Nhà Thơ Nổi Tiếng

Nhà thơ Tản Đà và những bài thơ xuất sắc để đời phần cuối

Sự nghiệp sáng tác thơ ca của Tản Đà được đánh giá rất cao. Điều đầu tiên và có thể thấy dễ dàng nhất chính là tài năng của ông được bộc lộ rất sớm và số lượng các sáng tác thơ ca cũng rất đáng ngưỡng mộ. Đó cũng chính là một phần lý do mà ông được các nhà thơ khác đánh giá cao như vậy. Để hiểu thêm về phong cách sáng tác thơ ca này bạn đừng quên theo dõi những bài thơ cuối cùng mà chúng tôi giới thiệu dưới đây bạn nhé!

Nội Dung

(Tức ông Tú Nguyễn Đỗ Mục, biệt hiệu Hi Đình Nguyễn Văn Tôi, viết hài đàm ở báo Trung Bắc tân văn khi ấy)

Nhà báo cho đơn thuốc,
Chữa bệnh trong tâm hồn.
Ngày ngày nên tụng niệm,
Lâu lâu khỏi ngứa mồm.

Hài đàm ôi! Hài đàm ôi!
Ngứa mồm dại đến thằng “Tôi” là cùng.
“Chim trích mà ghẹo bồ nông”
Từ đây biết dại “lạy ông xin chừa”.

Đờn là đờn
Thơ là thơ
Thơ thời có chữ, đờn có tơ
Nếu không phá cách vứt điệu luật
Khó cho thiên hạ đến bao giờ?
Bá Nha xa
Lý Bạch khuất
Thơ có họ Phan, đờn có họ Quách!
Thơ có chữ
Đờn có tơ
Đờn thời ngơ ngẩn, thơ vẩn vơ
Tài tử văn nhân nhường rứa rứa
Bút huê ngao ngán bận đề thơ

Tết năm Đinh Mão sang đầu xuân
Ta có thơ mừng khắp quốc dân
Mừng cho ai nấy có tư cách
Trước biết ái quốc, sau hợp quần
Ta mừng những ai trong quan trường
Người thì chính trực, kẻ thuần lương
Cửa đông như chợ, lòng như nước
Coi thằng khố rách, yêu mà thương
Ta mừng những ai nhà tư bản
Của một lên trăm, trăm gấp vạn
Công an, công ích giúp đồng bang
Trọng nghĩa khinh tài lòng cộng sản
Ta mừng những ai nơi thôn quê
Ông chánh, ông phó, người cày thuê
Gia đình vui vẻ, đinh tài vượng
Suốt năm chẳng tới cửa ông đề
Ta mừng những ai người nơi xa
Người nơi quân ngũ, kẻ thương gia
Quanh năm yên ổn vô tai hoạ
Đòi khi nhớ nước, sau nhớ nhà
Nước nhà năm mới thơ mừng chung:
Vạn sự vạn vật đều hanh thông!
Trời Nam hoa thảo xuân vô tận!
Đất Bắc giang sơn vận bất cùng!
Một giải sông Đà vạn cổ lưu!
Ba Vì núi Tản thiên niên thọ!
An Nam tạp chí vạn thiên thu!
Cùng nước An Nam thiên vạn cổ!

Đời người như giấc chiêm bao
Nghĩ xưa đã mấy ai nào trăm năm
Một đoàn lao lực, lao tâm
Quí chi chữ “thọ” mà lăm sống nhiều!
Có tiền chưa dễ mà tiêu
Ham danh lắm kẻ như diều đứt dây
Thương ai cho bận lòng đây
Cho vơi hũ rượu, cho đầy túi thơ
Cảnh đời gió gió, mưa mưa
Buồn trông, ta phải say sưa đỡ buồn
Rượu say, thơ lại khơi nguồn
Nên thơ rượu cũng thêm ngon giọng tình
Rượu, thơ, mình lại với mình
Khi vui quên cả cái hình phù du
Trăm năm thơ túi, rượu vò
Nghìn năm thi sĩ, tửu đồ là ai?

Ai rằng Nam, Bắc cách đôi nơi
Cũng một non sông, một giống nòi
Hoa gấm cũ càng nguyên phẩm quý
Phấn son tô điểm lại mầu tươi
Mày râu ai hẳn không nhiều kẻ
Khăn yếm ta hay chẳng thiếu người
Bạc đánh còn tiền thua cóc sợ
Đời chưa đáng chán, chị em ơi!

