Nhà Thơ Nổi Tiếng

Tập thơ: Cuối rễ đầu cành (1994) – Bế Kiến Quốc

Tập thơ: Cuối rễ đầu cành (1994), được nhà thơ Bế Kiến Quốc viết vào năm 1994. Đây là một trong những tập thơ, tạo nên tên tuổi của nhà thơ Bế Kiến Quốc. Tập thơ gồm 47 bài thơ, là những cảm xúc về tình yêu thiên nhiên, con người, cuộc sống… được nhà thơ diễn đạt vô cùng mộc mạc và trữ tình. Mời bạn đọc cùng cảm nhận.

Nội Dung

Xe chạy. Em đi. Buồn ở lại.
Gió ngừng rung bóng cây. Và mây
Ngừng trôi. Chiều tới. Rồi đêm tới.
Mưa tới… Em đi đã một ngày.

Buổi sáng em về trời hửng sớm
Mây ngây ngất trắng nắng hây hây
Trong hoa tim tím vàng bươm bướm
Náo nức chờ ai ríu rít bay…

Đoá huệ trắng muốt trong đêm
Nở khẽ khàng. Em nhắm mắt.

Môi chạm tới hoa, hoa biến mất
Tôi đã tìm thấy mình trên những ngón tay em

Thân cát bụi trả về cho bụi cát
Ta biết tin những gì không thể nhìn thấy được.

Và hương thơm óng ánh những tia vàng
Tôi nở khắp trong em như trong vườn địa đàng…

Sáng mưa chiều mưa tối mưa và đêm mưa dầm dề
Mưa ném vào trong anh bao nhiêu mầm tội lỗi
Em xa đi thì sự cô đơn về

Anh có gì để nhìn anh có gì để nói
Anh có gì để bàn chân bước tới
Môi anh biết làm gì biết làm gì tay anh

Trong ngày ta gặp nhau mặt trời cũng đẹp hơn
Ca, rắn, chim, voi biết đích xa đã tới
Người đàn bà và người đàn ông
Chúng ta phải gặp nhau để nâng cao nhân loại
Cao hơn biển rừng và núi sông
Cao hơn mọi loài vật
Cao hơn các thánh thần

Chúng ta gặp nhau hiến dâng trao gửi
Anh sẽ thay từng ngón tay bằng những ngón tay em
Để làm nên một bàn tay mới
Ta sẽ nhìn bằng anh và sẽ nghe bằng em
Cảm bằng anh và sẽ nghĩ bằng em
Lấy môi anh để cười lấy vai anh để tựa

Không sợ mưa dầm dề không sợ đêm tối nữa
Ta sẽ gửi những mật mã di truyền cho thế kỷ mai sau.

(Được gợi từ P. Verlaine)

Tôi đã nghe
Tiếng vàng qua luỹ tre
Trong bùn non
Tàn lá sen cuối hè

Tôi đã mong
Đường chim ngang tầng không
Cánh mùa xa
Buồm dạt vào bãi sông

Tôi đã mơ
Lưới nắng đàn rung tơ
Trưa vắng cây
Mây đứng diều trơ vơ

Và thu tới
Chính khi tôi không ngờ
Rồi thu nói
Qua lời em ngây thơ…
Và thu tới
Chính khi tôi không ngờ
Và thu nói
Qua lời em ngây thơ…

(1982)

Một người khác nói với cặp mắt ta
Về hương thơm của những áng mây xa

Một người khác nói với bàn tay ta
Về màu sắc của những làn gió mát

Ở trong ta đã có một người khác
Luôn nhìn ta bằng cặp mắt thương yêu
Làm ta quên nỗi vắng vẻ ban chiều

Một người khác trong ta – ta thành một người khác
Một người tốt một người đẹp một người giàu lòng tin

Một người khác trong ta – và cuộc sống trở nên
Một cuộc sống đầy hương cùng vị mới

Một người khác trong tôi có từ khi em tới
Đưa tôi đi gặp gỡ với chân trời
Tôi tin tưởng tôi yêu tôi ca ngợi
Tôi đón chào một người mới trong tôi.

(8-10-1975)

Bạn văn đưa tới gác Văn Xương
Nguyệt quế trong chiều phản phất hương
Nhắc lại câu thơ từ thuở cũ
Buồn như thoáng lạnh giữa xanh vườn

Thuở ấy non sông lâm trận giặc
Pháo Mã bâng khuâng lỡ thế cờ
Vua thì nhu nhược, triều đình nát
Lòng ai trung nghĩa hoá bơ vơ

Sĩ phu trằn trọc trong cơn loạn
Ba, bảy con đường – biết trọn đâu
Đúng, sai – ai tính cho tròn vẹn
Chưa kịp từ quan đã bạc đầu

Bạn bè tự hỏi Văn Xương Các
Ngọn đèn tâm sự thức qua đêm
Thời cuộc liệu còn thay đổi được
Mà lấy văn chương gửi nỗi niềm?

