Nhà Thơ Nổi Tiếng

Tập thơ: Nheo mắt nhìn thế giới (2008) – Bằng Việt (Tiếp)

Tập thơ Nheo mắt nhìn thế giới (2008) của nhà thơ Bằng Việt được sáng tác năm 2008, tập thơ gồm 29 bài thơ. Bằng Việt có nghệ thuật thơ ca đồ sộ, những tác phẩm thơ của ông được độc giả Việt Nam và độc giả thế giới biết đễn. Bằng Việt là một nhà thơ trữ tình đa tài.

Nội Dung

Con gà kêu “oa” một tiếng xé tai
Hai chân vừa bị bẻ
Người bán thuốc dịt cao vào chỗ gãy
Để nằm yên trên bàn.

Cô gái bậm môi, đưa lòng tay búp măng
Nắm vào xích sắt đang nung đỏ
Nghe rõ da tay cháy xèo một tiếng
Vội vã xoa vào thuốc mỡ kề bên.

Hai mươi phút sau, gà què lại chạy,
Hai mươi phút sau, tay bỏng lại lành,
Một ngày đón “tua” hai mươi đoàn khách
Ngày hai mươi lần tái diễn “cực hình”!

Kinh tế thị trường giá mua cực đắt
Phải biết bày trò quảng cáo độc chiêu!
Bách chiết thiên ma là nghề kiếm sống
Rát bỏng hai tay, nhưng vẫn phải liều!

Bán thuốc thời nay cao hơn bán thuốc!
Cao hơn thời “mãi võ” bến xe tàu,
Nếu không đến Nam Ninh nhìn tận mắt
Thì kể chuyện này, ai dễ tin đâu!

2007

Có nỗi buồn bay qua lỗ kim
Có nỗi buồn lướt trên miệng vực!

Có nỗi buồn không hiểu được người
Có nỗi buồn tìm ra mình không được!

Buồn quá, dù sẵn cầm đàn
Gẩy mãi tai trâu, nỗi buồn càng lớn!

“Bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay..”
Đâu phải riêng mình Nguyễn Du thấm thía!

2003

Xếp hàng ngang cùng lách
Hiện đại và thô sơ
Xếp hàng dọc mà len
Vượt lên là cứu cánh
Còi xe dồn lanh lảnh
Mồ hôi tháo đầm đìa
Có kế gì phù phép
Sang được đường bên kia!

Xây hàng loạt bùng binh
Uốn dòng người rồng rắn
Đường nào cũng ngăn làn
Phố nào cũng che chắn
Xi măng dựng như thành
Bê tông làm rào cản
Thành phố như trại lính
Đường đi như chiến hào…

Lên cầu vượt, thở phào
Mà cười ra nước mắt!
Cầu không đưa tới đích
Cầu chỉ giúp rẽ ngang
Cầu to lớn, kềnh càng
Cầu nghênh ngang, tốn phí!

Hoá ra cầu chỉ giúp mình có thế:
Nào vượt nổi ai đâu, chỉ để vượt chính mình!

2006

Dãy hàng hoá đủ màu không che được cái nghèo
Cái nghèo bám theo, dù đi toàn thế giới!
Nụ cười mời chào dưới nắng chiều ô trọc,
Những vết nhăn nhìn gần lam lũ hơn…

Ba cậu vệ sĩ Nga đi sau bảo vệ cả đoàn
Như ba chú gấu khoá đuôi đàn gà phía trước,
Có gì đáng mua trong hoàn cảnh ấy?
Hoạ chăng mua cầu may trước nụ cười cầu tài!

Tấm áo, đôi giày… đều đắt hơn ở nhà
Trả giá xuê xoa, lấy tình lấy nghĩa,
Kẻo mai kia đã cách xa nghìn dặm
Chẳng lưu nổi chút buồn vui, ghi dấu ấn Chợ Vòm!

2008

Cổ rồi… Gió thổi mùa thu,
Tình tang nhịp võng, lời ru – cổ rồi!

Áo the, quần đũi, yếm sồi,
Mớ ba, mớ bảy… em ngồi cùng ai?
Cổ rồi – con vạc, con trai,
Môi trầu cắn chỉ, khuyên tai – cổ rồi!

