Nhà Thơ Nổi Tiếng

Tập Thơ ” Hát Lời Cỏ Hát” Đặc Sắc Của Chim Trắng – Hồ Văn Ba Phần 2

Chim Trắng – Hồ Văn Ba là một nhà thơ nổi tiếng với một kho tàng thơ do ông sáng tác vô cùng đặc sắc. Với thể thơ tự do đậm chất trữ tình lãng mạn mà thơ ông được rất nhiều độc giả yêu mến. Tiếp nối Tập Thơ ” Hát Lời Cỏ Hát” Đặc Sắc Của Chim Trắng – Hồ Văn Ba Phần 1 mời các bạn đón xem phần 2 với những bài thơ xuất sắc ngay sau đây. Hãy đón theo dõi và cảm nhận chất thơ chất trữ tình nhé!

Nội Dung

Xuống hầm xưa nghe ấm – lạnh của đất bùn
Và nghe nhịp đập của con tim.
Thơ đang lớn tiếng trên nền hoang nhà má
Mà hầm xưa mẹ đã lấp lâu rồi

Chiều còn chút biếc trong ta
Chút xanh xanh ấy cũng là xanh thêm
Chiều em – một thoáng nghiêng nhìn
Nghiêng nghiêng ấy đủ làm anh đau lòng.

Thôi còn một chút xanh trong
Tặng em! Biết thẳng hày vòng đường đây?
Thôi còn một chút xanh cây
Tặng em! Đi hết cõi này – cõi ta.

Người ta ví tuổi theo mùa
Tôi đang độ mùa thu tới
Nhiều khi muốn níu tuổi mình trở lại
Nên đôi khi cũng tự dối mình
Viện ra một lý lẽ nào đó…

Hình như mẹ mình nhầm lẫn
Hình như có điều gì đó thuộc quá khứ
Giống như nỗi đau thầm kín lúc mẹ còn trẻ
Như sự lừa dối hay lòng dũng cảm
Của một người đàn ông
Mẹ khai man năm tháng sinh mình!

Hình như – dù có hình như bao lần
Đã có một lần tôi tự dối mình
Cũng may là tôi chưa hùng biện dối người khác

Hôm qua trong bữa tiệc
Tôi nói với cô gái đối diện
Cô đang vào mùa xuân
Còn tôi mùa thu chưa tới!
Tôi cố gắng nói tuổi mình bằng hình tượng, ẩn dụ
Để làm gì?

Hình như tôi một lần nữa nói dối
Hình như tôi đang thì thầm với mình

1.
Từ một dòng sông nhỏ xíu ở làng quê
Tiếng súng, tiếng mõ và máu và lửa
Tôi rũ sạch bùn non, rong rêu trên thân thể trần trụi của mình

Ra đi…
Từ bài thơ tình lục cục lòn hòn đá, sỏi
Tưởng chừng tôi yêu em
Ra đi.
Từ đôi cườm tay tím bầm trong chiếc còng số 8 của kẻ thù
(Em xưa cũng kiểu tóc hình số 8)
Ở Sài Gòn – biệt kích Bốn (*)
Trần Quốc Thảo lao đầu vào tường tự vẫn
Tiếng la thét của nhà thơ thân đảng dân chủ Mỹ
Nguyên Sa Trần Bích Lan
Tôi ra đi…

Từ một hoàng hôn tím bên bờ Cửu Long Giang
(Bến phà Rạch Miễu)
Em áo trắng tinh khôi, da ngăm, tóc dài óng ả
Yêu em, đột ngột yêu em
Đã thành chồng, vợ
Tôi ra đi…

Từ cánh rừng già nặng trĩu tiếng ve chuông
Tím hoa bằng lăng, vàng cơn sốt rét
Bên bếp củi dền quây quần năm bảy đứa
Cơm mỗi bữa độn chín mươi phần trăm
Ra đi…
Tất cả ra đi

Ở thành phố này đường chia bao ngả
Đôi khi tôi lặng lẽ cười một mình
Lặng lẽ nước mắt…
Muốn nói điều gì đó với mình
Như thể là…
quá khứ…
Chia tay như tia chớp
Gặp gỡ như tia chớp
Tại thành phố cơm độn cao lương rồi cơm gà Thượng Hải này.

