Nhà Thơ Nổi Tiếng

“Trường Ca Chân Đất” – Cơn Sóng Cảm Xúc Nhà Thơ Thanh Thảo

Nhà thơ Thanh Thảo được biết đến là một người đa tài, ông không chỉ là một nhà thơ có hồn thơ đặc sắc mà còn là một nhà báo tài ba. Ông sở hữu cho mình những tập thơ vô cùng có giá trị nổi tiếng. Ngay từ những ngày đầu sáng tác tập thơ ” Trường Ca Chân Đất ” ông đã làm ” náo động” thế giới thơ ca bởi những bài thơ lãng mạn, đậm triết lý.

” Trường ca chân đất ”  của nhà thơ Thanh Thảo thể hiện một bút pháp điêu luyện, một mạch ngầm xiết chảy của cảm xúc trong những câu thơ tinh tế và độ vang rộn. Tập thơ này được xem là ” một loài thơ quý hiếm ” trong thi ca bởi nét nghĩ, nét suy tưởng, nét cấu trúc ngôn ngữ thi ca độc đáo

Bạn là một người yêu thơ ca chắc không thể bỏ lỡ những bài thơ đặc sắc này đúng không? Hãy cùng uct.edu.vn cảm nhận nét độc đáo của tập thơ này nhé!

Nội Dung

– Thanh Thảo tên khai sinh là Hồ Thành Công, sinh năm 1946, quê ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

– Tốt nghiệp khoa ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Thanh Thảo vào công tác ở chiến trường miền Nam.

– Hiện ông là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ngãi, phó chủ tịch Hội đồng thơ Hội nhà văn Việt Nam.

– Những năm gần đây, ngoài làm thơ Thanh Thảo còn viết báo, tiểu luận phê bình và nhiều thể loại khác, nhưng đóng góp quan trọng và đặc sắc nhất của ông vẫn là thơ ca.

+ Tác phẩm đã xuất bản:

– Những người đi tới biển (trường ca, 1977)

– Dấu chân qua trảng cỏ (thơ, 1980)

– Khối vuông Rubic (thơ, 1985)

– Từ một đến một trăm (thơ, 1988)

– Những ngọn sóng mặt trời (trường ca, 1994)

– Trường ca chân đất (2012)

+ Giải thưởng:

– Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1979 (tập thơ Dấu chân qua trảng cỏ)

– Giải thưởng của Ban văn học Quốc phòng An ninh, Hội Nhà văn Việt Nam cho tập trường ca Những ngọn sóng mặt trời (1995)

– Giải thưởng của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Hội Âm nhạc Việt Nam cho tập Trường ca chân đất (2012).

Thật khó có nhà thơ nào có thể so sánh được với nhà thơ Thạch Thảo về độ tinh tế của những bài Trường Ca. Tập thơ được đánh giá là một thể loại thơ độc đáo và quý hiếm của nền thơ ca Việt Nam. Nhà thơ Thanh Thảo chính là một tài năng thơ đích thực với một trái tim nồng nhiệt , chân thành. Ngay từ những buổi đầu công bố thì bài thơ đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng độc giả

Ngay bây giờ chúng ta hãy cùng nhau khám phá những bài thơ ” được đưa vào sách đỏ trong nền thơ ca ” của nhà thơ Thanh Thảo nhé!

bước ngang dòng sông
pháo đài xanh
la đà rủ chim làm tổ
đêm nghiến răng ngày lam lũ
thở gai khóc lá than cành
viết lên cao xanh
ngọn bút trúc tâm ngơ ngác
không biết viết thì vót
nghêu ngao bình cũ hũ sành
thài lài rau mác nấu canh
bắt tép kho cà nuôi anh khôn lớn
thương mẹ kính cha
khổ nghèo tật bệnh
hoá trăm vị thuốc cứu người

