Nhà Thơ Nổi Tiếng

Nhà thơ Thái Bá Tân và tuyển tập thơ dịch Abd ar-Rahman Jami phần cuối

Thái Bá Tân đã dành môt phần thời gian để dịch thơ của Abd ar-Rahman Jami. Đây là một nhà thơ vĩ đại của Ba tư trong thế kỷ 15. Và nó cũng chính là một trong những biểu hiện cho khả năng dịch thuật của Thái Bá Tân. Qua đó ta có thể hiểu được phần nào về phong cách sáng tác của nhà thơ người Ba Tư này. Hãy cùng tìm hiểu các bài thơ dịch dưới đây bạn nhé!

Nội Dung

Sôcrat, triết gia xưa vĩ đại.
Mong tư tưởng của ông sống mãi.

Ông trong sạch suốt từ đầu đến chân,
Cả vinh quang lẫn tiền bạc không cần.

Như cây cỏ, rất tự nhiên, giản dị,
Ông chỉ sống với những điều mình nghĩ.

Gia tài ông – vẻn vẹn chiếc chum to,
Sứt trên miệng, đáy đôi chỗ bị rò.

Không đựng nước, nên không hề quan trọng,
Nó là nhà, nơi nhiều năm ông sống.

Đêm ông chui vào ngủ, mặt trời lên
Lại chui ra, ngồi sưởi nắng kề bên,

Một mình ông, lim dim trên bãi cỏ,
Người trần truồng, vì áo quần không có.

Rồi một hôm, vua đi ngang, thấy ông,
Trong tư thế đang sưởi nắng, tồng ngồng.

Vua xuống ngựa, cúi đầu chào rất thấp:
“Thưa hiền triết, đã lâu không được gặp.

Ông, một người được kính trọng xưa nay,
Sao né tránh, sao ẩn dật thế này?

Sao lâu lắm không vào cung đàm đạo?
Mà sao ông trần truồng, không quần áo?”

Sôcrat đáp: “Vua xem, ta già rồi,
Mặc áo quần chỉ thêm nặng mà thôi.

Vì với ta, riêng tuổi đời đã nặng.
Giờ hạnh phúc là được ngồi sưởi nắng.”

“Ngươi có thể xin bất cứ điều gi.
Ta sẽ cho, đừng e ngại, nói đi!”

Sôcrat không ngẩng đầu, nói nhỏ:
“Cảm ơn vua đã thương tình chiếu cố.

Vậy tôi xin, chỉ một điều, ít thôi:
Ngài tránh ra, đừng che nắng của tôi!”

Vua nghe thế, né sang bên, lặng lẽ
Cởi chiếc áo trên người ngài đẹp đẽ

Khoác lên lưng nhà hiền triết. Ông này
Vua đi khỏi, liền treo nó lên cây,

Và tiếp tục lại trần truồng sưởi nắng,
Một mình ông bên chiếc chum, im lặng.

Trong hàng chục học trò của ông,
Sôcrat yêu nhất Platông,

Người được thầy dành thời gian, nhẫn nại
Dạy, và thành một triết gia vĩ đại.

Ông thường nói: “Tâm hồn con bao la,
Hãy cởi trói để bay cao, bay xa,

Để thoát khỏi cuộc đời này ngu muội,
Để bóng nó không làm con tăm tối.

Nếu chúng ta không độc ác, lòng lành,
Thế giới này đã không có chiến tranh.

Đời trần tục biết bao nhiêu cạm bẫy,
Nhưng sáu loại con tránh xa, nhớ lấy.

Loại thứ nhất là những người nhỏ nhen,
Ai hơn mình, (không hơn mình), cũng ghen.

Họ hậm hực đến mất ăn, mất ngủ,
Và lồng lộn, gầm ghè như con thú.

Loại thứ hai là những kẻ có quyền,
Là cái chúng sử dụng để kiếm tiền.

Quyền biến chúng thành những tên độc ác,
Thành vô ơn, vô tình và bội bạc.

