Nhà Thơ Nổi Tiếng

Tập Thơ ”Hoa Trên Đá II” Của Chế Lan Viên: Sống Mãi Theo Thời Gian

Nhà thơ Chế Lan Viên được rất nhiều người biết đến nhất là với kho tàng thơ ca của ông. Với ngòi bút tài hoa, lối thơ nhẹ nhàng đi sâu vào tâm hồn người đọc nên ông được rất nhiều vị độc giả quý mến. Trong số tập thơ đồ sộ của ông, có một tập được mọi người yêu thích hơn cả chính là tập ” Hoa Trên Đá II” của ông với những bài thơ vô cùng đặc sắc

Hôm nay, các bạn hãy cùng uct.edu.vn cảm nhận thêm về những bài thơ của Chế Lan Viên ngay sau đây nhé!

Nội Dung

Chế Lan Viên tên thật Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 14/1/1920 ở Cam Lộ, Quảng Trị. Lên 7 tuổi, cả nhà chuyển vào Bình Ðịnh, bút danh Mai Lĩnh, Thạch Hãn, Thạch Mai. Năm 17 tuổi, nổi tiếng với tác phẩm Ðiêu tàn. Năm 1939, Chế Lan Viên ra Hà Nội học, vào Sài Gòn làm báo, lại về Huế dạy học. Khoảng 1942, ra Vàng sao, viết tập truyện ngắn Gai lửa. Sau Cách mạng tháng 8, làm báo Quyết thắng của Việt Minh Trung Bộ… Năm 1949, Chế Lan Viên vào Ðảng Cộng sản Việt Nam. Nhiều năm ông tham gia ban lãnh đạo Hội nhà văn Việt Nam, Ðại biểu Quốc hội các khoá 4, 5, 6, 7.

Tác phẩm đã xuất bản:

Tập thơ:
– Gửi các anh (1955)
– Ánh sáng và Phù sa (1960)
– Hoa ngày thường, Chim báo bão (1967)
– Những bài thơ đánh giặc (1972)
– Ðối thoại mới (1973)
– Hái theo mùa (1977)
– Hoa trên đá (1984)

Truyện ký:
– Thăm Trung Quốc (1963)
– Những ngày nổi giận (1967)
– Giờ của số thành (1967)

Viết phê bình:
– Phê bình văn học (1962)
– Suy nghĩ và bình luận (1970)
– Bay theo đường dân tộc đang bay (1976)
– Từ gác Khuê văn đến quán Trung Tân (1980)
– Nghĩ cạnh dòng thơ (1982)

Từ sâu thẳm không tên
Vớt lên bình đựng lệ
Người xưa ném nỗi đau vào bể
Nhờ sóng triều vạn kỷ
Lấp vùi trong lãng quên
Dẫu không chu kỳ
Như Tua Rua, sao Chổi
Chiếc bình tuột khỏi tay nhân loại
Lại về trở lại
Nằm kia
Cùng với hoa trúc đào đỏ chói
Và sóng triều vào bãi
Ném thia lia

Tôi từ xứ lắm bom
Giáp mặt nghìn lần cùng cái chết
Đứng trước chiếc bình con
Vẫn cứ bàng hoàng
Ồ! Ta đã nghe rao giảng về hư vô
Tro tàn, gió rét
Ăn miếng buồn trong thơ
Uống nỗi đau ở triết
Ờ, thế mà chả có gì mất hết
Chiếc bình kia vẫn còn
Vỏ ốc hoá vôi
Rễ cây bám bình hoá thạch
Nét hoa văn vẫn cười

Dù hoa chỉ một ngày
Dù sóng kia vạn tuổi
Dù đời nhiều chuyện rủi
Mà rất nghèo cơ may
Chiếc bình xưa vẫn đó
Người này vứt để quên
Người kia cầm lại nhớ
Thời này dù vứt bỏ
Thì thời kia nhặt lên

Trang giấy, ngọn đèn và anh
Ba nhân vật một vở kịch hài nên rất bi thương
Cố nhiên khổ đau không phải ngọn đèn
Cả trang giấy nữa
Cả hai, chúng trông cậy vào anh đó
Anh có thể làm gì
Chứ ngọn đèn không phí lửa
Số phận trang giấy cao hơn chính nó
Không phải thiêu mình trên ngọn đèn kia
Ngọn đèn mà bóng đêm giết chết dễ dàng
Chỉ hiu hiu gió
Vì chỉ còn anh thôi là cứu cho tất cả
Anh mà lắm lúc sóng bể, sao trời không hỗ trợ
Tất cả phải tự lấy mình ra che chở
Tự sâu thẳm đời mình, sâu thẳm, tận cùng sâu

