lại thấy những Ngôi sao dưới cỏ
cứ bay lên định vị những Con Người…

lên núi mà chơi leo mười cây số
ngồi trên quá khứ ba chàng cựu binh

Tường già huyên thuyên mối tình thời chiến
một cánh hoa rừng giờ còn xao xuyến

cây rừng phủ kín Ứng râu tìm gì
một mảnh đàn đá phủ hồn Trương Chi?

tôi nhớ chân đi mười năm không mỏi
mà sao đau nhừ mười cây leo núi!

chợt mưa ập tới ướt sũng ba chàng
nhìn về thành Huế một trời nắng chang…

mẹ tôi dòng dõi nhà quê
trầu cau thừ thuở chưa về làm dâu
áo sồi nâu, mấn bùn nâu
trắng trong dải yếm bắc cầu nên duyên

cha tôi chẳng đỗ trạng nguyên
ông đồ hay chữ thường quên việc nhà
mẹ tôi chẳng tiếng kêu ca
hai tay đồng áng lợn gà nồi niêu

chồng con duyên phận phải chiều
ca dao ru lúa câu Kiều ru con
gái trai bảy đứa vuông tròn
chiến tranh mình mẹ ngóng con, thờ chồng

bây giờ phố chật người đông
đứa nam đứa bắc nâu sồng mẹ thăm
(tuổi già đi lại khó khăn
thương con nhớ cháu đêm nằm chẳng yên)

mẹ tôi tóc bạc răng đen
nhớ thương xanh thắm một miền nhà quê.

Khi nó đến lay tôi đổi gác, tôi đang lên cơn sốt run người. Căn hầm nóng như lò quay thịt. Nó chạy ra rừng đẵn một cây chuối, lấy khăn dấp nước từ lõi chuối ứa ra, đắp lên trán tôi, rồi lại xách súng lên chốt, gác phiên tôi.

Một loạt bom xé rừng. Đồng đội nhặt xác nó mỗi nơi mỗi mảnh.

Hơn hai mươi năm sau, tìm mộ nó chỉ gặp những hố bom cây dại lắp đầy. Bỗng tôi thấy nó đứng dậy từ một lùm cây, tự nhặt tay chân tim phổi ghép lại, rồi chạy xuống suối tắm. Tắm xong, nó mặc quần áo vải Tô Châu còn thơm mùi hồ, đi giày vải cao cổ, đội mũ cối không quân hiệu chạy tới ôm chầm lấy tôi. Tôi mừng quá, bảo nó ngồi lên xe máy chở thẳng về một nhà hàng nổi tiếng trong phố, gọi bia và đồ nhậu. Nó nhìn chai bia Heineken và hỏi: “Dầu gió hả?”. Tôi bảo nó cứ uống đi rồi sẽ biết. Nó uống ngay một ngụm, liền phun toẹt xuống sàn, nước mắt nước mũi giàn giụa chảy ra. Nó nhăn mặt bảo: “Không phải!” Thế là nó không ăn uống gì được nữa. Nhưng nó khát…

Đêm đó, tôi lấy dao đẵn ngang thân cây chuối góc vườn, khoét lõi chuối thành một cái hố. Gần sáng, tôi lấy muỗng múc nước từ cái hố ở thân chuối ra ca cho nó uống. Nó uống ừng ực, ngon lành. Rồi bảo tôi: “Cho tao ca nữa!”

Khi tôi thức dậy, nó đã đi rồi. Tôi chạy ra bờ sông trước nhà, và, bỗng thấy dòng sông từ phía biển chảy ngược lên rừng

Cuông đến Huế không sưu tầm cảnh đẹp. Tôi đưa anh lội xéo cơn mưa lần theo những dãy phố lộn xộn số nhà tìm những người du kích cùng anh chiến đầu từ thuở Mậu Thân. Những người du kích nhận ra Cuông ngay, không phải vì anh là nhà văn mà bởi anh là người lính đã từng sống chết cùng họ bao phen giữa rào vây quân địch. Không có cuộc trò chuyện nào không nói về những người đã chết.

Có những cuộc hành hình tập thể. Mười hai người chỉ tìm xác được ba.

Có cô gái bị giặc chặt đầu cắm cọc ở ngã ba chợ Tuần, tóc dài ôm đất, xác ném xuống bến sông Bãng Lãng, chỉ còn lại người cha giờ đã 90 chưa một lần được hưởng tuất đứa con yêu.