Loại thứ ba là ham mê quá độ
Để có được cái gì mình chưa có.

Họ tham lam, ích kỷ, chỉ biết mình,
Mà không hề biết đến xung quanh.

Loại thứ tư là những người keo kiệt.
Những người sợ tiêu tiền hơn sợ chết.

Suốt đời mình, họ khổ sở, lo âu
Họ rất nghèo, dù thực ra rất giàu.

Loại thứ năm là những người đê tiện,
Lo nịnh bợ, âm mưu nhằm thăng tiến.

Đối với họ, được thăng quan hơn người,
Là nghĩa sống, là mục đích cả đời.

Còn ngu dốt là loại người thứ sáu.
Loại người này không hẳn toàn người xấu.

Vì ngu dốt, không hiểu người, hiểu mình,
Nên họ làm nhiều việc xấu, đáng khinh.

Iskanđar Đại đế tự mình
Luôn dẫn đầu đoàn quân viễn chinh

Đi chinh phục đất đai toàn thế giới
Và nhân thể tìm cái hay, cái mới.

Như vũ bảo, quân ngài đi đến đâu,
Là ở đấy phải khuất phục, cúi đầu.

Một lần kia, khi chiếm xong thành phố,
Ngài tò mò, rất ngạc nhiên về nó.

Thành phố này, thật kỳ lạ, khắp nơi
Đều sạch đẹp, đều no ấm mọi người.

Công việc họ rất nhẹ nhàng, thú vị,
Theo sở thích và nghỉ ngơi tùy ý.

Kỳ lạ hơn, ở thành phố lạ này
Không người giàu, cũng không có ăn mày,

Không lừa đảo, không giết người, cướp bóc.
Cửa không khóa, không ai nghe tiếng khóc.

Còn xã hội thì bình đẳng, người ta
Sống hòa thuận như anh em một nhà.

Không khái niệm quan hay dân, thậm chí
Không cả vua, thật là điều thú vị.

Bao đời nay thành phố sống yên bình,
Chưa một lần từng biết đến chiến tranh.

Kỳ lạ nữa, trước mỗi nhà đều có
Một nhà mộ, thường trống không và nhỏ.

“Sao lại thế? – đức vua hỏi, tò mò. –
Còn đang sống mà đã xây nhà mồ?”

Người ta đáp: “Để nhắc cho người sống
Rằng đời ngắn, nên phải lo lao động

Để sống sao cho có ích với đời,
Và xứng đáng với tên gọi con người.”

Vua lại hỏi: “Ta thấy đây không có
Vua, triều đình và các quan văn võ.

Vậy lấy ai cai trị nước? Người nào
Thu sưu thuế? Lúc tai biến thì sao?”

Đáp: “Ở đây mọi người luôn tự giác
Lo việc chung, không ai làm việc ác.

Việc của nước là việc cúa toàn dân,
Cần gì vua? Quan lại càng không cần.”

“Không thấy cả người giàu, người danh giá.
Sao lại thế? Quả điều này rất lạ.”

“Không khó hiểu, thưa vua, dân nước này
Sống ôn hòa và giản dị xưa nay.

Giàu làm gì? Giàu với ai? Thử hỏi,
Vàng mang lại cái gì ngoài tội lỗi?”

Thấy và nghe những điều trên lạ kỳ,
Vua suy ngẫm, rồi cho quân rút đi,

Để nguyên vẹn cả dân và thành phố,
Không thay đổi một chút gì trong đó.

Vua Parvis cùng hoàng hậu Shirin
Đang ngồi chơi thì có người báo tin:

Một ông chài bắt được con cá lạ,
Muốn dâng vua như món quà biển cả.

Vâng, quả đúng, là con cá khác thường:
Da màu hồng, vẩy lấp lánh kim cương.

Trong bụng cá-chùm trứng to óng ánh,
Như quả trứng bằng vàng ròng lấp lánh!

Vua xem xong rất thích, vỗ vào tay.
Ông quan già coi ngân khố ra ngay.