Câu thơ thuở ấy – tấc lòng son
Lay động muôn đời lớp cháu con
Còn mãi Văn Xương lầu gỗ nhỏ
Giữ lại tình ai với nước non…

Vĩnh Long, 20-5-1986

Chợt vọng trong đêm
Tiếng ai xa gọi…

Có thể có một người đang lạc đương, trơ trọi
Có thể có điều gì đe doạ một cô gái
Có thể có kẻ nào khảo tra một trẻ thơ vô tội
Hoặc có ai đang gặp điều oan trái
Khóc – nước mắt cũng âm thầm cầu gọi

Ai cứu tôi!
Ai giúp tôi!
Ai thương tôi với!

Tiếng xa ai gọi
Từ thuở có người
Đêm nay vọng tới
Khiến đêm thật dài…

(10-1987)

Có một nơi
Có một người đợi tôi

Dù ngày qua, ngày tới
Cành rụng lá, đâm chồi
Hoa đổi mùa hoa mới
Người đợi còn đợi tôi

Dù bạn bè cùng lứa
Đã lựa đôi vào đôi
Dù bao chàng tới cửa
Người đợi còn đợi tôi…

Tôi đi, tôi kiếm tìm
Giữ tình yêu trong tim

Nếu bóng chiều dần xế
Tôi cũng chẳng buồn nhiều
Nếu con đường vắng vẻ
Tôi cũng chẳng buồn nhiều

Đôi ba người con gái
Đã tặng tôi lời yêu
Nếu họ đòi cả lại
Tôi cũng chẳng buồn nhiều…

Tôi đi. Và tôi biết
Tin yêu vào cuộc đời
Dù tôi đến chậm nhất
Người đợi còn đợi tôi…

Vươn mãi vào bề sâu
Cái rễ non tìm đường cho cây
Qua sỏi đá có khi tướp máu

Hướng mãi lên chiều cao
Cái cành non vượt mưa đông nắng hạ
Nảy chiếc lá như người sinh nở

Ai đang ngồi hát trước mùa xuân
Cuộc đời như thể tự nhiên xanh
Chỉ có đất yêu cây thì đất biết
Những cơn đâu nơi cuối rễ đầu cành…

Dâu da xoan đứng phố hàng Ngang
Đứng dạn dĩ giữa bụi đường náo nhiệt
Giữa Ray-băng Sen-kô A-di-đat…
Mấy ai nhìn ai biết dâu da xoan

Người quản lý biểu dương nền kinh tế thị trường
Người tiêu thụ hài lòng muốn mua gì cũng có
Tôi, người làm thơ đi ngang nơi phố chợ
Thương và lo cho em dâu da xoan…

Mùa xoan vần, trời đất bắt đầu xuân
Mùa cây cối rủ nhau vào lễ hội
Biết bao nỗi vu vơ rồi con người cần tới
Dẫu có tiền không ai bán mà mua

Nhưng sớm nay tôi chợt đứng sững sờ
Phố hàng Ngang dâu da xoan nở trắng
Và mưa rơi thật dịu dàng, êm lặng
Cho một người nào đó ngạc nhiên hoa…

(2-1992)

Trong một thời quá ít tình thương yêu
Đã thương yêu hết lòng
Giữa một đời quá nhiều điều phải nghĩ
Đã nghĩ suy tới cùng
(Dù khi đúng khi sai)

Mộ một người như thế ở trên núi Huỳnh Mai
Nhà từ khúc, nhà thơ, nhà viết kịch
Người đã sống một thời khó khăn cùng đất nước
Lòng vương mang gánh nghĩa gánh tình…(*)

Phải luôn luôn biết sợ thời gian
Những lỗi lầm trong đời có thể vì thời gian quá ít
Những thời gian qua đi, đem tới sự công bằng
Khi nhìn lại những lỗi lầm thuở trước.

Dẫu khi đúng khi sai, nhưng gắng giữ tâm hồn trong sạch
Chưa biết cách giúp dân, nhưng lòng đã thương dân
Cứu nước chưa thấy đường, nhưng xót xa với nước
Anh hùng chưa làm theo, nhưng khác lũ gian thần…

Ở trên núi Huỳnh Mai mộ một người như thế
Người đã ngóng phương trời gửi lại gánh non sông (*)
Non sông ấy chuyền vai thế hệ
Nay vàng đóa mai xuân. Đào Tấn hẳn vui lòng ?

(*) Những câu thơ trong tuồng Đào Tấn.