– này bạn tre ngâm ơi
sao mắt rạng ngời
mùi hơi gắt

– thì Việt vương cũng nằm gai nếm cứt
như thân ta ủ kín trong bùn

– này chìa vôi nọ bách thanh
sao cứ nghe xạc xào là hót

– thì bác tre mới mặt trời nứt mắt
đã toả bóng về sau

– không thể sống mà đau
không thể chết mất gốc

gió nồm nam thay quạt
ngồi bụi tre đôi phút mát lòng
quăng quật cả nghìn năm
chịu trăm thứ đè đầu cưỡi cổ
chờ trăng lên hát giọng thổ
lý con gì vắt nửa khố dây

như bác Năm Trì đây

lên bảy bác cọc còi theo cha ra đồng đập đất cục
thoang thoảng mùi phân bò
mùi hương ấy trốn sâu trong tiềm thức
mấy mươi năm sau bật nút
thành thơ

bác Năm Trì lơ tơ mơ
bác Năm Trì dân Quảng Ngãi

nhớ bác trán vồng như luống khoai
tay chai bánh tráng sượng
mắt băm băm lục tìm tám hướng
cuốc vung lên moi từng củ cui
mặt đanh rắn đất cục mùa phơi ải

bác Năm Trì dân Quảng Ngãi

ghét bác ghê cái tính hay nói tục
chửi bậy
chẳng nhằm ai
như trẻ con ném đất cục
vô ý trúng
có khi đền thấy mẹ
có khi
phải kiểm điểm

dù đất cục quê mình
chỉ u đầu chứ không
sưng

bác Năm Trì tưng tưng tưng
bác Năm Trì dân Quảng Ngãi

mùa tiếp mùa bác kéo nhá buông câu
xơi tái
dăm ba thằng se sẻ
có lúc buồn leo tít ngọn cau
hát giọng thổ
những bài ca quá lửa
như cá bống kho tiêu
khen khét mùi niêu đất

bác chúa ghét những bống bống bang bang
ăn cám trả vàng

bác Năm Trì tàng tàng tàng
bác Năm Trì dân Quảng Ngãi

đêm láng lênh bác ngồi gãi háng
trăng hạ tuần
nhớ lung mung
hình như tổ tiên mình có cái chén mẻ
gửi đâu đó bên dưới đế tháp Chàm
những ngọn tháp chỉ còn trong ký ức

hình như tổ tiên mình trồng một bụi tre
trồng một luỹ tre
trồng một rừng tre
bên dưới thành Châu Sa
bên dưới Trường Luỹ
đâu đó
bên dưới những niềm hy vọng cũ

người ta lên voi xuống chó
lên ngai xuống bãi thài lài
còn bác
năm này qua năm khác
nhào nặn đất cục

bác Năm Trì ục ục ục
bác Năm Trì dân Quảng Ngãi

bây giờ
bổ nhát cuốc đào lên
lại gặp những niềm hy vọng cũ
những giấc mơ quá lửa
những rễ tre hoá thạch tự bao đời

quê hương ơi làm sao tôi sống
thiếu Người
làm sao tôi thành một bóng cây
nho nhỏ
nếu trước nhà tôi, ngoài ngõ
không rậm rì rậm rịt một bóng tre?

những con đỉa bám vào ký ức
hút thời gian nhớ nhớ quên quên
tôi không biết giữa quên và nhớ
con đỉa dai chọn cửa nào
lên tám tuổi lần đầu tôi bước xuống bùn
bàn chân nghe gốc rạ thở than
đám ruộng sâu nhìn dòng sông nhỏ
đón đứa trẻ lần đầu tập làm nông dân
cũng ở đây lần đầu tôi bị đỉa hút máu
những con đỉa tự ngàn xưa
hoảng sợ
những con đỉa đeo bám vào giấc mơ
nhờ nhợ
(bây giờ người Tàu sang xứ mình lùng mua đỉa
đắt bao nhiêu cũng cân
chắc họ mua về thả ruộng (Tàu)
cho đỉa bu sướng chân (Tàu)
hút máu)

người Tàu thật lạ
họ mua những thứ dân mình vứt bỏ
và bán cho mình những thứ cả thế giới vứt bỏ

làm sao tôi biết
chân ruộng sâu có gì?

bác Năm Trì
bình thản xoa tí nước bọt vào chân
và bứt ra một con
đỉa
nói theo kiểu bây giờ
“hết sức kiềm chế!”