2.
Cuối cùng, tôi đang ở lại với dòng dông
Rong rêu, bùn non đang tô đầy trên thân thể tôi
Máu lửa và tiếng súng đang bám một lần nữa vào tuổi thơ tôi
Cuối cùng, tôi đang quỳ bên mẹ tôi
Còn mẹ tôi thì đang rên khẽ – hoàng hôn sắp tắt hơi thở sắp tàn

Từ đây tôi cũng sẽ ra đi
Thanh thản như cánh chim đang chao liệng trên bầu trời bồng bềnh mây trắng
Trước khi biến một vài câu thơ nào đó thành dây thòng lọng thắt cổ kẻ thù
Kẻ thù của tôi bây giờ giống như loài cá chạch lấu (**) ở sông rạch đồng bằng sông Cửu Long
Bọn người nghiêng theo nắng nghiêng, cúi đầu khi mưa trút
Nói theo cách mạng ban ngày, đêm đêm đi báng bổ Đảng
Đen trắng nhập nhòa, câu thơ

Ra đi…Tiếp tục ra đi
Tất cả con đường trên trái đất này đều dẫn ra nghĩa địa (***)
Ở đó ta còn gặp nhau
Không còn gặp nhau.

Vui là chiếc lá
Lăn qua xoay tròn
Buồn như chiếc lá
Trôi về mênh mang

Chỉ chiếc lá thôi
Buồn-vui luân hồi
Còn chiếc lá nào
Tận cùng đau đớn
Hãy rụng vào tôi!

Em cũng chỉ là
Chiếc lá kia thôi.

Anh “mồ côi” khi chưa khóc tiếng vào đời
Nên cũng ham nhìn đôi lứa sóng đôi
Sóng-đôi-sóng và sóng-đôi-hôn trên biển
Hoan hô hạnh phúc của mọi người!

Có một thời anh sóng-đôi-với súng
Đi bên nhau khắp ngả chiến trường
Cái hầm chông là điều nhân đạo nhất (*)
Sóng-đôi-thơ anh chẳng lạc đường

Hạnh phúc-nghe chừng đâu phía trước
Cũng chừng đang lẽo đẽo sau lưng
Ở giữa – phần mền (**) đâu có mất
Anh hân hoan với bóng, sóng-đôi-chờ.

Hoan hô sóng-đôi-sóng và sóng-đôi-môi
-Trắng như tuyết và đỏ như là phượng ấy
Tiếp cận ư? Phải biết bơi nhanh và trôi nhanh trên mặt bể
Anh đang trầm mình dưới đáy và trôi !

Ai đang định chơi trò sóng đôi cùng tôi đấy?
Nhớ cho mình-phải chìm xuống đáy và trôi.

Thời những người phụ nữ vá áo
Cho chồng, cho con
Cần kính
Không tiền mua kính !

Thời mẹ tôi
Trao chỉ đen kim trắng
Vỗ tay, tôi đếm một, hai, ba…
Sợi chỉ xuyên kim như chớp.

Đàn bà thời bây giờ ít vá áo bằng tay!
Có một lần tôi muốn vá
Chiếc áo chemise tự mình làm rách
Tôi cũng đếm…hai ba bốn…
Để nhớ mẹ mình
(Phụ nữ thời ấy khổ ngần nào !)
Tôi thử vá áo mình để hiểu thêm thời của mẹ
Và tập dần cho người đàn ông như tôi
Phải biết vá cho mình
Khi cần thiết.

Người đàn bà nào đó sẽ bước vào cuộc đời còn lại của tôi
Người con gái lãng mạn nào đó sẽ gõ cửa nhà mình
Một lần nữa…?
Vâng, bây giờ tập vá
Chuẩn bị dần cho việc khâu những vết thương
Chỉ trừ một điều…

Có thể xảy ra lắm
Trong thời buổi này
Thời áo sứt chỉ đường tà thì mua áo mới !
Tiệc hải sản cá sống với mù tạc
Hoa hồng đỏ rưng rưng trên bàn.
Có thể xảy ra lắm
Viên đạn của tay bắn tỉa nào đó xuyên giữa tim mình
Kẻ thù! Không khả năng nhận dạng.

Có thể xảy ra lắm
Tôi không còn kịp gọi mẹ mình nữa
Kim chỉ của mẹ có kịp tới
Cũng đều vô nghĩa.

