Nhà Thơ Nổi Tiếng

Nhà Thơ Vũ Quần Phương Cùng Tập Thơ Chỗ Ấy Sóng Phần 1

Vũ Quần Phương là một trong những người xuất hiện trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước. Đến với những bài thơ của ông, độc giả có thể cảm nhận được hơi thở nóng hổi, thô nhám mà đi sâu vào tâm hồn người đọc. Những bài thơ ông là những chiêm nghiệm về con người, về thế sự. Ông gửi gắm chính sự cống hiến, tâm huyết của mình vào trong những bài thơ

Những bài thơ của ông gắn liền với giai đoạn cả nước đang sục sôi chiến đấu. Ngay những đứa con tinh thần của mình được công bố thì danh tiếng của ông được nhiều người biết đến, những bài thơ chiếm trọn trái tim độc giả

Nào, ngay bây giờ chúng ta cùng cảm nhận và tìm hiểu những bài thơ của thi sĩ tài hoa này nhé!

Nội Dung

– Vũ Quần Phương (1940-), tên thật là Vũ Ngọc Chúc, bút danh khác còn có Ngọc Vũ, Phương Viết, quê Nam Định.

– Là bác sĩ y khoa đồng thời là nhà thơ, nhà phê bình văn học, Trưởng ban biên tập văn học (NXB Văn học), Chủ tịch Hội văn nghệ Hà Nội, Tổng biên tập báo Người Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà Văn Việt Nam, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn chương Việt Nam bằng tiếng Pháp.

– Ngoài làm thơ và viết phê bình văn học, còn dịch thơ đăng trên các sách, báo và tạp chí văn học.

+ Tác phẩm:
– Cỏ mùa xuân (1966)
– Hoa trong cây (1977)
– Những điều cùng đến (1983)
– Vầng trăng trong xe bò (1988)
– Vết thời gian (1996)
– Quên chữ… quên câu (2000)
– Giấy mênh mông trắng (2003)
– Chỗ ấy sóng… (2008)

Vũ Quần Phương là một ngòi bút tài hoa cùng nhiều bài thơ đặc sắc để lại ấn tượng đẹp trong lòng độc giả. Những bài thơ của ông thấm đẫm những suy tư về cuộc đời và con người. Bên cạnh đó thể hiện tình yêu quê hương, đất nước mãnh liệt. Ông có nhiều tập thơ nổi tiếng, hôm nay uct.edu.vn xin giới thiệu đến các bạn tập thơ Chỗ Ấy Sóng của Vũ Quần Phương nhé!

Mắt mở to, không chớp
Nhìn vượt qua đĩa ớt đĩa tương
Tìm miền sóng bể

Sóng biếc xanh bao quanh thân cá
Sóng thì là rau má rau răm

Ông bếp già hóm kiểu triết nhân:
Cá trong đĩa còn cho nguyên dáng quẫy
Ngỡ chỉ một nhịp trườn trên vẩy
Cá lại nhào vào đại dương xanh

Một nhịp trườn…
nhưng thực khách quanh năm
Dao với dĩa đã cầm lên sáng loá
Cái dáng quẫy chỉ còn là món cá
Rau thì là rau má rau răm

Mặt trời lên chót cao
Cây hiền hoà toả bóng
Trưa thấm vào cõi lặng
Con nai từ rừng ra

Cặp mắt nhìn ngây thơ
Bốn chân thon mảnh dẻ
Nai e dè qua phố
Phố bừng bừng xe đi

Con nai thuở xa xưa
Ở cùng người trong núi
Người bỏ nai ra đi
Rồi người về săn đuổi

Hàng vạn năm trôi qua
Hàm răng người nhọn sắc
Mới thành ra nụ cười
Cặp mắt nhìn nhai nuốt
Mới biết nhìn rong chơi

Buổi trưa thành nghi lễ
Đón nai đi với người
Mặt trời ôm mặt đất
Dấu chân người chân nai

Một mắt thong manh
tai bên lành bên điếc

Nghe một bên
thấy một bên
giương vây cuộn khúc
hai hàm răng nhọn hoắt
cắn thân mình
nhai nuốt
hung hăng

