Thơ Hay

Quê Hương Giang Nam – Tình yêu quê hương đất nước thiết tha

Quê hương từ lâu đã trở thành một đề tài bất tận trong thơ ca. Bài thơ Quê Hương Giang Nam cũng là một trong những bài thơ hay viết về quê hương đất nước. Bài thơ Quê hương là câu chuyện tình từ thủa tuổi thơ của hai người hàng xóm. Đôi trẻ lớn lên, tình yêu trong họ cũng lớn lên theo cuộc trường kỳ kháng chiến. Bài thơ còn là sự xót xa đau đớn khi mất đi tình yêu, mất đi tình bạn thuở ấu thơ. Cùng nhau theo dõi bài viết này ngay bây giờ nhé các bạn!

Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:
“Ai bảo chăn trâu là khổ?”
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Những ngày trốn học
Đuổi bướm cầu ao
Mẹ bắt được…
Chưa đánh roi nào đã khóc!
Có cô bé nhà bên
Nhìn tôi cười khúc khích…

***

Cách mạng bùng lên
Rồi kháng chiến trường kỳ
Quê tôi đầy bóng giặc
Từ biệt mẹ tôi đi
Cô bé nhà bên – (có ai ngờ!)
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)
Giữa cuộc hành quân không nói được một lời
Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại…
Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi…

***

Hoà bình tôi trở về đây
Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày
Lại gặp em
Thẹn thùng nép sau cánh cửa…
Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ
Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!)
Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi
Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng…

Hôm nay nhận được tin em
Không tin được dù đó là sự thật
Giặc bắn em rồi quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích, em ơi!
Đau xé lòng anh, chết nửa con người!

Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi…
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi

1960

Bài thơ được sáng tác năm 1960 tại khu căn cứ bí mật Tỉnh uỷ Khánh Hoà ( dưới chân núi Hòn Dù )sau khi nghe tin người vợ thân yêu đang hoạt động nội thành bị giặc bắt tra tấn và hi sinh trong tù. Trong giây phút đau đớn lặng người ông đã viết liền một mạch thơ như trải nỗi đau mình lên trang giấy

Quê hương, chỉ hai từ thôi nhưng vô cùng thân thương đến lạ. Quê hương, nơi mình sinh ra, nơi mình lớn lên, nơi lưu giữ những kỉ niệm tuổi thơ. Khi nhắc đến quê hương ai cũng cảm thấy tự hào, đó là một thứ tình cảm vô cùng thiêng liêng và cao cả.

Và với bài thơ Quê hương của nhà thơ Giang Nam cũng thế. Quê hương, dòng chảy bất tận của ký ức, quê hương là nơi ta tìm về sau những phong ba của cuộc đời.

Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường

Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:

“Ai bảo chăn trâu là khổ?”

Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao.

Những ngày trốn học

Đuổi bướm cầu ao

Mẹ bắt được…

Chưa đánh roi nào đã khóc

Có cô bé nhà bên

Nhìn tôi cười khúc khích

Mắt đen tròn thương thương quá đi thôi.

Mở đầu bài thơ là nỗi nhớ về tuổi thơ, là niềm thương nhớ và yêu quê hương từ thuở “cắp sách tới trường” từ thuở “chăn trâu cắt cỏ”. Không gian thơ mở ra với bàng bạc nỗi nhớ về thuở ấu thơ, với những trò nghịch ngợm của trẻ thơ đó là “trốn học”, “đuổi bướm…Những vần thơ mộc mạc, giản dị càng đọc càng thấm thía về một quê hương tuổi thơ trong kỉ niệm.

Dòng thời gian trôi mãi, tuổi thơ rồi lớn lên, đất nước kêu gọi, cậu bé ngày ấy nay đã trưởng thành, lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Thật bất ngờ, “cô bé nhà bên” ngày xưa ấy cũng trở thành đồng chí:

Cách mạng bùng lên

Rồi kháng chiến trường kì

Quê tôi đầy bóng giặc.

Từ biệt mẹ tôi đi

Cô bé nhà bên – (có ai ngờ)

Cũng vào du kích.

Tình bạn trẻ thơ giờ đã trưởng thành thêm một bậc, sự trưởng thành này phù hợp với hoàn cảnh xã hội chung lúc bấy giờ, như một điều tất yếu.