Phòng văn lặng ngắt bóng giăng mờ
Ngồi nghĩ thơ mà luống thẩn thơ
Chỉ thắm ai người tơ tưởng mối
Ruột tằm còn những vấn vương tơ
Bụi nhờn mặt trắng da đen sạm
Tuyết nhuộm đầu xanh tóc bạc phơ
Thơ nghĩ chưa ra già đã tới
Buồn chăng ai hỡi, bạn làng thơ!

Chồng trung cho thiếp mới nên trinh
Nửa vị giang san, nửa vị tình
Mặt phấn môi son lòng nước biếc
Gan vàng dạ ngọc đá bia xanh
Sô gai thiên hạ âu thừa nhỉ
Gió bụi nhân gian chẳng bận mình
Qua lại thuyền ai sông Thuý Ái
Còn chăng sóng gợn với hương thanh

Thương ai điêu đứng phong trần
Thương ai án tuyết song hoành luống công
Công lênh vụng bước tao phùng
Giời xanh đã chán má hồng không yên
Thương ai tủi liễu oan đào
Thương ai đi đứng ra vào hổ ngươi
Trăm năm thẹn nói dơ cười
Hồng nhan mang lấy của giời mà chi!
Thương ai nhằm bẽ tu mi
Thương ai áo khép chân quỳ hôm mai
Vị chi một vẻ cân đai
Mà con người ấy ra người bó tay
Thương ai vò võ canh chầy
Thương ai nấn ná tháng ngày chiếc thân
Gió thu lần lượt mưa xuân
Huê tàn giăng xế vơi phần điểm trang
Thương ai dạ ngọc gan vàng
Thương ai thân bỏ chiến trường như không!
Vô tình chi mấy hoá công
Giang sơn để giận anh hùng nghìn thu

I
Nhác thấy không đành mất
Cho nên tiếc của đời
Chị Hằng ơi chú Cuội
Con cú nọ cành mai
Khốn nạn, người hay ngợm
Thương ôi, sắc với tài
Chẳng qua duyên nợ phượu
Gìn giữ luống công tai!

II
Trông ai mà lại tiếc cho ai
Ai thế, ai ơi, thế cũng hoài
Tưởng lúc gối chăn chung lại chạ
Thời bao son phấn đượm càng phai
Đầu xanh trải đã bao khôn dại
Phận bạc đeo chi lấy sắc tài!
Hỏi cũng e lời, ngơ cũng tội
Trông ai mà lại tiếc cho ai

III
Ấy ai như thế thế mà ưa
Ai bảo khôn ngoan hoá cũng khờ
Chẳng biết mê bùa hay đắm thuốc
Mà tham kết tóc với se tơ
Một nhầm hai dại còn chi nữa
Ngàn khéo trăm khôn thế cũng thừa
Tôi thấy người ta sao nó nói:
Có chồng càng lại dễ hơn chưa

Thôi năm Đinh Mão đã qua rồi
Xã hội xem chừng vẫn thế thôi
Một cuộc chiến tranh thành cũng hão
Tứ mùa ngày tháng thoáng như trôi
Sinh tồn góp mãi trong vòng đất
Tiến thủ thương ôi cái tuổi giời
Non nước sang xuân hoa cỏ mới
Nước non Đinh Mão ngậm ngùi ai

Hăm ba tháng chạp tiễn ông Công
Thường tục từ xưa có phải không?
Chẳng biết hoàn cầu đâu cũng thế
Hay chỉ người Nam lễ tục chung?
Cùng trong đất nước xin theo chúng
Gọi có hương vàng cúng tiễn ông
Ngựa cá ông lên chầu Thượng đế
Trần gian xin nhớ có tôi cùng
Tôi tên Khắc Hiếu, họ là Nguyễn
Đã có từ phen đến đế cung
Hầu Giời một chuyến từ năm ấy
Thấm thoắt nay đà mấy chục đông
Giời có sai tôi một việc nặng
Đến nay tôi vẫn làm chưa xong
Cũng vì cảnh riêng thật bối rối
Ở không yên ổn chạy lung tung
Khê Thượng, Bất Bạt về Hà Nội
Sài Gòn, Vĩnh Yên ra Hải Phòng
Bờ hồ Hoàn Kiếm xuống Nam Định
Sế chợ Đồng Xuân sang Hàng Bông
Phố tỉnh Sơn Tây lại Khê Thượng
Một tết Quảng Yên, nay Hà Đông
Khi làm chủ báo, lúc viết mướn
Hai chục năm dư cảnh khốn cùng
Trần gian thước đất vẫn không có
Bút sắt chẳng hơn gì bút lông
Ngày xanh như ngựa đầu xanh bạc
Ngày xanh như ngựa, đầu xanh bạc
Chán cả giang hồ, hết cả ngông
Qua hết đông này năm chục tuổi
Xuân sang đã nửa giấc mơ màng
Văn chương quẩn mãi cùng thân thế
Sự nghiệp mong gì với núi sông
Câu chuyện hầu giời khi tưởng đến
Gan vàng như nấu lại như nung
Nếu không một việc làm xong trọn
Luống để trăm năm mắc thẹn thùng
Chút lòng tri kỷ xin ông giúp
Minh bạch tâu lên đến cửu trùng
Hai chữ “thiên lương” thằng Hiếu nhớ
Dám mong không phụ giời trông mong

Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi
Ta bồi cho chúng chị em coi
Giận cho con cái đà hư thế
Nhớ đến ông cha dám bỏ hoài
Còn núi, còn sông nhìn vẫn rõ
Có hồ, có giấy dễ như chơi
Vì chưng hồ giấy ta chưa có
Đành chịu ngồi trông rách tả tơi

Tình tình sắc sắc
Muốn buông ra mà lắc rắc mãi chưa ra!
Lại vương thêm tơ tóc mối trần ai
Nợ nhân thế khéo dằng dai là thế thế!
Nhất thiên linh vũ sơn hà lệ
Ngũ dạ bi phong thảo mộc đề
Bởi vì đâu cơn tỉnh lại cơn mê
Giời đất ấy nghĩ mê mà nghĩ chán
Ngọn bút thuỷ bôi đen bao tuế nguyệt
Kiếp phù sinh thêm thẹn với làng chơi
Đố ai lượm đá quăng giời!

Một chiếc song loan cách mỏ Vàng
Xe hơi khách đã tới chùa Hương
Mơ màng sắt đá năm canh vắng
Quanh quất non sông mấy dặm trường
Tiếng quốc gọi luôn hồn mộng tỉnh
Ruột tằm thêm mãi mối tơ vương
Ai đi Uông Bí nhờ thăm hỏi
Hai chữ Vàng Danh nghĩa cũ càng

Sáu mươi nhân thế, thế mà thôi
Đinh Sửu năm nay thiếu một rồi
Thế tục thiên thu đường vạn lý
Gia đình xã hội gánh hai vai
Đầu xuân đã thấy thoi đưa én
Cuối chạp rồi xem tuyết điểm mai
Hỡi khách đa tình ai đó tá
Cuộc cờ năm mới tính sao ai?

(Luận văn có thơ)

Hai mươi nhăm triệu con người
Trừ ra khăn yếm còn thời mày râu
Chắp tay rồi lại cúi đầu
Nghĩ nguồn cơn ấy ai sầu chăng ai!
Thế mà cũng kiếp làm trai
Con Hồng cháu Lạc cũng nòi giống ta
Ai về nhắn bạn quần thoa
Chồng con như thế xót xa thế nào?
Thương ai phận gái má đào

Vùng đất Sơn Tây nảy một ông
Tuổi chửa bao nhiêu văn rất hùng
Sông Đà núi Tản ai hun đúc?
Bút thánh câu thần sớm vãi vung
Chữ chữ nôm nôm nào kém cạnh
Khuyên khuyên điểm điểm có hay không?
Bởi ông hay quá ông không đỗ
Không đỗ ông càng tốt bộ ngông

(đêm giao thừa năm Quý Dậu với năm Giáp Tuất)

Sông Đà núi Tản đúc nên ai
Trần thế xưa nay được mấy người?
Trung hiếu vẹn tròn hai khối ngọc
Thanh cao phô trắng một cành mai
Bạc tiền gió thoảng: thơ đầy túi
Danh lợi bèo trôi: rượu nặng vai
Giáp Tuất giời sai tiên nữ xuống
Thiên thu đặc cách cái xuân dài

Lạnh lẽo hơi thu chiếc lá bay
Gió đưa người cũ lại về đây
Ba Vì tây lĩnh nom thêm trẻ
Một giải thu giang nước vẫn đầy
Nam Bắc đã nên người duyệt lịch
Giang hồ đáng chán vị chua cay
Mười ba năm đó bao dâu bể
Góp lại canh trường một cuộc say!

Bác đã về thôi, đời đáng chán!
Tôi còn sống mãi, rượu cùng ai?

Ôi thôi hỡi bác Tản Đà:
Suối vàng nay đã lánh xa cõi đời
Xa trông mây nước ngậm ngùi,
Tấm lòng thương nhớ mấy lời viếng thăm.
Nhớ ai vấn vít tơ tầm,
Nước non ai kẻ đồng tâm hẹn hò.
Thơ đầy túi, rượu lưng hồ,
Dẫu cho kiết cũng danh nho nước nhà.