Không biết ai tạc rồng
tạc rồi chôn vào đất

Đất lặng yên

Bức thư đá
ghìm lời phán xét
đã trồi lên

Các cháu về chơi đòi xem xiếc
Tết này có diễn xiếc Trung Hoa
– Ông có đi không?
– Ông chả thiết!
Xiếc ta đang diễn khắp muôn nhà

Tết qua
những ngày hoa
đã tắt
Hết phận hoa thì thành phận rác
Xe tang hoa leng keng màu sắc

Tươi tắn quá những bông hoa nở chót
lần đầu nhìn ngơ ngác
mưa bay

Đám tang hoa tưng bừng hương sắc
cành đào về bãi rác
Sắc hoa ánh làm hồng gương mặt
những người chôn hoa

Quốc hội thông qua ngân sách
Số liệu buồn, vui, mừng, lo âu
Đôi khi một thoáng phân vân đến
Trời xanh thăm thẳm ở trên đầu

Trời xanh thay đổi theo mây gió
Số liệu đừng thay như gió mây
Bà con vất vả năm hai vụ
Thu được bao nhiêu mỗi vụ cày

Số liệu chớ nhầm hàng chục tỉ
Rồi hàng trăm tỉ mất trên tay
Tiền ấy mồ hôi hay máu đấy
Những em bé đói mặt xanh gầy

Kìa những cánh đồng còn ngấn lũ
Người tìm rau má tóc vàng hoe
Buồng bệnh ai đau còn thiếu thuốc
Những con số ấy nói năng gì?

Tặng Hoàng

Bia sủi bọt xôn xao
Người lặng im – nhìn nhau – nhìn mình

Cạn đi
Uống cạn đi ký ức
Người Nga về, người Pháp sang
Năm chinh chiến cùng đi đánh giặc

Tiếng súng tắt
Nhưng lòng người gió thổi
Khăn gói gió đưa
Cháu con Lạc Việt
Lênh đênh góc bể chân trời

Những cốc bia hàn huyên sủi bọt
Bừng bừng mặt đỏ mà người lặng im

Đường qua rồi dấu chân còn in lại
Gió thổi, chân còn đau chông gai

Nghe gió vuốt những nếp bay trên vải
Người đi, người đi mãi
Phần phật tiếng hồn bay
Những miền đất xa xăm gần lại
Những người tự muôn đời
Về lại, đứng quanh đây.

Ðừng trách tôi duy tâm
Tôi không chào mảnh vải
Hãy để tôi thì thầm
Với hồn tôi mãi mãi
Hãy để tôi ngây dại
Lắng nghe vào hư vô.

Một rừng lau xao xác tự bao giờ
Một vùng gió mịt mù không giới hạn
Một vùng đất những mặt người nắng sạm
Một vùng trời lấp loáng hải âu bay.

Những bàn tay nắm với những bàn tay
Sợi nước mắt nối liền cùng nước mắt
Biên giới là trái tim, mặt trời là gương mặt
Những mắt nhìn như hỏi ở trên cao.

Kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, có đoàn nhà văn lên thăm Việt Bắc, về nguồn

Núi ngàn Việt Bắc
Trấn thủ mũ nan
Thóc trảy sang đò
Lô nhô bộ đội
Cơn gió thuở chín năm còn thổi
Trên từng ngọn lá lối ta qua

Những ngày xa
Gần hơn những ngày gần
Bà cụ Mán ngồi sau cây nhóm lửa
Đường đỏ lối mòn về bản nhỏ
Mở hồn ta thênh thang

Việt Bắc gió ngàn
Cơm lam cháo hẹ
Miếng cơm ngày thơ bé
Liệu có thành nồi cơm Thạch Sanh?

