Nhà Thơ Nổi Tiếng

Tập Thơ ” Cỏ Gai” Của Chim Trắng – Hồ Văn Ba Vang Vọng Với Thời Gian

Thơ Chim Trắng – Hồ Văn Ba vẫn luôn luôn ấm áp một tình yêu đối với con người, đối với quê hương đất nước. Thơ ông chưa bao giờ cao giọng, càng không hề có chất ồn ào. Tập Thơ “Cỏ Gai” là một trong những kiệt tác, mang lại hơi thở rất riêng trong nền văn học Việt Nam. Thơ của ông vang vọng mãi với thời gian, được nhiều người đón đọc.

Bài viết dưới đây, chúng tôi xin trích dẫn nguyên văn 24 bài thơ với những vần thơ trong trẻo, khỏe khoắn để bạn đọc cùng tham khảo, phần nào hiểu thêm về phong cách thơ cũng như con người của ông nhé!

Nội Dung

Tôi nói về em như nói với một con tàu
Còn tôi chính là dòng sông bé nhỏ
Tôi lại nói về em như nói với hàng cây phượng vĩ
Rằng tôi đang tháng Giêng nào phải tháng Năm đâu.

Tiếng em kia là tiếng ve của hạ
Mùa tôi đây là mùa của tiếng cu gù
Em chớ đến làm người khách lạ
Tôi chẳng là gì nhưng em sẽ bơ vơ.

Xin thứ lỗi và đừng như thế nữa
Tôi chẳng là mùa cho hoa phượng nở xôn xao
Dẫu là sông tôi chỉ là dòng sông lặng lẽ
Trùng khơi kia mới chứa nổi con tàu

Và cơn bão Sa-ra sẽ đến
Mấy hôm nay thành phố trời se lạnh
Cây bên đường cứ đứng song song
Lá dựng ngược nhìn phương bắc

Và cơn bão Sa-ra sẽ đến
Sẽ đến, lửa Tần Thủy Hoàng
Sẽ đến Việt Nam bọn nhân danh “tự do nhân đạo” nhất
Khi con dao cắt thanh quản người đã thành sự thật ở Trung Hoa (*)
Sẽ đến cùng với con bão Sa-ra
Những mái nhà sụp đổ
Những búp bê rời tay trẻ
Sẽ đến
Những sư đoàn
Nhưng quân đoàn
Đầu trọc
Mang trán giả Mác-Lê-nin
Chúng sẽ đến cho xem!

Chúng sẽ đến cho xem
Hỡi em có con mắt lá rừng
Hỡi em có bàn tay cầm đàn làm cơn lá đổ!
Nhân danh tình yêu và xứ sở của tình yêu
Nhân danh tự do và xứ sở của nghìn năm nô lệ
Chúng tôi bảo các người, loài quỷ dữ
Hãy dừng chân
Và quay lại đồng lúa của các người mà giết loài chim sẻ!
Và anh nói với em như nói cùng xứ sở:
Nếu anh phải chết và em không còn sống nữa
Cho tự do – tình yêu
Thì đất đai này không thể đất của loài quỷ dữ!
Đất vẫn trải sáng những trang Kiều
Đất bao dung cho kẻ thù cắm thêm một chí.

Mưa bất chợt đổ ào xuống phố
Chiều bất chợt đi – đêm bất chợt về
Trăng chợt sáng
Đèn đường chợt úa
Đồng hồ chợt gõ chín giờ
(Kim ngắn, kim dài chỉ vào số 8!)
Nồi cơm chợt bốc khói lên, lên hơi
Trên màn hình Clinton chợt cười, chợt khóc
Căn phòng chợt lặng lẽ – mênh mông!

Cuộc đời này xảy ra bao điều… bất chợt
Tóc hoe vàng chợt xanh, chợt bạc
Hạnh phúc chợt đi, đau khổ chợt về
Chợt vui – buồn và chợt đó buồn – vui.

Em xa xôi, em không tên tuổi
Gió đang bất chợt lùa ngang cửa nhà tôi
Em cứ đến không cần bấm chuông không cần gõ cửa
Và cứ ra đi như mọi bất chợt trên đời.

