Nhà Thơ Nổi Tiếng

Tập thơ: Ném câu thơ vào gió (2001) – Bằng Việt (Tiếp)

Nội Dung

Thành phố thật vừa tầm với con người
Có đủ chỗ cho mọi điều tinh tế,
Hoa táo nở vô tình, toả giấc mơ trinh bạch,
Màu hoàng hôn bần thần, lặng lẽ đến rồi đi…

Thành phố thật vừa tầm với con người
Có đủ chỗ cho mọi điều giản dị,
Quán giải khát vô vàn những quả chuông thanh nhã:
Những tán nhỏ che đầu từng đôi lứa yêu nhau!

Không thấy ai khoe khoang về chiến tích thần kỳ
Về lịch sử 2000 năm cực lớn,
Em gái quá nhu mì đến mức không nói nổi
Rằng mai sau em ước sẽ thành gì!

Chẳng thấy thành luỹ nào sừng sững chắn ngang đây
Chỉ lắm tượng nhà thơ và các nhà hiền triết,
Vô tận những đường cây, có thể đi tới chết
Đi suốt đời toàn hưởng bóng râm thôi!

Chợ búa không ồn ào, xe cộ không bụi bậm,
Người Đức, người Triều Tiên ra ngõ gặp nhau cười…
Thành phố ủ mình trong cách sống Âu cùng Á
Thành phố dấu mình đi để trả chỗ cho người!

Nhưng đến lượt con người lại ẩn dưới cây xanh,
Ẩn trong những khát khao muôn thuở yên bình,
Tôi cứ thế bâng quơ hoà nhập vào thành phố
Rồi tỉnh dậy giữa đêm, nằm thấm thía thương mình!

Ấn tượng Hirôshima

Xung quanh Đài tưởng niệm
Những hàng cây dậy tiếng ve kêu!

Ngỡ bao linh hồn bé thơ
Nhập vào tiếng ve kêu trong ấy
Ve kêu đời đời kiếp kiếp
Kêu đến khi nao trở lại làm người…

Tiếng kêu cứa lòng, xé họng,
Mấy mươi mùa hè nóng bỏng
Ngày càng vang xa mãi…
Những hàng cây dậy tiếng ve kêu!

Hirôshima, 1997
(Kỷ niệm 52 năm Hiroshima bị bom nguyên tử. Lễ kỷ niệm và cầu siêu cho những nạn nhân đã hy sinh trong thảm hoạ bom nguyên tử 1945)

Bánh chưng, bánh dày

Thuở tám tuổi trái đào
Tôi thức ngủ giữa rất nhiều truyền thuyết
Truyền thuyết sao mà đẹp:
Trời đất vuông tròn như bánh dày,bánh chưng,
Thế giới mỡ màu, đậm đà như nhân đỗ!

Bà tôi chỉ thích việc đời có hậu
Suốt đời cả tin chuyện thuở Lang Liêu…

Tôi vẫn nghe
Không nỡ lòng cãi lại
Bà còn thọ bao năm, thôi chớ để bà buồn!

Nhưng năm lại chồng năm
Sống gắn bó cùng bà
Có nhiều lúc tôi muốn tin là thật
Muốn tắc lưỡi cho việc đời đơn giản!
Tự ru mình bằng quan điểm ấu thơ
Ưa bám níu mãi niềm tin nguyên thuỷ…

Tôi mất nửa đời để thoát ra truyền thuyết
Tấm bánh mang nhiều suy tưởng hơn xưa!

1989

Casablanca

Casablanca
Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Bằng Việt » Ném câu thơ vào gió (2001)

☆☆☆☆☆
Chưa có đánh giá nào
Thể thơ: Thơ tự do
Thời kỳ: Hiện đại
Từ khoá: Casablanca (1)
Chia sẻ trên Facebook
Trả lời
In bài thơ
Một số bài cùng tác giả
– Bếp lửa
– Mẹ
– Thơ tình ngày biển động
– Nghĩ lại về Pauxtốpxky
– Đi chợ Tết
Đăng bởi Vanachi vào 06/07/2014 14:06
“Ôi cái hôn, vẫn là cái hôn như ở Casablanca
ngày ấy. Nhưng cái hôn còn là cái hôn đâu, khi
không còn hơi thở của em…”

Đấy là thời chiến tranh, thời tưởng chừng xa lắm!
Em – Đôi mắt nâu to với nét buồn sâu thẳm
Đến phỏng vấn tôi về đất nước, về thơ…

Em sinh ra mãi tận Casablanca
Dòng máu Việt thừa hưởng từ mẹ Việt,
Nhưng chỉ biết quê hương từ những gì mẹ biết
Xứ sở mù tăm, ngỡ tận cùng trời!