Duyên xưa đã tếch về trời
Tít mù tăm…cuốn một thời lùi xa,
Cuội già buồn với gốc đa,
Đánh rơi cổ tích, trăng già trơ trơ!

Cổ rồi – khép nép, mộng mơ,
Tìm đâu áo trắng ngây thơ, chung tình!

2002

Có phải em làm tôi cảm động
Tự thuở đầu xa lắc xa lơ
Áo hoa vàng thanh thản thế… Ngày xưa!

– “Trời ơi! Sen sớm quá chừng thơm!”
Cơn mê đắm năm mười sáu tuổi…
Tiếng reo không hề gợn bụi
Toả trên gương nước mê hồn!

Bây giờ, hồ sen không còn đâu em
Chỉ nhà lấn sen, tầng tầng lớp lớp,
Tiếng reo xa xưa nhói vào tiềm thức
Ba mươi năm rồi, mùa sen cũ còn thơm!

2000

Sưu tập bướm ngàn con
Màu lạ mắt y như tranh trừu tượng
Sưu tập rùa vàng to nhỏ
Chỉ sót không tìm thấy nỏ Kim Quy!
Vỏ ốc, da thằn lằn,
Từng bó lông công sặc sỡ,
Rượu bìm bịp, cao hổ cốt,
Những thứ tưởng Trời cho mãi
Hoá ra đến lúc không còn!

Nguồn sắp kiệt nước trong, núi lở loét đào vàng,
Không còn tiếng chim rừng nguyên sinh thăm thẳm,
Vỏ đồ hộp, lon Coca bập bềnh lòng suối,
Chùa rởm, khói hương cũng mù mịt bốn bề…

Sa Pa, Mai Châu, Chùa Hương, Tam Đảo,
Trẻ con bỏ nhà đi hướng dẫn tham quan,
Xách mớ hàng tạp hoá nhôm nhoam
Thổ cẩm linh tinh, ví tay, túi xách…

– Money? – Good! Service? – Yes!
Em bảy tuổi đầu đã lăn lóc mưu sinh!

2001

Một vị tăng hỏi bậc chân tu: “Bạch Thầy,
thế nào là Phật?”
Người đáp: “Chấp theo lối cũ là không đúng!”
Lại hỏi: “Thế nào là Pháp?”
Người đáp: “Chấp theo lối cũ là không đúng!”
Hỏi tiếp: “Vậy thế nào là Tăng?”
Người phủi tay, cười: “Chấp theo lối cũ
là không đúng!”.

*

Bảy trăm năm sau, tôi hành hương lên Yên Tử
Đêm – nằm mơ thấy Phật.
Nhớ chuyện xưa, bèn hỏi: “Bạch Thầy, việc đời
thế nào là đúng?”
Người ngậm ngùi: “Chấp theo lối cũ là không đúng!”
Lại hỏi: “Thế nào là hạnh phúc trần ai?”
Người bèn cười to: “Chấp theo lối cũ là không đúng!”
Hỏi tiếp: “Vậy thế nào là Thơ?”
Người lại phủi tay: “Chấp theo lối cũ
là không đúng!”.

2008

Một vị tăng hỏi bậc chân tu: “Bạch Thầy,
thế nào là Phật?”
Người đáp: “Chấp theo lối cũ là không đúng!”
Lại hỏi: “Thế nào là Pháp?”
Người đáp: “Chấp theo lối cũ là không đúng!”
Hỏi tiếp: “Vậy thế nào là Tăng?”
Người phủi tay, cười: “Chấp theo lối cũ
là không đúng!”.

*

Bảy trăm năm sau, tôi hành hương lên Yên Tử
Đêm – nằm mơ thấy Phật.
Nhớ chuyện xưa, bèn hỏi: “Bạch Thầy, việc đời
thế nào là đúng?”
Người ngậm ngùi: “Chấp theo lối cũ là không đúng!”
Lại hỏi: “Thế nào là hạnh phúc trần ai?”
Người bèn cười to: “Chấp theo lối cũ là không đúng!”
Hỏi tiếp: “Vậy thế nào là Thơ?”
Người lại phủi tay: “Chấp theo lối cũ
là không đúng!”.