Bình Định, 8-1992

Lớp lớp đá…
Chính Nhân Dân là đá
Đá uy nghi nguyên khối cao vời
Đá lăn lóc đường trần muôn ngả
Đá lầm bùn, vấy máu, nắng mưa phơi

Giọt mồ hôi trên đá lặng im rơi
Như nước mắt…
Như nước mắt…

Ăng-co Vát, 24-2-1986

(Tặng Nguyễn Đình Nghi)

Những người hát xưa giờ đâu rồi
Ai đang ngồi
Đêm nhạc
Tóc bạc
Xuống chùng vai

Bó hồng trên tay
Những hoa vừa nở
Tặng sao được nữa
Những người hát xưa

Nghệ thuật bất tử
Đời người giấc mơ ?
Buồn vui một thuở
Gửi ai bây giờ ?

Tưởng giọng người xưa
Ngồi tóc bạc
Giật mình chợt thức
Vẳng Thiên Thai…

Hà Nội, 1987

Trên cành lạnh, một mầm xanh nở sớm
Nhìn xung quanh chưa thấy nắng lên hồng
Chiếc lá mới giữa úa tàn rơi rụng
Đợi xuân về – chịu rét suốt mùa đông

Không khác được, chót là người đến sớm
Chẳng mong chi số phận sẽ nuông chiều
Mải nghe lắng những tiếng gì xa lắm
Sống trọn mình theo luật của thương yêu

Và cứ tưởng rằng mùa đông đã hết
Không lo xa gió bấc bổ sung về
Chiếc lá mới đầu cành tê giá buốt
Trong thân mình – dòng nhựa ấm say mê

Mùa đông còn chưa qua. Anh là người đến sớm
Vui cùng buồn theo cách của tương lai
Với thói cũ anh trở thành lạc lõng
Bị ghét ghen, lườm nguýt, bị chê cười

Mặc kệ hết! Cái mầm xanh rất mới
Sẽ gọi bao chồi nõn thức trong vườn.
Mùa đông nhất định qua, nhất định mùa xuân tới.
Nhưng nhờ anh, mùa xuân tới mau hơn…

Mát, 12-1988

Và thương nhớ được truyền vào giọng nói
Anh có em đôi lần qua điện thoại
Em rất trong rất mềm mại khẽ khàng
Như nắng vàng buông ngân trong không gian

Đó là lúc anh nghe.
Còn đến khi anh nói
Thì em là sự lặng im vời vợi
Sự lặng im tinh khiết sự lặng im
Của đứa trẻ trong vườn đang lắng tiếng bầy chim

Đất nước chúng mình dài, đất nam nghìn dặm đất
Đường điện thoại mỏng manh thành sợi tơ bền chặt
Anh đoán chừng thu đã tới ngoài kia
Qua giọng em mát rượi cả trưa hè

Cho tới lúc một đầu dây đã cúp
Anh đứng đó với niềm xa ngút
Nghe nhớ thương trải dài trên núi sông
Gọi thầm em: Năm-bốn-bốn-ba-không…

Th.ph. Hồ Chí Minh, 10-1982

Một lần nào đó trong mơ
Gặp người cầm đuốc lá dừa dẫn đi
Lặng im chẳng nói năng gì
Phừng phừng lửa có điều chi giấu mình

Một lần nào đó dòng kênh
Chiếc xuồng máy rẽ lục bình đêm mưa
Một người đứng mãi trên bờ
Giơ cao cây đuốc lá dừa dõi theo

Một lần nào đó, xóm nghèo
Về thăm, lòng hứa thương yêu trọn đời
Rồi ta đi, rồi ta vui,
Rồi ta quên… Dòng nước trôi xa mình…

Và cầu ván đã long đinh
Loi thoi so đũa bờ kênh lệch hàng
Và bao lời hẹn lỡ làng
Gió lùa đã tướp liếp hàng nắng mưa

Một lần nào đó trong mơ
Cầu sao được đuốc lá dừa lại soi…

1988-1992

Hoa huệ trắng. Và bức tường cũng trắng.
Sao bóng hoa trên tường lại đen ?

Em đừng nhìn đi đâu nữa em
Anh không biết vì sao anh có lỗi
Nhưng mãi mãi vẫn còn câu hỏi:
Sao bóng hoa trên tường lại đen…

(1969-1987)

Đến gần sáng thì loa kèn nở hết.
Không làm sao níu bước được thời gian!
Một mùa hoa sắp nói lời tạm biệt
Những làn hương đã bắt đầu lên đường…

Áp-thấp-muộn. Phố bắt đầu sớm đông.
Bất ngờ mưa. Tơi bời. Hoa sữa rụng.

Trong rễ, mạch, thân, cành đang mùa thu mới đúng?
Đang mùa thơm mùa tha thiết mùa thương?