Chính vì có được nền tảng là tình bạn từ những ngày ấu thơ nên khi bất chợt gặp nhau trên giữa đường hành quân, dẫu “mưa đầy trời” nhưng chàng trai vẫn thấy “lòng tôi ấm mãi” bởi nụ cười khúc khích và cảm xúc “thương thương quá đi thôi” đan xen giữa quá khứ và hiện tại.

Chiến tranh, kẻ thù xâm lược dẫu tàn ác cũng không xóa bỏ được nét trong trẻo trong tâm hồn của những chàng trai cô gái một thời. Họ vượt lên trên sự tàn ác của kẻ thù bằng chính sự thiện lương, trong trẻo được nuôi dưỡng bởi chiều sâu văn hóa, tình người của dân tộc. Điều này Nguyễn Đình Thi đã từng thể hiện:

Xiềng xích chúng bay không khóa được

Trời đầy chim và đất đầy hoa

Súng đạn chúng bay không ngăn được

Lòng dân ta yêu nước thương nhà (Nguyễn Đình Thi – Đất nước).

Bởi thế mà dù trải qua bao thăng trầm, bao súng đạn, bao chiến trường, ngày gặp lại, cô gái ngày xưa ấy vẫn

“Thẹn thùng nép sau cánh cửa

Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ

Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!)”.

Điệu cười khúc khích như điệp khúc, như từng đợt sóng lòng trùng điệp mà đợt sau cao hơn đợt trước; để rồi chàng trai không cầm lòng được mà:

“Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi

Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng…”

Tình yêu thời chiến đến thật nhẹ nhàng như một điều hiển nhiên. Tình yêu đôi lứa ấy được đặt trên nền tảng vững chắc của tình bạn thuở ấu thơ và tình đồng chí, cùng chung lí tưởng của khi trưởng thành.

Chính điều này làm cho tình yêu lứa đôi hòa vào tình yêu quê hương đất nước, cái riêng đã hòa vào cái chung khiến cho tình yêu chung cho quê hương thêm sâu sắc mà cũng khiến cho tình cảm riêng càng trở nên rộng lớn, bền vững hơn.

Ít ai biết bài thơ có một nguyên mẫu trong đời thực: “cô bé nhà bên” chính là người vợ, người bạn đời của tác giả.  Hoàn cảnh bài thơ được ra đời trong hoàn cảnh khá đặt biệt: Năm 1960, nhà thơ nhận được tin vợ và con mình bị giặc giết hại trong nhà tù Phú Lợi; cảm xúc cuộn lên chất ngất, ngay trong đêm bài thơ được ra đời, những câu thơ cứ ùa về cùng với nỗi đau không thể kìm nén:

Hôm nay nhận được tin em

Không tin được dù đó là sự thật

Giặc bắn em rồi quăng mất xác

Chỉ vì em là du kích, em ơi!

Đau xé lòng anh chết nửa con người.

Nỗi đau xót đến tê tái, đến chết lịm người khi nghe tin “em”  bị “giặc bắn em rôi quăng mất xác” tình cảm càng bền vững, càng nên thơ khi mất càng gây đau đớn. Từ cô bạn ấu thơ, rồi đồng đội đồng chí, đến người yêu, giờ “giặc bắn em rồi quăng mất xác” càng đau đớn, càng xót xa và tố cáo tội ác của giặc xâm lược.

Tình yêu quê hương bây giờ đã khác:

Xưa yêu quê hương vì có hoa có bướm

Có những ngày trốn học bị đòn roi

Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất

Có một phần xương thịt của em tôi.

Tình riêng giờ hòa vào tình chung, không chỉ là ở nghĩa biểu tượng mà ở nghĩa thực của nó. Quê hương không chỉ là khái niệm chung chung mà gắn với người con gái ta yêu, là một phần của cuộc đời, một phần không thể tách rời của thân thể.

Bài thơ Quê hương của nhà thơ Giang Nam dù đã trải qua bao thăng trầm, biến cố của thời đại. Nhưng với bất cứ ai khi đọc lên đều không khỏi cảm thấy xót xa, bùi ngùi, đau đớn khi mất đi người yêu, mất đi ruột thịt của mình. Bài thơ thể hiện tình yêu quê hương đất nước sâu sắc. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này của chúng tôi nhé! 

Related posts

Bài thơ Biết Trả Lời Sao – Những trăn trở trong tình yêu

admin

Những bài thơ nhớ người yêu trên facebook có lượt share khủng

admin

Trang Thơ Trần Mạnh Hảo Đậm Chất Trữ Tình Đặc Sắc Phần 2

admin

Leave a Comment