Hai tháng chín anh và em xa phố
Cảm ơn chiều ngoại ô

Những năm đứng thật xa Sài Gòn
Khoảng cách hai đầu không nghe thấy tiếng bom
Vậy mà đôi mắt ta nhìn xa đến nỗi
Tưởng chỉ ngửa mặt lên thôi môi đã chạm phải Sài Gòn
Chỉ cần đưa hai bàn tay lên thôi
Cũng đụng đàn chim én liệng…

Tự do ở cuối đường – hạnh phúc ở cuối đường
Có đi thì phải đến
Thành phố như người ta yêu hiển hiện
Có hình ảnh nào nhạt nhòa trong mắt ta
Đàn én liệng trên đầu ta ư?
Phải đâu thành phố lá me che
Ta đang vội vã đi còn mắt ta vô cùng bận rộn
Mặt-đường-níu-ta-ngó-xuống
Quẩn quanh bốn hướng
Ngổn ngang vôi vữa cuộc đời.
Khi ta muốn lá cờ ta bay bình yên nơi góc phố nào
Ở đó cần có bộ óc thông minh và bàn tay trong trắng
Thành phố như chàng trai da nhanh bắt nắng
Ta còn bận đi tìm những con sâu đo qua những lá cây
Bữa cơm lưng, bữa cơm đầy
Giấc ngủ ta cũng lưng đầy như thế.

Kẻ thù đối mặt với ta đâu chỉ từ biên giới
Và những con rắn khoanh tròn theo rễ cây thành phố
Ta biết chúng từ đâu tới.
Ngổn ngang trăm mối trong lòng
Bước chân không hề vội.
Trước dòng đời đang chảy xiết quanh ta.
Thành phố thức trong ta ngọn đèn rất tỏ
No đầy trong mắt ta quả cà chua qua mùa nước lũ
Và đội-hình-mũi-tên-lao đàn-chim, nhắc nhớ
Có một mùa xuân xa xa trên đầu
Quả cà hồng chín tới những mùa sau.

Thật kỳ lạ, chưa xa mà đã nhớ
Tưởng lùi xa lại nhích thêm gần
Em chớ vội về trong phố để nghe cây
Đêm nào chồi non không lách tách!

Tháng Chạp, chồng chân lên dấu cũ
Cỏ non lấp kín lối xưa rồi
Xương mục rã dưới chân đồi – gió hú.
Máu đâu còn đỏ thắm dưới chân tôi !

Thế là hết một thời quá khứ
Cỏ non xanh xanh đến lạnh người
Máu xương – xương máu không màu ấy
Chiều lạnh – đường xa – chiều lạnh ơi.

Thu Hà Nội, áo pull em mỏng quá
Ngại một mùa đông đổ ập về.
Chiếc lá non lặng im trên cành sấu
Ngại một mùa hè còn lảng vảng đâu đây.

Tôi bỗng ngại những gì không thể có
Một khoảnh khắc thu trôi cũng sợ mất trước cuộc đời
Cúi xuống ngực thấy trên đầu trắng năm mươi tuổi
Ngại em còn trẻ quá để yêu tôi.

Em đi trong tháng nào
Anh không hề hay biết
Mùa lá non trên đầu
Vẫn nói lời tha thiết.

Em đi trong ngày nào
Có mà trời đất biết
Em như con chim câu
Trong sân anh đầy thóc!

Em đi trong giờ nào
Sông sâu – sào ngắn quá
Nào anh có dò đâu
Em tôi hiền như cỏ!

Em đã đi xa rồi
Như điều gì rất thực
Như em vừa hôn tôi
Vừa chúc tôi ngon giấc!

Vậy là em đã đi
Tưởng mình em hay biết
Vậy là em đã đi
Ngỡ đi tìm hạnh phúc

Biết đâu phía sau mình
Mùa Xuân anh vẫn ngọt
Mùa Xuân đang giẫy chết
Từng chiếc lá non xanh.

Khi buồn em lại gọi tôi
Lâu ghê không gọi – Cô vui đấy mà.
Lúc thì gần lúc thì xa
Đời em cứ mãi bôn ba với tình
Tôi như nhà trống không phên
Cách chi gỡ nỗi muộn phiền trong em
Giữa đêm nghe điện thoại reng
Nửa lo mẹ bịnh – thuốc men thiếu, thừa
Nửa còn một ít dây dưa…
Sợ em đau khổ nên – thưa – gọi mình
Vội vàng nhấc điện thoại lên
A-lô! Sai số! Sai tên cả rồi!
Đầu dây có tiếng cười vui
Cuối dây còn lại một người lặng im!

Khi lên chơi Bà Điểm
Thèm nghe một tiếng chuông chùa
Tiếc hoàng hôn chưa kịp xuống
Bụi đường trưa – đầy trưa.