à à uôm uôm
ruộng sâu rồi tới ao chuôm
tôi lớn lên từ đó

bàn chân sục trong bùn
nghe ram ráp lá lúa xoa vào mặt
từ một cánh đồng anh đi đánh giặc
mùi bùn đâu chẳng giống nhau

cứ gì mùi thơm mới khiến nhớ lâu
khi bùn non nối đời anh với đất
khi bàn chân giẫm gai cào đá sắc
là để cho bùn ruộng nhuyễn hơn thôi

bùn ruộng là tôi
thuở mẹ cho con bú
bầu vú thoảng mùi gốc rạ
bùn ruộng là em
nay chân dài nhưng ngày bé thơ
đồ hàng em chơi con cua kéo cày
bùn ruộng là anh
giờ tiến sĩ mà đầu loé nhanh
hình con lia thia đá

hồi nhỏ anh không chơi đỉa
không nói dai
nhưng đố biết
ruộng sâu cho anh những gì
đỉa trâu cho trâu những gì
vu vơ cho thơ những gì

đất qua tôi những gương mặt khác nhau
những luống cày ngây dại
những năm ấy tôi nằm sát đất
chẳng lo nghĩ gì
những năm ấy cây chò rừng bốc cháy
lửa hồn nhiên sáng trong
trăng như sữa đổ tràn rẫy cũ
một mình tôi ngun ngút nhớ thương
những năm ấy tôi bơ vơ như đất
bị bỏ quên một góc
bìa rừng

tôi đứng dậy
chính nơi mình vấp ngã
đầu gối va đất cục
ngây dại lấm bùn
mùi bùn làm tôi ngây dại hơn

tôi hạnh phúc thơ mình lấm láp
thơ mình in gương mặt bác Năm Trì
nẻ chân chim mặt ruộng mùa cuốc ải
lầm lì
hái rau tập tàng
bắt con cua lùa con cá
về cho má
nấu canh chua

ô kìa con…

người già quê tôi
tuổi ngót trăm ngày tăm xị rượu
lưng còng song song mặt đất
dáng thảnh thơi như một chiếc tàu bay
bay chầm chậm qua mây mù u uất
chở thênh thênh một đời nặng nhọc
con cháu xa quê mấy chục năm về còn nhớ mặt
nhớ thằng cu bị đỉa bu cua kẹp khóc ra sao
người già quê tôi
bắt được con gì ăn con nấy
nấu canh đủ thứ lá
mọc hoang trên ruộng mình
mỗi khi họ làm thinh
mây trên trời tụ về đen kịt

nhớ linh tinh
đựng cho vừa vài folder máy tính
đếm lỉnh kỉnh
mỗi lá rau một bài thuốc
nhớ những đêm soi đuốc
giữa đồng
đếm mênh mông
màu ráng chiều thay đổi
mưa sa hay gió nổi
đêm nhìn sao
biết ngày mai sa mù

người già quê tôi
chỉ không biết
sân golf là thế nào

những cây cau đã trổ hoa
yêu thương xa lạ
nơi không khí biến ta thành lặng lẽ
dẫu muốn ồn ào biết ồn ào với ai

con đường mấy mươi năm mòn dần dưới chân người chân trâu chân mưa
đường lầy thụt dẫn về yên tĩnh
ta đã có những con chuồn chuồn con cá con cua
ta đã có nỗi cô đơn ngọt ngào trẻ nhỏ

và tôi đã có
chân mưa

có những ngày mưa rất buồn
mưa đi luôn
rồi mưa trở lại
những dấu chân mưa bờ tre phấp phỏng
bong bóng phập phồng
tôi ngồi nhìn mẹ tôi xay lúa
tôi không biết và tôi không nghĩ
đời mình như chiếc cối xay tre
có ngày quay trở lại
tôi chỉ nhớ bát ngô rang giã lớ
trộn chút đường đen
thơm cả chiều mẹ cho tôi ăn
mưa
đầm đìa tong tả
mướt xanh tàu lá chuối
mờ mặt sông
bác Năm Trì thả lờ kéo nhá
mẹ tôi mua một bát lòng tong
kho nghệ
ngôi nhà tranh chỉ có hai mẹ con
mưa thì thầm ngoài cửa
thằn lằn chắc lưỡi
mưa giống bác Năm Trì khoác áo tơi
chân người chân mưa va vấp nhau
tất tả

