Nhà Thơ Nổi Tiếng

Nhà Thơ Phan Bội Châu Cùng Tập Thơ Tiếng Việt Đặc Sắc Phần 2

Phan Bội Châu là một người thủy chung yêu nước thành thật, một người cách mạng chân chính để lại nhiều ảnh hưởng sâu sắc đến đất nước ta. Những tác phẩm của ông được đánh giá là cái vốn quí báu nhất trong kho tàng văn học yêu nước cách mạng Việt Nam trong khoảng ba mươi năm đầu thế kỷ

” Lôi đình trên ngọn bút ” đó là phong khí, là thực chất thơ Phan Bội Châu. Ngoài nội dung tư tưởng cao quí, thơ ông nhiều khi lại lai láng tình cảm, bay bổng tưởng tượng, bao giờ cũng hùng biện lâm ly, dễ thấm sâu vào lý trí, cõi lòng . Những tập thơ của ông luôn được nhiều thế hệ bạn đọc yêu mến

Chúng ta cùng nhau đi tiếp phần 1 bằng những bài thơ hay trong tập Thơ Tiếng Việt nhé. Hãy cảm nhận và chi sẻ những suy ngẫm của mình về bài viết của chúng tôi nhé!

Nội Dung

Dây lưng một giải bền hơn sắt;
Nét máu ngàn thu đậm với hồng.

Câu đối mặt này còn thiếu chữ;
Dám xin đồng chí góp thêm lời.

Ngọn đèn leo lét quá đêm thâu,
Chợt thấy vừng đông hé nửa đầu.
Dùi trống Linh Quang khua xóm núi,
Chày chuông Thiên Mụ đuổi thuyền câu.
Lưng trời nắng nhạt sao đôi nụ,
Mặt bể hồng tươi nước một màu.
Ba tiếng gà kêu thiên hạ rạng,
Dậy xem tia sáng khắp năm châu.

Sao ông ăn hiếp mãi thằng bần,
Gió táp mưa sa chọc tấm thân,
“Ai ăn bánh mì không?”… rao rát miệng,
Đường bùn lầy quá bước chồn chân,
Trương liều tấc bụng cho trời thấy,
Bấm chặt đôi giò kẻo đất lăn,
Đành tủi cho em nhưng chẳng tủi,
Xưa nay hào kiệt vẫn gian tân!

Đường trơn như mỡ bấn như dưa,
Nách kẹp đi hoài mới ngán chưa?
Dài họng kêu to khua quỷ đói,
Cứng chân bước dõi đuổi thần mưa,
Mang mì sẽ nếm lòng thiên hạ,
Bán miệng mừng không thuế nước nhà.
Lũ đó có chăng phường Ngũ Tử,
Thường ngày tiếng sáo dọi tai ta

Mưa sao mưa mãi mãi hoài,
Thần nắng đi đâu chẳng tới nơi?
Bốn vách rêu đầy liền trét đất,
Năm canh ếch gáy, sấm vang trời.
Cha xanh e muốn tù con chứ?
Thầy nước hay toan chọc lão chơi?
Xung quá quyết nhào luôn bốn bể,
Ngập thời ngập nốt kể gì ai!

Trông ngoài mấy tháng khát khao mưa,
Mưa chết chòm này chẳng ngán thơ?
Nước sẵn oai quyền lên đáo để,
Trời dư giọt mắt khóc bơ vơ!
Phu xe luống sợ đi trơn té,
Cụ lớn thêm mừng giấc dậy trưa!
Ai chớ tưởng nhầm minh gió sấm,
Tiếng trùng tiếng ếch tiếng ngâm thơ…

Một ngọn đèn xanh giỡn bóng chơi,
Toan đem câu chuyện hỏi cùng trời.
Năm canh chuông mõ nghe đâu Phật,
Bốn mặt non sông vắng ngắt người.
Tiếng ngáy xung quanh e sấm thở,
Hồn thơ lơ lửng tưởng trăng cười.
Không đi chẳng lẽ ngồi hoài mãi?
Đông lại xuân qua, tối lại mai.