Trên chuyến bay xuyên đêm
Qua sa mạc châu Phi nóng bỏng
Em khẽ hát như ru một lời ca tràn đầy bọt sóng:
– Casablanca.

Em bồng bột gửi tôi lá đơn
Xin tình nguyện về Việt Nam chiến đấu.
(…Đấy là thời chiến tranh, thời tưởng chừng xa lắm,
Những ý tưởng viển vông không đến được bao giờ!)

Em đành tìm một cách bói cầu may:
Cắt lọn tóc, gói vào phong thư nhỏ,
Gói một chiếc hôn gửi vào ngọn gió
Cầu Đức Allah…cho được thấy quê nhà!

Chao ôi! Đấy là thời quá chừng lãng mạn,
Đôi mắt nâu to, với nét buồn sâu thẳm!
Tôi mắc nợ nỗi buồn, chẳng bao giờ trả được…
– Casablanca!

2000

“Nhất sinh từ phú tri vô ích
Mãn giá cầm thư đồ tự ngu…”
(Nguyễn Du)

Quá khuya, chợt thấy mình già,
Nhìn ra cửa sổ, mưa sa kín trời,
Một đời gọi mãi: Người ơi!
Một đời khát vọng, một đời bồng bênh,
Mê say là chuyện đã đành
Biết đâu tỉnh lại, nhân tình trắng phau!
Áo cơm se sắt mái đầu
Thương nhau mà giận, ngó nhau mà buồn!
Rạc rài chút phận văn chương
Cao sang nhoè lẫn tầm thường… ngẩn ngơ!

1993

1
Em có nét buồn sâu như ngọn gió
Thổi lang thang qua năm tháng hao gầy,
Tôi có chút buồn xa như vạt cỏ
Khuất chìm sau cát bỏng đến chân mây…

Khi quay lại nhìn nhau trong khoảnh khắc
Gió qua truông thương cỏ cháy ven trời,
Chỉ em biết, cỏ rồi xanh mút mắt,
Chỉ một mình em biết – cỏ là tôi!

2
Em có thể có gì xa cách lắm
Những ưu phiền chưa nói hết cùng tôi,
Mưa sau núi trải về xa thẳm thẳm
Lối em đi, mù xoá dấu chân rồi…

Nhưng gương mặt qua sa mù trẻ lại
Tươi như sương mà lãng đãng như sương…
Có thể hoá hồ ly trong truyện cổ
Có thể hoá nàng tiên trong cuộc đời thường.

Tôi chớp mắt…chờ phút giây huyễn hoặc!?!
Em vẫn vô tâm, lặng lẽ như thiền…
Nếu hoá nước, hẳn hoá nguồn trong suốt,
Chỉ một mình tôi biết – đó là em!

1999

Hoa phượng rung mình như bóng sáng
Gợi chút hồn em không phút yên
Mưa suốt ban trưa còn trĩu hạt
Hoa thẫm màn mưa bỗng nhói thêm!

Giá như níu cả mùa xuân lại
Hoa như nến nhỏ nhú trên cành
Kìm bớt màu hoa chưa rực rỡ
Để hồn hoa nhỏ rụng về anh!

1999

Phố và nắng ngỡ cùng ngưng đọng
Tự thời nào, cuối thế kỷ XV.

Thương cảng xưa còn gì,
Khách buôn đổi khác rồi, dòng sông hầu cũng khác,
Biển đâu đó một tầm tay, lặng phắc
Tiếng guốc mòn vang tận cuối đường trưa,
Hoa nở đẹp mà không lan toả gió
Nước mênh mang kè lại, giống như hồ!

Tâm hồn phố cũng chừng chưng cất lại
Tự bao đời đâu dễ gọi thành tên…

Em gái ngước nhìn tôi, đôi mắt đen lay láy,
Rợp bóng nhà mái ngói cũ âm dương
Mái quá đẹp, gánh thời gian quá nặng
Biết cách nào gánh nổi tới mai sau?
Cả dãy phố đã tường xiêu cửa mục
Chỉ giữ mái ngói kia làm chứng tích tự hào!

