Nhà Thơ Nổi Tiếng

Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu – Tập thơ vang danh của Du Tử Lê phần 5

Du Tử Lê là một gương mặt sáng giá trong làng thơ ca Việt Nam. Với ngòi bút tinh tế, những thi phẩm của ông luôn mang nhiều tâm tư và cảm xúc sâu sắc chạm vào trái tim bạn đọc. Ông luôn miệt mài khám phá và học hỏi những phương pháp tốt nhất để cách tân những trang thơ của mình sao cho độc đáo và ấn tượng nhất. Nếu bạn yêu thích nhà thơ này thì hãy cùng uct.edu.vn tìm hiểu nhé!

Nội Dung

có điều gì khó nói
lòng tôi đầy thuỷ triều
chim lầm than nhớ bạn
cây nghiêng đầu thiếu nhau
có điều gì khó nói
tình tôi biển. cát lầy
người về qua rất vội
tôi nhìn theo bước tôi
có điều gì khó nói
trưa khô ròn tiếng rơi
hồn cầy sâu luống đợi
người lìa xa cuộc đời
có điều gì khó nói
giọng em đầy cõi tôi
những đường gân trí nhớ
vầng trăng khuya rẽ ngôi
có điều gì khó nói
bàn tay lạnh mất rồi
ngựa mù khua vó mỏi
xe không, về bến vui
có điều gì khó nói
sợi tóc trên chiếu giường
ngọn đèn trên chiếc gối
lãng quên trên mùi hương
có điều gì khó nói
em bỏ quên chỗ ngồi
cảnh tình tôi cũng vậy
xoá, bôi đầy mặt tôi.

tôi vui cùng quán không
chiều đi qua cánh rừng
người đi qua trí nhớ
tôi đi qua mùa đông
tôi vui cùng bóng tôi
âm u một góc đời
biển xa ầm tiếng dội
lầm than miền nổi trôi
tôi vui cùng bãi dâu
những làn da đổi màu
tấm lòng còn xanh đỏ
cho tới muôn đời sau?
tôi buồn như tuổi tôi
tàn tro dầy ký ức.

ta chẳng thể hát chung cùng một điệu
dù em đi lá đậu rớt đôi bờ.
khi em hiểu cuộc đời không thể khác:
đi với về cũng một nghĩa như nhau.

ngày lên đầy mắt tôi
buồn lên đầy chỗ ngồi
em lên đầy trí nhớ
người lên đầy cõi tôi
trưa lên đầy phố vui
bàn tay lìa cuộc đời
cây lên đầy lá tối
người lên đầy dấu tôi
chiều lên đầy tóc rơi
từng sợi khan tiếng cười
môi lên đầy tiếng gọi
ai chết buồn trong nôi
đêm lên đầy nhánh sông
tôi lên đầy nước dòng
trăng lên đầy bãi muộn
tình lên đầy tay không
tôi lên đầy cõi khác
thương em như trần gian.

mắt ai cuối kiếp còn khô lệ
ráo hoảnh buồn vui bạn mấy phương
gió đi theo gió ta theo bụi
thân thiết làm sao ôi ruột gan.