Căn phố này Xây mở pharmacie
Năm em rớt tú-tài-một.
Con đường này ra Giác Hoàng tự
Nhài bứt một cọng lúa non
Lúa đang thì ngậm sữa.
Trên đỉnh núi Póc
Có một chiều tôi bay thẳng về Bà Điểm
Tôi thôi miên tôi
và tôi nghe thấy tất cả
Tiếng xe thổ mộ lộc cộc
Vạt áo dài trắng của Nhài phơ phất
Nụ cười răng khểnh của em
Ở Stungtreng
Đêm mù sương đầy trời
Tôi nghe thấy tất cả
Hồi kinh phổ môn buổi công phu tối
Vị sư già lần tràng chuỗi hạt
Ngọn nến cháy rưng rưng…
Boong…boong…boong…
Tôi gióng hồi chuông kết thúc
Và cúi xuống ngực mình
Nhìn đôi cườm tay còn in dấu còng số 8
Mỉm cười một mình
Đức Di Lặc cũng đang nhìn tôi mỉm cười.
Khi lên chơi Bà Điểm
bụi đường trưa – đầy trưa
Thầm cảm ơn những ồn ào phố thị
Cùng điệu nhạc buồn trong quán nhỏ trưa
Và cả em bây giờ nữa – xin cũng cảm ơn
Tất cả đã cho tôi biết khát thèm
Và nhớ, quay về…

Trái đất bây giờ không còn lạnh lẽo
Trái đất đang phả hơi thở ấm nóng
Bà Điểm không có Nhài
Bà Điểm vẫn chật ních quá khức
Quá khứ – Ấy là biển mênh mông vô tận
Vỗ về ta – Khi hốc mắt ta đã khô
Lời ca ta sắp tắt
Quá khứ không bao giờ chết
Dẫu đó chỉ là chiếc răng khểnh của em thôi
Phải không Nhài?

Đêm
Cành cúc trắng nằm sóng soài trên ghế
Tranh tĩnh vật Võ Tấn Cương
Lịch treo tường – không Em.
Thiếu nữ khỏa thân
mỉm cười, nheo mắt

Đêm
con chó trắng ngủ vùi
trên nền gạch tím
căn phòng lặng lẽ khỏa thân

Đêm
ngồi tượng hình bên khung cửa
Gió
Ba giờ khuya
Chuông nhà thờ chưa đổ
Giọt nước mắt chưa lăn
Anh khỏa thân cả trái tim mình
Em khỏa thân em
Thiên thần – ác quỷ
Đêm khỏa thân đêm
Thành hòn đá tảng giữa tim ta.

Mưa chiều dai dẳng, chưa tan
Một vòm mây trắng lang thang cuối trời
Tôi đi hết nửa cuộc đời
Như vòm mây ấy ngược xuôi một mình

Em ngồi em búng que diêm
Con chim lửa bay vù qua cửa sổ
Em ơi
Nếu đấy là biểu tượng của tình yêu
Như em thường nói
Có khi nào nó trở lại với ta đâu.

Lửa trong lò đang rừng rực cháy
Là tình yêu mãi mãi
Khi hai ta cùng nhen ngọn lửa ban đầu.

1.
Riêng một bông vạn thọ
Xin đến bến Nhà Rồng
Gởi hôn con sóng đó
Gởi lòng vào mênh mông

2.
Trắng một cành huệ trắng
Ta hôn muốt xuân này
Chiếc hôn ra ngoài ấy
Trắng ngàn lau trắng lay.

3.
Lỡ hôn nắng ngoại thành
Giật mình bông lúa mới
Cũng may mà em tới
Cành mai phố đang vàng

4.
Tên lừa đảo giữa chợ hoa lừa đảo
Rằng mai tuốt lá đúng hôm rằm
Thương cành hoa nở muộn
Trong tay thằng lái buôn.

Ngọt ngào là hạt sương đêm
Long lanh trên chiếc lá mềm. Với tôi
Ngọt ngào là tiếng hôn thôi
Ở đâu đó của một thời rất xa
Ngọt ngào là chút hương hoa
Của nhà ai đó thoảng qua đời mình
Ngọt ngào ơi – trước khi xuân
Gió lang thang gió mây vần vũ mây

Ngọt ngào nào cũng lênh đênh
Như em chưa ghé đời anh bao giờ.

Bắt đầu từ con đường nào
Tôi nhận ra ngôi nhà xinh xắn của em?
Bắt đầu từ cánh lá non nào
Đã đưa tôi tới nơi em?