Bất ngờ anh sững sờ mưa giữa đường…

Tầm xuân hoa nở bên rào
Mưa phơn phớt ngõ, gió xao xuyến chiều
Ngày đang khuất, mắt trông theo
Cánh chim bé tẻo tèo teo cuối trời

Ngây ngây chút nhớ xa vời
Giơ bàn tay, vói ra ngoài không gian
Chạm vào một nhánh tầm xuân
Vẫn xanh biếc nụ, dẫu ngần ấy quên
Lích cha lích chích vành khuyên
Mổ từng hạt nắng đọng nguyên sắc vàng

Thấy thương con nhện lang thang
Chăng tơ
cứ tưởng thời gian mắc vào…

Tháng chạp 1989

Lá đang vàng khoảnh khắc Mát-xcơ-va
Nắng chiều lọc qua lá vàng tinh khiết
Thu chỉ có một lần thôi đẹp nhất
Mà ai biết
Hôm nay hay ngày mai
Khoảnh khắc nào sẽ ở mãi trong tôi
Cây và nắng và em – cùng đẹp nhất

Nào ai biết bao giờ là tuyệt đích
Mọi niềm vui mọi vẻ đẹp trên đời
Nào ai biết sẽ ra sao ngày mai

Giữa đời sống vội vàng, chỉ mình tôi đứng lại
Tất cả chạy và đi, như sợ thời gian đuổi
Xe cộ cứ lao nhanh, hối hả cả dòng người
Trong lúc –
ở bên đường –
cây thả lá vàng chơi

Tôi đứng lại
Tôi yêu
Tôi đón nhận
Lá vàng kia, nắng chiều ấy, thu này
Vì, ai biết, thế gian hằng biến chuyển
Đẹp nhất khoảnh khắc nào: ngày mai hay hôm nay?…

Phố Đô-brô-liu-bốp, tháng 9-1988

Không dưng lòng chợt nhói đau
Sóng xô trắng xoá bãi dâu thuở nào
Mây cồn vần vũ trời cao
Phương trời xa gió ào ào bụi cây

Không dưng lòng chợt đắng cay
Nắng tà này những lối này năm xưa
Chuyển mùa hoa nhạt lá thưa
Bên cây sồi ấy ai chờ chăng ai?

Không dưng lòng chợt tơi bời
Bốn bề tịnh vắng chẳng người tri âm
Đứt tung muôn mối tơ tằm
Nhện chăng dây tây ban cầm treo xuông

Không dưng, lòng xót xa buồn
Em ơi, đừng hỏi ngọn nguồn vì đâu…

Tháng 10-1991

Hôm qua thao thức một đêm
Hôm nay hồi hộp chờ em một ngày
Thắm vàng nắng dát vườn cây
Giữa thu dào dạt nắng đầy nâng niu
Lâng lâng sáng chuyển sang chiều
Mây dờn man mác trong veo đất trời
Trên bàn hoa đợi kém tươi
Đường xa chưa đến. Hoa ơi chớ tàn!
Bâng khuâng ngồi gõ phím đàn
Nghe rơi từng miếng không gian óng buồn…

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
(Mãn Giác thiền sư)

Chợt thức niềm chi trong mộng xuân
Lẳng lặng ngồi thương giữa cõi trần
Sớm mai trắng muốt sau sương giá
Phơi phới cành mai nở trước sân…

Tháng 10-1991

Hàng điệp đầm sương đêm khiến lòng anh lắng lại
Những lo toan thường ngày. Và trên những cành me
Con chim nào đang nuôi bài hát mới

Đã đi qua một đêm ba tụ điểm
Hon-đa lỏng tay ga người ca sĩ về nhà
Bỏ lại vinh quanh như cành hoa đã héo

Em thân yêu, anh sẽ hát em nghe
Một bài hát đăm say cõi đời này chưa thấy
Anh đau đớn nuôi niềm khao khát ấy

Cảm ơn đêm, cảm ơn đêm lặng im
Hát suất cuối trong đêm nay là gió
Anh khe khẽ hát theo… Và bất ngờ, khi đó
Một bài hát ra đời

Một bài hát hát cho ngày mai.

Th.ph Hồ Chí Minh, 5-1986

Con tàu màu trắng đậu trên sông
Sương khói mùa thu nhoà Cửa Cấm
Thuyền nhỏ ven bờ đèn thấp thoáng
Bên đường cây cối chuyện lao xao…

Những bãi than đen lẫn bóng chiều
Thợ về. Cuối phố ai treo
Vầng trăng – như một cây đèn biển
Nghe tận xa khơi nhịp thuỷ triều…

(1978)

Đồng hồ chỉ số Năm
Tôi quên điều chỉnh lại
Năm giờ sáng Việt Nam
Mặt trời lên phía ấy…

Nhìn ra ngoài cửa sổ
Tuyết rơi và tuyết bay
Trời lạnh âm mười độ
Đêm tha hương thật dài!