đừng nhìn tôi nữa, em vô nhiễm
“ruộng máu” tôi còn nguyên. Luống tươi
có đâu cứu chuộc mà em đợi
đi hết đời dư vẫn ngậm ngùi
đừng nhìn tôi nữa, em vô nhiễm
lồng lộng chân trời một vết son
với tôi đã đủ, sau hồng-thuỷ
nguồn cội tôi tìm trong tóc em
đừng nhìn tôi nữa, em vô nhiễm
dẫu buốt ngàn năm nỗi xót đau
lệ tôi đã hết không còn chảy
thì lấy gì làm tin cho nhau
đừng nhìn tôi nữa, em vô nhiễm
thanh khiết làm sao ngắn cổ bày
thịt xương tôi đấy, xin em nhận
như máu người cho, tôi uống đây
đừng nhìn tôi nữa, em vô nhiễm
bánh thánh là em tôi đã ăn
đêm đêm ngồi nhớ đôi vai thẹn
rung động vì tôi? hay trối trăng
đừng nhìn tôi nữa, em vô nhiễm
tôi hết từ lâu lối để về
cả hai tâm thất đều khô cạn
huyết bầm như óc đã vô tri
đừng nhìn tôi nữa, em vô nhiễm
tôi thở bằng tim trong ngực ai
cho nên đã hết hồn thanh sạch
để có cùng em một cảnh đời
đừng nhìn tôi nữa, em vô nhiễm
phố cũ. hàng cây. lá cũng gầy
giữa trưa cháy đỏ niềm oan trái
xin hãy vì tôi: cho ngón tay
đừng nhìn tôi nữa, em vô nhiễm
ám ảnh tôi là cặp mắt khuya
tháng giêng khăn áo trên đầu núi
thất lạc tình xanh. tuyệt cửa về
đừng nhìn tôi nữa, em vô nhiễm
gan ruột tôi phơi quá nắng rồi
đời không tuyệt đối nhưng tôi vẫn
khao khát tình chân. ảo tưởng người!
đừng nhìn tôi nữa, em vô nhiễm
có trả vay gì? để kiếp sau.

em vô nhiễm. ngón chân ngoài Cựu Ước
trong lòng tôi chiều dạt phúc âm buồn
nhân danh em: xin những cặp tình nhân
trên mặt đất sẽ không còn ly biệt 

em vô nhiễm. tóc bay đầy Tân Ước
tôi xin người cho những kẻ xa nhau
có lại thương yêu- hồn mới, nhiệm màu
như em đã dìu tôi vào bí tích 

em vô nhiễm. môi trần gian thảm kịch
tôi hôm nay trở lại kẻ tân-tòng
mộng ngư gương. lòng như giấy trắng trong
xin vẽ xuống giấc mơ nào đẹp nhất 

em vô nhiễm. bị đinh đời đóng suốt
bởi chọn tôi, một kẻ giống Giu Đa
tôi bán mình nhưng không bán thiên thu
hồn ẩn mật đã gửi người trước đó 

em vô nhiễm. biển. đêm. trăng tiểu thuyết
mắt thi ca son trẻ tim Mỵ Nương
tôi quỳ đây. trân trọng. rất thánh đường
xin chịu lễ trước người-như-bánh-thánh 

em vô nhiễm phù sa bồi cát lạnh
xót đau nhau. sau từng bước chia lìa
tôi tìm về nôi mẹ. ấu thơ kia
trong ngàn dậm vẫn mùi khăn áo cũ 

em vô nhiễm. phục sinh tân thế kỷ
như tôi vừa sống lại tự vai ai
nắng mưa đi. người tái tạo muôn loài
tình em đã viết thành kinh-thánh mới 

em vô nhiễm. tôi vẫn còn chết đuối.

ngày tận thế chắc bên ngoài thế kỷ
chiếc phi thuyền đã nổ giữa hư không
qua đôi mắt: tôi biết rồi khỏi nói
tận tuyệt tôi. em đốt lửa quanh phòng.
thôi cũng được tôi tin còn kiếp khác
đền ơn em: manh vải, bát cơm buồn.

tôi vốn biết sống thêm là chết rữa
tình yêu vàng như một trái chanh
cụm rau húng đã nhạt mùi ân ái
nhưng hương xưa sao vẫn đọng ơn bền?