Bắt đầu từ tia chớp nào
Biến mất em

Bắt đầu từ dòng sông trắng nào
Em tôi trở lại
Tất cả đều xa ngái
Tôi không còn nhớ chút gì về em.
Cả về em nữa – bây giờ
Em phục sinh trong tôi những ngày xa lăng lắc ấy
Con đường – ngôi nhà
Dòng sông – tia chớp
Em phục sinh tôi và tôi bắt đầu nhớ
Không thiếu điều gì
Cả em nữa – bây giờ
Chân dung em huyền ảo – lung linh
Thiên thần – ác quỷ

Bắt đầu
Tôi lại bắt đầu
Cuộc tìm kiếm – luân hồi
Đến ngôi nhà có em cư trú
Bằng tất cả niềm vui và nỗi buồn

Khi ngồi với phố, nhớ sông
Lúc lên với núi nhớ đồng không nguôi
Một bài thơ viết chưa xuôi
Bên em nỗi nhớ trong tôi mất rồi!

Đường về không có lối mòn
Cỏ gai rối cả một vòm vườn xưa
Đong đưa mấy ngọn dừa tơ
Trời đâu lại đổ cơn mưa mịt mùng
Trường nào tên Nguyễn Văn Tư
Cánh ong vò vẽ mập mờ trong sương
Tôi đi như kẻ lạc đường
Bàn chân tóe máu quê hương xa vời
Tôi giờ từ chín phương trời
Từ mười phương phật xa xôi trở về
Thương là thương mẹ Bến Tre
Mỗi Xuân cứ vậy nửa về nửa đi
Ba mươi năm chứ ít gì (*)
Tuổi tôi giờ đã vân vi tóc chiều
Kính chào quê Mẹ thân yêu
Cõi xa – Chiều – vẫn chín chiều ruột đau.

Tháng Chạp đi rồi – em chưa xa
Giêng – Hai đang đến – em chưa đến
Thơ bật khóc giữa hai hàng nến
Và bật cười vang giữa phố xưa

“Giả đò mua khế bán chanh”
Giả đò em cứ giả còn yêu anh phải thực tình !

Ngồi tượng hình nhẩm câu hát cũ
Thêm một câu hát mới cho người thời mình yêu

Bây giờ em ở đâu xa thật xa
Bên chồng, bên con ríu rít
Một mình tôi ngồi một mình tôi nhớ
Đến với tôi em đã thật sự giả đò.

Nếu như con diều giấy
Chính tay mình đã bứt dây
Tháng Chạp tôi không ngồi, nghĩ
Về một người đã ra đi.

Tháng Chạp, những buồn vui rực rỡ
Nối nhau về.

Mai ra Hà Nội – đêm nay thức…
Phải chi ta xuống được Hải Phòng
Gặp bạn văn, vài cô gái chưa quen biết
Và nghe mùa phượng đỏ rưng rưng.

Hà Nội đêm nay em đang thức?
Cái nóng làm em lạnh thấu xương
Dưới nấm mộ kia em còn hát
Bài Đôi Bờ (*)… “Đêm nay em đang chờ”?

Mai ra Hà Nội – đêm thao thức…
Hải Phòng là một nỗi nhớ vu vơ!
Thôi thì xin trú chân Hà Nội
May còn gặp lại bạn văn thơ.

Còn em, xin cứ nằm yên nghe cỏ hát
Một nén hương lòng anh đã thắp trước khi đi.
“Đêm nay em chờ…anh không tới!”
Ở nhà bạn văn chắc anh lại đọc thơ em.

Có lần tôi nói yêu em
Gương mặt rạng rỡ của em chợt xanh như tàu lá
Sợ hãi? Âu lo? Hay điều em mong đợi từ lâu đã tới?

Anh yêu em
Tôi lập lại như một tiếng vang từ sâu thẳm
Từ biển cả mênh mông, từ núi cao vách đứng
Giọt nước mắt long lanh
Giọt nước thẳm đen trên vách
Niềm vui hay nỗi xót xa nào vừa đến với em?

Căn phòng chật chội đến nghẹt thở
Cái gạt tàn hình quả trứng gà vừa nở
Vài sợi khói khoanh tròn
Khét đắng
Ly nước tràn đầy trên tay em
Em bật đứng lên
Cốc nước rơi xuống đất
Vỡ tan tành
Tôi vừa đi tới một người
Tôi vừa chia tay một người?
Tôi vừa đưa tiễn một người
Hay tôi vừa tiễn đưa tôi?
Không có ai trước tôi
Chẳng ai sau tôi cả
Chỉ còn tôi với bóng mình trên vách đó.