Ông sáu kể nguồn cơn, và ông Sáu khóc.

O Lành xưa đôi má măng tơ, giờ khóe mắt chân chim.

Họ ngồi lặng. Bỗng Cuông đứng bật lên bảo đi tìm Ngọc.

Ngọc đang đi họp xa, dăm hôm nữa mới về.

Khuya. Cuông nói với tôi: Mình sẽ trở lại nơi đây “nằm vùng” viết sử. Đồng đội thời Mậu Thân chẳng còn lại mấy người!…

Hôm sau, Cuông đi rồi, tôi đọc ba cuốn sử dày người ta tặng trong cuộc họp. Tôi cố tìm từng trang, từng trang máu và tên những người Cuông nhắc đến. Nhưng ba cuốn sử khép lại rồi, tôi chỉ gặp Vô Danh!

Trại viết về chiến tranh thuê hẳn một khách sạn mini vắng vẻ ở xa thành phố. Những nhà văn tóc bạc vì đạn bom và sốt rét một thời. Nhân viên khách sạn gồm những chàng trai trẻ. Đến giờ cơm, toàn “đực rựa” với nhau.

“Chồng nàng tử trận. Nàng phát điên. Gặp người lính nào cũng nhận đấy là chồng”- Một nhà văn nói.

“Nàng là người yêu của lính. Giờ ngoại ngũ tuần mà nàng vẫn trinh nguyên”- Một nhà văn khác nói.

“Còn nàng yêu chàng, nhưng rốt cuộc đã cưới bạn của chàng. Chồng nàng giàu sang. Con nàng tuấn tú. Nhưng mỗilần về quê thăm viếng mẹ chàng, nàng cứ ngỡ mình là người vợ góa”…

Không rõ Charles Simic có từng làm lính? Vậy mà tôi thật tâm đắc khi đọc ông: “Bây giờ là thời đại bước chân của những đán bà góa bận rộn”.

Và mỗi sớm, mây trắng trên khách sạn lại trò chuyện với những mái tóc nhà văn mỗi ngày như càng bạc trắng hơn. Có lẽ chỉ có mây mới hiểu rằng, đêm đêm trong căn phòng giường ga (drap) trắng muốt dưới ánh điện sáng trắng… những nhà văn đã vắt kiệt sinh lực mình cho số phận của những nàng góa bụa chiến tranh!…

I
Đoá cúc vàng mùa Thu em cho ta đã chết, thời gian bay từng cánh mỏng vàng tươi. Đã bảy tám năm nay ta gọm nhặt nắng trời, mong góp nắng thành hoa mà dã tràng xe cát. Đoá hoa ấy sao chiều nay ta bỗng gặp trên tay một chàng trai đi về phía Giao Thừa.
Ôi ước gì người bán để ta mua?

II
Tìm khắp cả chợ hoa. Ta chẳng thấy đoá cúc vàng ngày ấy. Có cô gái giống em mà chẳng phải em. Ta đi qua Xuân. Ta đi qua Hạ. Thu cũng đã tàn và ta sắp đóng băng bởi lạnh giá Đông.
Đoá cúc vàng hy vọng phía Trăm Năm?

III
Lại một Giao Thừa. Ta làm thơ Khai Bút. Bài thơ viết về hoa nhưng chẳng phải Đào Mai Lan Hồng Cúc. Chẳng phải Xuân chẳng phải Thu. Và ta gọi đấy là Biến Khúc. Biến Khúc hoa Biến Khúc mùa Biến Khúc em Biến Khúc ta… Những Biến Khúc Giao Thừa không lặp lại.
Mà đoá cúc vàng lúc xuân về hương đắp mãi Hồn Hoa!

Tết nơi thành thị
lặng người nhớ quê
tôi thành trẻ nhỏ
thung thăng đường về
tay cầm gà đất
thổi kèn tò te
tôi thành ngọn lửa
nấu bánh giao thừa
tôi thành áo mới
rạng ngày đem khoe
tôi thành mứt ngọt
chia cho bạn bè
đồng tiền mừng tuổi
lợn đất no tròn
trống trân trống bỏi
đường thôn khua giòn
tôi thành đám rước
dọc đường xuân non…

không gói được mùa đông cất vào trong tủ
em thôi đành mang áo gấm đi đêm
vầng trăng lạnh đến bạch ngày mới ngủ
về cùng em sương ẩm ướt hiên thềm