Khuya khoắt mình riêng nghĩ vắn dài,
Ngó xuôi ngó ngược bóng theo người.
Nhét năm ba chữ thêm đầy bụng,
Kể ức ngàn thu, quá ngán đời.
Ếch réo tư bề mừng được nước,
Dế ngâm bốn vách khóc không trời.
Thôi thì mình biết mình là đủ,
Cũng chẳng chiều ai chẳng luỵ ai.

Khen ai khéo vẽ nét trời thu,
Nước biếc non xanh một bức đồ,
Bên vách rỉ reo đờn cánh dế,
Ngoài sân lác đác mõ nhành ngô.
Mây năm tầng bủa, rồng phun nước,
Trống bốn bể vang, ếch được mưa.
Đêm vắng cùng ai trò chuyện nhỉ?
Chuông chùa xen với tiếng nam mô.

Đêm lơ lửng mình cùng trời đứng,
Mình hỏi trời, trời lửng làm thinh.
Trên trăng, dưới nước, giữa mình,
Thôi thời với bóng tự tình vân vi…
Khen cho bóng thực tay lanh đỡ,
Chưa dứt câu đã mở miệng rồi.
Rằng: “Ai như nghĩa ông tôi,
Khi đi, khi đứng, khi ngồi theo ông.
Sao ông vẫn hình dung buồn bã?
Khiến cho tôi rầu rã vì ông.
Điều gì uất kết ở trong,
Xin ông kể thực nỗi lòng tôi nghe!”
– “Ừ muốn nói, nhưng e đêm ngắn,
Lời quá dài thêm bận lòng ngươi;
Lạ lùng cho mụ bà trời
Thình lình đẻ rớt một người là ông.
Oa một tiếng non sông nứt nẻ,
Nối Rồng Tiên xin kể một người.
Sáng hai mắt, tỏ hai tai
Khuôn thân bảy thước khá dài, khá to.
Đầu óc vân tròn vo sâu hoáy
Râu mày xem dáng thảy nam nhi.
Mĩ Âu đất há chật gì?
Tình cờ sinh ở Trung Kỳ Việt Nam!
Sao chẳng điếc, chẳng câm cho rảnh?
Sao hay mang, hay gánh hoài hoài?
Chân không, sao muốn đá trời?
Tay không, sao muốn lấp trời dời non?
Lưỡi khua mõ chẳng mòn sao nhỉ?
Ruột quay tơ chẳng nghĩ gì sao?
Gân đồng xương sắt thế mà?
Đành cho muôn sặt (tên) bắn vào bia thân?
Sao mãi mãi phong trần không đã.
Mà gan vàng dạ đá trơ trơ?
Ích gì nghĩ vẩn nghĩ vơ
Nghĩ mình, mình luống ngẩn ngơ tháng ngày.
Chẳng ích gì sao hay làm mãi?
Làm mãi sao chẳng cái gì thành?
Tại ai? Hay tội tại mình?
Tại mình? Hay cũng sự tình tại ai?”
Bóng nghe hỏi, thở dài mà nói:
– “Kể đầu đuôi, thưa tội tại ông
Miệng đời độc ngọt gian nồng
Sao ai lừa gạt mà ông nghe liều?
Ông xem xét còn nhiều hờ hững
Việc trăm năm tưởng những rày mai,
Lòng ai, ông tưởng như ai
Biết đâu rắn rết hươu nai đầy đường!
Người khôn khéo ông càng thua vụng,
Trước bầy ma phun giọng phật linh.
Ngu sao chúng trọc mình thanh,
Cuồng sao chúng tuý mình tinh là gì?
Ông chẳng thấy thời này danh giá,
Chẳng gì hơn xe ngựa lâu đài?
No cơm, ấm áo là rồi,
Ai còn nghĩ đến việc ngoài thân gia?
Dù lịch sử ông cha, thây kệ,
Nhục hay vinh họ kể gì đâu?
Việc gì ông cứ bo bo,
Trong thiên hạ kể rất ngu ai bằng.
Ông thử dắt nường trăng xuống hỏi,
Xem như lời tôi nói phải không?”
Nghe lời lòng lại dặn lòng:
Đã xe trước đổ, còn hòng xe sau.
Bóng hỡi bóng, giùm nhau tính rốn,
Còn sau này với bạn tâm tri!
Vừng trăng vừa ẩn non Tây,
Trần đông lừng lựng lại mày với ta.