2008

Đồ vật cũ
Hay những câu thơ cũ
Mòn mỏi đi
Nhưng đã quen dùng.

Quen dáng, quen tay,
Quen vui buồn, nước mắt, mồ hôi…
Một chút hồn xưa
Rất nhiều xa xót!

Ôm mãi đống đồ quá quen, cũ rích,
Ai nỡ vứt đi kỷ niệm đời mình?
Chỉ biết thở dài, lau vết mốc meo
Dù tích lại, chả có gì thiết dụng!

Tấm chăn tiết kiệm xuống màu
Không nỡ phũ tay quăng cho đồng nát,
Trăm mụn vải thô vá chằng vá đụp
Là trăm mụn thời gian giằng níu những gì quên!

Thế kỷ XX đang bước xa dần
Còn day dứt phần đời cam go, nghèo khó,
Trời ơi! Những câu thơ từng say mê thế
Chả lẽ cũng là đồ vật cũ mà thôi?!?

2002

Ừ thì…nắng, ừ thì…mưa,
Lập nghiêm mấy độ, vẫn thừa nhung nhăng,

Ừ thì…gió, ừ thì…trăng,
Chỉ trăng với gió cũng rằng chơi ngông!

Ừ thì… đục, ừ thì… trong,
Tỉnh queo thế sự, vẫn hòng được say!

Ừ thì…đó, ừ thì…đây,
Chưa đi xa, đã biết ngày đi xa,

Ừ thì…bạn, ừ thì… ta,
Một đời lắm bạn, ai là thương yêu?

Ừ thì… sớm, ừ thì… chiều,
Qua rồi, nghĩ lại, bao nhiêu nỗi buồn!

Lên cao, giảm độ sôi
Không khí loãng dần
Nhìn xa hơn, bao quát hơn,
Nhưng tức thở!

Trứng chỉ lòng đào, nhúng không thể chín,
Ý nghĩ trên mây càng sống sít hơn,
Vi khuẩn sống dai, rơi vào nước bốc hơi
Càng kích thích lớn nhanh, không thể chết,
Duy kỳ diệu, trên ngút ngàn núi tuyết
Xác ướp trong băng còn nguyên vẹn đời đời!

Lên cao
Càng lên càng cô đơn
Mạch càng đập nhanh hơn
Để chống tim đông máu!
Môi trường sạch lý tưởng
Nhưng bên trong vẫn ủ kín vi trùng!

Sống khép mình, căng thẳng, lạnh lùng,
Chỉ lúc chết
Là cầm chắc ướp trong băng vĩnh cửu!

2002

Cô nàng búp bê mắn đẻ tròn xoe!
Mở lòng ra – cả bầy con nhỏ xíu…
Nước Nga mênh mông, người là vốn quý
Một mẹ Anh hùng, nâng niu hàng chục đứa con!

Nhưng thời thế khác rồi!
Người độc thân nhiều hơn, thích hưởng thụ
hơn là chia sẻ,
Yêu bản thể chính mình hơn là yêu trẻ…
Đi khắp các quầy, chẳng dễ tìm đâu
búp bê Matơriôska!

Giống bầy tò he nặn bột ở ta,
Màu xanh đỏ thơ ngây, giờ còn ai chơi nữa!
Matơriôska thành kỷ niệm lui về quá khứ…
Hiếm hoi như một nỗi ngậm ngùi!

2008

Người đàn ông đã đến tuổi buồn
Đã đến tuổi không còn gì để nói
Sao ngoảnh lại vẫn còn nhiều bối rối
Vẫn còn nhiều duyên nợ ở trần gian?

Người đàn ông đã đến tuổi gàn
Đã đến tuổi không còn gì để mất
Mới hiểu được góc nhìn ngoài sự vật
Thấy rõ hình hài những thứ vô vi…
Ngủ đi, ngủ đi…
“Ngủ quách sự đời thây kẻ thức…”
Đã đến tuổi ngủ liền luôn một giấc
Sao còn quá nhiều điều bức xúc
Quá nhiều điều không nỡ để buông xuôi…

Ngủ đi! Ngủ ư?… Lại mất ngủ rồi!