Ôi thôi hỡi bác Tản Đà!
Suối vàng nay đã lánh xa cõi đời.
Tôi với bác, bác với tôi,
Tuy không quen biết cùng người đồng bang.
Lại thêm cùng mối văn chương,
Chung tình non nước, tơ vương bên lòng.
Bấy lâu tôi những ước mong,
Có phen run rủi tương phùng hai ta.

Ôi thôi hỡi bác Tản Đà!
Suối vàng nay đã lánh xa cõi đời.
Làm chi vội mấy bác ơi,
Chí cao nghiệp lớn ai người nối theo.
Thuyền nan ai giữ mái chèo?
Con thuyền bản quốc ai liều sóng khơi?
Bức dư đồ rách ai bồi?
Báo An Nam nghỉ ai rồi lại ra?

Ôi thôi hỡi bác Tản Đà!
Suối vàng nay đã lánh xa cõi đời.
Than ôi! còn đất còn trời,
Còn non còn nước, đâu người nước non?
Đà dù cạn, Tản dù mòn,
Danh thơm thi sĩ vẫn còn truyền lâu.
Hồn thơ phảng phất nơi đâu,
Chút tình có thấu cho nhau chăng là.

Ôi thôi hỡi bác Tản Đà,
Suối vàng nay đã lánh xa cõi đời…

Mê Linh khuất bóng, gái còn ai?
Bà Triệu nhà ta cũng đáng tài
Vùng vẫy non sông ba thước vú
Xông pha tên đạn một đầu voi
Duyên trần chẳng chút tơ vương mối
Nợ nước riêng mình gánh nặng vai
Thua được cũng cho Ngô biết mặt
Lam Sơn còn có gái tài trai

Hồ Gươm sen mới ra hoa
Cả hương cả sắc ai là không chơi
Sen tàn lá rách tả tơi
Quanh hồ lai vãng, ai người tiếc thương
Nước hồ sen đứng soi gương
Còn đâu là sắc là hương với đời
Tủi thân sen lại giận giời
Cho chi hương sắc cho người trọng khinh

Suối tuôn róc rách ngang đèo
Gió thu bay lá, bóng chiều về tây
Chung quanh những đá cùng cây
Biết người tri kỷ đâu đây mà tìm
Hỏi thăm những cá cùng chim
Chim bay xa bóng, cá chìm mất tăm!
Bây giờ vắng mặt tri âm
Lấy ai là kẻ đồng tâm với mình?
Nước non vắng khách hữu tình
Non xanh nước biếc cho mình nhớ ai!

Tin xuân đến ngọn cây đào
Bảo cho hoa biết ra chào Chúa Xuân
Mỗi năm xuân đến một lần
Thiều quang chín chục xoay vần chẳng sai
Ngày xuân còn mãi không thôi
Tuổi xuân ai dễ xanh rồi lại xanh
Đường mây những khách công danh
Mày râu cụ lớn thay hình thanh niên
Thành sầu mấy ả Khâm Thiên
Én oanh dẫn lối con thuyền Tầm Dương
Làng văn mấy bạn văn chương
Bút hoa án tuyết, hơi sương mái đầu
Tiểu thư ai đó tựa lầu
Thơ đào chưa vịnh, mai hầu bảy ba
Trời xanh, trời cũng khi “già”
Xuân xanh, xanh mãi đâu mà, hỡi ai!
Gặp xuân ta hãy làm vui
Kẻo nay xuân đến kẻo mai xuân về
Vui xuân rượu uống thơ đề

Thật có hay là mắc tiếng oan
Kém năm trăm nữa đủ ba ngàn!
Hơi đồng đã sạch mồm ông lớn
Mặt sắt còn bia miệng thề gian
Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn
Cho nên quân nó dễ làm quan
Đào mà đào được nên đào mãi
Mềm cứng bây giờ đất Vĩnh An?

Xuân kia sáu bẩy mươi lần
Của giời tham được độ ngần ấy thôi
Chơi hoang mất nửa đi rồi
Ngẩn ngơ ngồi nghĩ thân đời mà lo
Trông gương luống đã thẹn thò
Một mai tóc bạc vai gù mới dơ
Thương thay! xuân chẳng đợi chờ
Tiếc thay! xưa những hững hờ với xuân
Trăm nghìn gửi lại Đông Quân
Hãy khoan khoan tới, hãy dần dần lui
Lượng xuân xin chớ hẹp hòi

Giáp Tuất qua rồi, Ất Hợi đây,
Ngày đi như biến, tháng như bay.
Tháng ngày bay biến năm ra khác,
Mà cái xuân tình chẳng đổi thay.