Con cờ anh và cờ khách quan đối thủ
Chơi ván đời được thua chưa ngã ngũ
Bỏ xừ anh!
Anh và bóng anh
Anh và bóng em
Anh và số phận
Anh đi một bước, nó đi một bước
Anh đi con mã, nó đi con xe
Anh ghểnh con sĩ, nó xơi con tốt
Chả còn biết ai sau, ai trước
Ăn, chả bao giờ ăn luôn
Mà lỡ thua thì thua tuốt
Đẩy cờ anh vào những thế chênh vênh
Chiếu tướng thình lình
Mà chẳng ai đến cùng anh
Mách nước
Nó là khách quan, nó là tai ương
Nó là hạnh phúc, nó là văn chương
Nó là bóng em, nó là bóng anh
Nó chả là gì, nó là tất cả
Ôi, bạn bè anh đâu cả?
Để anh chơi chỉ có một mình!

Tôi chỉ là nhà thơ cưỡi trâu
Đánh trận giặc cờ lau
Thế mà không đâu
Gặp Thập nhị sứ quân đầu rừng cuối quận
Thành ra người dẹp loạn
Rồi làm tướng làm vua
Lắm chuyện nhức đầu
Cho tôi về với cành lau
Vàng vọ
Về với con trâu nghé ngọ
Có cặp sừng bỡ ngỡ
Chiều buồn không biết cọ vào đâu?
Đã lâu ta không nghe hồn lau gọi nữa
Xa tiếng gió xạc xào
Xa mùi bùn, mùi trâu, rơm rạ…
Chỉ nghe danh vọng ầm ào
Vinh quang xí xố
Hoa Lư ở đâu?
Hoa lau ở đâu?
Hồn lau ở đâu?
Hồn ta ở đâu?

Trời như ngọc, như hồn, như bể
Ba cái sâu xa xanh có một màu
Ôi, cái tội của muôn đời thi sĩ
Đem hồn đo cho trời bể thêm sâu

Ông thì hay say
Tôi thì quá tỉnh
Mà ông đằm tính
Tôi thì hay gây
Thiên hạ người người yêu ông
Tôi, thiên hạ ghét
Gặp tôi, người ta lườm nguýt
Nghe ông, người ta thông
Thế mà lạ không?
Hai đứa thân nhau mãn kiếp
Từ đít nớp xăng ca-răng-xết (1947)
Mà chưa phản thùng
Nhớ cái chiều đưa ma gió rét
Tiễn Diệu đi Vô Cùng
Trên xe tang nhọc mệt
Có cô Bạch Diệp
Tôi ngồi bên ông

Tôi sinh ở Châu Hoan
Chứ đâu Quảng Trị?
Lý lịch có lắm điều chưa cụ tỉ
Rồi sau sẽ bàn
Quảng Trị vốn là quê mẹ
Gió Lào râm ran
Thế thì khác quái gì Nghệ An
Gió Lào ào ào ra bể?
Huống gì Nghệ An là nơi mẹ có thai tôi
Rồi đẻ
Tôi khóc oe oe trong gió Lào rách xé
Đẻ ở Châu Hoan xứ Nghệ
Mẹ kêu “thằng Hoan”
Tôi xin Thông nắm lộc lằng vì thế
Nhớ bát canh lộc lằng
Mẹ nấu ăn ngày bé
Cái vị đắng lộc lằng như tuổi thơ đầy hương vị
Nửa đời người chưa tan
May mà ông giải oan
Gửi cho tôi nắm lộc lằng quái quỉ
Ăn một miếng nhớ trời nhớ bể
Nhớ trăm thứ đầu cua tai nheo rồi nhớ mẹ
Không phải cua, hôm ấy là tôm – tôm bể
Húp muỗng canh, cắn quả cà xứ Nghệ
Giòn tan
Tôi còn để lại chùm nhau
Mẹ chôn ở Nghệ An
Có còn không nhỉ?
Ông ở huyện Quỳnh qua Diễn Châu mấy tí
Trông giùm cho nhau!
Tôi ở Sài Gòn mới mười năm mà mọc rễ
Thế mà cơn bão lay chùm nhau ở Nghệ
Làm tôi đau
Cũng bởi sinh ở Nghệ An
Tôi tự ví mình với ông vua Thục
Chạy thục mạng trước thời gian truy bức
Bố tôi hay kể cho tôi Đền Công
Mỵ Nương và máu cô nàng…
Tuổi thơ tôi khóc
Lớn lên tôi mới rải lông nga của mình ra bể Đông bể Bắc
Từng trang từng trang…
Thôi khéo tôi Sài Gòn lại đi nịnh Nghệ An!
Thằng con Quảng Trị
Lớn lên Nghĩa Bình
Già ở Tân Bình
Một cây mẫy rễ
Một đời lang thang