2006

Bóng râm ngủ quên trong một câu đùa…
Ngày nhẹ nắng, trời mù sa lất phất.
Mưa cao nguyên chợt bay rồi chợt tắt

Có day dứt gì đâu?… Chỉ là mưa cao nguyên!

Trong câu đùa để ngủ quên hạnh phúc,
Lời hứa hẹn yên hàn ngủ quên trong chiến tranh.
Chỉ có thế! Sao mãi còn thắc thỏm?

Mà day dứt gì đâu?… Chỉ là mưa cao nguyên!

Thời ấy thật trẻ trung! Sống trọn vẹn làm sao!
Yêu hết sức thiêng liêng, hứa quá chừng sâu nặng,
Một lời hứa chưa thành, khiến suốt đời dai dẳng…

Mà day dứt gì đâu?… Chỉ là mưa cao nguyên!

2000

“Ô hay! Buồn vương cây ngô đồng!”
(Bích Khê)

Cây huyền thoại đã vào văn học sử:
“Cây ngô đồng, ai trồng mà mọc…”
“Một lá ngô đồng rụng,
Cả thiên hạ hay thu!”
“Lá ngô đang mùa hạ,
Vua Ngô tỉnh chửa tỉnh,
Lá ngô sang mùa thu,
Vua Ngô sầu lại sầu!”

Cây ngô đồng sang trọng
Sang mãi từ thời Xuân Thu – Chiến Quốc,
Sang đến thế, chỉ có trong sách vở,
Nỡ nào bán rao đến tận thời này:
Chậu cảnh rẻ tiền,bầu cây thô tháp,
Lá nhăn nhúm răng cưa, xoè rẻ quạt,
Giống lai tạp bình dân, xa rời danh giá cũ,
Chỉ khiến nguội tanh trí tưởng tượng ngàn đời!

Ngô đồng ơi! Ngô đồng!
Có phải nhầm không đấy?
Giờ hoá hèn mọn vậy,
Biết trách ai, ngô đồng?

… Thất vọng với ngàn xưa hay thương xót ngô đồng
Trót được tôn quá cao, đẩy mãi vào lịch sử,
Để đến nỗi, hậu duệ giờ thoái hoá
Lưu luyến thuở vàng son xa lạ với đời thường!

Thất vọng trước hào quang ru ngủ mãi chính mình,
Huyền thoại đã sinh ra, phải sống cùng hư ảo!
Về lại cõi nhân gian xô bồ, nhộn nhạo,
Chỉ tổ xót xa thêm
Như số kiếp ngô đồng!

2001

Tôi đến Vácsava khi Liên Xô đã đổ
Thấy tiếc toà nhà cao như Trường Lômônôxốp
Kiến trúc thời Xtalin, giờ bỗng bị bỏ hoang!
Tôi hỏi bằng tiếng Nga – từng phổ cập ở Ba Lan
Người qua đường đáp ngay, giọng có phần
khiêu khích:
“You would better speak English!”

Lại đến Hồng Kông, gặp một người Nga
Bỏ nước ra đi sau thời Goócbachốp
Sang đây dạy Trường Đại học Kỹ thuật
Tôi vui mừng như gặp lại đồng hương
Hồn nhiên, chào câu tiếng Nga thông thường,
Nhưng ông ta vẻ giá băng, khô khốc:
“You would better speak English!”

Về lại Việt Nam, giờ ai học tiếng Nga?
Đài Truyền hình không cần tuyển tiếng Nga thứ thiệt,
Thà tiếng Anh giả cầy, vẫn “ôkê”, dùng được!
Một tấm biển “Thể thao” giản đơn, vẫn để
tiếng Nga bồi!
Cả nước xem truyền hình, nhưng không ai buồn sửa!

*

Ngôn ngữ tội tình gì, hỡi “Rusky day dứt”
Mà dâu bể khó lường, mà giậu đổ, bìm leo?
Hay cũng nhiễm thói đời, như đồng tiền đen bạc,
Lúc thắng thế vung vinh, lúc tủi phận bọt bèo!?!