đâu cứ phải có những chiếc lông ngỗng
ta mới có thể tìm thấy em
ta đã tìm thấy em hôm qua
trên chiếc cầu cẩn xà cừ
nối liền môi với mắt.
ta đã nhìn thấy em hôm kia
giữa con đường em phủ tóc hai bên
và trên giải đất tình yêu ta gập ghềnh
từ nơi tấm lòng héo muộn em
đã mọc lên những bông hồng nẫu đỏ.
đâu cứ phải có những chiếc lông ngỗng
ta mới có thể tìm thấy em
ta đã thấy em tháng qua
ở khúc cua, chỗ đưa em về ngôi nhà vẫn mới
ngôi nhà chưa hề cũ bao giờ
(bởi nó vẫn còn được xây trong mơ ước.)
ta đã tìm thấy em tháng kia
ở góc phố
nơi duy nhất có một ngọn đèn
không cháy bằng điện
mà thắp bằng máu xương riêng
chỗ chúng ta tưởng rằng
mình đã vĩnh viễn chia tay từ đấy.
đâu cứ phải có những chiếc lông ngỗng
ta mới có thể tìm thấy em
ta đã tìm thấy em năm ngoái
trên một vì sao
hằng đêm vẫn mọc
ta đã tìm thấy em năm xưa
trên con đường về
giữa núi giữa sông.
đâu cứ. đâu cứ. đâu cứ
phải có những chiếc lông ngỗng
lỡ em không có áo lông ngỗng
lỡ ta không là Trọng Thuỷ
không lẽ ta không thể tìm em
giữa gió hú
đêm thâu
giữa rừng già
suối cạn
giữa những toà building
(dù cho những toà building
có chọc thủng mặt trời)
ta vẫn tìm ra được nơi chốn của em
bởi em chẳng hề ở xa
mà em ở rất gần
gần đến đỗi ta có thể sờ mó
có thể nâng niu
có thể chiều chuộng
có thể ghen tuông
có thể hoạnh hoẹ
em ở rất gần
như mấy ngón tay ta
như mấy ngón chân ta
dù cho có cụt.
đâu cứ phải có những chiếc lông ngỗng
ta mới có thể tìm ra em
không lẽ ta không thể tìm em
trên khúc đường từ nhà tới sở
từ sở tới quán cà phê
từ cà phê tới bạn bè
từ bạn bè tới giọng nói
từ giọng nói tới hơi thở
từ hơi thở tới trái tim
nhưng mà trái tim nằm đâu
liệu em có biết?
này em. này em. này em
không cứ gì
không cần gì
không nhất thiết phải có gì
ta mới có thể tìm thấy em
ta vẫn tìm thấy em êm đềm
như con lạch vắt ngang buổi chiều chín ủng
ta vẫn tìm thấy em
trong những bông huỳnh-anh
chói vàng (ký ức)
những ngọn tràm
xanh đến rưng rưng
ta vẫn tìm thấy em
trong những bữa cơm tối nguội ngắt
tấm lòng em mênh mông
hơn đất bao dung
hơn trời độ lượng
ta vẫn tìm thấy em
nơi mỗi gốc cây
dưới mỗi mái nhà
nơi chúng ta đã cùng đi qua
nơi chúng ta chưa hề bước đến
ta vẫn thấy em
trong bếp. ngoài sân
giữa vườn
giữa xóm
ta vẫn thấy em
trong mỗi hạt cơm ta ăn
trong mỗi chiếc quần ta mặc
thấy em lúc soi gương
thấy em lúc chải đầu
lúc đói, lúc no
lúc mạnh giỏi
lúc yếu xìu
lúc ta “tạc giăng” nổi giận
lúc ta mềm nhũn
như cọng bún đang thiu
ta đã thấy em
vừa mới bước lên
sau khi đã kinh qua mấy tầng địa ngục
thấy em dại khờ
bước vào chướng khí
thấy em đam mê
chân thật
(chân thật như lúc em làm tình
với một người đàn ông khác
người đàn ông không phải ta)
nhưng này em này em này em
nếu không bước vào địa ngục
làm sao hiểu thiên đàng
nếu ta không mù quáng
làm sao ta chứng ngộ được mai sau
cũng như ta
vừa mới trở về
với chín tầng địa ngục
bỏ sau lưng.
Bis.
Không đâu em
không cứ gì
không cần gì
không nhất thiết phải có những chiếc lông ngỗng
ta mới có thể tìm em
lỡ ta đui
lỡ ta loà
lỡ chẳng ai dắt tay
lỡ chẳng ai đưa gậy
lỡ chẳng ai xúc cơm cho ta
lỡ chẳng ai rót nước cho ta uống
lỡ chẳng ai nói cho ta nghe về bầu trời
lỡ chẳng ai kể cho ta nghe về bóng tối
vầng trăng
nhà cửa
xe cộ, đường phố
quán xá, bạn bè
và sẽ còn nhiều thứ khác. vân vân…
rồi sao đây?
rồi sao đây em?
chẳng lẽ vì thế mà ta không thể tìm ra em
hãy tin hãy tin. ôi hãy tin
rằng ta đã tìm thấy em
ngay giữa chỗ nằm cuối cùng
rất lạnh.