Tôi biết ông có lắm nỗi buồn sâu
Nên ông uống rượu
Lại đổ cho tôi
Phượu!
Chớ có mà hại nhau!
Thề có tóc hoa râm nay muốn bạc trên đầu
Tôi không yêu thơ ông lúc nào hả? Hả?
Yêu cái câu sức người hóa thân cho sỏi đá
Yêu cái câu phi ngựa lên đèo Thẩm Mã
Yêu câu Bắc trộn vào Nam trong sóng Cửa Tùng
Yêu câu Nguyễn Du nấm mộ giữa đồng
Yêu câu hoa hồng
Ngát mùi hương cúc
Thoảng chút mùi sắc dục
Chưa nhiều trong thơ ông
Cố nhiên là thơ ông không giống tôi loanh quanh luất quất
Loa Thành mê cung
Cũng không như của cô kia õng ẹo õng à, nà nuột
Hay như ông nọ lộc cốc, bà kia lung mung…
Thơ ông chân chất
Lúa lên hương giữa đồng
Thơ ông suối trong veo
Chảy tấm lòng rất thật
Của một người rất yêu
Rất yêu mà chưa đựoc ngủ
Bên hoa cho đủ liều
Vì ông phải thức
Đón câu thơ gió vèo
Vì còn phải lo Viện, lo văn, lo đời, lo sử
Lo giá-lương-tiền trong rổ chợ
Lo trăm thứ của cuộc đời dây nhợ
Đâm ông buồn nhiều
Rồi ông cứ ngỡ nốc rượu vào sẽ đỡ
Cái bệnh ở lòng, thuốc cho ở cổ
Cạn chén này, chén khác ùa theo
Chết mong mình chôn ở Lái Thiêu
Đợi giờ trúng tủ
Quả chín như những chùm môi son Nam Bộ
Lộp độp rụng xuống mồ ông đều đều
Ông lãnh đủ và dùng đủ
Cho hồn phiêu diêu

Xứ Nghệ mình từng đưa dân lên rú
Xứ Nghệ mình gieo mạ ngoài sân
Xứ Nghệ mình không cù lần
Đặt vòng, tháo vòng bất tử
Xứ Nghệ mình giỏi đủ
Giàu cá rồi giàu gỗ
Chừ lại giàu ông Thông
Văn chương hơn tú, cử
Bút châm hay không châm
Trữ tình hay không trữ
Làm văn như Đặc công
Mần chi, ông chẳng mần
Giá thi trước sân rồng
Đậu Trạng sẽ là ông
Rồi thì ông đi sứ
Cờ quạt che đầy đồng
Thức nhắm đâu phải lạc
Mà gỏi gà, nem công
Ông là Trạng đất Quỳnh
Lưu câu văn có võ
Ông là ông Trạng đỏ
Đỏ ấy nhưng lại tình
Ông thôi làm Viện trưởng
Phải đâu vì thiếu “chưởng”
Về nhà viết chân dung
Chân dung và chân tướng
Kiếm tiền mua rượu dùng
Tướng ông thế mà hung
Thừa viết văn học sử
Cóc cần văn cử tử
Yêu ai thì khuyên vòng
Cái vòng khuyên chóe đỏ
Mà ghét thì bỏ xó
Đầu hay chân mặc họ
Bút và lòng không dung
Bút và lòng không rung

Thịt cầy hầm với mẻ
Thịt vịt chấm muối gừng
Mực nướng nướng thơm lừng
Bánh đa rồi rượu đế…
Nâng chén lên lễ mễ
Hoan tôi xin thưa rằng:
– Thưa chị Thông lưu ý
Vợ tôi – mụ Thường – khuyên anh Thông say đừng say bí tỉ
Có say, say cầm chừng
Có uống, uống lưng lưng
Mở mắt ra he hé
Nhìn lấy đời một tí
Sau đó bỏ rượu dần
Rồi bỏ luôn một thể
Mạnh chân và khỏe tay
Xe đạp đạp như bay
Không rượu mà cứ say
Vào đời không trúng gió
Thơ càng hay hơn cũ
Anh Hoan em đề tựa
Làm sao mà không hay?

Tôi lặp lại như vẹt các lời phu nhân tôi dặn
Bỗng ngập ngừng thấy gay!
Kìa đầu Thông bây giờ bạc trắng
Thay vào rượu giải sầu, ta tính sao đây?