Việt Nam năm giờ sáng
Ai dậy sớm đi cày
Chân lội bùn tê cóng
Gió bấc rít hàng cây

Ai đi làm ca sáng
Ra bến đứng chờ xe
Sương giăng đầu phố vắng
Khí lạnh lùa trên hè

Ai tròn đêm ngồi viết
Một mình trước ngọn đèn
Câu hỏi nào giá buốt
Mùa đông khắp bốn bên…

Quê hương là gì vậy?
Thao thức trong tế bào
Nhắm mắt vào lại thấy
Vùng dậy nhớ nôn nao

Cái đồng hồ sinh học
Cứ theo giờ Việt Nam
Và trái tim trong ngực
Nhắc điều chi, thì thầm…

Mát, tháng 11-1988

(Nhớ Na-dim Hik-mét)

Tất cả cái no vô nghĩa
Nếu chỉ đói một người
Tất cả vô nghĩa, niềm vui
Nếu chỉ buồn đau còn một người
Tất cả tự do cũng vô nghĩa
Nếu chỉ một người bị nô lệ
Tất cả công bằng cũng là không
Nếu còn một người chịu bất công

Nhà thơ ơi
Thế giới vô bờ
biển khổ mênh mông
Đừng nói mọi điều đã làm xong
Khi anh chưa phải người sau cùng
Thanh thản đến ngồi dưới bóng cây, và khóc.

Mát, 1988

Lặng lẽ tuyết rơi
Như không như có
Đêm nay trời lạnh bao nhiêu độ?

Thương trái tim nhà thơ
Rực nóng trong ngực đồng buốt giá
Pu-skin
Đứng
Quảng trường lộng gió
Nhìn thời đại đi qua
Giữa thế kỷ bạo tàn, tôi ca ngợi tự do
Tự do tinh khiết
Như tuyết
Và như tuyết – lạnh buốt

Hơn bất cứ bao giờ
Cần tiếng nói nhà thơ:
Hỡi đồng chí, hãy vững lòng tin tưởng!
Trên tuyết trắng
Một bông cẩm chướng
Như thực
như mơ…

Tháng 10-1991

(Tặng Đ.B.M)

Nửa đêm gió chuyển mang mang
Thời gian trở lại, không gian trở về…
Cổ kim xáo trộn bộn bề
Chợt bên Vệ Nữ – chợt kề Tây Thi
Mị Nương đến,
Chiêu Quân đi,
Khuất sau liễu – Dương Quý Phi ôm đàn,
Kiều sắc sảo,
Vân đoan trang
Võ Tắc Thiên tựa ngai vàng ngẩn ngơ…
Các em – người đẹp ngàn xưa
Chập chờn ẩn hiện tỏ mờ gần xa

Na-ta-sa
với La-ra
Giô-giê-phin
Ma-ry-lyn
và Bác-đô…

Đã qua bao cuộc hẹn hò
Gặp bao lỡ dở, tình chưa trọn đầy

Giật mình choàng thức, chạm tay
Ai?
Bờ vai ấm sát ngay bên mình

Chờ nhau mấy độ hoá sinh
Là em
đã tới
cùng anh cõi này…

18-12-1992

Sóng lặng lẽ tràn vào bãi cát
Cát lấp đầy lặng lẽ dấu chân ai
Ai lặng lẽ đi trong bóng mát
Bóng hàng dương xanh lặng lẽ dài…

Quên mất một đôi lời
Ít ngày tháng
Vài ba bóng dáng
Sắt móng ngựa gõ mặt đường trưa vắng
Sông nặng nề phồng cánh buồm nâu…

Băng băng qua thị xã một con tàu
Đánh thức dậy câu thơ Ôi cái gió…
Ôi cái gió từ một thời gian khổ
Còn thổi về mãi mãi với câu thơ.

Sẽ lãng quên tất cả, nếu cứ sống lặng lẽ, thờ ơ!
Trần Mai Ninh, chuyên cần và phóng túng
Sống như thế rồi anh nằm xuống
Còn câu thơ mang gió tới cho đời…

Tuy Hoà, 9-1982

Biển xanh quánh mặn từng con sóng
Gió nóng
Cát bỏng
Tiêu tao hàng dương

Hút xa dằng dặc con đường
Miền Trung thắt ruột
Muối Sa Huỳnh
Mặn
Thành câu hát
“Nước non là biển là rừng
Gởi ai chén muối xin đừng quên nhau…”

Giờ ai đâu
Ai đâu
Nắm mộ vùi trong cát
Vết chân cát lấp
Cháy rát mặt người
“Hỡi ai ngon ngọt trải rồi
Nhớ chăng hạt muối cắn đôi năm nào?…”
Mây trên cao
Nắng cao
Nam ra Bắc vào
Đường xa dằng dặc
Sa Huỳnh
Khát

Giọt nước mắt
Mặn tình non nước
Xin chớ nhạt
Người ơi!