Sáu mươi năm còn lại gì
vẫn tiếng chân mưa đi
ngoài cửa sổ

gần như một bức tường vô hình dựng lên
bao bọc tuổi thơ quê nhà mấy mươi năm xa cách
thỉnh thoảng ta về nhìn ngắm lại
phần đời đầu tiên con đường loang những vết bùn

suốt đời tôi cứ va phải những bức tường
trơ lỳ u mê
hung hãn
hoảng sợ

chỉ duy nhất một bức tường
dịu dàng
trong suốt
thương yêu
bao bọc

bức tường mưa
chìm tận đáy quê nhà

nơi mùi hoa cau thơm đậm hơn
lúa xanh hơn
dòng sông hiền hơn tất cả
hoàng hôn xuống như một người gánh rạ
gánh sắc vàng đang sẫm dần

trên chân ruộng con cò đứng một chân
cúi đầu ngẫm ngợi

những bức tường bê tông lầm lì
những bức tường sắt thô bạo
những con sư tử đá
những con đại bàng bằng xi-măng
sẽ thay hoàng-hôn-người-gánh-rạ của tôi chăng?

lò dò
nướng chiếc càng cua
thơm thơm
như đứa trẻ vừa chạy qua
lâng lâng bát nước chè nhà
dồng dộc làm tổ còn tha sợi vàng

thằng Bờm có cái quạt mo
thì tôi có cả tuổi thơ của mình

bao giờ thoang thoảng hoa cau
mặc lòng cua máy cáy đào tự nhiên

đời như chiếc cối xay tre
quay quay quay mãi
lại về
tuổi thơ

60 năm còn lại gì
vẫn tiếng chân mưa đi
ngoài cửa sổ

nhớ cái đận tôi đi rừng lấy nứa
lội qua suối nghe róc rách trong mình
một dòng mát lạnh
lưng chừng dốc
bó nứa
tuột
khiến tôi sảng hồn
không kịp thở
chỉ mong mau
hết dốc
chỉ mong thoát
bó nứa
chỉ mong chóng
xuống núi

khi tôi dưới chân núi
núi quá cao
khi tôi lưng chừng núi
núi quá dốc
khi tôi trên đỉnh núi
núi quá thường

một lối mòn
sương sương

ngày ấy
chỉ cần mau
tới suối
chỉ cần nhanh
tới cuối
chỉ cần vứt
bó nứa
chỉ cần thấy
nhà mình

rồi tôi âm thầm
leo một ngọn núi khác
trèo một con dốc khác
vác những bó nứa khác
mơ những giấc mơ khác
nhưng không mong
hết dốc
không mong thoát
cái gì

như người xuyên rừng nhãng bước chân đi
cứ chăm chăm phát cây mở lối
gánh nặng là chữ
muỗi vắt là chữ
mồ hôi là chữ
đói bụng là chữ

buồn vô ngôn

giấc mơ chữ
quanh quất
mê mải
trơn tuột
những hy vọng
lơ lửng

đỉnh núi là chân núi
và ngược lại

bây giờ ngồi một mình
nói một mình
trên vai không còn bó nứa
không còn gì nữa
không leo dốc
không khát nước
chân núi là đỉnh núi
không ngược lại

may ra còn
một giấc mơ

những giấc mơ đêm nào quanh quất
chợt sáng chợt tắt
vào những buổi trưa trời tích điện
người tích nhiệt
cây ba lá tìm một chiếc túi xách bị mất
không ai nói cho biết
phải làm gì
chân núi trước mặt mình
xa lăng lắc
tôi biết sự an ổn
dưới chân núi
ngôi nhà bé nhỏ
dưới chân núi
những bụi sim mua hoa tím
dưới chân núi
mẹ tôi nằm
dưới chân núi
đôi khi biết chỉ mà biết
nhớ là nhớ vậy thôi

tôi bắt đầu từ chân núi
nhưng chưa biết bao giờ kết thúc? ở đâu?

