Nhà Thơ Nổi Tiếng

Nhà thơ Thái Bá Tân và tuyển tập thơ dịch Muhammad Rumi phần cuối

Thái Bá Tân là một nhà thơ có khả năng sử dụng ngôn ngữ cũng như việc dịch thuật cao. Và ông đã dịch một số bài thơ của Muhammad Rumi. Đây là một nhà thơ, nhà thần học viết bằng tiếng Ba Tư. Đặc biệt ông được nhận định là một trong những nhà thơ nổi tiếng vĩ đại nhất mọi thời đại. Hãy cùng tìm hiểu các bài thơ dịch của Thái Bá Tân về các sáng tác của nhà thơ Ba Tư này bạn nhé!

Nội Dung

Ở làng nọ có tục lệ khác đời
Là người ta cứ thích xăm đầy người

Mà đã xăm là rất đau, hẳn thế,
Nhưng lại có những hình xăm đẹp đẽ.

Một anh chàng luôn vỗ ngực ta đây,
Cũng muốn xăm, đến thợ bảo thế này:

“Tôi tuổi hổ, anh xăm cho con hổ,
Thật hung dữ, thật to và thật rõ!”

Người thợ xăm cầm bút bắt đầu xăm.
Anh kia kêu oai oái mỗi lần xăm.

“Anh làm gì mà tôi đau nhường ấy?”
“Xăm hình hổ. Ông bảo tôi như vậy”.

“Ừ thì xăm, nhưng đang xăm ở đâu?”
“Xăm từ đuôi. Đó là chỗ bắt đầu”.

“Xăm đuôi à? Bỏ đi, không cần thiết.
Hổ có đuôi chỉ càng thêm đáng ghét”.

Anh thợ xăm lại xăm tiếp, tất nhiên,
Lại thấy đau và anh kia kêu lên:

“Anh đang xăm cái gì? Đau quá!”
Xăm đầu hổ. Phải có đầu chứ ạ?”

“Không cần đầu. Đừng xăm nữa. Thôi đi!”
Đã có vuốt, hổ cần đầu làm gì?

Xăm cái khác. Đừng châm đau như vậy
Ôi trời ơi, anh đang xăm gì đấy?”

“Tôi đang xăm lưng con hổ. Thưa ông”.
“Lưng? Làm gì? Không có lưng được không?”

Anh thợ xăm bực mình, quăng bút nói:
Hổ không đầu, không đuôi ư? Xin lỗi.

Quả xưa nay chưa ai thấy trên đời.
Chỉ toàn thấy những anh hèn, anh lười.

Ai sợ đau, không kiên trì, chịu khổ,
Thì tốt hơn đừng cầm tinh con hổ.

Một ông già gặp thầy lang, và nói:
“Tôi sổ mũi. Đầu đau không chịu nổi!”

“Đó là do, – thầy lang đáp, – tuổi già.”
Ông kia kêu: “Mắt tôi kém, sắp loà”.

“Không khó hiểu: Người già ai cũng vậy,
Mắt thường đau, thường kèm nhèm, sưng tấy.”

“Còn lưng tôi, sao nhức nhói gần đây?”
“Chính tuổi tác đã gây nên điều này.”

“Ăn không ngon, lại khó tiêu, chán quá…”
“Cũng vì do tuổi tác đấy ạ.”

“Tôi ho khan, tức ngực, thật phiền hà…”
“Thì bệnh ho là bệnh của người già.

Ai cũng biết khi tuổi già ập tới
Thì chẳng thiếu bệnh gì, xin cứ đợi.”

Ông kia nghe, tức giận quát, câm ngay!
Ta không ưa cách chữa bệnh của mày.

Ai dạy mày những lời kia ngu ngốc?
Một thầy lang thông minh, có học

Sẽ kê đơn bốc thuốc quý chữa lành,
Không như mày, dốt nát, nói loanh quanh…”

“Dạ thưa ông, cả việc ông nóng nảy
Cũng là do tuổi tác ông đấy.”

Có một thầy ngữ pháp, lúc sang sông
Hỏi người chèo có biết ngữ pháp không?