Đêm trắng – dìu anh thức trắng đêm
Nghe khua một tiếng lụa êm đềm
Nhài ơi, đâu đó em còn hát:
“Đôi bờ” sông trắng – vắng sông êm

Không ai muốn đào huyệt để chôn mình
Tôi trở về, bao nhiêu năm căn hầm còn trong đất
Cây dừa lão cụt đầu còn trên đất
Miểng chén, miểng sành, gò ông táo, mỗi năm
Cứ chồng cao như nấm mộ
Nhưng phải nào mồ mả chi đâu
Dưới đó – căn hầm
Của thời mặt đất tưởng như không có lửa
Và mặt trời mỗi ngày không hồng trên cửa biển…

Hàng dừa xanh đứng nghĩ, ven sông
Nói một thời của nó
Thời lấy đọt che người làm nên xứ sở
Và giọt nước mắt chia ly cũng phải giấu trong lòng!
Có một thời trai trẻ của tôi
Đã được sống bình yên trong những căn hầm ấy
Những căn hầm nào có lạ chi đâu
Hầm cánh én-mái-nhà, hầm vách đôi
Hầm xây dưới lùm tre, gốc ổi
Giặc biết đấy nhưng chúng làm sao hiểu nổi,
Có một căn hầm nơi trái tim người mẹ rất bình yên.

Khi chúng bấm kìm vào ngực mẹ thiêng liêng
Chúng định mở nắp hầm nơi trái tim mẹ đấy
Trước mặt mẹ vườn dừa lảo đảo…
Ai đã qua suốt cuộc chiến tranh này
Đều hiểu giá ngày hôm nay được sống
Nghe ngọn gió rong chơi trên dòng sông phẳng lặng
Có thể nào quên
Nhìn lại những căn hầm?
Nơi quá khứ chói chang ngọn cờ cách mạng
Nơi giọt máu đã chan hòa cùng ánh sáng
Đi qua mỗi cuộc đời thường
Qua mỗi vườn dừa, thửa ruộng, dòng kinh
Tôi nói với ai như tự nói với lòng mình
Để còn được trái tim trong trắng.

Và ai chẳng có một quê hương riêng để ấp ủ trong lòng
Dẫu đất nước nơi nào không yêu dấu
Tôi chọn nơi sinh ra những căn hầm
Thời mặt đất là đêm chưa có lửa
Tôi chọn tiếng mõ tre làm điểm tựa
Mang âm thanh đi suốt cuộc đời mình.

Mấy lần tôi đã qua sông
Mấy lần qua mấy riêng – chung cuộc đời
Con thuyền nào đã đưa tôi
Mái chèo nào đã tiễn tôi lên bờ
Mái nào đã vẫy tôi đi
Có chăng cũng bảo tôi về mai sau
Tiếng chim nào hót trên đầu
Sóng nào sóng chẳng lao xao mạn thuyền
Tôi đi qua suốt bao miền
Có đâu tôi dám quên nhìn lại sau
Nơi dòng sông mãi thét gào
Thuyền em một mũi tên lao âm thầm
Nơi bao đồng đội tôi nằm
Đêm đêm đom đóm thắp nhang trên đầu
Nơi dày những hố bom sâu
Máu xương đã bắc nhịp cầu tôi qua
Lẽ nào tôi đã đi xa
Một mùa giông bão, một ga ân tình !
Vậy là tôi đã qua sông
Bao dòng sông cũng có dòng sông riêng
Bao con thuyền cũng có thuyền
Khuấy trong tôi mái chèo đêm năm nào
Cả điều mơ ước thẳm sâu
Của nhau, cũng có ngờ đâu bây giờ…
Bây giờ thực phải đâu mơ
Nên chi nước mắt trong thơ sáng bừng
Cảm ơn em đến vô cùng
Cho thơ tôi biết ngược dòng sông xưa
Để từ nơi ấy tôi đi
Để từ nơi ấy ta về với nhau.

Bên tập thơ ” Cỏ Gai”, Chim Trắng- Hồ Văn Ba đã xuất bản nhiều tập thơ mang ý nghĩa nhân văn như ” Quán Bạn”, ” Tượng Của Tôi”. Cùng nhau đọc và cảm nhận cấu tứ của chúng trong những bài viết tiếp theo nhé. Chúng tôi xin chúc các bạn luôn vui vẻ, thành công nhé!

Related posts

Chế Lan Viên-tiểu sử về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác

admin

Nhà thơ Phan Văn Trị cùng những trang thơ ấn tượng phần 2

admin

Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh cùng kho tàng thơ dịch đặc sắc nhất phần 4

admin

Leave a Comment