“Con cò mầy đứng một chân”
(có thể là ca dao)

thường thì cò đứng hai chân
nhưng dẫu đứng ba chân
kiếm cái ăn mỗi ngày mỗi khó
thôi thì
cò đứng một chân
tiết kiệm năng lượng
đầu vào ít
đầu ra ít

lặn lội chi thêm tội
thêm tội thì lặn lội
sinh phải đứa con tật nguyền
nào biết da cam hay da quýt
đau đến nỗi chỉ một con mắt khóc
nước mắt dòng dòng thành một chân cò
người ta nói đó là chân ảo
nước mắt bây giờ là ảo
rất ít người thấy được

cõng mẹ đi chơi
mẹ nhẹ đến nỗi không biết còn hay mất
qua chỗ lội
thấy từng bầy quỉ ma
không đánh rơi mẹ dù mẹ rất nhẹ
không đánh mất mình dù mình chẳng còn gì để mất

à ơi
gặp con cò bên thác Bản Giốc
đứng một chân bán hàng Tàu
ngước nhìn dãy núi đá trước mặt
đỉnh núi giờ đã mất
cột mốc dời xuống tận chân núi
dãy núi giờ đã ảo
như nước mắt

chỉ còn hàng Tàu bò
nhơm nhếch
chỉ còn một chân cò
rũ riệt

bao giờ cò đứng hai chân
bay thẳng lên đỉnh núi mình
chớp trắng?
bao giờ cò tự do lả la khắp phần đất phần núi mình
giờ mất trắng?

bây giờ cò đứng mười chân
ruộng mình cứ mất
đất mình chẳng còn
đành một chân run run cánh đồng thoi thóp
co thắt từng ngày như miếng da lừa

những ngày mưa
thấp thoáng bóng cò ngoài ruộng
bụng lép
thóc lép
nỉ non cũng bằng thừa

thôi thì đứng thẳng dưới mưa
như một bông lúa vổng
thôi thì trắng muốt toàn thân
như ước vọng

mẹ cha để lại cho con
chỉ một màu trắng ấy
chân cò nâng lên trắng muốt lời nguyền
nước có đục lấy thân mình mà rửa

vài cái xoong móp méo
áo rách toạc
mấy trăm năm một điệu hành khốn khổ
phương nam cuốc bộ
phương nam xe đò
phương nam đất hứa
phương nam cùng đồ
mặt căng bình thản

những dòng sông mất tích
những đám mây trượt ngã
những hàng cây tắt nến trong đêm
tôi đi về nhà mình
thèm một ngọn lửa màu rơm
một ổ chó ấm hơi chờ đợi
và tôi gặp

một chàng trai sáu trăm năm trước
một cô gái sáu trăm năm trước
vật vã trên bãi sông Trà
gió mơn man da thịt
mùi bắp non mùi rong rêu mùi bùn mùi nước sông ngai ngái
đằm đằm trai gái hoang sơ
những cú xoay mình
những tiếng rên bất chợt
tôi nghe từ sáu trăm năm trước
một giai điệu quen
một bài hát không lời
sáu trăm năm hay sáu nghìn năm
mùi ân ái trong đêm vẫn thế
cái mùi quen quen như thể
nó làm nên
Quảng Ngãi

tôi kính dâng lên tổ tiên mình
chiếc bát mẻ nằm lặng bên chân Tháp
cái bát người con trai Việt
lăn lóc tìm cặp mông người con gái Chàm
như tìm nơi trú ngụ
lăn lóc tìm mênh mang
vó ngựa
lăn lóc tìm ấm êm
bếp lửa
lăn lóc tìm đức tin
chân Tháp hình cặp mông cô gái

phương nam hề, mệt lả!
phương nam hề, tái tê!

trong xách: ba chai mắm
trong túi: sót hai đồng
trong tay: nghề câu mực
trong đầu: hy vọng sắt

phương nam hề, cơ nghiệp!
phương nam hề, oan nghiệt!

mặt căng bình thản

tìm thì gặp
bãi sông Trà
lều lợp lá cào don xúc tép
vợ vợ chồng chồng
bống bống bang bang
cơm bạc cơm vàng
nước nước non non
cắm sào ở đâu quê hương ở đó
xin ba lạy cúi về làng xóm cũ
ngẩng đầu lên thấy Thạch Bích tà dương
thấy đất Cù Trâu thấy bờ xe nước
những ống trúm nhốt giùm ta ký ức
những con đò lơ lửng phía vầng mây
ăn tô don mùi nước sông đọng lại

dội từ thăm thẳm hang xưa ấy
một tiếng “ngà ơ” gọi ta về
ta như con dế thèm đám cỏ
gặm hết thời gian bỗng tái tê

sương treo anh ánh mờ nỗi nhớ
bầy trẻ hò reo phủ Cù Trâu
có con dế dũi đào cun cút
tìm chút tuổi thơ đến bạc đầu

nơi ấy vẫy vùng bao chú Cuội
đất sét nặn lên cả thánh thần
bụng rỗng tay không mà bắt giặc
nước lã vã nên hồ rượu tăm