Người chèo đáp: “Dạ không”. Thầy đắc chí:
“Thế thì nữa đời anh, anh để phí!”

Anh kia nghe, tuy phật ý, bực mình
Nhưng bề ngoài vẫn vui vẻ, làm thinh.

Bỗng bất chợt gió đổi chiều thổi mạnh,
Thuyền lắc lư giữa ào ào sóng đánh.

Người chèo thuyền lễ phép hỏi: “Thưa ông,
Thuyền sắp chìm, ông có biết bơi không?”

Ông quả thật không biết bơi? Tiếc nhỉ
Thế thì cả đời ông, ông bỏ phí!”

Bò và cừu với lạc đà lần nọ
Đang cùng đi, thấy bên đường bó cỏ.

Bó cỏ non chắc ai đó để rơi,
Tiếc là ít, không đủ cho ba người.

Cừu lên tiếng: “Chia thế nào được nhỉ?
Đem chia ba để mỗi người một tí?

Ăn không no thêm khó chịu. Hay là
Giờ ta bình: Ai trong số chúng ta

Đáng kính nhất và cũng nhiều tuổi nhất,
Ta sẽ nhường cho một mình ăn tất?

Phải tôn kính người già! – Đức Tiên Tri
Bao đời nay chẳng dạy thế là gì?”

Bò đực đáp mà không cần suy nghĩ:
“Ý liến này rất hay, tôi đồng ý.

Vậy xin mời lần lượt chúng ta
Kể về mình, xem ai đúng người già!”

“Tôi-Cừu nói, – không phải ai cũng biết,
Là con cừu của tiên tri Môhamét.

Còn bạn tôi, hai ông bạn biết không,
Được chính ngài Ibrahim cạo lông!”

Bò đực đáp: “Chỉ thế à? Chuyện vặt
Tôi thực sự mới là người già nhất:

Trên thiên đường từ xa xưa, hằng ngày
Ông Ađam đã đưa tôi đi cày!”

Lạc đà nghe, tuy ngạc nhiên chút đỉnh,
Nhưng bề ngoài vẫn thản nhiên, phớt tỉnh

Nó lặng lẽ vươn cái cổ rất dài
Lấy bó cỏ, rồi vừa nói vừa nhai:

“Rất có thể chuyện hai anh là thật,
Nhưng hiện giờ cổ của tôi dài nhất,

Nên được ăn bó cỏ này, ngoài ra
Tôi chẳng kém hai anh về sự già!”

Một anh hề phải chơi cờ hầu vua
Chơi thế nào lại chiếu tướng, vua thua.

Vua tức giận, ném quân cờ vào mặt:
“Này chiếu tướng! Chơi mà không có mắt!

Đáng lẽ mày không được đi vào đây!”
Dạ, thưa vua, con xin thua ván này!”

“Được, vua đáp, – ta chơi thêm ván nữa!”
Anh hề sợ, co người như gặp lửa.

Vốn là người chơi rất kém, đức vua
Tự minh rơi vào chiếu tướng, và thua

Dù anh hề cố đi sai, đi hớ
Biết gặp nguy, anh ta liền hoảng sợ

Đắp lên mình nào chăn lớn, chăn con
Và vừa run vừa chuẩn bị ăn đòn.

Vua quát to, ngạc nhiên khi thấy vậy:
“Ê thằng kia , mày làm trò gì đấy?”

“Tâu đức vua rất vĩ đại, thông minh
Con là dân, con phải biết phận mình.

Con đã đi, chiếu tướng vua, ngu quá.
Giờ đắp chăn, con chờ vua đi ạ!”

Giữa xa mạc có một chú lạc đà,
Hai bên hông hai túi lớn bằng da.

Còn vắt vẻo ngồi trên lưng, đang ngủ
Là một người béo và to – ông chủ

Đến trạm nghỉ, ngồi nói chuyện cùng nhau,
Một người hỏi: “Bác chở gì? Đi đâu?”

Ông kia đáp: Túi này toàn hạt dẻ,
Còn túi kia toàn cát thôi, chỉ thế.”