2007

“Phục chẩm bất thăng kinh tạc mộng
Hồi đầu dĩ nhược cách tiền sinh…”
(Nguyễn Khuyến)

Vẫn nói, vẫn cười, vẫn ăn, vẫn uống,
Vẫn cao ngạo, tự tin, điềm tĩnh,
Nhưng trên gương mặt anh đã có gì khuất lấp,
Anh – người của thế kỷ khác rồi!

Thế kỷ dữ dằn, bão bùng, có đi và có đến,
Anh xuống cùng một bến với bao người tâm huyết,
Anh cũng đi theo đến cùng chuyến tàu có mọi người đi,
Anh vinh quang cùng mọi người,
trả giá cùng mọi người,
Anh đầy khôn ngoan, đầy so đo, đầy tránh né,
Anh sống đến hôm nay, dương dương tự đắc,
Nhưng than ôi
Anh vẫn là người của thế kỷ khác rồi!

Tôi ngồi uống với anh như uống cùng ảo ảnh,
Uống cùng bao nhiêu khát vọng không thành…
Anh đâu cần ai thương, anh bình giá mọi điều
bằng cái nhìn khinh bạc,
Anh đứng trên mọi điều để xét nét thời gian…

Nhưng có ích gì đâu
Khi trên khuôn mặt anh đã in vết thẫm màu:

Dấu ấn cũ càng của thế kỷ vừa khép lại!.

2003

Trên ba nghìn mét cao
Bóng người như hạt bụi,
Cao ốc như hộp diêm
Rừng già như tóc rối…
Nheo mắt, biết buồn gì?

Chỉ còn mây trắng mây
Giống vẩy rồng, vẩy cá,
Chỉ còn trời xanh trời
Chẳng đâu cùng tận cả…
Nheo mắt, biết vui gì?

Nheo mắt vì rợn ngợp
Nheo mắt vì bất cần,
Có thể đầy phấn khích
Có thể đầy phân vân,
Hay nhuốm màu khinh bạc
Hay chan hoà bao dung?!

Nheo mắt nhìn thế giới…

2006

Chợt rầu lòng vì câu thơ của Trịnh:
“Đêm thấy ta là thác đổ…”
Vậy ngày ơi, ta là gì?

Có khi
Một ngày ruổi rong, một ngày tất bật
Cũng không làm xong một việc ra hồn!
Có khi
Cả tuần lao lung, cả tuần suy ngẫm
Cũng không nhìn thấu bản thể mình!
Ngày sống vội, tuần sống vội, năm sống vội
Tuổi hoa niên, trung niên, kế tiếp tuổi già…
Chong chóng quay, rút cuộc được gì?
Được chuyển động – làm bù nhìn của gió,
Và gió, quẩn quanh đầu sông, cuối bãi,
Cũng một kiểu bù nhìn của nóng lạnh, Âm – Dương,
Còn Âm – Dương có từ đâu,tồn tại tới đâu,
Thì mở hết giác quan, ta vẫn là mù tịt!

Rầu rĩ trở về câu thơ của Trịnh:
“Đêm thấy ta là thác đổ…”
Có lẽ nào, chỉ thế thôi sao?

2002

“Hai mươi năm sau, một tên sách mỉa mai
Ghi trọn đời ta và giấc mơ đi lạc…”
Louis Aragon (Đêm Maxcơva)

1

Những vỉa hè xưa cũ
Màu đá nhẵn lỳ, thân thuộc bao năm,
Đâu biết mình chuyển sang kinh tế thị trường
Mà mình đã thành vỉa hè tư bản!

Những bà già vẫn khoác tấm áo màu đen xưa cũ,
Khuôn mặt thuần Nga thật thà chất phác,
Lặng lẽ bước vào từng cửa hàng nhỏ lẻ
Trong khu chợ vừa túi tiền bình dân,
Rụt rè ngước nhìn dãy siêu thị sáng choang
Kênh kiệu chưng bày toàn hàng mác ngoại!

Bách hoá G.U.M. xưa tấp nập đâu rồi?
Các tầng nhà trống hoang đang còn sửa chữa!
Thế giới trẻ em Detxky Mir, từng rạng rỡ
sắc màu bay múa,
Cũng lại đóng cửa, im lìm quét sơn!
Dạo phố, chỉ thấy nhà thờ tôn tạo rất nhiều,
Mua vé tham quan thả cửa.