Cao Chu thần ơi, sao Người chọn sông Trà
cho kiệt tác “Trà giang thu nguyệt”?
phải vì Người hoá thân lưu lạc
khói sóng hai trăm năm
hết Bùi Nhị Minh Trọng lái thuyền lại tới Bùi Huệ chở Người tuần du
trên xe chó kéo?
hết miên man sông Trà lại lòng vòng đảo Bé
mỗi dốc cao xe chó kéo như lùi
“khách bộ hành nước mắt tuôn rơi”

vì sao quê hương tôi
lại khiến người dưng rơi nước mắt?

tôi hỏi bác Năm Trì, bác rầu rầu nét mặt:
“có lẽ quê mình buồn quá con ơi
nhưng khi quá vui người ta cũng khóc”

dường như Quảng Ngãi tôi thường quá
một cái gì

buông câu giữa muôn trùng đói rách
mong giật được một ngày sáng tươi
quê hương bỏ thì thương vương thì tội
em thèm làm việc lắm anh ơi!

trong đêm xe nảy xóc
mắt lặng nhìn về sau
đầu dúi lên phía trước
mười ngón tay khát khao

phương nam hề, đơn độc!
phương nam hề, xoáy lốc!

mặt căng bình thản

mỳ gõ thâu đêm Sài Gòn hoa lệ
trứng cút thâu đêm Sài Gòn mưa xé
bánh xèo thâu đêm liu riu ngọn lửa
xích lô thâu đêm từng vòng cô đơn

đất quê tôi hai lần thất lạc
người quê tôi hai lần lưu dân

vì sao muốn khóc?

có một hạt cỏ may cư trú lênh đênh
ngày ấy xanh lá trúc
có một chiếc xe đò đi về mông mênh
đỏ đen phận người câu mực
phương nam
phương nam
dòng chảy mấy trăm năm
mặt căng bình thản

“buồn trông chân mây xa vời”
(lời một bài hát)

chiều chiều lại nhớ chiều chiều
ra ngõ mà trông
xắt bí nấu canh
chiều chiều én liệng truông mây
thở vắn than dài
nhớ người áo vải thương ai
khăn điều vắt vai
nhớ kẻ qua truông nhớ đầy quang gánh
nhớ sau đỉnh núi vầng dương mỏi mòn
nhớ mặt trăng tròn mọc cuối biển Đông

buồn trông chân mây xa vời
buồn trông chân mây không người
buồn trông không tôi nơi chân trời
buồn trông giấc mơ buồn trông ký ức
những đường biên ẩn dật
những thèm khát vô hình

có những đêm
chân mây bước dài bước ngắn
chân trời lẳng lặng
cứ như phía sau ai đó đang nhìn
một bức màn một cái tên
gọi những con chuồn chuồn bay thấp

tôi lớn lên còi cọc
xác xơ như cỏ sau trận bóng
đứng tủi thân một góc khán đài

bao giờ cỏ mọc sau mưa?

buồn trông chân mây xa vời
buồn trông thơ bay không lời
buồn trông đổi thay
buồn trông không thay đổi
những rau ranh ốc rạ
chim cho ớt cay cây cho men lá
biển cho cá núi cho đá
nỗi niềm

núp sau vườn nhà một gã săn chim
rình chú chích bông rình em se sẻ
rình lão bà chim “bớ thằng chăn vịt”
từng phát đạn lặng lẽ

chết chóc và sụp đổ

buồn trông chân mây xa vời
buồn trông ai như chim trời
bay không thoát tầm ngắm
bay không về tới biển

bớ thằng chăn vịt!
gọi tôi ư
chăn vịt chạy đồng
ngó mênh mông
chiều chiều trơ gốc rạ
gió như trẻ thơ nghịch tóc mình
nhớ như in từng con cua cái ốc
thài lài rau sam rau mác
mẹ ơi xắt bí sau nhà
khi con cúi đầu thì mẹ đã đi xa
một tiếng chim chiều sâu hút