Tôi “về nguồn” hỏi với cây xanh
Gió cười rào rạt
Tôi hỏi dòng suối mát
Suối cũng cười sỏi trắng long lanh
Lũ em bé đến trường chân đất
Ríu nhau cười
Nhìn tôi
Nhìn anh

Những dãy nhà cao chẳng giống ở quê nhà
Đến mưa nắng Nam bán cầu cũng lạ
Nhưng nhìn về phía bể
Sóng cũng sóng như miền Thanh, miền Nghệ
Như biển Vũng Tàu, như biển Quy Nhơn

Chúng ta khác nhau màu mắt, ngữ ngôn
Rồi trăm thứ linh tinh, nghị trường, chính phủ…
Nhưng đâu khác nỗi lòng người sướng khổ
Nỗi mẹ thương con, nỗi vợ mong chồng

Ngôn ngữ nhiều khi làm rối bòng bong
Cả những thứ thật tình đơn giản lắm
Như biển nào chẳng mặn
Nước chỉ cách với trời một ngấn phía xa xăm…

Tặng Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Gần rất gần mà xa rất xa
Phật là trời xanh nghiêng xuống mái nhà
Đồng đất quê hương mẹ cha dẫm bước
Trên con đường này Phật đã đi qua

Chuông thỉnh về đâu, mõ thỉnh về đâu
Tiếng sóng trong đêm lạnh dưới chân cầu
Chớp mắt kiếp người lẫn vào dâu bể
Vằng vặc tình người muôn xưa, muôn sau

Suối chảy về sông, sông ra biển cả
Đi hết lòng người thì gặp lòng ta
Thế giới ba nghìn mịt mờ sương khói
Sáng quắc vầng trăng đợi trước hiên nhà

Chỗ ấy, sóng đập vào bờ bể
Nguời đến rồi người lại ra đi
Sóng vô tâm và đá vô tri
Chỉ tiếng đập trong lòng ta ở lại

Tiếng sóng đập xa vời xa ngái
Ngỡ tan đi mà vẫn đang còn
Sóng không đổi dẫu bờ thay đổi
Ta nhìn ta mà lạ tâm hồn

Cứ ngỡ lạc mà không thể lạc
Tiếng sóng xa là bạn đồng hành
Tiếng sóng ảo cho đời nương tựa
Tiếng đất trầm chói nỗi mông mênh.

Đôi khi nhà của người lại là những chân trời
Nhà của sông là biển
Nhà của hoa là ánh mắt nhìn hoa

Đêm là nhà của giấc mơ
Giấc mơ che cho đời thực con người

Nhà của tình yêu là chính nó
Tình yêu không có gì chở che
Trái tim yêu đập ngoài lồng ngực
Vui hay đau, nó cứ trụi trần

Đừng nghĩ tình yêu ngủ trong trái tim
Nó không biết ngủ
Nó ở khoảng giữa hai trái tim
Khoảng giữa những trái tim
Nó là nhà của trái tim
Nó che chở cho người
Che chở những bầu trời
và đất

Nó là chỗ đẻ con người sống được
Dù khổ đau, bom đạn, ung thư…

Que diêm sống
Khi đang chết

Nằm trong hộp tối bao nhiêu ngày
chỉ để một phút giây
bừng sáng

Ánh sáng đựng ở đâu?

Không ở gỗ
không ở chất diêm sinh
mà ở phút rùng mình
va chạm

Khánh đất leng keng
Lọ men màu kiêu sa trầm mặc
Áo tứ thân phơ phất
Cô quan họ
hội làng Kinh Bắc
Con cọp dữ đang gầm
im phắc
Tấm lưng thon, tóc thả đuôi gà
Chú hề cười
Đại đao sáng quắc
Rầm rập ngựa voi
Sĩ tử vua quan, đỏ xanh rối mắt
Tổng thống, công nương
Oai vệ, phong lưu, kiêu hùng…
Từ đất
Bàn tay thô trau chuốt

Mảnh sành ngoài bụi tre

Trên đây, uct.edu.vn đã dành tặng bạn những bài thơ đặc sắc của Vũ Quần Phương trong tập Chỗ Ấy Sóng nổi tiếng. Những bài thơ này được nhiều bạn đọc yêu thích và tìm kiếm. Mời các bạn đón xem Phần 2 vào một ngày không xa nhé. Hãy chia sẻ cho chúng tôi những cảm nhận của bạn về bài viết để chúng tôi ngày một hoàn thiện hơn nữa. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này! 

Related posts

Nhà Thơ Bảo Định Giang Và Sự Nghiệp Thơ Ca Của Ông

admin

Nhà thơ Thái Bá Tân và tuyển tập thơ dịch Iakovlevich Marshak

admin

Nhà thơ Phạm Hổ cùng những trang thơ nổi tiếng nhất

admin

Leave a Comment