Dĩ vãng đội trên đầu, âu lo và sống động,
Không dám đổi thay gì, không được phép đổi thay,
Cả thành phố đã trở thành di vật
Du khách đến rồi đi… Còn em sống sao đây?

Em gái khẽ nhếch môi, nụ cười như mộng ảo
Hiền dịu đến như em, đâu dễ muốn tỏ bày!

Cả thành phố vẹo xiêu, cần đầu tư bạc tỷ
Quá khứ đẹp vô cùng, treo giá cũng vô song,
Nhưng làm giá cho ai, nếu thiếu đời sống thực,
Nếu chỉ còn những chứng tích rỗng không?

Tôi đứng trước Chùa Cầu, ngắm mãi con chó đá,
Suy ngẫm những phế hưng vô định, chẳng nên lời!
Đường rất vắng, mà tôi thì rất vội,
Đi một vòng, thảng thốt những buồn vui…

Không thấy có chút gì nên mua làm kỷ niệm,
Phố ban trưa đã cửa đóng, then cài.
Thôi đành vậy… Biết khi nào trở lại
Ăn một miếng “cao lầu” – riêng của Hội An thôi!

1991

Lặng lẽ ngồi nghe cây biết nói
Cây thấm hồn đêm, tĩnh lặng buồn,
Lặng lẽ chờ tan cơn buốt nhói
Nỗi nhớ dần xa như khói sương…

Nhưng có gì đâu…không có đâu,
Đêm muốn xui ta chóng bạc đầu!
Lặng lẽ ngồi nghe cây biết nói
Lặng lẽ thu về nỗi nhớ nhau…

1997

Sông cũng sông, nước lờ lững thế thôi!
Phố cũng phố, quét vôi vàng quen thuộc!
Nhưng đấy là sông Xen,
Là cửa ô Xanh Ăngtoan, Xanh Đơni,
là gò Môngmác…
Những địa danh làm ta thót giật mình!

Lucxămbua mùa thu: Rộng, thoáng và buồn,
Những pho tượng vai trần sẽ có ai để ý
Nếu không có trang văn, từng khắc sâu đến thế:
Bầu trời trập trùng mây,
lay động buổi tựu trường…

Cây “Cầu Mới”, bắc từ thời Trung cổ,
Như còn đó linh hồn, không ai thích đổi tên!
Phố vẫn giữ đèn lồng, đá lát hè mòn vẹt,
Dấu tích trải nhiều đời, để nhớ, quý hơn quên!

Những giá trị bình thường không chói lên tự nó,
Giá trị được nhân lên từ sách vở bao đời,
Tự lớp lớp phế hưng của thời gian trầm tích…
Di tích có hồn chăng? – Cũng nhờ chính con người!

Từng hiện vật rêu phong buộc tôi dần thấu hiểu
Lớp dây rợ nhiều đời, dằng dịt nối xưa – sau…
Không thể thích háo danh mà vẽ nên huyền thoại,
Nếp ăn xổi ở thì – đâu tính được dài lâu!

Paris, 1997

Biết đâu, say đắm vẫn còn,
Thoảng cơn gió lạ, nắng dồn sang mưa,
Xế chiều, quay lại giữa trưa,
Ngậm ngùi nối lại thời chưa biết gì!
Ngậm ngùi ư? Ngậm ngùi chi?
Ngậm ngùi xong để quên đi ngậm ngùi…

Biết đâu, sau lớp tro vùi,
Ngón tay em có phép cời lửa lên
Vô tình thoát tục thành tiên
Một đời Từ Thức, một duyên Giáng Kiều,
Viễn du… thay kiếp bọt bèo
Chân mây, đầu sóng cũng liều… Biết đâu?

*

Cuộc đời đâu luận trước sau,
Biết đâu hạnh phúc, biết đâu đoạ đầy…
Nếu làm mây, cứ như mây
Một mai tan xuống đất này, được không?
Nếu em là kiếp bềnh bồng
Thì tôi vĩnh viễn phải lòng phù du,
Nếu em khoát mở sa mù
Thì tôi vĩnh viễn hoá bờ bến xa,
Cầu may tới cõi giao hoà
Cầu may có được ngôi nhà biết yêu!