không ai nhớ nữa chiều Nam Hải
mưa ở biển Đông những xác trôi
Chúa trên cao quá lời ai oán
chẳng thấu trời xanh. chẳng thấu mây
nước đi biền biệt hồn ta cũng
không biết về đâu. nương ở đâu!
một mai lỡ có mà oan thác
xin bón ngày sau một luống rau.

hạnh phúc nào rơi trên mái tôi
giấy ai, xin cởi, bỏ hiên ngoài
thương nhau có kẻ làm đêm tối
để ủ mùi hương tóc hết đời.

toạ thiền mỗi tối. tâm thêm động
trí quẩn hồn quanh những ngổn ngang
người về tây trúc ta lưu lạc
địa ngục trần gian giống cõi âm.

biết ta đang ở trên ngàn bộ
biết chẳng là mây mà vẫn trôi
biết không ai đợi. không ai hỏi
có rớt nghìn sâu cũng vậy thôi.

bạn bảo van tim ta bị hở
có lẽ. nên đời mới lún sâu
bao nhiêu oan nghiệt chui vô ống
càng sống càng thêm chật mối sầu.

hôm qua gặp bạn cười như mếu
ta khác gì hơn cũng mếu cười
hỏi làm chi? – chẳng làm chi hết
sống chết dật dờ đến hổ ngươi.

này trí nhớ đậu trên cành ký ức
tháng sáu về yên lặng bước chân quên
tình yêu cũng đậu trên cành gian dối
ở trong tôi, ôi ngựa đã tan đàn.

không ai chết hai lần tôi cũng thế
riêng nỗi sầu cư ngụ tới muôn năm
đời vốn ngắn dù bàn tay sáu ngón
tôi sống thừa, từng phút lấm ăn năn.

ngày thức giấc buổi trưa người đã xế
đón chào tôi ai đã chửi thề!
khi dao cắt máu tươi còn xối chảy
thì oan cừu cũng tợ nắng mưa qua.

ôi chữ nghĩa trở về như khách lạ
vầng trăng xưa không có ngọn cờ
ngay em cũng bỏ tôi, vào cõi khác
lấy ai nhìn tôi nhỏ máu trong thơ?

sông núi cũ rủ tôi về với đất
bốn mươi năm ngơ ngác làm người
trên thân xác đã mọc đầy móng vuốt
thì có gì sai đúng với ai đây?

trưa có nắng hàng cây sao dỗ bóng
tôi có buồn ở đậu kín đôi tay
bước chậm mấy mười năm rồi cũng biết
ai đi qua còn ngó lại dấu giầy?

ai cũng thế, đâu sống đời của họ
yêu thương nào ấm nổi một vuông khăn
đêm gió tạt những cánh rừng quê cũ
tôi bên này, trở giấc, gối chăn đơn.

nắng mưa ở với ngàn năm trước
ai ở cùng tôi tới kiếp sau?
đêm đêm tôi thấy dường như bạn
vẫn trở về đây. mắt hỏi nhau.

mùa mước cũ chỉ còn chân đá cũ
giòng sông trôi. tôi ở lại bên bờ
con chim nhỏ cũng quên dần dĩ vãng
thì thôi tôi, còn nhắc mãi làm gì.

Trên đây, uct.edu.vn đã dành tặng đến bạn những thi phẩm nổi tiếng trong tập thơ Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu của nhà thơ Du Tử Lê. Ông được xem là một hiện tượng lạ cần được khám phá của nền thơ ca nước nhà. Hãy cùng nhau đón xem và cảm nhận nhé!

Xem Thêm: Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu – Tập thơ vang danh của Du Tử Lê phần 4

Related posts

Thi sĩ Yến Lan cùng tập thơ Tứ Tuyệt vang danh phần 5

admin

Nhà thơ Bạch Cư Dị cùng kho tàng thơ đặc sắc phần 2

admin

Nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm và tập Bạch Vân quốc ngữ thi tập Phần đầu

admin

Leave a Comment