Vua ra lệnh thưởng cho người đánh cá
Nghìn đồng vàng còn mới nguyên, sáng loá.

Nghìn đồng bạc! Nhưng Shirin nghe xong
Liền lặng lẽ nói nhỏ sát tai chồng:

“Quả hào phóng không ai bằng bệ hạ,
Nhưng nghìn đồng rằng thiếp e nhiều quá.

Vì từ nay bệ hạ thưởng cho ai,
Họ cũng cho là ít, sẽ kêu nài,

Rằng bệ hạ không còn yêu mến họ,
Trước nghìn đồng cho một con cá nhỏ,

Còn nay thì…””Giờ thiếp bảo làm sao?-
Vua gãi tai.-Biết lấy lại cách nào?”

“Thì cứ hỏi ông già kia khờ dại:
Đây cá đực hay là con cá cái?

Lão nói gì, bệ hạ cũng đáp ngay
Rằng rất tiếc, không thể ăn cá này.

Vẫy hãy mang con cá đi nơi khác,
Và trả lại cho ta nghìn đồng bạc.”

Ông đánh cá được gọi vào, ông ta
Không khờ dại, mà nhanh trí đoán ra

Rằng vua trót thưởng nhiều tiền, vì thế
Muốn đòi lại, cố gây điều khó dễ.

“Tâu bệ hạ, con cá này của con,
Như ngài thấy, không dài, cũng không tròn.

Đực hay cái? Con phải thưa rằng nó
Là giống trung, tức nửa này nửa nọ”

Vua nghe xong, khoái trí cười, và rồi
Tăng tiền thưởng cho ông gấp đôi!

Còn ông kia nhận thêm tiền, vội vã
Định bỏ đi, nhưng cũng do vội quá

Mà từ túi, một đồng xu rơi ra,
Đồng xu nhỏ nằm ngay chính giữa nhà.

Ông nhặt lên, cho vào bao cẩn thận.
Shirin quát:”Một lão già keo bẩn!

Hai nghìn đồng tiền thưởng ít hay sao
Còn tham lam vơ vét cả đồng hào?

Tâu bệ hạ, cái tội này lếu láo
Cần phải trị. Lấy lại tiền của lão!”

Nghe lời vợ, vua liền trách ông già.
Ông cúi đầu cung kính đáp:”Thực ra

Con nhặt nó không phải vì keo kiệt
Trên đồng xu có hình vua, con biết,

Nên tất nhiên con không muốn cho ai
Được hỗn láo giẫm lên hình ngài.”

Vua nghe thế liền cười to vui sướng
Và ra lênh tăng gấp ba tiền thưởng.

Già, ốm yếu, con lạc đà lần nọ
Ra uống nước bên một dòng suối nhỏ,

Như cái bóng vật vờ, trông thật thương,
Lông rụng hết, chỉ còn da bọc xương.

Đến mức quạ cứ bay theo, còn sói
Không thèm bắt, dẫu nhiều ngày nhịn đói

Chỉ con cáo thấy thế, bảo lạc đà:
“Anh, con tàu của xa mạc gần xa,

Từng khoẻ đẹp, từng cao sang nhường ấy,
Nông nỗi nào khiến anh tiều tuỵ vậy?

Anh không nỡ giẫm lên kiến xưa nay
Ai giẫm anh như giẫm kiến thế này?”

Lạc đà đáp: “Cái số tôi phận bạc,
Gặp ông chủ vừa tham vừa độc ác

Hắn bắt tôi thồ muối nặng, mỗi lần
Tôi đi chậm là hắn đánh vào chân,

Đánh túi bụi, làm đau không chịu nổi.
Nhất là khi các vết thương thấm muối.

Tôi kêu trời mà trời cứ làm ngơ
Vậy hỏi tôi biết kêu ai bay giờ?”

Cáo nghe xong, tỏ lòng thương, liền nói:
“Đúng đời anh khổ trăm bề, thật tội.

Nhưng đừng buồn, tôi có kế rất hay
Để giúp anh thoát khỏi cảnh buồn này.