2000

Những ngôi nhà trong ấn tượng bé thơ
Cũ kỹ, bền lâu, tưởng chừng bất biến,
Những Xóm Đình, Xóm Giếng,
Cong queo đường đất ổ gà,
Xóm đầu làng dẫn tới tha ma
Xóm cuối làng – hút chân trâu khấp khểnh
Lầy lội mùa mưa Chợ Điếm
Cây bàng già trút lá xuống ao con…

Tôi thường học bài dưới mái tam quan
Hiên đình cũ, bao năm làm lớp học,
Tay quệt mực, mũ ca lô, chân đất,
Lũ trẻ tản cư, bảy tám tuổi đầu,
Lứa bạn bè, bao sướng khổ chung nhau!

Cứ thế, tôi dần gắn chặt quê hương,
Mảnh đất định hình dáng thời thơ ấu,
Trong tiềm thức, tới giờ còn nương náu
Con đom đóm khuya ẩn hiện khóm trầu
Hương thơm tần ngần nắng mới hoa cau
Tiếng vót đũa, chuốt nan…rì rì tĩnh lặng
Thậm thịch nhịp chày ban trưa dai dẳng
Quạt giấy phất giòn, khô tí tách sân phơi…

Bao màu sắc tạo thành ký ức quê tôi
Mãi cũ kỹ, bền lâu… tưởng chừng bất biến,
Nhưng không phải! Màu sắc rồi hình tiếng
Đều có tuổi nhỏ tuổi già, sống chết với con người!

… Phong bánh khảo nhỏ nhoi ngày xưa bao giấy đỏ
Chùm hạt cườm nhiều màu, trẻ lồng khít cổ tay…
Tìm đâu thấy, cùng tuổi thơ tít tắp?
Biết còn có ai cần?…Nếp sống đã đổi thay!

Mấy thế hệ qua rồi… Các cháu vào lớp mới
Bài lịch sử dài hơn – từ thuở đó đến giờ!
Ruộng đất “hợp tác” rồi, lại “khoán, chia”… lần nữa,
Lễ hội ngỡ quên dần, lại tấp nập như xưa…

Bỗng chốc giật mình, thấy rêu phong bám vào kỷ niệm,
Với ký ức nhạt nhoà, đọng cách nhìn bất biến từ xa…

Khi quê cũ không ngừng xoá đi, dựng lại,
Yêu bằng ký ức thôi – đủ khiến hoá thành già!!!

Sơn Tây, 1977–1986

Em nhỏ và trong như nước mắt
Chia tay còn mặn mãi môi cười…
(Trích nhật ký)

*

Muộn rồi em… mùa thu
Muộn rồi em…đốm lửa,
Lá một thời đã úa
Lửa một thời đã phai…

Còn có ai chờ ai
Bao mùa dông gió ấy,
Kỷ niệm nào thức dậy
Trong bếp sắp tàn tro!

*

Muộn rồi em… thu,
Muộn rồi em… đốm lửa,
Muộn rồi chăng… Nỗi nhớ?
Muộn rồi chăng… Cuộc đời?

1996

Ném một câu thơ vào gió thổi
Lời bay đi, tôi nhớ lại đời mình:
Có lắm buồn vui, có nhiều lầm lỗi
Nhưng không có gì xảo trá, gian manh!

Có đôi lúc nực cười thời trẻ quá
Chưa hết tung tăng đã muốn bạc đầu!
Có đôi chút bùng nhùng thời bả lả
Chơi hơi nhiều, rút cuộc có gì đâu!

Có nỗi đam mê một thời trang trọng
Lo nỗi lo khuôn thước của muôn nhà,
Quên mất câu thơ quá chừng bé bỏng
Thổn thức trong lòng không thể thoát ra…

Nay lại ném câu thơ vào gió thổi,
Tin – không tin! Vẫn còn lại riêng mình,
Còn lại tấm lòng mong manh, dễ vỡ,
Cát đã qua lò, nay hoá thuỷ tinh!