Như là cơn sốt lên cao
Như là bình minh đang nói sảng
Như là em đang mổ thịt gà ác
Tay em đang hái lá dâu
Tay đâm tiêu, tay xắt hành lá
Và tay nữa đang chườm khăn lên trán…

Như là bom tọa độ đang bứng một góc nhà
Lửa như rắn hổ khổng lồ trườn vào khu vườn
Thất thanh em gọi…
Như là em đang cười thành tiếng
Khi gặp anh còn sống trên lá chuối khô!
Như là chiến tranh – tình yêu.
Lá cũng biết nói
Cây cũng biết nhìn.

Nhớ sốt – thương – hàn anh nhớ em là Mến
Mà anh xa An Thới đủ một vạn ngày xa!
Nhớ thương – hàn anh nhớ em là Mến
Của cái thời trái tim anh rực đỏ
Em đang rực rỡ
Thời yêu không dám nói một lời yêu
Nhớ thương – hàn anh nhớ thời anh là cá
Còn em là nước
Mà anh xa An Thới đủ một vạn ngày xa!
Thời gian như sợi khói
Nửa đang vô định – nửa đang kề.

Chiêm bao thức dậy nửa chừng
Thức rồi – cơn sốt rét rừng còn lên.

Chiêm bao sao chẳng thấy tiền
Thấy đàn bướm tím bên triền suối nâu
Thấy con hổ ngựa qua cầu
Bầy nai múa gạt lá sầu đâu ngập rừng
Vỗ tay, tôi vỗ tay mừng
Thấy em nước lã người dưng – lại buồn!
Chiêm bao sao chẳng thấy vàng
Thấy rừng xuân chợt huy hoàng trổ bông
Chiêm bao chiều – thấy lung tung
Rừng xa lăng lắc nỗi buồn dài ghê.
Bây giờ ở lại rừng kia
Bao người đi đã ai về với em?
Bây giờ em ở đâu em
Bên trông quận Bốn bên tìm quận Ba?
Rừng xưa xa đã nhạt nhòa
Chiều nghiêng chút nắng về pha tím này

Tháng tư năm một – chín – bảy – hai
Giữa ranh giới Cao Lãnh – Việt Nam – Pim – Chô – Campuchia
Trên chiếc thuyền một mái – hai người
Đêm tối như mực…
Lao lách dưới vùng pháo sáng
Tôi bật lửa châm thuốc cho con thuyền bớt cô đơn.

Cô gái ấy hoạt động ở nội thành
Mới ra vùng giải phóng
Làm giao liên cơ quan Trí vận
Mái tóc thật dài
Môi chẳng tô son…
Lặng lẽ trao cho tôi thỏi sô-cô-la từ Sài Gòn gửi tới
Lặng lã đêm-lặng lẽ đôi mắt
Chợt lóe lên tia sáng lạ lùng
Và điều gì đó xảy ra sau đấy

Khi đôi mắt tôi nhắm lại

Hình như là một chiếc hôn
Hình như là lá hai bên bờ sông đang run rẩy
Hình như là vầng sáng bồn chồn thương nhớ ấy của Xuân còn xa ngái…
Hình như là tình yêu
Hình như không là gì cả…
Đêm hoang dã-đêm lãng mạn
Thuyền đã chạm bờ hai bàn tay lại nắm lại
Hai bàn tay buông ra
Và hai bàn tay vẫy
Dưới vòm trời hỏa châu

Tôi châm điếu thuốc cho bước chân mình bớt cô đơn
Cho con thuyền bớt cô đơn
Âm thầm nhớ mẹ…

Où est – elle?
Em bây giờ ở đâu?
Tôi chấm câu hỏi trên trang giấy trắng thật vô nghĩa trong những ngày tháng này!
Khi mẹ tôi mấp máy môi
Giọt nước mắt hiếm hoi đọng trên hai khoé mắt
Không chảy nổi, không chảy nổi nữa rồi!
Hốc mắt con cũng đã cạn rồi!
Không chảy nổi-không chảy nổi nữa-thưa mẹ
Mẹ đang gọi con, đang trách con đấy chăng?
Con đang mừng vui gì cho con đấy chăng:?
Con đang làm thơ đấy mà! Mẹ biết thơ là gì không?
Thơ là trái tim con đang vật vã, rỉ máu!

Tôi châm một điếu thuốc nữa cho con thuyền bớt cô đơn
Cho đốm lửa đỏ lóe trên đôi môi nứt nẻ của tôi
Cho mẹ nhìn thấy
-Thằng Ba đấy
(Mày hút thuốc nhiều quá!)