Cây dáng xanh um, nguyệt dáng trong
Ngự Bình sơn, phải núi mình không?
Đát trơ trẽn mặt, non như thẹn,
Gió gớm ghê chiều, đá dễ long.
Trải mấy bể dâu và bức hoạ,
Nỏ bao mưa nắng một chồi thông.
Bốn mươi năm trước từng bầu bạn,
Ông nhớ mình chăng? Sẽ hỏi ông.

Ông nhớ mình chăng? Sẽ hỏi ông,
Hồn đi đâu vắng? Núi nằm không?
Đứng năm canh suốt, bao anh đá,
Reo một mình suông, mấy cụ tùng?
Trời ngẩn ngơ say, người chếch bóng,
Gió thờ ơ mát, nguyệt tròn vòng.
Ngự Bình! Há lẽ quên sao nhé?
Vun đắp nghìn thu dấu tổ tông..

Tự tùng phân thủ, lục tải dư tương ức đán tương văn, vọng Ba Lê, vọng Tây Cống, chuyển vọng Đông Kinh, thiên hải thương mang, thuỳ lão lệ;

Tổng cá thương tâm, bách niên trung đồng sinh nghi đồng tử, khốc Tây Hồ, khốc Tập Xuyên hựu khốc phu tử, giang sơn tịch mịch, mãn bi phong.

Ừ, thế non sông mới thấy tài!
Tài cao há lẽ mẹp như ai?
Xung lên, trời muốn hai tay đấm,
Hứng tới, vời toan một cẳng bơi.
Mây gió xoay tròn đầu ngọn bút,
Càn khôn chết lỏng nửa tròng ngươi.
Khí thiêng đất nước còn nguyên đó,
Chín suối ai ơi đứng dậy cười

Cười ngất ông xanh quá thiệt thà,
Sinh ta nhưng cố bắt làm ta.
Ngoài năm châu lớn gì gì huậy?
Trong bốn nghìn năm thế thế a?
Trót chẳng hay ư, nhưng chẳng dở,
Đành không trẻ nữa, ngán không già.
Mò tìm quên quách chòm râu bạc,
Bảy chục còn nghi tuổi mới ba..

Thấy vui liền vác tập thơ ra,
Đồ nhắm xưa nay cụ với ta.
Son mực thảy thừa oan kiếp giấy.
Gió mưa lầm lạc rủi đời hoa.
Tấm bia vạn cổ trời đề chữ,
Nắm cốt ba sinh đất gán nhà.
Trên án hương tâm, hồn hỡi dậy.
Sau ly rượu cúc, trước chung trà.

Vì sợ người ta ngủ quá say,
Liều công đánh thức cả đêm ngày.
Giờ thì ghi nhớ mười hai tiếng,
Máy thánh thiêng liêng một sợi dây.
Chuông có hồi kêu người phải tỉnh,
Phút không khi nghỉ đất hằng xoay.
Khen cho tài ngủ người mình nhỉ?
Reo đã bao lâu cũng kệ thây

Cha mẹ em đều chết mất rồi!
Cho nên em phải chịu mồ côi.
Cù tao chín chữ khôn đền một,
Cầm sắt trăm năm chẳng vẹn mười.
Ngậm đắng nhân tình đen tựa lọ,
Nuốt cay thế thái bạc như vôi!
Thôi thì tụng niệm “Nam mồ phật”,
Sắc sắc không không khỏi luỵ đời!