“Bác chở cát? Vì sao? Lạy Ala”
“Vì sao ư? Cho cân đối thôi mà

Không thì nặng một bên, đi sao được?”
Tôi mà bác, tôi chia tay từ trước,

Chia hạt dẻ thành hai phần bằng nhau
Hàng sẽ nhẹ, lạc đà đi cũng mau!”

Ông chủ hàng nghĩ một hồi, đáp lại:
Bác quả đúng là một nhà thông thái!

Thế mà tôi chở cát, thật buồn cười,
Nếu bác đi cùng đường thì xin mời,

Con lạc đà của tôi giờ hàng nhẹ,
Chở cả hai chúng ta đi luôn thể”.

Và rồi đi, câu chuyện nở như hoa.
Đường ngắn hơn, đỡ mệt. Chủ lạc đà

Quay sang khách: “Một khi thông thái vậy,
Thì chắc bác là vị quan nào đấy?”

“Tôi mà quan? Tôi nghèo đói xưa nay
Hãy nhìn xem, áo tôi rách thế này!”

“Chắc tại bác vi hành. Xin hỏi thật:
Bác có bao nhiêu nhà, bao nhiêu đất?

Ông kia đáp: “Tôi chẳng có gì!”
“Bác lại đùa. Bác là một… nói đi,

Một thương gia nước ngoài giàu, giấu mặt?
Bác buôn gì, hàng đâu, xin hỏi thật?”

“Tôi đã nói, tôi là anh cùng đinh
Tôi rất ngèo, cái bác bảo thông minh

Xin nói thật, chẳng qua do đói khổ,
Do vất vả kiếm miếng ăn mà có.”

Ông kia nghe, tức giận quát: “Hiểu rồi,
Vậy thực tình ông còn ngốc hơn tôi,

Vì thông minh mà nghèo là đại ngốc.
Trong khi đó tôi giàu, dù vô học.

Mời ông xuống, rồi ông đi đường ông,
Tôi đường tôi. Nhưng bây giờ, biết không

Tôi cho cát vào túi kia, cứ thế,
Một bên cát và một bên hạt dẻ!”

Có một con sư tử đói, một lần
Lọt vào chuồng gia súc bác nông dân.

Sư tử bắt và ăn con bò cái
Rồi nằm nghỉ trong chuồng bò thoải mái.

Người nông dân đêm dậy, chẳng thắp đèn
Ra thăm bò, trăng lúc ấy chưa lên.

Trong bóng tối ông vuốt lông sư tử,
Không sợ hãi, không mảy mai do dự

Sư tử nghĩ: “Đúng giống lừa hai chân,
Hắn tưởng ta là bò cái ngu đần.

Nếu có đèn để một lần hắn thấy
Hắn có dám vuốt ve ta như vậy?

Chỉ cần nhìn dôi nanh sắc của ta
Là hắn sợ đến mắt phải lòi ra”.

Một bài học: Trước khi làm gì đó,
Ta phải biết việc mình làm thật rõ.

Ở xứ nọ, một ông chủ cửa hàng
Có con vẹt biết nói, quý như vàng.

Nó nói sổi, nói rất hay, thâm thuý,
Với dáng điệu của một nhà triết lý.

Khách tò mò kéo đến xem, tất nhiên,
Vửa hàng ông cũng thu được thêm tiền.

Con vẹt ấy không đơn thuần biết nói,
Mà còn biết trông cửa hàng rất giỏi.

Nó giúp chủ tính tiền, giúp kiểm tra
Khách mua hàng, cả khi vào, khi ra.

Bỗng một hôm, đang nghỉ trưa, buồn chán
Nó hứng chí bay một vòng quanh quán,

Và làm đổ một bình lớn dầu ăn.
Ông chủ nghe, liền chạy ra. trượt chân

Ngã sóng soài trên sàn nhà ướt nhoét.
Ông tức giận, liền túm ngay con vẹt

Vặt trụi lông của nó, thật đáng đời!
Nhưng rồi ông lại đấm ngực kêu trời

Vì sao đó bỗng nhiên nhà triết lý
Chỉ lặng im, chắc là do phật ý.

Cũng đúng thôi, đang đẹp thế mà rồi
Bị lột truồng quần áo, thật khó coi.