Où est – elle?
Còn mẹ, con biết mẹ đang ở bên con
Đang ở trong căn nhà của mẹ – ngày xưa ấy.
Những đêm pháo chiếc pháo bầy
Những đêm mẹ hốt thuốc ru-by, bánh tét, bánh in ra đường
cho bộ đội
Nhà của mẹ đây mà
Bom và pháo-cháy ba lần
Bây giờ mãi mãi là nhà của mẹ…
Bây giờ, giây phút nữa thôi
Con biết mẹ sẽ đi về đâu mãi mãi rồi
Thưa mẹ – Con đốt thêm điếu thuốc nữa mẹ!

Où est – elle?

Trên bàn – ly nước trong veo
Tôi úp mặt xuống quá khứ
Tôi thôi miên em
Em chợt hiện hữu và im lặng
Như tranh tĩnh vật
Nhớ chạy rân rân trên da thịt

Tôi xuyên qua núi, lướt trên đại dương sóng
Tôi đục tường quá khứ
Lao vào ngực em
Nóng như lửa
Và bật khóc không ra tiếng
Ly rượu chưa hề cạn
Tôi cắn trái ổi non
Môi em động đậy, ứa máu
Em nhìn tôi, run rẩy
Em nói huyên thuyên và hát
Em đi van-xơ yểu điệu khăn rằn
Em nhảy điệu rum-ba bập bùng ánh đuốc
Bom cày nát mặt hoàng hôn

Thế giới quanh ta bừng sôi lửa đỏ
Em đi như không hề có chiến tranh

Tôi úp tôi xuống thẳm sâu
Thủy tinh vỡ
Gương mặt quá khứ bị rạch nát
Tôi nghiêng nhìn lên vách
Thấy em nhìn tôi mỉm cười

Mùa đông đỏ trên bức tường xám khói
Một chiếc lá bay khô.

Ở Chô-long Campuchia, Âu-xơ-rây hỏi:
Yêu ở Việt nam anh yêu hoa gì

Yêu ở Việt nam anh yêu hoa đào đỏ ấy
Và vàng rực ấy hoa mai
Yêu rước cửa nhà anh hoa quỳnh đêm trắng nở
Yêu trước ngỏ lòng mình – hoa “đừng quên tôi”!

Âu-xơ-rây !
Hoài hoài nhớ bàn tay em vẫy
Trong một chiều thị trấn chia tay
Em ngắt một đóa hoa và bảo: Không quên!
Em đã cho tôi cánh hoa gì vậy?
Hoa không tên sắc hoa không còn nhớ
Đêm ở Việt Nam đau điếng nhớ không màu.
Thơ anh có thể vượt chiều cao biên giới
Ở đâu Âu-xơ-rây?
Ôi đất nước nghìn lần em yêu dấu
Đã đưa em đi đâu, về đâu ?

Yêu ở Việt Nam anh yêu hoa đào đỏ ấy
Yêu ở đất nước em anh yêu trắng hoa gì!
Yêu trước cửa lòng mình…
Âu-xơ-rây,
Sắc hoa không màu – nhớ
Sắc hoa đau.

Mắt tôi nhìn không xuyên thủng nổi Thất Sơn
Em bên kia vách núi cười dòn
Từ trên đỉnh cao đứng – nhìn xuống
Em mất hút trong hốc núi, trong hang động
Mất hút trong tiếng em cười
Và gió núi ù ù thổi và mưa xối
Em đang trú ẩn trong tôi.
Ngắt một bông hoa trắng, nhỏ
Bỏ vào túi áo – mang về
Nghe hoa thở hổn hển
Hoa khóc tức tưởi ở ngực áo
Chợt nghĩ về tự do của lá và cỏ
Tự do của con người
Nghĩ về em – núi và cánh đồng của em.
Buồn như lá đổ!
Đi đó đi đây lại đi về phía núi
Chỉ kể về một tiếng cười
Về một cuộc trốn tìm không đâu
Và tôi tồn tại. Tình yêu núi tồn tại, vững bền.
Thất Sơn !
Lâu lắm rồi còn âm vang tiếng gọi.

Mùa mưa ấy…
Núi đầm đìa nước mắt
Trong veo đến bây giờ
Còn một bông hoa quên lãng
Lủng lẳng trước ngực.

Phấn son tô và kỹ nghệ ngôn từ
-Bây giờ là thời hiện đại!
Mẹ lặng lẽ đẹp như lục bát

Nghệ thuật, trí tuệ, chân thành
Mẹ trầm tư như tứ tuyệt
Giật mình – người ta nhớ
Giật mình – quên!