1982-1992

Nhớ Phùng Gia Lộc)

Đi hết mùa đông sông kiệt nước
Bên lở bên bồi cát trống trênh
Gió đầu xuân vẫn từng trận buốt

Nõn nòn non mây trắng đứng vô tình

Xe gỗ nặng, bò căng bắp xoạc chân
Qua bãi dài chín rạn vai vượt dốc
Chiếc roi tre vút lên khô khốc

Ta già chăng? Ta đuối mệt rồi chăng?

Ai hoá sinh xoá ve chết cho bàng
Mùa đông nắm một tay, một tay mùa xuân nắm
Sông vẫn là Chu – dù lúc cạn

Và rồi mưa… Mưa thấm rễ đang buồn

Vươn giữa trời, gạo điểm mấy chùm son…

28-3-1992

Như chùm ớt treo lơ lửng bờ giậu
Càng đắng cay càng tự chín trong vườn
Thành Chương vẽ
Vẽ – và đang cất giấu
Tưng mảnh rời tuyệt mỹ của Trần Gian

Như đầm sen tàn cuối chiều nhạt nắng
Cuống trơ vơ rầu héo tận trong bùn
Thành Chương vẽ
Vẽ – và đang bay liệng
Trên cõi màu kỳ ảo của Vô Biên

Như khóm chuối chẳng lá nào lành lặn
Xác xơ anh đứng gió trước heo may
Thành Chương vẽ
Vẽ – và đang cầu nguyện
Cho phục nguyên Thế Giới tả tơi này…

10-1993

Đàn De-tư-gen của Ka-dăc-xtăng chỉ có bảy dây, vì người đầu tiên làm ra đàn có bảy nỗi đau…
(Truyền thuyết Ka-dăc-xtăng)

Đau nhập vào đây – đàn thất huyền
Dây thứ nhất
Nỗi đau thứ nhất:
Không ai yêu mình đến trọn đời
Dây thứ hai
Nỗi đau thứ hai:
Không ai cho mình yêu trọn đời…

Có nỗi đau chẳng thốt nên lời
Nuốt vào trong ngực
Chôn sâu đáy mắt
Miệng cười đắng cay…

Tích tịch tình tang đàn bảy dây
Bao nỗi buồn thương trên cõi đất

Đỉnh núi vắng trắng vĩnh hằng tuyết buốt
Gió rít hoang lang bạt thảo nguyên
Có nỗi đau chính mình chẳng biết
Ngấm vào máu – rồi đàn nấc lên…

An-ma A-ta chiều mắt huyền
Thiếu nữ phương Đông đẹp xuất thần
Dừng em, dừng tay trên phím đàn!
Tôi sợ buồn thu thánh thót vang…

An-ma A-ta 1988 (Hà Nội 1992)

Đôi khi suốt buổi chiều ngồi nhìn vào mắt Lou
Tìm thấy niềm thông cảm
Mắt Lou buồn thật buồn
Thương con người cứ phải làm con người
Không được nằm dài soãi bốn chân
Trên cỏ
Không thể đón hương thơm từ chân trời
Trong gió
Không tỏ bày những điều giản dị
Bằng tiếng sủa bằng cách vẫy đuôi

Đôi khi suốt buổi chiều Lou nhìn mắt tôi
Và đôi khi Lou muốn thử làm người…

25-10-1993

(Tặng chị Nguyệt Lệ)

Thế là muộn!
Đã hai ngày lá rụng
Đã hai ngày lá rụng mùa thu

Đã hai ngày một người thân ra đi

Buồn chẳng ích gì
Tiếc thương cũng muộn!
Hoa tặng chẳng kịp mang khi người còn đang sống
Hoa tang mà làm chi!
Lời tốt chẳng nói ra khi người còn đang sống
Lời điếu văn nghĩa gì!

Tôi ngồi bên vỉa hè
Nhìn phố trưa vắng vẻ
Nguyệt Lệ!
Nguyệt Lệ!

Mây trắng đi trên đầu
Hư vô rơi lặng lẽ
Người còn đây. Người đâu?