Nó hờ hững lặng im nhìn ông chủ
Đang hối hận, đang van nài, cay cú.

Ông vung tiền mời thầy thuốc gần xa
Chữa cho vẹt nó trở lại, thế mà

Nó lì lợm, chỉ suốt ngày im lặng,
Còn cửa hàng, không như xưa, rất vắng.

Và cứ thế kéo dài, mấy hôm sau
Có một ông rất bệ vệ hói đầu.

Bước vào quán, con vẹt kia nhìn thấy
Liền nói ta: “Sao đầu ông hói vậy?

Hay cũng vì làm đổ dầu, mà ông
Giống như tôi, bị người khác vặt lông?”

Chuyện chỉ thế, và đây bài học:
Với những ai trót không may rụng tóc,

Thì tốt hơn nên đội mũ che đầu,
Đỡ mưa nắng, có va gì không đau,

Lại đỡ lo bị nghĩ oan, thêm tội
Chẳng có gì đáng khoe khi đầu hói!

Ông hàng sớm có một người ốm nọ
Ốm nhiều ngày, phải nằm yên một chỗ.

Ông ta điếc, nghĩ: Mình điếc làm sao
Thăm người ốm, phải ăn nói thế nào?

Khó thật đấy, nhưng nhà sau, nhà trước,
Lúc đau ốm không thăm nhau sao được.

Dẫu mình điếc, nhưng không ngốc, ơn trời,
Sẽ nhìn môi mà đoán hiểu, lựa lời

“Bác cảm thấy thế nào?” mình sẽ hỏi,
“Tôi đỡ hơn”, chắc ông ta sẽ nói.

“Tôi rất vui!”, mình nói “Bác ăn gì?”
Ông ta đáp: Ăn cháo hoặc bánh mì

Mình sẽ nói: “Ăn nữa đi, rất tuyệt
Thế thầy thuốc là ai, tôi muốn biết?”

Chắc ông ta sẽ nhắc một tên người
Mình đáp ngay: “Bác phải tạ ơn trời.

Tôi thực sự rất mừng cho bác.
Thầy thuốc này quả tài ba, lỗi lạc.”

Chuẩn bị sẵn những câu này ở nhà,
Ông vội vàng sang hàng sớm. Từ xa

Ông lên tiếng và tỏ ra lịch sự
“Bác thế nào, đã đỡ hơn rồi chứ?”

“Tôi sắp chết”, người ốm nói. “Rất may!
Ơn thượng đế ban cho bác điều này.”

Nghe nói thế, người ốm lạnh toát người:
“Hắn là thằng hàng xóm xấu nhất đời”

Còn ông điếc thì nhìn môi người khác
Mà đoán hiểu theo ý mình sai lạc

Một chốc sau ông hỏi. “Bác ăn gì?”
“Ăn thuốc độc” “Thế à? Ăn nữa đi.

Ai chữa bệnh cho bác chóng lành vậy?”
“Quỷ SaTăng. Cút đi, đừng đứng đấy!”

Ông điếc đáp: “Thế là bác gặp may
Ít ai giỏi và tốt hơn người này!”

Rồi ông về, rất vui và thoả mãn
Rằng ông đã chân thành khích lệ bạn.

Thơ Thái Bá Tân dịch các sáng tác của Muhammad Rumi được đánh giá khá cao. Qua các bài thơ này ta có thể phần nào hiểu được tại sao đây lại là một nhà thơ vĩ đại nhất mọi thời đại. Cũng như hiểu thêm về khả năng dịch thuật và sử dụng ngôn ngữ văn chương của Thái Bá Tân. Đừng quên đón đọc các bài thơ dịch khác hay của Thái Bá Tân bạn nhé!

Related posts

Nhà thơ Lê Đạt cùng tập thơ Ngỏ Lời được yêu thích nhất phần 4

admin

Nhà thơ Thái Bá Tân và tuyển tập thơ dịch tác giả khác phần 4

admin

Nhà thơ Bùi Minh Quốc cùng trọn bộ thi phẩm hấp dẫn nhất phần 2

admin

Leave a Comment