không níu được mùa xuân quay trở lại
anh thôi đành trồng một sắc đào riêng
hoa đào nở cuối chiều đông giá buốt
tết bỗng dưng đến sớm gọi tuổi mình

em hối lộ đào hoa một nụ cười rượu chát
anh tham ô trời đất mấy câu thơ
và như thế chúng mình qua cái tết
xuân lén về rồi đi như trong mơ

người ta mua rượu mua hoa
tôi đi mua tuổi làm quà tặng tôi

người ta khăn xếp áo sồi
tôi mua thảng thốt chuỗi cười giòn tan

người ta ngà ngọc bạc vàng
tôi may mắn được tấm voan sương mù

mắt nàng đầy ắp mộng mơ
biếu không tôi
một bài thơ
không mùa

Tết mời nhau uống rượu
nào ai nỡ chối từ
cụng ly nghe mới sướng
dốc cạn niềm tâm tư

cạn một năm may rủi
nghèo khó lẫn giàu sang
cạn một đời làm lụng
men mùa xuân dâng tràn

mặt hồng như hoa thắm
tiếng cười tựa pháo ran
chao ôi ba ngày tết
vui buồn cùng lâng lâng

mỏng mỏng chén rượu Vân
dầy dầy ly Bàu Đá
cong một hơi rượu Cần
đất nước mình yêu quá

nào rót thêm ly nữa
uống cùng Đất cùng Trời
ngỡ Lưu Linh sống lại
cũng uống ngần ấy thôi…

ngại vào quán xá người đông
ngại đi đám cưới vườn hồng ngại qua
ngại ngồi lâu với tuổi già
ngại rong ruổi chốn đường xa đèo bòng

ngại bài diễn thuyết dài dòng
ngại con chim hót trong lồng véo von
ngại ly rượu nhạt pha cồn
ngại người vô cớ nhơn nhơn khóc cười

tôi giờ ngại cả bóng tôi
ý thơ chưa cạn ngó lời đã khô
ngại cây trúc đứng bên hồ
biết đâu sơ ý bất ngờ sẩy chân!

ngại làm thơ tặng mùa xuân
ngại chuông điện thoại bất thần nửa đêm
ngại người như thể người quen
tưởng em lại hóa Người Tiên giáng trần.

em đốt mình lên cho anh ánh sáng
cho anh hơi ấm
cho anh…

lệ giọt giọt trắng rơi
ôm em thân tròn
ngắn dần cột sống

tiếng chim sớm mai gọi anh thức dậy
em biến đi đâu
chỉ còn biển lệ

bỗng vọng bài ca Bạch Lạp ấu thơ
“nến trắng thành tro
tro còn thắp sáng

cuộc tình mờ xa
tình còn chớp trắng…”

một thân cây cháy bùng lửa trắng
anh thấy đầu tiên anh thấy cuối cùng
những trái cây hoá ngọc
gió khi hồng
khi tím
khi xanh lơ

một thân cây một thânn cây biết nói
bằng tự cháy
không thề nguyền
không huyễn hoặc
môi chín nẫu trong môi ngực chết chìm
trong ngực
em cuối cùng em mãi đầu tiên

có một đêm anh buồn nghe hồn cây trắng hát
“đừng tin những gì con gái nói”
anh bay theo nhặt lại những lời ca
kết thành cây-ánh-sáng
và anh biết từ đây anh sống
trong bài ca không lừa dối của em.

tình cờ hay chẳng tình cờ
cây hoa phượng nở bất ngờ chiều nay
để tôi đứng lặng nhìn cây
quên sông Hương gió vơi đầy sau vai

tháng ba thì hãy còn dài
một mình cây đứng đợi ai bên đường
cái màu hoa đỏ lạ thường
ngỡ như thời trẻ chưa từng nở hoa

cái màu hoa đỏ như là
thời gian nén lại nở oà khát khao
màu hoa đỏ tự trời cao
cháy lên như chẳng lúc nào nguôi ngoai

sao lòng tôi cứ hỏi ai
tháng ba thì hãy còn dài Huế ơi
cây hoa nở sớm đón người
hay mùa hè trước đợi tôi đến giờ?