Khéo rồi mất giống bò sữa, họa mi, ngựa đua, gà chọi…
Khó gì? Ta không giữ, không nuôi thì nó mất
Giống các nhà thơ cũng vậy
Giống chồn xạ hương không ai gặp
Tuyết trên non cao không ai thấy
Giống nàng Tiên, ông Bụt hiện trong mơ…
Mà chả cần ai giết
Chỉ thôi yêu là nó chết
Chỉ cần bâng quơ vu vơ đặt ra câu hỏi
Trịnh trọng cái bâng quơ vu vơ ấy
Hỏi rằng: Ích gì họa mi?
Ích gì bò sữa?
Ích gì xạ hương?
Ích gì thi sĩ?
Ích gì nàng Tiên?
Ích gì cái hôn?
Ích gì giấc mơ?
Ông Bụt ích gì?!..

Khi ta kỷ niệm Nguyễn Du chả ích gì cho Nguyễn
Chả qua để kẻ yêu thơ khỏi tủi trong lòng
Ông đã hoá mây trắng ngang trời hoài niệm
Hoá ra Kiều cao gấp mấy đời ông

Lệ ta nhỏ trên Kiều ba trăm năm sau
Ích cho Nguyễn ba trăm năm trước
Ông vui thấy ta còn biết khóc
Giữa cuộc đời chưa hết bể dâu
Bất tử hay không, Nguyễn cóc cần
Thiên tài quen sống đời mây cô độc
Tuổi tên là phù vân
Ông chỉ mong ta bền một chữ tâm
Nhỏ một giọt sương người bên khóe mắt
Cái Nguyễn chờ là giọt lệ hồi âm

Ngày nhỏ khi áo tôi cũ rồi
Khóc mẹ đòi áo mới
Mẹ chả có tiền may
Lấy áo kia lộn lại
Xấu cũ giấu vào trong
Xênh xang khoe phía trái
Trái nhưng mà lại mới
Hai mẹ con đều mừng

Tôi làm thơ nửa đời
Thơ đã già đã tãi
Như con chuột quay vòng
Một điệu quay vạn lần
Chuột mỏi, người cũng mỏi
Làm thơ như đồng thuộc
Sức ì luôn trói buộc
Cái cũ đã thành thần
Cóc khô thành tài năng!
Hay là ta lộn trái
May có gì mới chăng?
Xưa nghiêm túc nghiêm trang
Giờ nửa khôn nửa dại
Lộn lèo trong gió trái
Theo lời dạy Chagall
Thử đưa xiếc vào văn
Chơi trò hề lăng nhăng
Bớt cái điều trọng đại
Đấu kiếm và đu bay
Cưỡi ngựa và leo dây
Bắt chước đào lộn hột
Vỏ tâm hồn lột tuốt
Cho thân thể phô bày
Mai-a kêu: “Quay trái!”
Còn tôi thì lộn trái
Bớt bớt điều kiêng khem
Bạn bè ghé mắt xem
Gật đầu khen: Phải! Phải!
May máy và máy may
Giờ mày mới là mày!

Phạt bảy nghìn tiền điện
Lấy gì trả bây giờ?
Bán đi bảy tấm ván
Bạn cho làm trần nhà

Cảm thông nhà thơ nghèo
Nửa cho và nửa bán
Sợ nhà lợp mái tôn
Chạy trời không khỏi nắng

Những trưa hè nóng bức
Nghĩ nhiều càng thương thân
Tuổi lớn vẫn viết được
Miễn nhà có cái trần

Chung quanh bọn tham ô
Xây biệt thự lớn, nhỏ
Còn lên lớp cho thơ:
“Cần chịu đựng gian khổ”(!)

Sáng, ta viết ngoài sân
Nhờ cây cho bóng mát
Trưa, ăn cơm dưới thềm
Mồ hôi có gió quạt

Dầu vậy vẫn khoái trí
Được nhiều người cực hơn
Khen: “Anh mà còn thế
Việc quái gì em buồn?”