2

Nhớ thời sinh viên, thuở cả tin, đắm say, ngơ ngẩn
Nhìn Kremlin quá đỗi thiêng liêng!
Bây giờ còn đây dãy tường đỏ màu son
Chỉ tháp gắn ngôi sao không còn là biểu tượng,
Hồng trường có vẻ nhỏ hơn ngày trước
Lăng Lênin không mở cửa mỗi chiều,
Mọi người đi qua, chỉ nhìn nhau dáng vẻ thờ ơ,
Chẳng ác cảm, chẳng tỏ ra thiện cảm.

3

Qua ga hàng không nào, cũng bị sờ nắn kỹ,
Lột chìa khoá thắt lưng, bỏ rọ khám giày tây,
Chắc cảnh giác nhiều khủng bố, nhiều không tặc,
Người xa lạ đến đây, đâu dễ tưởng người ngay!
Dãy máy soi, tinh vi hơn thời Xô viết,
Duy máy bay T.U. vẫn xoay trở nặng nề, như
hai chục năm xưa!
Thủ tục nhà ga chẳng cải tiến gì nhiều
Lấy hành lý cũng mất gần nửa buổi!

4

Lại vào Hermitage đầy say sưa,
Nhưng bảo tàng cũng đang thời sang sửa!
Hành lang thêm nhiều chân dung ông hoàng bà chúa
(Ngày xưa bị dấu kín trong kho!)
Đặc biệt, chiếc ngai vàng thời Sa hoàng xưa
Đã được ung dung chưng bày trở lại.

Chiến hạm Rạng Đông nằm yên trễ nải
Bên bờ Nêva, sang thế kỷ khác rồi,
Pháo đài cũ bên sông vẫn nổ súng báo giờ
Chỉ để gợi một chút gì hoài cổ!

Quá khứ – ngỡ nhiều điều tưởng chừng đã rõ
Nhưng còn rất nhiều điều cần phân định
tận tương lai…
Đã quay lưng chối từ quá khứ mà đi
Thì không cách gì quay đầu trở lại!

Mỗi việc cứ chuyển dịch thế thôi, phải tuân theo
quy luật
Chính xác và nặng nề,
Ví như chiếc cầu, đã hai thế kỷ bắc qua sông Nêva,
Vẫn gồng mình đóng mở hàng đêm, cho tàu
thoát ra biển lớn.

(Và thức dậy ở đây, dù vào múi giờ nào,
cũng không sợ muộn,
Khi vẫn còn đây một phần sáu địa cầu – đồng hành
với nước Nga!)

Maxcơva – Xanh Pêtecbua, 2008

Tới mốc nghìn năm, còn có 900 ngày,
Phim chất lượng cao, dễ gì đạt được?
Thảo luận mãi, ngỡ chừng nát nước
Chưa ai chịu ai có sáng kiến gì!

Một người thăm dò: “Hay cứ thuê thầy ngoại,
Đạo diễn nước mình chưa đủ chắc ăn!”
Người khác bàn thêm, vẻ nghi ngại, băn khoăn:
“Đến thành quách, cung đình… cũng nên
nhờ nước bạn!”
Người thứ ba hùng hồn hơn, lên giọng phán:
“Thế còn ngựa nghẽo không thuê, các ông
biết quay gì?
Bao trận đánh hào hùng cũng sẽ vứt đi
Nếu chỉ kéo ba chú ngựa còm, mượn từ Đoàn Xiếc,
Chạy tới, chạy lui, thở sùi bọt mép…
Y hệt trong phim Đề Thám dạo nào!”.

Ba người nói xong, nhẹ nhõm thở phào
Ý kiến xem ra đã gần thống nhất.
Tôi bèn tặc lưỡi: “Thôi thuê quách nốt diễn viên
Hàn Quốc,
Thật ăn khách, bảnh trai, vào vai
Lee Koong Wan!”

2008

Vị Thiếu tướng Công an cầm chai rượu ra bàn
– “Ông Nguyễn Cao Kỳ mới về gửi tặng”.
Mọi người đang vui, gật gù bảo “Uống”
Nhưng một người bảo “Không!”.