buồn trông mẹ ta khuất bóng
buồn trông hoàng hôn tím sẫm
từng cánh mây giong buồm chầm chậm
về đâu

góc vườn cây khế trổ hoa
người đi đâu mãi biết là đi đâu
con ra ngõ trước con vào vườn sau
ngó cây vú sữa lâu lâu mẹ về

buồn trông chân mây xa vời
sang thu ngồi đan nắng hè
lùm tre ngủ trưa ve vừa ngơi tiếng
cái xa hiển hiện cái gần tan biến
buồn trông mình nắm tay mình

xin cho ai dù chỉ một lần
ngó xa xăm chân mây mờ mịt
không thấy gì mà như thấy hết
phía sau chân mây

buồn trông
buồn trông

“Cánh chim rơi rớt tả tơi
Đại dương rộng lớn là nơi trú nhờ”
(thơ của một người đánh cá xa bờ)

lên tám tuổi lần đầu nhìn thấy biển
lần đầu đi biển
ói mật xanh mật vàng
biển mênh mang
tôi nhỏ bé
những thủy thủ tàu Ba Lan dồi tôi như quả bóng nhẹ
họ cười mà tôi khóc

chỉ thế thôi

nhiều năm sau tôi không nhìn thấy biển
dù có “vượt trên đỉnh cao Trường Sơn”
cũng không nhìn thấy biển
suốt thời ấy biển với chúng tôi là tận cùng
cuộc chiến
một là được trở về với biển
hai là không bao giờ

chỉ thế thôi

con nào biết mẹ bạc đầu vì biển
mỗi làn sóng như một dải khăn tang
con nào biết mẹ đau vì biển
đau vì thiếu biển
đau vì thừa biển
đau vì biển thiếu con mình
đau vì biển thừa hy sinh

những mộ gió những hình nhân phơ phất
những hải trình dài suốt mấy trăm năm
những Bãi Cát Vàng san hô mê hoặc
những phận người bó chiếu giữa mông mênh

chỉ thế thôi nhưng mẹ ơi còn biển
là còn những chuyến đi không hẹn ngày về
nhưng mẹ ơi còn con trai trong bụng
là mẹ đẻ hết ra cho chúng giong khơi

người quê tôi không quen lời bay bướm
giọng nói nặng dây buồm
con trai biết bơi từ trong bụng mẹ
biết lắc thúng từ khi chưa biết chu vi hình tròn
biết tính cá bằng khoang
ăn sóng và nói gió
lặn sâu mấy chục sải
ngậm vật vờ ống thở
bơi bên cạnh hải sâm
như một chiếc tàu ngầm
tỉ tê cùng đáy biển
như một người bạn thân

lặn biển Hoàng Sa liệt nửa người
giờ ngồi xe chó kéo
người bé trên đảo Bé
mỗi khi nhìn thấy biển mắt rực cháy
“biển ơi biển ơi biển ơi”
thế thôi

lặng im như đá mồ côi
họ dạy anh tình yêu
không lời
anh yêu biển mà đứng trên bờ
anh yêu nước mà không biết bơi

Mai Phụng Lưu
mỗi bận xuống thuyền lại trực chỉ Hoàng Sa
như có ai dẫn
nỗi nhớ là hải bàn
mãi quay về một hướng
mỗi lần bị bắt mỗi lần bị đánh
lại tay trắng trở về dành dụm ra khơi
không thể sống thiếu Hoàng Sa
không thể sống thiếu biển

anh yêu biển mà đứng trên bờ
anh yêu nước mà không biết bơi
làm sao anh hiểu?
có những người lính đảo
trần lưng trước mưa đạn quân thù
“chỉ được xáp lá cà bằng lê”
nhưng với khoảng cách này là không thể
đành chỉ được chết vì đảo
đành cho lãng quên vùi mấy mươi năm

Gạc Ma Gạc Ma
hãy kể cho con cháu anh điều này:
có những người lính đảo
đã chết theo vòng tròn
tay họ giăng ra và siết chặt tay nhau
như một tràng hoa biển

không quỉ ma nào xé nổi
tràng hoa biển ấy
hãy kể cho con cháu anh
rằng từ Hoàng Sa từ Gạc Ma
những tràng hoa biển ấy
dạt trôi
về ôm chặt Mẹ

chân sóng
bắt đầu từ đó

“nhân dân gọi là trường luỹ”
(Lời một người dân Quảng Ngãi)