2000

“Ngày đã đứng trưa. Trời có lẽ xanh rồi!”
(Louis Aragon)

Yên tĩnh thế, khiến lòng run rẩy mãi
Trưa lan xa, bóng nắng đẫm vui buồn
Trưa đang đứng, còn đời mình đang chín
Giọt nắng vàng như mật sáng rưng rưng…

Đã đứng rồi ư? Sao ngày ngắn vậy
Nghĩ chưa xong, thời khắc điểm xong rồi!
Đã chín rồi ư? Sao đời ngắn vậy
Quay lại nhìn, bao việc vẫn buông xuôi!

Yên tĩnh thế, khiến lòng run rẩy mãi
Phút giây thiêng thức tỉnh lại bao điều,
Nhìn thấu suốt nhỏ nhen và vĩ đại
Càng bình tâm rõi tới đích mình theo!

1991

Là Vạn lý Trường thành hay thác Niagara,
Là kênh rạch Vơnidơ hay lâu đài La Mã,
Tháp Ai Cập, tháp Epphen, thạch động và rừng đá,
Tất cả chỉ thu vào một tầm nhìn!

Những kỳ tích văn minh 5000 năm nhân loại
Xếp đúng vừa diện tích một công viên!
Vài dãy nhà, bé như hộp diêm
Chứa cả Hàng Châu, Tô Châu trong đó!

…Tôi gióng chuông (phiên bản) chùa Hàn San,
Tiếng chỉ quẩn trong sân, không lan cùng sóng nước,
Tôi chụp ảnh (mô hình) lầu Hoàng Hạc
Có mây trắng nào đâu trước ô cửa chuồng chim?
Vẫn biết rằng đây chỉ là mô phỏng
Nhưng tưởng tượng bay đi, mình đứng sững – im lìm!

*

Thu nhỏ mọi cảnh quan, làm bé từng hiện vật
Tinh xảo đến tột cùng, bất quá vẫn trò chơi!
Điều tâm niệm xa hơn cho mọi nền nghệ thuật
Là chớ để lùn đi mỗi nhân cách Con Người!

Từng ép kiệt ước mơ, từng kìm chặt nỗi buồn,
Từng gọt bớt cảm quan, từng xén mòn suy tưởng…
Nhân loại đã trải qua mọi luân hồi, nghiệp chướng,
Để trở lại chính mình, đừng chịu bé đi hơn!

Công viên “Cửa sổ Thế giới” ở Thâm Quyến.
1999

Thơ có còn chăng? Cho ta lại đến…
(Ngôi nhà tranh giữa ngã ba đường!)

…Thời thanh xuân, mắc chiếc võng tăng
Ngủ giữa rừng già, gió rung phần phật,
Nửa đêm thức, nhìn hoả châu xanh lét
Vui vì mình được thực làm người!

Tháng năm như cát trôi qua kẽ tay
Bè bạn đã nhiều anh tóc bạc
Tẩn mẩn than thân trách phận
Quăng chén giả say, chửi vung tán tàn!

Lại cũng không hiếm kẻ vung vinh
Nói rin rít kẽ răng, cười ngô nghê hợm hĩnh,
Ấm cật rồi, chạy vạy làm kẻ cả,
Luồn lọt nhờ tài đóng kịch ba xu…

Thơ hẳn còn gì… Cho ta lại đến…
(Ngôi nhà tranh giữa ngã ba đường!).

1992

Em thuộc về một thế kỷ xa rồi,
Khi hoa cỏ với con người hoà nhập,
Con bống con bang sống cùng cô Tấm
Và bức tranh chớp mắt hoá ra người…

Em quên rằng: thế kỷ ấy xa rồi!

Có gì trong em gắn với buổi mai này
Dãy phố trụi bê tông, không còn chim đến đậu!

Em nhắm mắt, thả cho lòng ẩn náu
Một lối nào, như thể tiếng chim qua…

Hà Nội, 2000

Rồi sẽ tới một thời em mỏi mệt
Khi nhắp xong vị mặn chát của đời!
Nhưng tôi chỉ nhớ về em trước hết
Ở nét cười tinh nghịch – mắt cùng môi…

Rồi sẽ tới thời em khinh bạc nữa,
Khi đủ vinh quang, ấm lạnh, chán chường…
Nhưng tôi mãi giật mình vì ngọn lửa
Của hồn em, ngày mới biết yêu thương!

Rồi sẽ tới thời ta cô độc lắm,
Bè bạn thì xa, tri kỷ khó tìm!
Tôi xin được giữ trong lòng lẳng lặng
Khuôn mặt hài hoà duy nhất – là em!