Cuộc đời cho gặp nhau
Cuộc đời làm ly biệt
Cái nghĩa lý cao sâu
Đến giờ tôi mới biết…

Tháng 11-1977

Dù điều gì xảy ra
Tô-nhi-a
Đừng sợ
Anh rất xa
Nhưng vẫn ở bên em

Dù tuyết rơi, rơi mãi trong đêm
Xoá trắng những con đường
Gió quảng trường lộng buốt
Tô-nhi-a
Đừng khóc
Dù điều gì xảy ra

Trong mơ anh rất xa
Đạp tuyết về bên em
Ta dắt nhau lên đồi
Tìm cây sồi năm xưa
Nơi hai đứa vẫn ngồi
Trong tay em một trang thơ Pu-skin
Trên tóc em một lá thư óng vàng

Em đừng nghĩ cây giờ đây đã chết
Cành nặng tuyết giữa mùa đông khắc nghiệt
Hãy tin anh:
Tất cả sẽ hồi sinh
Trong gôc, rễ, thân, cành
Cây đang dồn mạch nhựa

Tô-nhi-a
Đừng sợ
Dù điều gì xảy ra…

10-1991

Anh chìm vào bóng tối
Rạng rỡ em chói chang đèn dạ hội
Đi – lại – nói – cười

Như hai thế giới
Khác kênh truyền tin
Như hai bờ sông cách xa vời vợi
Không một con thuyền

Anh ở trong bóng tối bình yên
Em thì quen ánh đèn loá mắt
Anh đã lạnh dưới chân, bạc trên tóc
Em đang hồng má và tươi môi

Buồn làm chi, khi dạ hội còn vui
Em rạng rỡ thế kia, trong ánh đèn chói lọi!
Chỉ cầu mong em đừng nhìn bóng tối
Nơi có anh, và sẽ chẳng còn anh…

1992

(Tặng anh Ba Huỳnh)

Đò về mấy xã cù lao
Vừa rời sông cái đã vào cơn mưa
Ướt thôi là ướt rặng dừa
Ướt cây cầu ván qua bờ lạch con
Nước phù sa đỏ như son
Mưa giăng giăng, sắc lá non cồn cào…

Nhớ thời ruồng bố gắt gao
Chỉ còn mấy xã cù lao náu mình…

Bóng dừa xanh, bóng xoài xanh
Về nơi phố thị, lòng anh nhớ hoài
Lời xưa từng hẹn cùng ai
Chưa làm trọn, dám nguôi ngoai chút nào!
Mười năm… đi biết là bao
Dẫu xa, vẫn nhớ nôn nao, mong về

Đã thay mấy nhịp cầu tre?
Nhỏ em chắc đã tóc thề lửng vai?
Vườn xưa còn rộng bóng xoài?
Má ơi tóc má bạc rồi hay chưa?

Con đò lầm lũi trong mưa
Đây tôi – người của đôi bờ – về đây

Giọt gì rớt xuống bàn tay
Trong như nước mắt… những ngày năm xưa…
Rặng dừa ướt đẫm cơn mưa
Đây tôi – người của đôi bờ – về đây…

Trước cơn lũ xuất bản

Người ta in bán bao nhiêu sách
Mình cứ mua về để chật nhà
Người ta không ngốc, mình sao ngốc!
Đọc hoài, chính đạo kiếm không ra

Một buổi, buồn tay ngồi xé hết
Lấy giấy bồi nên một chiếc diều
Đem ra đồng rộng, chờ cơn lốc
Thả lên, rồi chạy, đuổi, hò, reo

Gió sẽ mang diều đi tít tắp
Bốn phương trời mở sáng vô bờ
Thả lên cao mãi đôi tròng mắt
Lại hát đồng dao với trẻ thơ…

1990

Đêm đã khuya. Tàu lại về sai giờ. Phút đợi chờ ứ dồn bao lo lắng. Là hương thơm thầm lặng một loài hoa, tiếng sơn ca long lanh treo giữa trời, em thuần khiết, thanh cao, yếu đuối và trẻ thơ. Mà cuộc đời bao tai nạn ngẫu nhiên, bao lừa lọc, xấu xa náu mình trong bóng tối…

Lần trước tiễn em đi – một chuyến tàu chật chội: người đứng tràn đầu ga, những toa đen nồng mùi mồ hôi và mùi lợn gà, cánh đi buôn ồn ào chất hàng, vài ba kẻ khả nghi lang thang trên sân ga. Anh nhìn theo lo âu, xót xa: dòng nước bất trắc kia đang cuốn đi khuất dần chiếc thuyền giấy mỏng manh trong trắng tình yêu anh…

Đêm đã khuya. Chuyến tàu hẹn chưa về. Em đã gặp những gì trong mấy tuần xa cách? Anh mở to cặp mắt, nhìn qua những mái đầu xô lô, nhìn qua đống ngổn ngang của những kiện hàng và những gói đồ, qua cảnh ga ồn ào đua chen… Cuộc đời như nhà ga, bao nhiêu điều ngẫu nhiên, bao nhiêu xáo động, có kẻ lỡ tàu, có người nhầm chuyến, bao số phận may rủi buồn vui ngược xuôi…

Tình yêu rất đẹp, rất thiêng liêng, nên tình yêu cũng vô cùng mong manh.