Vì sao không? Rượu cứ ngon là rượu!
Whisky Mỹ hay vodka Nga, giờ có mặc cảm gì,
Chiến tranh lạnh qua rồi, ba mươi năm sau chống Mỹ
Đây là chén rượu thăm quê của
tướng Nguyễn Cao Kỳ!

Nhưng vẫn có một người không chịu uống!

Vì sao không? Chẳng cố chấp quá ư?
Cậu là lính phòng không, chúng tớ đều
cựu chiến binh cả chứ!
Cũng bom đạn, cũng Trường Sơn, cũng vào sinh ra tử,
Sống đến hôm nay, đâu phải để hận thù!

Có phải tự đáy lòng không vượt qua mặc cảm?
Không vượt qua nỗi buồn của cuộc chiến tranh xưa?
Không vượt qua chính mình, không vượt qua quá khứ,
Vết thương cũ còn đau khi gió chuyển sang mùa…

Đám đông ồn ào của chúng tôi cứ uống
Anh bạn chỉ ngồi im, cũng chẳng nói thêm gì…

Và bữa rượu, bỗng dưng thành đắng đót
Chẳng phải tại vì ai, kể cả Nguyễn Cao Kỳ!

2007

Còn có gì to tát để tuyên ngôn?
Thơ lặng lẽ lui dần vào giải trí.
Éptushenkô thì đi sang Mỹ,
Rôjđextvenxky thì cũng chết rồi!

Maiakôpxky thành dĩ vãng xa vời
Cũng chả khác Êxênin là mấy…
Chỉ còn nhớ, một người thì treo cổ,
Một người thì bắn súng vào đầu!

Thơ thời đại hậu sinh vừa sặc sỡ vừa buồn,
Nhiều sexy, ít nghĩ về hạnh phúc,
Nhiều đòi hỏi, mà chả cần trách nhiệm
Dễ buông tuồng, nhưng rất ghét tuyên ngôn!

Maxcơva, 2008

Maiakốpxky giơ cao tấm hộ chiếu đỏ tươi
Ngẩng đầu hiên ngang: “Ta chính là
Liên bang Xô Viết!”
Câu thơ trác việt một thời, nhưng hôm nay phải chết
Khi ngay cả Liên bang Xô Viết không còn!

Tố Hữu dịch bài thơ “Đợi anh về”
Bài thơ được chuyền tay, suốt thời bom rơi đạn nổ…
Cho tới lúc hàng vạn người xuất ngũ,
Người mất cũng mất rồi, người chờ đợi đã già đi,
Bài thơ kiên trung đầy khắc khoải, chia ly,
Đành thở phào ra đi, khi làm xong nhiệm vụ!

Các cô gái nếu trọn đời cứ vô danh, bé nhỏ,
Đâu phải chịu số phận ngặt nghèo như
số phận Tây Thi!
“Mỹ nhân tự cổ như danh tướng…”
Đã vượt quá tầm cao, cái chết có xa gì?!

Thơ càng sắc, càng kiêu, càng chớ màng bất tử,
Miễn đừng để loài người hèn hạ, tối tăm đi…

2008

Thực ra, cuộc đời vẫn dành một lối đi
Dù thoạt nhìn vô cùng rối rắm!

Thực ra, cuộc đời vẫn hé ra khoảng lặng
Dù mải mê biết mấy bộn bề!

Thực ra, cuộc đời vẫn hút về chân không
Dù qua hết đến muôn trùng khát vọng!

2007

“Xin Ngài vui lòng điền vào chỗ trống:
Tiểu sử, văn bằng, tác phẩm, công trình…
Ngài sẽ vinh dự có tên
Trong Từ điển danh nhân thế giới!”.

“Who is who”
“Danh sách được dày công chọn lọc,
Chúng tôi tiến hành nghiên cứu toàn cầu,
Nhưng để Ngài không bị sót tên,
Xin gửi về địa chỉ kèm theo
Chỉ có 200 đô la lệ phí!”