1996

Anh đi mười năm trở lại
Phố xá làm anh bất ngờ,
Nhưng riêng chỉ đường sen ấy
Một đời anh vẫn ngẩn ngơ,
Cuối thu, sen tàn lá rụng
Anh như hoá đá ven hồ!

Chồng chất sắc màu khối phố
Riêng anh thiếu vắng mùi sen,
Mùi hương tuổi thơ vĩnh viễn
Cũ càng, tình nghĩa không quên,
Hương thơm đầu đời Hà Nội
Chỉ từ xa, đủ khát thèm!

Anh đi mười năm trở lại
Làng hoa biến mất như đùa!
Ví thử hồ sen cạn nốt
Làm gì cho thấy ngày xưa?…

1995

Những nhà thơ mau chóng già đi
Trước việc kiếm ăn vo tròn đều đặn,
Cây xanh hoá thờ ơ giữa mặt trời mọc lặn
Tiếng chim chuyền trên phố cũng thờ ơ!

Con trẻ quá đông vui, hàng xóm hoá phiền lòng,
Cả nước lo âu vì khẩu phần hẹp lại!
Bao đôi lứa không nhà cứ xếp hàng thêm mãi
Bay tới đỉnh tình yêu, rồi biết đậu vào đâu?

Những mái cũ rêu phong thêm cơi nới bịt bùng
Thiếu dần ánh trời trong, thiếu dần không khí thở,
Cái nhạy cảm dư thừa biết tìm đâu ra chỗ,
Những nhà thơ mau chóng già đi…

1985
Năm cuối, trước thời Đổi Mới

Cái bàn gỗ tạp, cái ghế long chân,
Ý nghĩ và việc làm đều vá víu…
Chỗ ở cứ khất lần tạm bợ,
Chúng ta tưởng
thời thanh xuân chỉ mới bắt đầu!

Nhưng thời gian cứ trôi
Thời gian thẳng thừng dễ sợ…
Cái tạm bợ đã thành một đời
Cái tạm bợ đã thành vĩnh cửu!

1979

Thôi hãy khoan ngậm ngùi
Trước điều chưa dễ có
Thôi hãy khoan phẫn nộ
Trước điều chưa dễ qua…

Thôi hãy khoan xót xa
Trước điều chưa dễ tới
Thôi hãy khoan nghĩ xổi
Trước điều chưa dễ quên!

1987

Tặng Yên Đức

Thôi anh cứ vui đi, bạn của thời mơ mộng,
Cuộc đời khiến anh thành Giám đốc Ngân hàng.
Quay trở lại, nhiều điều qua hết cả,
Thế sự vơi đầy, ngắn chẳng tầy gang!

Thơ để lại dăm câu, người tri kỷ hãy còn
Thị xã dâu da xoan, mùa tiếp mùa lại chín…
Thị xã thuở trẻ trai, xót xa và bịn rịn,
Hóng gió bụi than về, ngoáy lỗ mũi còn đen!

Lịch sử đã sang trang, cuộc sống khá lên nhiều,
Những vất vả chiến tranh, hầu như dần xoá hết,
Mọi giá trị thuở xưa, quen đo bằng sống – chết
Thì hôm nay gắn chặt với giàu – nghèo!

Thôi anh cứ vui đi, bạn của thời mơ mộng,
Gắng làm chủ đồng tiền, như làm chủ trang thơ…
Để đến lúc – mọi trò chơi khép lại,
Thì đời ta không hổ thẹn bao giờ!

1993

Trong rừng… như có tuổi thơ
Ban mai nắng thắm đón chờ bao năm,
Trong rừng… như có vầng trăng
Tròn xoe, vụng dại… đêm rằm quê xưa,
Trong rừng… như có sim mua
Ăn không biết chát, buồn chưa biết buồn!

Có gì… run rảy tinh sương
Ru ta tới lẽ vô thường… nhẹ không!

2000

Tặng nhạc sĩ Dương Thụ

Ba mươi năm
Dần xa mãi Trung du
Xa tiếng gầu va thành giếng cạn
Xa ngọn gió toả hương chè hương trẩu
Cây trám quạnh hiu lặng lẽ bên trời…

Về lại ngẫu nhiên thời sơ tán cũ
Vẫn nắng ôm cây, vẫn gió ôm đồi,
Bóng cây thị có gì như cổ tích,
Thị rụng bị bà chăng?
Bà mất đã lâu rồi!