Mưa sấm âm thầm giữa buổi khuya,
Chốc vang tiếng trống tẻ te te.
Tác lên vừa lúc năm canh rạng,
Kêu lớn cho người bốn bể nghe.
Vỗ cánh ba hồi khua chúng dậy,
Chẻ then muốn cửa rước xuân về.
Nhẽ nào cam được non sông ấy?
Một gáy vừng đông bỗng lập loè.

Núi đó ai đây bể đó ai?
Giang hồ đầy đất một cha chài.
Mênh mông nước bạc trời mù tít,
Đủng đỉnh thuyền câu lão sống dai.
Trước mắt đã làm cơ tạo hoá
Trong tay chi sót ngón cò trai?
Từng phen ghềnh thác, từng giông tố,
Nhắm cuộc năm châu tủm tỉm cười

Tơi nón kia kìa đố biết ai?
Giang hồ đầy đất một cha chài.
Nhà trên mặt nước mênh mông biển,
Chài giữa lòng sông ngất ngưởng trời.
Đã kiếp trong đời mong gánh vạn,
Phải gan đầu gió vững phân mười.
Rày mai kiếm cách câu cho thú,
Bắt lũ kình nghê nhốt lại chơi..

Vì cớ sao mà khát nước hoài?
Trà đâu ta sẽ nếm mày chơi.
Chẳng Tàu thì Huế tha hồ thú,
Pha tục và tiên đặc bỏ đời.
Nóng nguội tình người năm bảy chén,
Lạt nồng mùi thế, một vài hơi.
Trà ơi! Còn nước là vinh hạnh,
Cháy lưỡi khô môi thảm những ai

Con đường Vinh – Huế chẳng bao xa,
Bảy tám năm trời vắng chẳng ta.
Duy có mộng hồn mau chóng tuyệt:
Chỉ trong nửa phút lại liền qua.

Đêm ngày mơ tưởng mặt Hồng Lam
Nếu hoá thân làm ngọn gió nam,
Thổi miết một hơi về tận Nghệ,
Câu thơ bầu rượu, họp anh em.

Ước ao gió thổi Bác vào kinh,
Gió thổi Nam hoài, quá bực minh
Nếu có tàu bay lên vặn miết,
Trong ba mươi phút tới thành Vinh.

Phàm vật hữu hình giai hữu hoại
Một nắm xương nuôi mối có gì gì
Chẳng bao lăm ba vạn sáu ngàn ngày
Trăm tuổi cũng không hơn gì chốc phút
Bất hủ chỉ phương danh là thọ tột
Chẳng phương danh thì trăm một nay mai
Kìa núi có khi lở, biển có khi vơi
Có khi sụp đất, có khi đổ trời
Duy danh ấy đời đời thường bất hủ
Miếng bả vinh hoa – đèn trước gió
Lớp tường phú qúi – giấc chiêm bao
Oa-dinh-tông chất ngất bức thành cao
Hoa-thịnh-đốn chẳng bao giờ chết đặng
Đám mây nổi giữa từng bay thấp thoáng
Mặc dầu đẹp, ăn dầu ngon
Dầu lớn cửa nhà, dầu nhiều tiền lắm ruộng
Chẳng thấy ai mang xuống tuyền đài
Ma cướp người nào có chừa ai?
Dầu vương tướng công hầu đâu tránh khỏi
Ai có óc thử nghĩ đi, ngắm lại
Đem hình hài mà đổi lấy phương danh
Sinh là tử mà tử cũng là sinh
Toan bất tử, phải bất sinh là trí tuyệt
Xem vô số thánh hiền hào kiệt
Trên sử xanh chưa thấy chết là ai
Trưng Nữ Vương vẫn sống hoài hoài
Trần Hưng Đạo vẫn như người hiện đại
Non sông đổi mà phương danh bất cải
Mỹ miều thay cô gái phương danh
Bạo gan hãy cưới lấy cô mình
Đã bất tử lại trường sinh mãi mãi
Mả Tần Đế, Ly Sơn thành đất cái
Vàng Thạch Sùng, Kim Cốc lại còn đâu
Danh kia bất hủ ngàn thu.