“Who is who”
Tài năng nào ai đã dễ biết ai?
Nhưng nếu Từ điển “lên đời” cho “5000 danh nhân”
Thì nhà biên soạn đã bỏ túi 1 triệu đô la chắc chắn!

Hai “danh nhân tầm phơ” ngồi uống bia vỉa hè
Cùng chìa ra bức thư mời danh giá:
– Hai trăm đô, đủ uống bia nhoè, cậu ạ,
Dại gì mà “Hu” với chả “Hu”!

2006

Ừ thì… vẫn đầy mỹ phẩm, hương thơm,
Chỉ ít ai thèm hương cau, hương bưởi!

Ừ thì… vẫn đầy sông sâu, bến đợi,
Chỉ ít ai còn nhớ tiếng gọi đò…

Ừ thì… vẫn còn Tấm Cám như xưa,
Chỉ ít ai nuôi Tấm trong quả thị.

Ừ thì… vẫn còn núi nàng Tô Thị,
Chỉ ít ai ngờ núi gắn xi măng!

Ừ thì… vẫn còn vằng vặc vầng trăng,
Chỉ ít ai tìm cây đa, chú Cuội.

Ừ thì… đời này vẫn còn vị muối,
Chỉ ít ai còn gắn với gừng cay…

Ừ thì… vẫn còn chén rượu, cơn say,
Chỉ ít ai ngông – thích làm Lý Bạch!

Ừ thì… vẫn còn đất thiêng, long mạch,
Chỉ ít ai tin: Cá chép hoá Rồng!

2007

Vì sao lại nhớ cây bàng mùa đông,
Chẳng lẽ chỉ vì cảm thương lá rụng?

Vì sao lại tiếc con thuyền neo bãi
Chẳng lẽ bờ xa khát vọng lạnh rồi?

Vì sao xót xa màu áo em đêm ấy
Phố sơ tán vắng tanh, em về đó một mình!

Em mãi mãi ngủ yên, mà tôi thì sống sót,
Ba mươi mùa… lá đỏ rụng buồn tênh!

2002

Cơm ai, người nấy ăn
Việc ai, người nấy làm
Bạn ai, người nấy tiếp.

Sách báo không hề đọc
Chỉ phấn sáp, thời trang,
Hai bữa chê cơm nhà
Ngồi quán cho sành điệu.

Thích ngồi lê, mách lẻo
Chính trị, xin miễn bàn
Chỉ dông dài miên man
Chuyện chê chồng, bỏ vợ,
Chuyện chơi bời, trốn nợ,
Chuyện bán đất, đổi nhà,
Chơi chứng khoán ranh ma
Liệu có thu bạc tỷ?

Tháng tháng đi thẩm mỹ
Tuần tuần đi gội đầu
Mặt với da chăm chút
Bõ đời mình trẻ lâu!

Ngồi nhà thấy chán ngắt
Mười hai tiếng đứng đường
Chơi cho đời chán mặt
Biết đủ mùi cho luôn!

Chỗ nào trứng cá Nga
Hàng nào lẩu nấm Nhật
Các anh rủ thì đi
Còn gì mà sợ mất!

Đêm về nằm mệt lả
Mắng con rồi nạt chồng
Lăn đùng ra kéo gỗ
Ngáy to như đàn ông…

Chồng để làm gì nhỉ
Để làm bung xung chơi!
Thời buổi này ngắn lắm
Ưu tư mà hết hơi!
Thời A còng xả láng
Đâu phải thời cơm toi!

2008

Trên đây là toàn bộ 29 bài thơ trong tập thơ “Nhem mắt nhìn thế giới” của nhà thơ Bằng Việt được sáng tác năm 2018. Mỗi bài thơ là một chủ đề thể hiện tình cảm,tâm tư của nhà thơ Bằng Việt.

>> Xem tiếp: Bằng Việt và các tập thơ dịch của tác giả nước ngoài

Related posts

Nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn và những bản thơ dịch tác giả khác (Phần 7)

admin

Nhà thơ Mai Đình và tuyển tập thơ lẻ hay đặc sắc nhất

admin

Kho Tàng Thơ Ca Của Bùi Kỷ Hay Nhất, Đặc Sắc Nhất

admin

Leave a Comment