Cây trám của ngày nao giờ ngỡ cây trám dại
Hẳn trách ta quên bẵng vị thơm bùi,
Quên lối sỏi mùa thu, hoa tóc tiên lốm đốm…
Thời ấy quá chừng nghèo, mà sao quá chừng vui!

Xin tạ lỗi cùng cây, cùng cảnh cũ,
Đất đá ong khô dắn của đời ta,
Dẫu đi suốt nửa đời trên trái đất
Chẳng mất được Trung du, đắng đót vị quê nhà!

2000

Mưa phùn… Đường bấm chân trơn
Đi qua, nhìn lại màn sương khuất rồi,
Tách mình ra một khung trời
Nửa quên gánh nặng, nửa vơi nỗi buồn!
Trái tim chừng đập mau hơn
Nửa như thấm mệt, nửa còn thanh xuân,
Non xa dừng lại, tần ngần
Nửa phần tiếc nuối, nửa phần đam mê!
Chưa lên chót đỉnh, chưa về
Nửa nhìn chưa thoả, nửa nghe ngậm ngùi!

1991

Những ý nghĩ phù du như bóng sáng
Thoắt bay qua, thoắt chạy đến vô cùng,
Thơ chưa chín, quên đi, đầu đã bạc,
Em một thời, ngó lại, đã hư không!

Nhanh quá thế, mà cũng buồn quá thế,
Chớp mắt xong, là đã một đời người!
Day dứt lắm, bao điều từ tuổi trẻ
Chưa kịp làm, hẹn đó, để rồi thôi!

Lại muốn trở về khát vọng thiên nhiên
Quên hết mọi ưu tư từ sách vở
Để hoà nhập với những gì chưa có…
Cần một thời sau nữa của mình chăng?…

1996

“Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận
Chẳng biết xa lòng có những ai?”
(Phạm Hầu – Vọng hải đài)

Sóng táp lô xô vào đất rộng
Hồn thắm theo màu nắng biển xa,
Lớp người chinh chiến, quen rừng rậm
Giặc đã tàn xong, trở lại nhà.

Ô hay! Đài xưa còn như xưa
Mà kiễng chân lên, thấp chẳng ngờ!
Có gì khao khát mênh mông quá
Vọng hải đài – cao đã đủ chưa?

Mây cũng mây mình! Nắng cũng ta!
Lòng bâng khuâng muôn dặm một nhà,
Yêu đến se lòng nơi sẽ tới
Thương đến se lòng nơi đã qua…

Bờ cát vòng cung ôm nắng mai
Đời kết liền nhau suốt dặm dài…
“Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận”
Biết trải tình thân tới những ai?…

1975-1976

Đá và rêu
Cách ta đã bảy trăm năm
Huyền hoặc và ám dụ.

Đá ngồi thiền, thẩm thấu lẽ tử sinh,
Rêu lặng lẽ xuất thế và nhập thế,
Ngỡ nước chảy, mà thực không có nước
Sóng cuội, sóng khô, vô tận, vô cùng…

Thanh tĩnh đến mức nghe được chính mình
Vườn ẩn hiện bất ngờ theo nhịp bước.
Những tham, sân si…đã bỏ quên ngoài cổng
Chút ghen tỵ hoá công cũng rơi nốt dọc đường.

Cỏ hữu hạn xanh veo thành bất tử
Lòng hoàn nguyên rửa sạch với thinh không!

1997

Trên đây là bao gồm 30 bài thơ trong tập thơ Tập thơ Ném câu thơ vào gió của nhà thơ Bằng Việt xuất bản năm 2001. Hi vọng sẽ giúp các bạn độc giả yêu thơ Bằng Việt có những phút giây thư giãn, ngâm thơ… thú vị nhất.

Xem tiếp: Tập thơ: Nheo mắt nhìn thế giới (2008) – Bằng Việt

Related posts

Thơ Nguyễn Công Trứ – Phóng khoáng và tràn đầy chất “Ngông” Phần 2

admin

Nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm và phần Bản quốc ngữ Mai Lĩnh (Sấm ký)

admin

Trọn bộ những bài thơ hay nhất của nhà thơ Yến Lan phần 2

admin

Leave a Comment