Ba vạn giang sơn chút tẻo teo
Ai dò bể Phật tới nguồn đâu
Kệ thần mặc ý trong lòng niệm
Đèn tuệ tha hồ trước gió treo
Bờ nọ thuyền đưa giòng họ tới
Trời này mưa móc cỏ cây dầu
Xưa nay Phật pháp vô biên lượng
Muôn ước nghìn non một tiếng kêu.

Bản lai không vết cậy gì thoa
Hoá gặp đâu thì cũng thế à
Một chữ đã đành thân quý trọng
Trăm năm phải tính cuộc gần xa
Tải vì cái kiếp con không mẹ
Hổ cũng như ai sãi có chùa
Khuya sớm hương tâm nguyền với Phật
Nhành dương mưa rưới vạn nghìn hoa

Chờ đợi trường danh tý chẳng màng,
Sao ăn không ngọt, ngủ không an?
Trăm năm ngán đó tuồng đâu bể,
Muôn họ nhờ ai bạn chiếu chăn.
Cửa sấm gớm ghê người đánh trống,
Tai trâu mệt mỏi khách đưa đàn.
Lòng sen đàng đẵng tơ sen vướng,
Mưa gió bao phen gốc chửa tàn.

Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi,
Ta bồi cho chúng chị em coi.
Giận cho con cái đà hư thế,
Nhớ đến ông cha dám bỏ hoài.
Còn núi, còn sông nhìn vẫn rõ,
Có hồ, có giấy dễ như chơi.
Vì chưng hồ giấy ta chưa có,
Đành chịu ngồi trông rách tả tơi.

Hoá rách ra lành thế mới hay,
Trời giăng giấy khắp, đất hồ đầy.
Non sông sẵn vóc thêu hoa gấm,
Gan óc ghe phen trổ gió mây.
Trắng úa, hồng tươi tuỳ thợ ý,
Bột rền, keo dẻo cốt thầy tay.
Người đà mới mới ta nên mới,
Bồi vá mà chi, khéo khuấy rầy

Một vùng kim bích giữa hồ đầm,
Thần múa, tiên cười trước gió nam.
Tròn lửng bóng in trăng đáy nước,
Hồng tươi sắc khiếp ráng chiều hôm.
Trên tay Phật Thích càng thêm thánh,
Dưới gót Phan Thi chẳng kể phàm.
Quân tử hay hoa ai biết chẳng,
Ngàn thu ruột đắng với lòng thơm.

Trên đây, uct.edu.vn đã tiếp nối bài viết Nhà Thơ Phan Bội Châu Cùng Tập Thơ Tiếng Việt Đặc Sắc Phần 1 bằng những bài thơ xuất sắc nhất của ông. Mời các bạn hãy đón xem phần 3 vào một ngày gần nhất nhé. Hãy chia sẻ cho chúng tôi những cảm nhận và ý kiến của bạn về bài viết để chúng tôi hoàn thiện hơn nữa. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này! 

Related posts

Chim Trắng – Hồ Văn Ba Và Tập Thơ ” Quán Bạn” Nổi Tiếng

admin

Nhà Thơ Molière Cùng Bài Thơ Độc Nhất Vô Nhị Lừng Danh

admin

Mưa Thuận Thành – Tập thơ vang danh được yêu thích nhất của Hoàng Cầm

admin

Leave a Comment