Anh giăng tâm hồn mình trên từng ga con tàu đi qua, trên từng toa, trên từng cửa sổ… Anh giăng tâm hồn mình trên mỗi ngọn đèn xanh đèn đỏ, trên mỗi đoạn đường ray, trên mỗi thanh tà vẹt… Tâm hồn anh thức canh, giữa dòng người ồn ào đua chen… Phải canh chừng bao nhiêu điều ngẫu nhiên, cho đêm nay tình yêu về tới đích.

Và, trên dòng nước đầy bất trắc, chiếc thuyền giấy mỏng manh trong trắng của anh đang thanh bình trở lại cập vào bờ cỏ xanh…

8-10-1987

Bàn chân ơi ta đưa người đi
Mọi nẻo đương, – dù có khi ngươi vấp
Có khi dẫm vào gai, và biết đâu, có khi…
Ta phải đi, vì ta yêu mục đích.

Vành tai ơi, ta đưa ngươi đi
Đến miệng đời – dù nghe lời đắng chát
Lời thô bỉ, và biết đâu, có khi…
Ta phải nghe, vì ta yêu tiếng hát.

Cặp mắt ơi, ta đưa ngươi đi
Đến mọi nơi, thấy mọi điều đích thực
Dù thấy điều xót xa, và biết đâu, có khi…
Ta phải nhìn, vì ta yêu cái đẹp.

Trái tim ơi, ta đưa ngươi đi
Khỏi lồng ngực của ta
Hiến dâng người trái đất
Dù có buồn, dù có xót xa,
Dù có lúc nỗi đau ngừng nhịp đập…

Ta phải yêu, vì ta tin hạnh phúc.

1987

Nghìn con mắt để khóc thương
Nghìn bàn tay để lau nước mắt
Nghìn con mắt để nhìn thấu sự thật
Nghìn bàn tay che giữ lửa hồng

Người gặt lúa trên đồng
Người trở thuyền trên sông
Hai bàn tay chai cứng
Những người vợ đợi chồng
Những người mẹ chờ con
Cặp mắt mỏi mòn…

Gió lùa bãi mía sắc liềm trăng non
Buồn chiến trận vẫn chưa rời lau xám
Chát hoá ngọt trong lòng quả trám
Mưa đầu nguồn nhoi nhói chớp hừng đông

Thấy trước cơn giông
Nghìn con mắt thức
Đón vụ gieo trồng
Nghìn tay chọn hạt

Nghìn con mắt để nhìn đất nước
Nhìn Thánh Gióng, Thạch Sanh, nhìn Hưng Đạo, Quang Trung
Nghìn bàn tay đúc roi sắt ngựa sắt
Đóng cọc sông Bạch Đằng, vát nhọn mũi tầm vông…

Mẹ hiền hậu chưa đêm nào yên giấc
Suốt một đời trồng cây, chưa một lúc vin cành
Nuôi con lớn dạy con yêu nước Việt
Dạy con vì nước Việt dám hy sinh…

Chiều nay ngồi thăm thẳm dưới thu xanh
Thấy Nghìn – mắt – nghìn – tay toả hào quang lặng lẽ
Quanh gương mặt nhân từ gương mặt Mẹ
Nguồn sức mạnh diệu kỳ là đó. Việt Nam ơi!

Mùa thu 1992

Có khi muốn vứt hết
Ngồi ngắm mây trên cao
Chẳng cần biết nơi nào
Người ta thay quốc hiệu
Chẳng cần biết ở đâu
Tổng thống vừa được bầu…

Có khi chỉ ao ước
Như người đạp xích lô
Nằm trong bóng cây mát
Say giấc ngủ giữa trưa
Lấy tờ báo che mặt
Mặc kệ chuyện dối lừa
Mặc kệ người quay quắt…

Nhưng làm sao bỏ được!
Cuộc sống trôi hằng ngày
Cầm tờ báo trên tay
Một thói quen nhức nhối
Và ta, như kẻ đói
Nhằn những hạt đắng cay.

Cái thế giới hôm nay
Nụ cười chen nước mắt
Trái đất nhỏ nhoi này
Là ngôi nhà duy nhất
Lo vuồn và đắm say
Làm sao rời bỏ được!

1993

Bế Kiến Quốc là một nha thơ có tài, sống một cuộc đời giản dị, chân thành. Ngoài thơ ca, Bế Kiến Quốc có nhiều đóng góp trong lĩnh vực báo chí, văn xuôi và phê bình. Một người có kiến văn sắc sảo và là người tâm đắc gây dựng một số tờ báo văn học mang dấu ấn của mình.

Xem thêm: Những dòng sông (1969) – Bế Kiến Quốc

Related posts

Thi sĩ Yến Lan cùng tập thơ Tứ Tuyệt vang danh phần 6

admin

Bài Thơ Đặc Sắc Độc Nhất Của Chu Huân

admin

Nhà Thơ Bảo Định Giang Và Sự Nghiệp Thơ Ca Của Ông

admin

Leave a Comment