hây hây mơn mởn gió xuân
chao, năm giờ đã sáng ngần Bạch Hoa
gái tơ thoáng chốc đàn bà
tân hôn trời đất giao thừa rồi sao

một năm nháy mắt chiêm bao
Bạch Hoa nở. Bạch Hoa nào? mình ơi
nhớ xưa ta biệt ly rồi
xuân nay sao lại khứ hồi trắng trong

thì ra nàng vẫn chưa chồng
ta thì phiêu lãng lòng vòng đỏ đen
thời gian biến lạ thành quen
quen thành lạ chỉ riêng em, động mùa…

tìm hoa tôi tìm ngón thơm xoè nắng
em vẫy gọi tôi mùa tình trong trắng

tìm hoa tôi tìm cánh môi thần tiên
em truyền sang tôi nóng bỏng lửa thiêng

tìm hoa tôi tìm gót hài vũ điệu
em dìu tôi say thụ cầm huyền diệu

tìm hoa tôi tìm yếm thắm váy nhung
một nẻo tân hôn vời vợi muôn trùng

mùa hạ trôi qua tơi bời phượng đỏ
mùa thu trôi qua cúc tàn ngõ nhỏ

em bỏ tôi đi dằng dặc mùa đông
tôi tìm gầy guộc gặp em bạc lòng

mùa xuân thương ai tươi ròng muôn sắc
cả một trời hoa sương nhoà nước mắt…

mong manh em đến mùa mưa bão
đêm dắt anh tìm phút thần tiên
quỳnh hoa quỳnh hoa thẹn thùng một đoá
rượu nồng hương men ngấm môi mềm

em trút bỏ tơ lụa hồng phớt tím
cho trắng trong hiển hiện đến rợn người
anh ngỡ chết giữa rùng mình hoa nở
một đời hoa chỉ giây phút, trời ơi!…

rồi hoa tự liệm mình từng cánh rũ
ly rượu thừa anh đổ xuống mùa thu
rồi chẳng biết kiếp này hay kiếp nữa
hồn hoa về trong mưa bão phù du…

chúm chím môi hoa lim dim mắt lá
cái ngủ à ơi màn trời buông thả

áo xiêm lơi lả đường cong ảo mờ
tiếng trùng tiếng dế đắm chìm ngây thơ

trong giấc hoa mơ có chùm ánh sáng
một giọt sương trời sao rơi lấp loáng

có năm ngọn gió vuốt ve má nàng
có năm cánh sóng phập phồng mơn man

ngôi đền thời gian làm sao che chở
hoa biết vì ai đến thì hoa nở

à ơi cái ngủ quyến rũ giấc hoa
ngủ thì rực rỡ thức mà phôi pha…

im đi biển ơi nghe Lâm Phương hát
những cơn Rock biển người
em vắt kiệt em cho sóng
tôi lang thang tôi về nơi cuối trời

một chiều chia ly chảy đi sông ơi
một đời dân ca cuồng si đôi môi
hoang mạc biển xanh cháy đêm lân tinh
còn mảnh mai em vạm vỡ âm thanh

ký sổ sinh viên bàn tay rã rời
đi qua giải thưởng em ngồi thu mình
điệu Rock hồn tôi rùng rùng bão cát
trào dâng Hải Phòng sóng biển hồi sinh…

tôi thấy cầu Mirabeau ngủ mơ trên cầu Tràng Tiền
sông Seine trôi trên sông Hương
người con gái mắt xanh đầu thế kỷ
áo sương tím mờ đang chèo thuyền về cửa Thuận An

tôi thấy Apolinaire trong đêm Francophone
trên môi em gái Huế
chùm thạch thảo của mùa thu đã chết
phục sinh tiếng đàn chàng Phạm hát tình ca

không có lý trí kép nào đẹp đôi hơn Huế- Paris
những xứ sở ngon hơn rượu ngon và đẹp hơn gái đẹp
không có đổ vỡ kép nào to lớn hơn
khi anh chẳng biết yêu em, em chẳng biết yêu anh

trên dòng thời gian xanh
em trôi đi trong anh
sông Seine trôi trong sông Hương bóng đền đài lưu lại
tôi cất bước vô biên. Em không thể quay về thời con gái…

ôi Apolinaire
cứ như biển gặm dần lục địa hồn tôi!

em giờ quần soọc áo phông
ta như một gã nhà nông cuối mùa
em giờ píc ních sân chùa
ta như sư đá còn ưa xoa đầu
em giờ tưởng tượng sồng nâu
ta đi ra phố mua gàu tát trăng