Anh là tháp Bay-on bốn mặt
Giấu đi ba, còn lại đấy là anh
Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc
Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình

Cái vòng tròn của vành xe, của vầng trăng
Làm anh khổ
Nhưng thời gian như thạch nhũ
Thời gian ùa nước lũ
Thời gian triệu năm cho uranium phóng xạ hóa ra chì…
Thì ích nỗi chi?
Phút nào anh cũng có thể hóa ra đất ra chì tức khắc
Gió thổi mây bay bất trắc
Lúc nào mà không tử biệt sinh ly
Lúc nào anh cũng có thể thành Hàn Mặc Tử, Bích Khê…
Phải tranh thủ làm thơ giữa hai chớp mắt
Anh có phải Thánh Gióng đâu mà chờ lên mình ngựa sắt
May lắm trong thơ cầm một cái roi tre
Cỡi tàu ngựa rách toe
Lá chuối!
May lắm nữa, cầm cờ lau Đinh Bộ Lĩnh thuở nào
Tìm thập nhị sứ quân mà đào
Tài năng ở đâu? Tài năng ở đâu?
Cho tôi với!
Trên trời cao hay dưới bể sâu?
Chỉ cho tôi để tôi tiến tới!
Khốn nỗi
Nó ở bên kia bể thời gian không ai chờ đợi
Tôi qua đấy trên một sợi dây không phải là cầu
Vậy mà còn phải lần từng chữ từng câu
Rõ tội!
Ngẩng nhìn lên tóc xanh chưa hoa râm đã bạc ngang đầu
Chưa tỉnh dậy, hoàng hôn đã tối
Vùng có những ngàn sao lừa dối
Những Ngân hán, Ngân hà Vịt lội
Những Sao Hôm, Sao Mai chờ đợi
Mà rồi rụng hết trước tiếng gà nôn nao
Xua đuổi
Viết đi! Viết đi! Viết! Viết!
Thời gian nước xiết
Còn trơ lại cái đầu lâu
Hămlet
Viết thêm! Viết nữa! Viết vào!

Tặng cho ba con gái, nhưng riêng tặng Vàng Anh là đứa làm thơ
(C.L.V.)

Cẩn thận nhé! Cẩn thận nhé!
Kẻo rồi có lúc mùa vải đỏ và chim tu hú
Đến lúc nào, đi lúc nào, ta không biết
Trời xanh, hoa mai, chim nhạn…
Về lúc nào, đi lúc nào
Ta chẳng hay cho!
Ta cúi xuống đất
Hí hửng nhặt tìm từng cái kim rơi vụn vặt
Mà để lồng lộng trên cao
Những mùa trái, mùa chim bay mất
Những mùa yêu, mùa hạnh phúc bay vèo!
Chim tu hú có cần đâu
Ta nghe nó hay không nghe nó
Nghe nó, ta thành tình nhân, thi nhân, triết học…
Còn nếu như không nghe
Mà ù ù cạc cạc
Thì hết mùa vải này vẫn còn vải khác
Bên sông đỏ rực
Bất cần ta, vải chín đón chim về

Ai không hóa đá Vọng Phu một phút giây nào đó trong đời:
Vọng Phu tình ái
Vọng Phu Thơ
Vọng Phu Lý Tưởng…
Cứ gì nàng Tô Thị bế con
Lên núi chon von
Mới là người vọng
Vọng ư?
Ai có một chân trời
Và mất cái gì sau đó phía chân mây

Cái trò chơi quái quỉ
Tay cầm kim, tay cầm sợi chỉ
Vừa chạy vừa xâu không một phút dừng
Chạy một đời rụng hết cả thanh xuân
Kim run run mà chỉ rung rung
Có lúc chính là kim ngọ nguậy
Có lúc chỉ lọt vào rồi lại sẩy
Xâu vừa xong, gió tuột nửa chừng
Lỗ kim… lỗ kim trước mắt
Oan khiên oan khuất
Ta chạy một đời không dứt
Vẫn toi công!

Cây kim Mozart xâu một cách bất thần
Lý Bạch xâu như không hề nghĩ tới
Rimbaud xâu bằng thiên tài hoang dại
Nguyễn Du xâu trên đầu mái tóc hoa râm
Holderlin điên không xâu mà chỉ lọt…
Toàn là cách xâu của những thánh thần!

Tôi tài năng chưa đầy nửa giọt
Có hộc tốc chạy đến hết chân trời cũng là đồ bất lực
Sao chỉ ấy, kim kia tôi vẫn phải cầm?

Trên đây, chúng tôi đã chia sẻ đến quý độc giả những bài thơ đặc sắc không kém phần sâu lắm của tập thơ ” Hoa Trên Đá II” của Chế Lan Viên. Hy vọng các bạn sẽ cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc của bài thơ. Cảm ơn các bạn đã luôn đồng hành cùng chúng tôi trong suốt thời gian vừa qua! 

Related posts

Nhà Thơ Phùng Tiểu Thanh Cùng Những Trang Thơ Đặc Sắc

admin

Uống Một Ngụm Nước Biển – Tập thơ đặc sắc nhất của Nguyễn Thế Hoàng Linh phần 1

admin

Nhà thơ Nguyễn Duy và tập thơ Cát trắng (1995) hay nổi tiếng phần 2

admin

Leave a Comment