Nhất cao là núi Ba Vì,
Cây cao nhất núi chẳng gì bằng thông.
Trải bao xuân, hạ, thu, đông,
Càng sương phủ trắng cho tùng càng xanh.

Ngày xuân mới, ca oanh, múa én,
Đối non xanh, cất chén rượu đào.
Hương đưa mùi rượu ngọt ngào,
Gió thông trên núi quạt vào hồn thơ.

Mầm thơ vui đắp từ xưa,
Mười lăm năm mới bây giờ ra hoa.
Xuống ngọn bút, mưa sa gió táp,
Vạch câu thơ quỷ thảm, thần kinh.

Chúa Xuân nức nở bên mình:
“Văn chương rất mực tài tình, hỡi ai!”

Trông ra núi lớn sông dài,
Ngó quanh lại chỉ một người là ta.

Nay vẫn bác Tản Đà năm trước,
Thủa xuân xanh thề ước non sông.
Trải bao xuân, hạ, thu, đông,
Càng phơ mái tóc cho lòng càng son.

Ước sao cùng nước cùng non,
Trăm năm một khối tình con cùng già.

Mưa xuân Hồng Lạc tươi mầu
Bức tranh mưa gió riêng sầu lòng ai
Năm châu xa lắc đường dài
Nước non biết có ai người đầu binh?

Trăm hoa đua nở đẹp hơn cười
Một cái oanh vàng uốn lưỡi chơi
Phong cảnh chiều xuân vui vẻ thế
Xuân sầu chi để bận riêng ai!

Mười lăm năm trước xuân xanh
Tri Tri cất tiếng, Hữu Thanh gọi đàn
Tình nguyện vọng chứa chan non nước
Bạn tri âm man mác giời mây
Nở gan một cuộc cười say
Đường xa coi nhẹ gánh đầy như không
Phận nam nhi tang bồng là chí
Chữ trượng phu ý khí nhường ai
Non sông thề với hai vai
Quyết đem bút sắt mà mài lòng son
Dư đồ rách, nước non tô lại
Đồng bào xa, trai gái kêu lên
Doanh hoàn là cuộc đua chen
Rồng Tiên phải giống ngu hèn, mà cam!
Tiếng gọi bạn nửa năm vừa dứt
Sức thua giời, trăm sức mà chi
Tình duyên đến lúc phân ly
Giang sơn bảng lảng, tu mi thẹn thùng
Xếp ngọn bút, đau lòng son sắt
Giã đàn văn, lánh mặt phong sương
Cho hay trần luỵ đa mang
Trăm năm duyên nợ văn chương còn nhiều
Thuyền một lá buông liều sông nước
Lái tám năm xuôi ngược giòng sông
Nực cười trận gió đông phong
Làm cho chú lái không công mất thuyền
Ngồi nghĩ lại mối duyên sao lạ
Dẫu kêu rằng món nợ cũng hay
Trần hoàn trả trả vay vay
Kể chi công nợ, cho rầy thanh tao
Mừng xuân mới, rượu đào khuyên cạn
Vắng tri âm mà bạn non xanh
Gan vàng, tóc bạc, non xanh
Thiên nhiên ai hoạ bức tranh xuân sầu?

Xuân xưa Hàng Lọng cờ bay
Thoi đưa ngày tháng đã đầy mười năm
Biết bao ra Bắc vào Nam
Bức dư đồ rách đã cam khó lòng
Văn chương chút nghĩa đèo bòng
Thuyền không tay lái vẫy vùng được sao?
Ngày xuân thêm tuổi càng cao
Non xanh nước biếc càng ngao ngán lòng!

Như vậy đây là phần thơ cuối cùng trong tuyển tập những bài thơ hay của Tản Đà mà chúng tôi muốn giới thiệu với bạn. Thông qua các bài thơ này bạn sẽ hiểu được tại sao trước đây ông bị đả kích rất nhiều nhưng bây giờ lại được nhìn nhận lại ở một góc nhìn khác. Và cũng hiểu được vị trí của ông trên diễn đàn thơ ca. Đừng quên đón đọc các bài thơ trong các tập thơ nổi tiếng khác của ông bạn nhé!

Related posts

Hoàng Trung Thông Cùng Kho Tàng Thơ Ấn Tượng Phần 2

admin

Nguyễn Trọng Tạo Cùng Những Bài Thơ Nổi Tiếng Phần 1

admin

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và những bài thơ đặc sắc nhất phần cuối

admin

Leave a Comment