ước chi em mặc tứ thân
nụ cười che nón ba tầm ghé chơi
ước chi đến hẹn người ơi
con đò lúng liếng mắt cười chìm đâu
ta về hỏi đáy sông sâu
áo phông quần soọc nhà lầu xe hơi

sông sâu không tiếng trả lời
nghe chiều khói sóng một hơi thở buồn

cây xương rồng không gai những bầu vú căng tròn
tượng Vénus không đầu nẩy cặp mông trái đất
mặt Nguyễn Trãi hình tim “Cha tôi” chồng đá ghép
hồn về ngồi trước cửa áo sồng nâu

đừng tìm Đông hay Tây hãy cúi nhìn cảm thức
sẽ thấy bà muôn hình khi ghép bảy mô-đun
bỗng chạm cái cau mày bỗng nghe cười giật thột
bà là ai đất đá gỗ đồng nhôm?

bảy chữ cái của riêng bà của riêng bà ngôn ngữ
mỗi người xem tự phiên dịch cho mình
hạnh phúc khổ đau không thuộc về bà nữa
hồn đóng đinh trên những khối tượng hình

tôi chợt thấy tóc bà xanh trở lại
im lặng biển sâu mang áo Tết trẻ em
tôi chợt thấy dáng bà nhỏ dần trên trời thẳm
mỗi con người có thể hóa Vô Biên

chợt đọc câu thơ đêm buồn dựng tóc
chợt đọc bài thơ râu xanh trắng cước
đọc trọn tập thơ không sao ngủ được

bão trong thơ anh xoáy lốc tim tôi
hương trong thơ anh cay ra ngoài trời
máu trong thơ anh ồng ộc sa bồi

người ta làm thơ khi cười khi khóc
riêng anh làm thơ phọt từng miếng óc
ảo ảnh con trai rút mình làm ngọc

nếu không bật khóc tôi sẽ làm gì
nếu không biết hát tôi sẽ làm gì
nếu không câm điếc tôi sẽ làm gì

tôi sẽ cùng anh ngồi thương đĩ điếm
tôi sẽ cùng anh mắt trừng phù phiếm
tôi sẽ cùng anh cúi đầu tụng niệm

rồi theo gió mây về chốn quê nhà
dốc bầu rượu gạo tăm tăm cỏ hoa
uống cho say ngất mơ thành Nữ Oa…

cơ quan không có việc
ấm trà lại nước tán chuyện suông
ở nhà hồn thơ vắt kiệt
rảnh rang giành vợ thổi cơm

khi đọc sách lúc xem phim
sách quý phim hay sao hiếm
bia chẳng đủ say mời bạn đến
cạn ly rượu gạo nói tri âm

thôi thì danh hão mà làm chi
văn chương cái nợ tựa tình si
thương vợ thương con ngày rỗng túi
kể cái thân trai chẳng ra gì

thôi thì coi sống cùng như chết
sinh tử mấy ai đà bất diệt
mím môi nào có khác nhăn răng
mặt trời cũng tròn tựa mặt trăng…

vẽ tôi mực rượu giấy trời
nửa say nửa tỉnh nửa cười nửa đau

vẽ tôi thơ viết nửa câu
nửa câu ma quỷ đêm sâu gọi về

vẽ tôi thấy đẹp là mê
thấy ghen là sợ thấy quê là nhà

vẽ tôi lặng nhớ mưa xa
tiếu lâm đời thực khóc òa chiêm bao

vẽ tôi xê dịch ba đào
bốn mươi chín ký thấp cao chân mình

vẽ tôi con Lợn cầm tinh
con Gà cầm tháng con Tình cầm tay

vẽ tôi mưa nắng béo gầy
thu đông xuân hạ tháng ngày nhớ quên…

Trên đây, uct.edu.vn đã tiếp nối bài viết trước Nhà Thơ Nguyễn Trọng Tạo Cùng Tập Thơ Nương Thân Phần Đầu chúng tôi đã chia sẻ cho bạn những bài thơ đặc sắc còn lại của ông. Hy vọng các bạn sẽ yêu thích bài viết này của chúng tôi! Hãy đồng hành cùng chúng tôi để theo dõi những bài viết hấp dẫn hơn nhé! 

Related posts

Nhà thơ Thái Bá Tân và tuyển tập thơ dịch tác giả khác phần 2

admin

Nhà thơ Yến Lan và tuyển tập thơ tứ tuyệt hay phần 3

admin

Thi sĩ Yến Lan cùng tập thơ Tứ Tuyệt vang danh phần 4

admin

Leave a Comment