đá cõng đá cõng đá
mồ hôi cõng mồ hôi
tháng năm cõng tháng năm
người cõng người
xây nên
Trường Luỹ

nhân dân không gọi nhau “man” này “man” nọ
nhân dân gọi nhau đồng bào
gọi nhau ca dao
ca-lêu ca-choi xà-ru
sáo trúc sáo tre tà-vố
gọi nhau sướng vui
gọi nhau đau khổ
nhân dân gọi nhau
trường luỹ

nghe âm âm vách núi
vang vang lòng thung sâu
rối rít chợ đầu nguồn
mít non gởi xuống cá chuồn
gởi lên

mình í ới nghìn năm
nẫu nỉ non nghìn năm
bạn tỉ tê a-máp
ta đàn bầu đứt ruột
nghìn năm

nhu nhú trái bắp non
rỉ rách dòng suối nhỏ
tôi ngất ngây men lá
nậu nguồn
tôi tự chưng cất mình
rượu đoác
tôi huýt sáo lăn lóc
hòn đá nhỏ
tôi nỉ non í ới
từng con chữ

khi buồn tôi cũng buồn buồn
khi vui tôi cũng bán buồn mua vui
thế thôi

đừng bắt tôi nói những điều tôi không nghĩ
cái gì ra cái nấy
cùng mọi người tôi vác đá xây luỹ
cùng mọi người tôi vác tự do vác tình anh em qua luỹ
cùng mọi người tôi ném những trái ngang khỏi luỹ

chúng tôi không xây Vạn Lý Trường Thành
chúng tôi đếch là hảo hán
chúng tôi tươi vui
bình thản

dù chân luỹ tới chân trời
xa lắc chơi vơi
chúng tôi đi
dè dặt
chúng tôi đi
từng bước
chẳng ai cho không dễ dàng
chẳng ai cầu xin nhẹ nhàng
cứ còng lưng vác
đừng than phận nghèo

đừng than phận khó ai ơi
còn đá mọc luỹ còn chồi nảy cây
còn mình còn bạn còn đây
ba lý tang tình
là còn đổi thay

tôi tin chồi tin nụ
tôi tin miệng em cười
tôi dừng chân luỹ tôi ngó chân trời
tôi gọi ai ơi

bình thản
tươi vui

đừng than đường khó
một viên đá còn góp nên thành
đừng căng thẳng
cứ hò lên cho ba lý nhẹ mình

rồi qua sông
rồi qua núi
rồi qua suối
rồi qua ta
chân mình qua chân luỹ
tới chân trời
xa lắc
chơi vơi

ai ơi
còn trời còn nước còn non
còn cô bán rượu anh còn say sưa

Nhà thơ Thanh Thảo được biết đến là một người đa tài. Ngoài sáng tác thơ thì ông còn dịch thuật cho những bài viết nổi tiếng trên thế giới. Sau đây, uct.edu.vn sẽ chia sẻ đến các bạn một bài thơ Tây Ban Nha do chính Thanh Thảo dịch ngay bây giờ. Hãy đón xem nhé!

El remanso del aire
bajo la rama del eco.

El remanso del agua
bajo fronda de luceros.

El remanso de tu boca
bajo espesura de besos.

Thơ Dịch 

Nước lặng của trời
nhánh cành tiếng vọng

Nước lặng của nước
chiếc lá chùm sao

Nước lặng môi em
dày đặc nụ hôn

Trên đây, uct.edu.vn đã giới thiệu đến quý độc giả nhất là những người yêu thơ những bài thơ độc đáo của nhà thơ Thanh Thảo trong tập thơ ” Trường Ca Chân Đất ” và bài thơ dịch đặc sắc của ông. Hy vọng các bạn sẽ cảm nhận được nét khác biệt của những bài thơ hiếm này. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết của chúng tôi! 

Related posts

Nhà thơ Nồng Nàn Phố cùng những áng thơ đặc sắc nhất phần 2

admin

Tuyển tập những bài thơ hay, nổi tiếng nhất của Bùi Đức Khiêm

admin

Lắng Đọng Tập Thơ “Tình” Của Nhà Thơ Bùi Nguyễn Trường Kiên (P2)

admin

Leave a Comment