Thời hiện đại thì tư duy hiện đại
Trái tim tươi rói – đã mòn rồi
Hầm cánh én (*) có gì là mới
Chiếc khăn rằn cũ kỹ, quá xa xôi!
Tôi cũng có lần giật mình nhớ mẹ
Mẹ là Má Bảy Cây Me!
-Tứ tuyệt của ta, lục bát của mình
Em có khi nào về mẹ Bến Tre không?

Câu thứ nhất đứng một mình-câu góa bụa-
Câu thứ hai, câu ấy-xếp hàng
Câu thứ ba làm người môi giới
Tứ tuyệt-tình phải đủ-câu tư.

Thêm câu thứ năm là tan vỡ đấy !

Đấy là thơ còn anh với em có khác
Đứng trước sau gì cũng thế mà thôi
Bản lĩnh thuộc về em-có yêu không đấy
Yêu rồi không nhất thiết phải song đôi.

Song đôi có khi là lẻ loi đấy!

Bài tứ tuyệt cô đơn trên trang giấy trắng
Nhà phê bình vít hai câu đầu lên: khen!
Hai câu cuối phải có điều gì như thể
Như thể còn chủ nghĩa tự nhiên!

Nhìn lên tác giả nhà phê bình mỉm cười…phóng bút
Hy vọng nhà thơ và thời gian

Gió lật úp bài phê bình xuống mặt bàn
Bóng nhà phê bình úp lên trang giấy trắng
Con thằn lằn tặc lưỡi trên trần nhà
Căn phòng lạnh lẽo một mùa đông

Ta đóng đinh tình yêu ta trên bức tường này
Máu ướt đẫm hai bàn chân
Máu đỏ bừng – khô quánh…

Ta đóng đinh ta trên bức tường này
Màu xám khói em yêu
Còn anh cũng thế

Ta đi…
Vật vã nặng nề
(Trở về với mẹ
Trở về cùng tuổi thơ ta)
Như một tên nô lệ
Xích xiềng rung lẻng xẻng dưới chân.
Đôi khi ta ngoảnh lại nhìn
Muốn nói điều gì chưa kịp nói!
Tình yêu đâu có màu gì?

Xám khói
Cứ lung linh như cái thuở ban đầu
Xám khói…

Thôi em ướt áo hết rồi
Lạnh – trắng
Mưa dày
Áo mỏng – Cầm đi!

Mưa lũ ào về như thế
Em như thế
Chiều. Hoàng hôn mưa như thế!
Trắng xóa nỗi niềm và mắt cũng xanh thêm.

Tạm biệt tiếng cười-nhỏ-dong ruỗi!
Xanh thêm chút mình
Thả một làn
Hai làn hơi ấm
Tan theo mưa
Tin rằng em nhận được.

Em đang dầm mình trong mưa lũ
Căn phòng ấm
Khói thuốc lượn một vòng – suy nghĩ
Ấm!
Anh đang lạnh tái thế này!

Em đang đi hay đang chạy về phía sau bờ mưa lũ?
Trắng chiều – trắng tóc và biếc xanh mắt
Đâu lẽ nào, đâu lý gì
Đấy là một định mệnh
Hai số phận?

Chuông điện thoại reo hai ba lần
Bật lửa, thắp một cây nhang
Thưa mẹ:
Con đang dong ruỗi đến một bến bờ khác
Chưa biết bao giờ đến.
Mưa lũ đã quen rồi
Mẹ đừng buồn!

Trên đây, chúng tôi đã cập nhật cho quý độc giả những bài thơ đặc sắc trong tập ” Hát lời cỏ hát” của nhà thơ tài ba Chim Trắng – Hồ Văn Ba. Hy vọng bài viết này sẽ làm hài lòng các bạn. Mong rằng những bài thơ này sẽ giúp các bạn cảm nhận được sự tài hoa trong sáng tác của ông. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết của chúng tôi! 

Related posts

Nồng Nàn Phố cùng tập thơ Anh Ngủ Thêm Đi Anh, Em Phải Dậy Lấy Chồng phần 1

admin

Nhà thơ Tản Đà – Tiểu sử về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác văn chương

admin

Nhà thơ Tú Mỡ cùng những trang thơ ấn tượng phần 2

admin

Leave a Comment