Anh biết đấy, có một dòng suối nhỏ
Từ cảng muối, trên đường về thành phố.

Vậy ngày mai, khi qua suối, bất ngờ
Anh nằm xuống cùng bao muối đang thồ.

Muối gặp nước sẽ tan ngay, vì thế
Hàng từ nặng trở thành rất nhẹ.”

Lạc đà nghe cáo nói, bụng mừng thầm
Nghĩ lần này sẽ có cách chơi khăm.

Nhưng ông chủ hôm sau, qua ánh mắt
Thầm đoán hiểu mọi mưu mô, sự thật

Nên thay vì các bao muối, ông ta
Đem bông xốp chất lên lưng lạc đà.

Còn lạc đà vốn xưa nay ngu muội
Như cáo dặn, vội vàng nằm xuống suối.

Thế là bị một phen nặng gấp đôi.
Kể ra đấy là bài học không tồi.

Mời các bạn vào kho thơ Giami
Vâng, hình như không thiếu một thứ gì.

Thích thì đọc, mỗi người theo một ý
Toàn điều hay, không có điều nhảm nhí.

Thằng đê tiện vẫn suốt đời đê tiện,
Cả khi ngồi trên ngai vàng, cung điện.

Như ếch nhái dù cố nhảy lên cao,
Thì cuối cùng vẫn rơi xuống bờ ao.

Kẻ bất tài suốt đời vẫn bất tài,
Đừng cố dạy làm gì thêm mệt.

Như xưa nay ta vẫn thấy-không ai
Chăm, tưới nước cho bụi cây đã chết.

Hãy nhìn kia, các quan lớn xứ này
Đang cắn nhau như thú dữ đêm ngày.

Chúng vờ tốt bề ngoài, nhưng thực chất
Luôn gầm ghè từng miếng mồi nhỏ nhất.

Vua đừng quên dân chúng nước ngoài
Nhừ kho báu. Còn các quan không ai.

Không tranh thủ bới đào kho báu ấy.
Vua là vua, sao đang tâm để vậy?

Tôi xin có lời này khuyên bạn trẻ:
Đừng vì lợi mà khen quân tồi tệ.

Cái lợi kia sẽ nhanh chóng bốc hơi,
Còn tiếng xấu thì ở lại suốt đời.

Này thằng ngốc, đừng khoe bố thông minh
Đừng làm bẩn mái tóc bạc bố mình.

Cành đã mục thì đừng mong xanh lại,
Dù cây mẹ xum xê, đầy hoa trái.

Đừng làm bạn với người dốt hơn mình
Hãy tìm cách ở gần người thông minh.

Nhưng cũng chớ chóng đừng làm họ chán-
Họ cũng tìm người thông minh như bạn.

Tôi thất vọng, không thấy người tử tế.
Cả ban ngày, cả trong mơ cũng thế.

Hễ có nắng là vào nhà, than ôi,
Không vì nắng, mà vì sợ bóng tôi.

Có nhiều người muốn bay cao, thật cao,
Không kượng sức, không biết mình thế nào.

Đời trần tục vâng thì buồn, thì khổ
Nhưng vẫn có cái gì hay trong đó.

Trên đây là các bài thơ dịch của Thái Bá Tân về các sáng tác của Abd ar-Rahman Jami. Đa phần đây đều là các sáng tác hay độc đáo và được nhiều người yêu thích. Nó cũng lý giải tại sao nhà thơ này lại nổi tiếng như vậy. Bên cạnh đó Thái Bá Tân cũng dành thời gian dịch một số thơ của các tác giả khác. Vì vậy bạn đừng bỏ lỡ nhé!

Related posts

Nhà Thơ Bùi Hữu Nghĩa Và Những Tác Phẩm Để Đời

admin

Châu La Việt – Nhà Thơ Của Những Người Lính Cách Mạng

admin

Tuyển tập những bài thơ ấn tượng của Bình Nguyên Trang (Phần 4)

admin

Leave a Comment